TBKTSG số 18-2017: Con người cho công nghiệp 4.0
Tòa soạn TBKTSG
(TBKTSG Online) – Nhà nhà, người người đang bàn bạc về cách mạng công nghiệp 4.0, vừa tò mò, vừa sợ hãi lại vừa kích thích. Vấn đề đặt ra là con người nào cho công nghiệp 4.0? Mời bạn đọc cùng TBKTSG đi tìm câu trả lời ở khía cạnh giáo dục, qua chuyên đề “Giáo dục và cách mạng công nghiệp 4.0” xuất hiện trên TBKTSG phát hành vào sáng mai, 4-5.
Trong bài tựa đề Con người nào cho công nghiệp 4.0?, tác giả Giáp Văn Dương đặt vấn đề: phải chăng sự tương đồng giữa cách mạng công nghiệp 4.0 và cách mạng giáo dục 4.0 là sự tích hợp kết nối giữa bộ ba: thế giới số – thế giới vật lý – con người? Và như vậy, nhiệm vụ của giáo dục là gì? Theo tác giả, nếu nhìn vào dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới sẽ thấy sự lo lắng này là rất thật.
Trong khi đó, tác giả Nguyễn Vũ thì cho rằng phải thêm một thời gian nữa thì những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mới dội vào giáo dục để tạo ra những thay đổi tận gốc rễ. Nhưng cái tinh thần thay đổi ắt phải thay đổi trước trong việc chuẩn bị hành trang cho học sinh: ngắn hạn là những kỹ năng sống trong thế giới ảo; dài hạn là sống như thế nào khi công việc mất dần vào tay rô bốt, máy móc… Tác giả viết: “Cho dù thế giới tương lai là thế giới hoàn toàn kết nối, nơi thực và ảo khó phân định, con người vẫn sẽ đương đầu với các vấn đề ngàn đời như tình yêu, nỗi buồn, sự thù hận và lòng vị tha – và chỉ có giáo dục với những môn truyền thống, chứ không hẳn là sự chạy theo các môn học thời thượng từng thời kỳ, mới thật sự chuẩn bị hành trang vào đời cho học sinh”. (Bài Cần thêm môn học nào cho đủ?).
Các đề tài khác:
Tẩy chay (mục Ý kiến): Sử dụng đúng quyền tẩy chay, người tiêu dùng cho thấy sự đoàn kết của họ có sức mạnh chống lại thái độ vụ lợi vô trách nhiệm của các doanh nghiệp.
Miếng thịt heo trên bàn nghị sự (Nguyên Lê): Cung vượt cầu, rớt giá là đương nhiên. Cần nhận diện điểm yếu cốt tử của ta trong khâu bán hàng và tìm kiếm thị trường cho phần lớn mặt hàng nông sản chứ không riêng gì với heo và thịt heo.
Khi quyền lợi người nông dân trên mảnh đất của mình chưa được trọn vẹn (Tư Giang): Những chính sách tích tụ ruộng đất đang được nghiên cứu không thể phớt lờ quyền tài sản, bao gồm quyền về đất đai của người nông dân.
Tranh chấp đất đai: cái gốc không phải là vấn đề sở hữu (Huỳnh Thế Du): Tranh chấp đất đai luôn rất khốc liệt cho dù là công hữu hay tư hữu. Với quyền được thu hồi bắt buộc ở những nơi có chế độ sở hữu tư nhân, sự lạm dụng cũng rất phổ biến.
Điểm nghẽn phát triển kinh tế mang tên đất đai (Mỹ Lệ phỏng vấn PGS.TS Võ Trí Hảo): Sự giàu lên bất thường của các công ty bất động sản xuất phát từ sự “dễ bất thường”, “rẻ bất thường” trong việc thu hồi đất.
Câu chuyện “bờ bao” (Lê Minh Hoan): Ý nghĩa sâu sắc, hệ trọng của chuyện xóa bờ bao trong mở rộng hạn điền khiến người ta nghĩ đến những cái “bờ bao” trong đội ngũ cán bộ công chức và rộng hơn là “bờ bao” trong hệ thống chính trị.
Tăng phí giao dịch ATM – lợi ít thiệt nhiều? (Thụy Lê): Một số ngân hàng đề xuất điều chỉnh lộ trình tăng phí giao dịch qua ATM, liệu có nên chăng? Trên thực tế, từng xảy ra những chiêu trò như có ngân hàng chỉ nạp tiền mệnh giá nhỏ và giới hạn số tờ rút, buộc khách hàng phải rút làm nhiều lần và tốn nhiều phí hơn.
Khung pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh đã sẵn sàng (Linh Trang): Với việc ra đời Thông tư 23/2017/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 11/2016/TT-BTC) thì khung pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh đã hoàn chỉnh theo hướng cởi mở và hỗ trợ cho doanh nghiệp và nhà nước.
Góp vốn bằng uy tín, kiến thức và hoạt động kinh doanh: tại sao không? (Thạc sĩ Đào Thị Thu Hằng): Nên quy định phạm vi tài sản góp vốn thành lập doanh nghiệp ở mức độ rộng hơn, bao gồm cả kiến thức, uy tín và hoạt động kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cá nhân có thể trực tiếp tham gia thành lập và quản lý doanh nghiệp.
