TBKTSG số 16-2017: Nỗi lo… Luật Cạnh tranh
Tòa soạn TBKTSG
(TBKTSG online) – Căn cứ vào dự thảo sửa đổi Luật Cạnh tranh, có thể thấy các sửa đổi cũng vẫn mang tính điều chỉnh và hoàn chỉnh kỹ thuật. Nhưng dường như xã hội đang cần điều gì đó khác hơn. Đó là điều gì? Mời đọc chuyên đề “Nỗi lo… Luật Cạnh tranh” trên TBKTSG phát hành vào sáng mai, 20-4.
Trong bài Luật Cạnh tranh – cần một cách tiếp cận mới và thiết thực, tác giả Nguyễn Tiến Lập cho rằng mọi đạo luật cạnh tranh đều nhằm bảo vệ quyền tự do cạnh tranh của các chủ thể kinh tế. Theo tác giả, để bảo đảm tính thiết thực của luật, cần trao quyền cho các bên hưởng lợi, bao gồm doanh nghiệp và người tiêu dùng, tạo điều kiện để họ được khởi kiện tư pháp, chống lại các hành vi cản trở cạnh tranh tự do và lành mạnh.
Theo ghi nhận ý kiến các chuyên gia, luật gia của TBKTSG (Bài Để xử lý các hành vi phi cạnh tranh, Minh Tâm thực hiện), dự thảo Luật Cạnh tranh có những điểm mới như mở rộng phạm vi áp dụng với doanh nghiệp nước ngoài; quy định các cách thức khác nhau cho việc xác định thị phần (lâu nay chỉ theo doanh thu); bổ sung các công cụ định tính nhằm xác định khả năng chi phối của một doanh nghiệp đối với thị trường… Và tính ứng dụng của luật mới (nếu được thông qua) sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các hướng dẫn chi tiết tại nghị định.
Một điểm nổi bật trong dự thảo luật là những quy định về thành lập, hoạt động, chức năng, thẩm quyền và nhiệm vụ của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia. Theo tác giả Phan Minh Ngọc (bài Tránh bộ máy cồng kềnh, bị lạm dụng) thì không cần có ủy ban này khi đã có Chính phủ “thống nhất quản lý nhà nước” và cả một bộ máy thực hiện đồ sộ ở bên dưới.
Các đề tài khác:
Vế kia của vấn đề tích tụ đất đai (Nguyên Lê): Chưa đưa giá đất nông nghiệp về giá thị trường thì rất có thể chủ trương tích tụ ruộng đất sẽ sản sinh một lớp người bị tước đoạt mới.
Nợ xấu ngân hàng và 12 dự án thua lỗ ngàn tỉ (Hải Lý): Gang thép Thái Nguyên nằm trong số 12 dự án thua lỗ ngàn tỉ đồng, đang đắp chiếu chở phương án xử lý. Không hẹn mà gặp, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã trình Chính phủ đề án xử lý nợ xấu, trong đó, các bước giải quyết đã rõ, bao gồm các khoản vay được bảo lãnh, tiền nợ đọng xây dựng nợ bản…
Để không dùng đến “biện pháp cuối cùng” (mục Ý kiến): Để tránh dùng biện pháp mua bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém thì các điều kiện thỏa mãn tiêu chí mua lại với giá 0 đồng phải chặt chẽ hơn, nghiêm ngặt hơn.
“Chuyển giao bắt buộc” thay cho “mua bắt buộc 0 đồng” (Phong Hiếu): Nếu không am hiểu tường tận về các thuật ngữ tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ rằng NHNN sẽ chấm dứt biện pháp mua bắt buộc, đồng nghĩa với khả năng cho ngân hàng phá sản đã gần kề.
Ổn định lãi suất, mệnh lệnh hành chính hay tín hiệu thị trường? (Hoàng Ngọc Khanh): Mặt bằng lãi suất trong thời gian tới chủ yếu sẽ theo chiều hướng ổn định hoặc thậm chí giảm nếu CPI ở mức thấp. Cộng đồng doanh nghiệp là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất.
Cán cân tổng thể thặng dư cao nhất trong bốn năm qua (Hồ Lê): Cán cân tổng thể năm 2016 đạt 8,53 tỉ đô la Mỹ. Cán cân vãng lai thặng dư nhờ đóng góp lớn từ xuất siêu hàng hóa. Cán cân tài chính thặng dư cao. Các tổ chức tín dụng giảm tiền gửi tại nước ngoài.
Tín dụng ngoại tệ và sự thay đổi của tỷ giá (Thụy Lê): Hiện các ngân hàng dễ có động lực giữ ổn định tỷ giá (so với thời điểm cuối năm) để mua được ngoại tệ với giá tốt khi nhu cầu vay ngoại tệ vẫn ở mức cao.
Sẽ sớm có “siêu ủy ban” quản lý vốn nhà nước? (Đăng Linh): Nhiều khả năng một nghị định về thành lập cơ quan chuyên trách đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp sẽ sớm được ban hành.
Góc nhìn khác từ “thiết bị ngụy trang” (Anh Thái): Sử dụng các thiết bị dù thông thường hay có tính năng được ngụy trang không đồng nghĩa với việc thu âm hay ghi hình lén nếu hành vi này được thực hiện công khai.
Quản trị nhân tài và tầng lớp sáng tạo (Nguyễn Quang Dy): Người ta nói nhân tài như lá mùa thu. Nhưng lá mùa thu vẫn tiếp tục rơi rụng và người ta cứ vô tình hay cố ý giẫm đạp không thương tiếc.
