Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TBKTSG số 20-2019: 26 năm Saigon Times Club kết nối doanh nhân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TBKTSG số 20-2019: 26 năm Saigon Times Club kết nối doanh nhân

Tòa soạn TBKTSG

(TBKTSG Online) – 26 năm qua, Saigon Times Club luôn kiên trì với mục tiêu tạo ra một môi trường nhằm tập hợp và kết nối các doanh nhân để cùng nhau chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và hợp tác vì mục đích phát triển kinh doanh và đóng góp cho cộng đồng.

Dù có những lúc thăng trầm, nhưng đến nay Saigon Times Club đã ngày càng lớn mạnh, quy tụ được gần 2.000 hội viên là doanh nhân, cán bộ quản lý doanh nghiệp hoạt động trong các câu lạc bộ trực thuộc như: Câu lạc bộ Doanh nhân 2030, Câu lạc bộ Kết nối (tập hợp những cán bộ phụ trách mua hàng của doanh nghiệp), Câu lạc bộ Thị trường, Câu lạc bộ Địa ốc và Câu lạc bộ Hỗ trợ khởi nghiệp…

Đặc điểm nổi bật của các thành viên tham gia trong các câu lạc bộ thuộc Saigon Times Club là phần lớn có tuổi đời còn rất trẻ thuộc các thế hệ 8x và 9x. Sự trẻ trung, năng động và tràn đầy nhiệt huyết của họ đã được chuyển hóa thành các hoạt động đầy sáng tạo của từng câu lạc bộ và chính các hoạt động đó đã trở thành chất keo gắn kết giữa các thành viên, đồng thời cũng tạo ra hấp lực lớn để thu hút thêm nhiều thành viên mới.

Vậy, cụ thể, điều gì đã khiến các thành viên thấy gắn kết với các câu lạc bộ và việc gia nhập, sinh hoạt trong câu lạc bộ giúp ích gì cho bản thân và doanh nghiệp của họ. Trong số báo 20 ra ngày mai, 16-5, TBKTSG sẽ cùng trò chuyện với một số doanh nhân, cán bộ quản lý doanh nghiệp về chủ đề này.

Cũng trong số báo ra ngày mai, chuyên đề Loạn… thực phẩm chức năng sẽ cho bạn đọc cái nhìn cận cảnh về thị trường thực phẩm chức năng hiện nay cũng như những đề xuất, ý kiến nhằm quản lý tốt hơn thị trường này.

Theo bài Thử thách GMP của thực phẩm chức năng của tác giả Hoàng Nhung, chỉ còn không đầy hai tháng nữa các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng (TPCN) phải đạt chuẩn GMP (cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt) theo quy định của Bộ Y tế. Đây được xem là cơ hội của những công ty dược lớn đã có nhà máy đạt chuẩn, nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho ngành này.

Tác giả Tâm An trong bài Thị trường TPCN: Tiếng nói người trong cuộc tường thuật lời của ông P., người đã có 13 năm giữ vị trí quan trọng tại nhiều công ty lớn kinh doanh trong lĩnh vực TPCN, ước tính mỗi năm từ 100-200 triệu đô la Mỹ doanh số TPCN tại Việt Nam là hàng cận date, hàng ế của các nhà phân phối đẩy qua các đầu nậu. Còn con số từ hàng giả Trung Quốc và hàng xách tay quy mô lớn thì không thể ước tính.

Bác sĩ Phan Xuân Trung qua bài Cần trả thực phẩm chức năng về đúng bản chất cho rằng các “TPCN” đang lưu hành trên thị trường hiện nay thực chất là các loại thuốc bổ đã được phân loại trong dược điển. Do đây là thuốc bổ, được hấp thụ vào cơ thể người, có gây hiệu ứng sinh học nên việc sản xuất cần được kiểm soát chặt chẽ và việc lưu hành cũng cần được quản chặt.