Những vấn đề nảy sinh cần giải quyết từ… condotel (Cao Ban): Hàng ngàn condotel (căn hộ-khách sạn) “mạnh dạn” thâm nhập thị trường khi vẫn còn nằm ngoài khung pháp lý kéo theo những chiêu lách luật của chủ đầu tư và rủi ro cho người mua căn hộ.
BHXH bắt buộc với lao động nước ngoài: yếu cơ sở, thiếu ngoại trừ (Phan Minh Ngọc): Cả ba nguyên tắc định hướng mà tờ trình dự thảo nghị định về đóng BHXH bắt buộc đối với lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đều chưa giải thích thỏa đáng cho sự cần thiết phải áp dụng BHXH bắt buộc đối với đối tượng này.
Những thách thức của xuất khẩu Việt Nam (Đinh Tuấn Minh – Phan Huy Hoàng – Nguyễn Thế Hoàng): Biến động về chính trị và kinh tế thế giới trong những năm vừa qua ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu của Việt Nam. Xuất khẩu hàng hóa có xu hướng tăng chậm dần, giảm từ mức tăng 34,2% năm 2011 xuống chỉ còn 7,9% năm 2015 và 8,6% năm 2016.
Không thể trông đợi phá giá nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu (Nguyên Lê phỏng vấn TS. Nguyễn Ngọc Anh): Để duy trì tăng trưởng xuất khẩu, Việt Nam cần dựa vào nỗ lực nâng cao chất lượng hàng hóa, xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp và sự hỗ trợ xúc tiến thương mại của Chính phủ.
Người sử dụng lao động cũng cần được bảo vệ (Đá Bàn): Người sử dụng lao động là một bên không thể thiếu để hình thành và duy trì quan hệ lao động. Khi không đạt được lợi ích trong quá trình sử dụng lao động, họ sẽ không thể tiếp tục đầu tư sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm.
Dễ như làm chợ đêm? (Nguyễn Vũ Mộc Thiêng): Chợ đêm ở các nước được hình thành có phần ngẫu nhiên, người dân tự thỏa thuận và sắp xếp, nhà nước chỉ tạo điều kiện để chợ đêm hoạt động và phát triển.
Sôi động vốn ngoại vào bất động sản (Quốc Hùng): Hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực bất động sản được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới nhờ thị trường đang trên đà hồi phục và trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn.
Tôm mang phận tép! (Ngọc Hùng): Con tôm xuất khẩu của Việt Nam đang gặp khó trước những ràng rào kỹ thuật tại hầu hết các thị trường lớn.
Kỹ năng ra quyết định (Nguyễn Thanh Lâm): Mọi nhà quản lý đều phải đưa ra những quyết định đúng đắn, phù hợp và kịp thời. Các bước đi và những kỹ năng nào trên con đường đề ra một quyết định đúng lúc, đúng chỗ, đúng mục tiêu?
S&OP – thứ xa vời trong doanh nghiệp Việt (Nguyễn Hữu Long): Sales and Operations Planning (tạm dịch: hoạch định sản xuất bán hàng) – không phải ai cũng hiểu đúng về thuật ngữ này, kể cả nhiều cấp quản lý từng làm việc cho các công ty nước ngoài.
Xây dựng chương trình mentoring trong doanh nghiệp (Đức Tâm): Với người lãnh đạo, đặt câu hỏi giúp nhân viên sáng tỏ vấn đề họ tự đưa ra quyết định là một kỹ năng rất quan trọng.
Hạnh phúc không phải là lá diêu bông (Quỳnh Thư): Phải chăng vì là điều mà nhân loại luôn mãi đi tìm, nên hạnh phúc chẳng qua chỉ là chiếc lá diêu bông trong bài thơ của Hoàng Cầm? Thưa rằng, hạnh phúc không phải là chiếc lá diêu bông.
Dân cần, quan vội (Sơn Tùng): Nhiều người bàng hoàng khi nhận được tin về vụ sạt lở ở khu vực sông Vàm Nao – An Giang. Trách nhiệm trong vấn đề này, một mình An Giang không thể cáng đáng mà cần đến Bộ Tài nguyên – Môi trường và cả Chính phủ.
Hai người có lỗi ôm nhau khóc (Việt Linh): Nước mắt nhận lỗi, dù muộn, là chỉ dấu lạc quan, nhất là khi nó được đến từ hai phía…
Hài đến… hãi! (Thư Hoài): Danh hài đúng nghĩa không chỉ tạo ra tiếng cười giải trí mà còn phải thể hiện một trình độ nghệ thuật trào phúng sâu sắc.
Đặc sắc tiếng “ba” (Trúc Giang): Trong tiếng Việt, tiếng “ba” ngoài chỉ số lượng (3), ngoài là tiếng gọi cha, nó còn có mặt trong nhiều thành ngữ, quán ngữ: ba búa, ba trợn, ba gai, ba dớ…; ba chớp ba nháng, ba xí ba tú, ba hoa chích chòe…
Bài Sách Ehon: Thực phẩm cho tâm hồn của Bình An; mục Trà dư tửu hậu với Tình nghệ sĩ đêm khuya của Lê Phú Cường.
Trang Kinh tế thế giới có các bài:
Ngân hàng “ngầm" dậy sóng tại Trung Quốc (Trúc Diễm), Thảm họa nhân khẩu học ở Nam Âu (Minh Đăng), Đại dương không còn cá (Thái Bình).
Mời bạn đọc đón xem!