Doanh nghiệp muôn nẻo gian truân (Tư Giang): Vấn đề mà cộng đồng kinh doanh lo lắng nhất là sự bất ổn của môi trường kinh doanh. Thiết chế pháp lý để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp là rất thấp.
Chuyện mới ở Angkor (Nguyễn Văn Mỹ): Nể cách làm du lịch của Campuchia! Người Khmer không có những công trình đầu tư tầm cỡ, cũng chẳng cần mấy kỷ lục hình thức. Họ tận dụng thế mạnh văn hóa và bám sát nhu cầu thực tế của du khách lẫn người dân.
Ứng xử thế nào với “tour du lịch 0 đồng”? (Hà Nguyễn – Đinh Tuấn Minh): Tiềm ẩn bên trong “tour du lịch 0 đồng” là nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh.
Ngành nuôi heo Việt Nam ngó thị trường Trung Quốc (Trần Ngọc Yến – Nguyễn Thị Ngọc Bích): Sau khi các trang trại chăn nuôi mới của Trung Quốc đi vào vận hành thì cơ hội cho ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ giảm dần, do Trung Quốc nhập những giống heo có chất lượng tốt, điều kiện chuồng trại cũng tốt hơn.
Quảng cáo “ba trợn” thời trí tuệ nhân tạo (Nguyễn Vũ): Chiêu quảng cáo “bất chiến tự nhiên thành” của Burger King có đầy đủ yếu tố của một thế giới kỹ thuật số đầy biến động. Nhưng một quảng cáo trên truyền hình lại có thể kích hoạt một chiếc máy ở trong nhà người tiêu dùng, thế thì loạn!
Nhìn từ một chuyến leo núi… (Trần Bằng Việt): Quản trị một chuyến leo núi xem ra không khác gì quản trị một doanh nghiệp để chinh phục các nấc thang ngày một cao hơn…
Làm sao tẩy sạch chi phí đen dưới bàn? (Thổ Ngọa): Tham nhũng đã thành vấn nạn, doanh nghiệp hối lộ hàng ngày. Cần luật hóa sâu rộng và rõ ràng; phạt thật nặng, kể cả truất quyền công chức suốt đời khi cán bộ, viên chức nhận hối lộ; chế tài người hối lộ; hạn chế việc thanh tra mà không có lý do chính đáng…
Omnichannel: lời giải cho bài toán bán hàng thời công nghệ (Đức Tâm): Chuyện doanh nghiệp vừa bán hàng online vừa offline với hệ thống nhiều cửa hàng khá phổ biến. Và hiện đã có không ít các nhà cung cấp giải pháp quản trị bán hàng đa kênh.
Luật nào bảo vệ doanh nghiệp trước tin giả? (Bảo Uyên): “Bắp luộc bằng pin”, “xoài cao su”, “ăn yến xào là vô nhân đạo”…, những thông tin như thế từng lan truyền trên mạng xã hội. Từ người buôn bán nhỏ cho đến các tập đoàn lớn đều có thể trở thành nạn nhân của những phát ngôn sai sự thật.
Đưa điều dưỡng viên, hộ lý đi làm việc ở nước ngoài (Thùy Dung): Sự già hóa dân số ở nhiều nước dẫn tới nhu cầu lớn về điều dưỡng viên và hộ lý. Nhưng quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước về việc đưa điều dưỡng viên và hộ lý đi làm việc ở nước ngoài là triển khai từng bước, không “xuất khẩu” ồ ạt.
Hai tai nạn, một nguyên nhân (Quỳnh Thư): Tai nạn vẫn thường xuyên diễn ra từ sự tắc trách của các đơn vị thi công công trình xây dựng. Việc xử lý nghiêm đơn vị thi công để xảy ra tai nạn và trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương là lời nhắc nhở về việc phải hoàn thành trách nhiệm ngăn ngừa tai nạn đối với những người có liên quan.
Công khai hồ sơ giảng viên đại học – có quan trọng không? (Quang Sáng): Không minh bạch hồ sơ giảng viên đem lại sự nghi ngờ về chất lượng đội ngũ giảng viên.
Hoàng Thái Thanh: cá tính trong “lốt” kịch xưa (Diễm Trang): Ở Sài Gòn, sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh đã bổ sung một “nét xưa” đáng quý cho thành phố.
Trải nghiệm bằng trang sách (Hồ Anh Thái): Tác giả Huỳnh Trọng Khang (tiểu thuyết Mộ phần tuổi trẻ) đã chứng minh sự trải nghiệm qua sách cũng có sức thuyết phục, khác với quan niệm của chủ nghĩa hiện thực rằng trải nghiệm phải là vốn sống giữa cuộc đời.
Tình thương cứu vớt con người (Đặng Hoàng Giang): Tình thương đích thực luôn có sức mạnh chuyển hóa, nâng đỡ và gắn kết con người, đưa con người chạm đến những khả năng mà trước đó họ chưa bao giờ nghĩ đến.
Trang Kinh tế thế giới có các bài: Mỹ: bán lẻ truyền thống sắp hết thời (Minh Đức); Đưa tiệm cắt tóc tới tận cửa nhà (Minh Đăng); Bầu cử tổng thống Pháp: liệu có bất ngờ? (Thái Bình).
Mời bạn đọc đón xem!