TBKTSG số 17-2017: Nên tài sản hóa quyền sử dụng đất
Tòa soạn TBKTSG
(TBKTSG Online) – Gần đây, Chính phủ đã đồng ý về mặt chủ trương việc nới hạn điền, tích tụ ruộng đất. Nhiều ý kiến cho rằng để đạt hiệu quả mong muốn, quá trình này cần được thực hiện song song với quá trình công nhận một cách đầy đủ và thực tế hóa quyền tài sản đối với đất đai. Không chỉ với đất nông nghiệp, vấn đề quyền tài sản đối với các loại đất khác cũng đang được đặt ra gay gắt sau các vụ việc tranh chấp đất đai nổi cộm.
Về vấn đề này, mời bạn đọc đến với chủ đề “Nên tài sản hóa quyền sử dụng đất” trên TBKTSG bản in phát hành vào sáng mai, 27-4.
Trong bài phỏng vấn LS. Nguyễn Tiến Lập có tựa đề Chính sách mới về đất đai cần làm rõ quyền sở hữu và quyền tài sản (Mỹ Lệ thực hiện), luật sư Lập cho rằng quyền tài sản là thiết yếu và là xương sống cho tự do và phát triển. Cần bóc tách và phân biệt giữa quyền sở hữu và quyền tài sản đối với đất đai. Giải pháp hợp lý là chuyển các chức năng sở hữu đất đai của Nhà nước (đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu) sang phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân sự.
Ở bài Quyền tài sản về đất đai: rất cần nhưng chưa đủ, tác giả Vũ Thành Tự Anh cũng nhấn mạnh đất đai luôn là nguồn tài sản quan trọng, thậm chí là quan trọng nhất đối với đa số người dân. Tuy vậy, việc thiết lập quyền tài sản về đất đai để hiện thực hóa giá trị tài sản cho người dân cũng mới chỉ là điều kiện cần. Thiếu những luật định và chính sách hợp lý về đất đai sẽ ngăn cản người dân phát huy triệt để quyền tài sản để kiến tạo cơ hội kinh tế cho mình và sự phồn vinh cho đất nước.
Các đề tài khác:
Góp nhặt đại hội đồng cổ đông ngân hàng (Thành Nam): Ngân hàng TMCP Phương Đông chia cổ tức tiền mặt năm 2016 với tỷ lệ 10%; BIDV, VietinBank chia 7%… Nhưng cổ tức không phải chuyện duy nhất các cổ đông chất vấn ở đại hội đồng cổ đông các ngân hàng…
Lại đi tìm động lực cho kinh tế tư nhân (Tư Giang): Theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn – Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, suốt hơn một thập kỷ qua, đóng góp của doanh nghiệp tư nhân chỉ vỏn vẹn 7-10% GDP, nhỏ hơn so với 32% của kinh tế cá thể và 17-18% của doanh nghiệp FDI.
Chuyện đơn giản sao lại thành phức tạp (Gia Minh): Việc xử lý tài sản tặng cho đúng ra là chuyện đơn giản. Những bàn cãi trong Quốc hội gần đây cho thấy người làm luật vẫn còn lăn tăn trong khi người thi hành luật pháp lại tỏ ra dứt khoát.
Cần nhanh chóng thực hiện đấu giá biển số xe (Phan Minh Ngọc): Đấu giá biển số xe là cần thiết, cần làm ngay. Khi chưa có phương án tối ưu phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, Bộ Công an kiến nghị Chính phủ đưa ra lộ trình để thí điểm.
Áp thuế tự vệ đối với phân bón: liệu có khả thi? (Đăng Linh): Việc áp thuế tự vệ đối với phân bón cần tránh gây khó khăn làm tăng chi phí đầu vào cho ngành trồng trọt. Ngoài ra, nếu việc áp thuế không đủ căn cứ vững chắc sẽ rất dễ dẫn đến động thái “trả đũa” từ các đối tác thương mại.
FII – dòng tiền mới trên thị trường tiền tệ (Hoàng Ngọc Khanh): Nguyên nhân khiến tỷ giá đảo chiều ngay cả khi hàng loạt thông tin kinh tế gây bất lợi cho tiền đồng được công bố chính là nguồn vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài (FII).
Đi tìm nợ xấu trên báo cáo tài chính (Thành Nam): Về một số kinh nghiệm đọc báo cáo tài chính của các tổ chức tín dụng.
Đằng sau những đợt tuyển dụng ngàn người (Hồng Phúc): Những dòng tít tuyển dụng hàng ngàn lao động trên trang web của các ngân hàng gợi cảm giác ngành ngân hàng đang trở lại thời kỳ thịnh vượng. Liệu có phải như vậy không?
Ba lý do để không quá lo ngại về lạm phát (Linh Trang): Áp lực lạm phát trong các tháng tới là không quá lớn nhờ lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế cơ bản đã hoàn thành bước 2; giá dầu thế giới có thể ổn định và tình hình thời tiết không quá cực đoạn như năm 2016.
Bảo mật thế này thì sao dân biết, bàn, kiểm tra? (Thanh Dũng Trần): Thông tư 11/2017/TT-BCA của Bộ Công an vừa ban hành quy định danh mục bí mật nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo gồm 13 mục. Nhìn vào 13 mục này, người ta phải tự hỏi không hiểu khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” sẽ được thực hiện như thế nào.
Điều kiện kinh doanh cảng biển mới vẫn chưa hợp lý (Lê Anh): Nghị định 37/2017 về điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển vừa thiếu tính thực tế vừa cản trở môi trường kinh doanh và cũng không đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước.