Các bài viết khác trong số báo ra ngày mai:

Cần có chính sách đón làn sóng mới (Mục Ý kiến): Trước sự ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, có khả năng sẽ có một cuộc dịch chuyển các chuỗi cung ứng quan trọng ra khỏi Trung Quốc. Đây là tin tốt cho Việt Nam nhưng đồng thời cũng có thể thành tin xấu nếu chúng ta không có sự chuẩn bị, có chính sách phù hợp để chào đón làn sóng mới này.

Thái độ với rác thải nhựa (Nguyễn Khắc Giang): Cuộc chiến với rác thải nhựa là không dễ dàng, bởi đó là cuộc chiến với sự tiện lợi và ví tiền của nhiều người. Thái độ với rác phân định vị trí của mỗi người trong cuộc chiến đó.

Tăng nội lực cho ngân hàng Việt: Cần vỗ bằng cả hai tay (Kim Ngọc): Không chỉ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần tiếp tục phát huy việc điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả mà cả các ngân hàng thương mại cũng cần tích cực nâng cao nội lực, tạo lợi thế cạnh tranh riêng biệt để có thể tạo ra những ngân hàng Việt Nam mang tầm khu vực.

Đã có nền tảng tốt hơn để ổn định tỷ giá (Thảo Nguyên): Tỷ giá “nóng sốt” nguyên một tuần đầu tháng 5 đã khiến nhiều người lo về khả năng sức nóng này sẽ tiếp diễn trong thời gian tới. Trước những diễn biến khó lường của kinh tế thế giới, câu hỏi được đặt ra là liệu tỷ giá có nằm trong dự báo của NHNN và đâu là “bệ đỡ” cho tỷ giá những tháng cuối năm?

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung: Ai sẽ nhường bước trước? (Hồ Quốc Tuấn): Mặc cho hai bên nỗ lực diễn tả những diễn biến vài ngày trước và sau 10-5-2019 là không phải đàm phán đổ vỡ, một điều rõ ràng có thể nhận ra: những khác biệt lớn trong quan điểm của hai bên không thể dung hòa trong ngắn hạn. Vấn đề mà giới quan sát đang đặt ra là ai sẽ nhường bước trước trong một cuộc chiến thương mại mà không có ai sẽ thật sự có lợi này.

Xoay xở chính sách trong vòng xoáy thương chiến Mỹ – Trung (Phan Minh Ngọc): Câu hỏi đặt ra là từ góc độ chính sách, Việt Nam cần phải làm gì để hóa giải tối đa trong khả năng có thể những tác động tiêu cực, đồng thời không làm ảnh hưởng đến những lợi ích tiềm năng mà cuộc chiến này có thể mang đến?

Mặt sau của trái phiếu doanh nghiệp (Hải Lý): Hàng loạt doanh nghiệp bất động sản niêm yết đã công bố kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi để huy động vốn trong bối cảnh ngành ngân hàng dần siết lại cho vay nhà đất. Tại một số công ty, sự “bứt phá” quy mô nợ là thách thức rất lớn đối với quản trị doanh nghiệp. Chỉ cần vốn vay được sử dụng không đúng thời điểm, không đúng dự án là có thể dẫn đến rủi ro về hiệu quả kinh doanh.

Các điều kiện cần cho chiến lược “Make in Vietnam” (Lê Học Lãnh Vân): Nếu có đủ các điều kiện vật chất của kết nối, điều kiện ý thức của kết nối và điều kiện chính quyền, doanh nghiệp tư nhân sẽ tự thân nhanh chóng bắt kịp lân bang, nền công nghiệp 4.0 không mời cũng sẽ tự tới với Việt Nam.

Tiếp tục lộ trình “siết” tín dụng ngoại tệ (Linh Trang): Theo NHNN, lộ trình hạn chế tín dụng ngoại tệ sẽ được tiếp tục thực hiện trong năm 2019 nhằm chuyển dần quan hệ huy động vốn và cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua bán ngoại tệ.