Để vượt qua nỗi lo phụ thuộc thị trường Trung Quốc (Trung Chánh): Với việc cải thiện chất lượng sản phẩm và đưa vào sâu trong đời sống tiêu dùng của người Trung Quốc, đến một lúc, không có sản phẩm của Việt Nam, người Trung Quốc không yên tâm!
Thận trọng và quyết đoán ở Cái Mép – Thị Vải (Đặng Dương): Cụm cảng Cái Mép – Thị Vải đang đón một đợt đầu tư mới nhưng cần hết sức thận trọng để tránh làm trầm trọng thêm tình trạng thừa công suất.
Chủ thể đứng tên hợp đồng: chuyện cũ mà vẫn mới (Bùi Đức Giang): Hiện việc ghi tên các bên trong hợp đồng như thế nào cho đúng để tránh nguy cơ hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu vẫn chưa thực sự “ngã ngũ”.
Nóng theo điện mặt trời! (Văn Nam): Các dự án đầu tư điện mặt trời vào tỉnh Bình Thuận đang tỏa “sức nóng”. Nhưng vẫn còn đó mối lo ngại về chồng lấn quy hoạch ngành.
Hàng nội y thua trên sân nhà (Minh Tâm): Hàng nội y do Việt Nam sản xuất cạnh tranh không lại với hàng Trung Quốc giá rẻ nhập lậu và hàng giả xuất xứ. Nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp hoạt động, thậm chí rao bán nhà máy.
Quảng cáo làm sao cho hiệu quả? (Minh Lê phỏng vấn ông Rick Nguyễn – một doanh nhân trẻ khởi nghiệp thành công tại thung lũng Silicon, Mỹ): Ba điều quan trọng tạo thành công cho một chiến lược marketing dựa trên dữ liệu điều tra: (i) mục tiêu rõ ràng, có thể đo lường và cải tiến được; (ii) thử nghiệm trước khi tung quảng cáo; (iii) không ngừng cải tiến quảng cáo và thông điệp sản phẩm.
Trình bày ý tưởng hiệu quả (Nguyễn Thanh Lâm): Trình bày ý tưởng là một cơ hội kinh doanh. Nhưng nếu bạn giao tiếp và trình bày không đúng, mối quan tâm và ý tưởng của bạn sẽ không nhận được sự chú ý.
Bản đề nghị kinh doanh: vũ khí giúp gặt hái thành công (Hồ Trọng Lai): Gợi ý 4 phần nội dung và 5 bước viết một bản đề nghị kinh doanh (business proposal) chuyên nghiệp, hiệu quả.
Bay trễ, chuyện không hề nhỏ! (Mỹ Thạch): Bay trễ, ngoài việc dẫn đến nhiều hệ lụy “phản ứng dây chuyền”, trên hết và nguy hiểm nhất là ảnh hưởng an toàn bay.
Để dễ phòng ngừa móc ngoặc (Danh Đức): Việt Nam – như là thành viên Liên minh Nghị viện thế giới – không xa lạ gì luật pháp hiện hành cũng như tinh thần lập pháp của các nghị viện đồng liêu về chống tham nhũng. Mong mỏi rằng Việt Nam cũng suy nghĩ theo “cái chung” của toàn cầu.
Sợ mấy ông rồi, Sơn Tinh Thủy Tinh ơi! (Nguyễn Quang Bình): Sơn Tinh và Thủy Tinh xưa là chuyện từ trí tưởng tượng. Nay sao mà nhan nhản đâu cũng thấy. Nhiều ông tinh tướng đòi phá rừng xây đập thủy điện. Nhiều nhà mặt tiền biến thành ao nước vì có "Sơn Tinh" bắt quy hoạch xa lộ. Lắm con đường trong phố nay cao như đê…
Tủi phận nghệ sĩ hải ngoại về quê biểu diễn (LS. Lê Quang Vy – LS. Lê Trọng Thêm): Sửa luật để những công dân Việt Nam là những nghệ sĩ hải ngoại không bị phân biệt đối xử ngay chính trên quê hương mình là việc làm không những phù hợp Hiến pháp mà còn là tình cảm của mẹ Việt Nam dành cho những người con xa xứ trở về.
Trang Kinh tế thế giới có các bài:
Thu nhập cơ bản được thí điểm ở Canada (Phạm Vũ Lửa Hạ): Sau nhiều năm bàn luận, vấn đề thu nhập cơ bản (còn gọi là thu nhập tối thiểu) vẫn chưa ngã ngũ ở Canada. Có người ca ngợi đó là phương án kỳ diệu để chấm dứt nạn nghèo đói, cũng có người cho rằng nó sẽ phá vỡ mạng lưới an sinh xã hội.
Úc siết chặt chính sách nhập cư và lao động (Thái Bình): Chính phủ Úc đề ra cái gọi là “ưu tiên người Úc”, bắt đầu siết chặt chính sách nhập cư để hạn chế dòng người di cư và lao động đến nước này.
Lựa chọn khó khăn của nước Pháp (Huỳnh Hoa): Sau vòng 1 bầu cử tổng thống Pháp, bà Le Pen quyết định từ chức lãnh đạo để tham gia vòng 2 với tư cách một “ứng viên của dân tộc"; ông Macron thì đối mặt với thách thức thuyết phục khối cử tri đang thất vọng và giận dữ rằng một nước Pháp hội nhập sâu rộng là một nước Pháp hùng mạnh mà không mất đi bản sắc dân tộc.
Mời bạn đọc đón xem!