Cục diện cổ đông Eximbank trước đại hội lần hai (Hải Lý): Đại họi cổ đông lần hai của Eximbank sẽ tiến hành vào ngày 26-5-2019 tới đây nếu số người tham dự đảm bảo được 51% cổ phần có quyền biểu quyết. Trước đại hội cổ đông lần hai, chuyện cơ cấu cổ đông và nhân sự hội đồng quản trị Eximbank vẫn còn những ngổn ngang.

Cổ phiếu dầu khí “thăng hoa” ngược chiều Vn-Index (Bình An): Việc một số cổ phiếu dầu khí chưa thoát khỏi tình trạng lỗ nhưng giá vẫn tăng mạnh trên thị trường chứng khoán có thể được nhìn nhận do các nhà đầu tư đang kỳ vọng nhiều ở “thì tương lai”.

Từ luật chống tin giả của Singapore nhìn về Việt Nam (Trương Trọng Hiểu): Theo trang Bloomberg, Singapore là quốc gia đầu tiên ở châu Á chính thức tuyên chiến với tin giả bằng công cụ pháp lý. Nhưng nếu nhớ lại, Việt Nam đã có Luật An ninh mạng từ đúng một năm trước. Đây cũng chính là công cụ pháp lý tương tự để Việt Nam tuyên chiến với tin giả.

Dự thảo luật giáo dục sửa đổi: Quyền sở hữu và điều hành trường tư có gì thay đổi? (Phạm Thị Ly): Cho phép tư nhân tham gia vào hoạt động cung ứng dịch vụ giáo dục (với tuyển ngữ thường dùng là xã hội hóa giáo dục) là một sự thay đổi quan trọng cả về mặt tư duy của các nhà làm chính sách lẫn trong thực tế của xã hội Việt Nam mấy thập niên qua. Tuy nhiên, chính sách về xã hội hóa giáo dục ở Việt Nam từ đó đến nay đã trải qua con đường gập ghềnh nhiều chặng, trong đó hai vấn đề quan trọng nhất, cũng gai góc nhất là quyền sở hữu và mô hình quản trị điều hành.

Nông nghiệp năm 2019 có thể tụt dốc (Nguyễn Đình Bích): Cho dù đã bị giảm một phần ba so với tốc độ tăng trưởng kỷ lục 3,97% trong cùng kỳ năm 2018, nhưng mức tăng 2,68% của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong quí 1 vừa qua vẫn đứng thứ tư trong 10 năm trở lại đây. Điều này có nghĩa, nếu giành được những kết quả tốt hơn trong những quí tới, hay thậm chí chỉ cần duy trì được tốc độ như quí 1 thì năm 2019 vẫn là năm tăng trưởng khá của khu vực kinh tế này. Thế nhưng, có hai tác nhân mấu chốt đang khiến nông nghiệp có thể tiếp tục tụt dốc trong thời gian tới.

Duyên nợ với du lịch tàu biển (Đào Loan):  TBKTSG trò chuyện với ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du Ngoạn Việt, xoay quanh chủ đề là làm cách nào một công ty tư nhân chỉ có 25 nhân viên như Du Ngoạn Việt có thể làm được mảng mà nhiều công ty lớn khó tiếp cận hoặc đã từng có khách nhưng dần phải buông.

“Thờ ơ” với thị trường Nga và Đông Âu (Quốc Hùng): Dỡ bỏ hàng rào thuế quan chưa đủ để các doanh nghiệp trong nước quay trở lại Đông Âu trong bối cảnh người tiêu dùng ở đây đang thay đổi nhanh và vẫn còn nhiều rào cản lớn khác khi tiếp cận thị trường này, nhất là khâu thanh toán và thủ tục.

Doanh nghiệp công nghệ cần được cổ xúy bằng chính sách (Vân Oanh): Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam có thêm 50.000 doanh nghiệp công nghệ nữa, bằng với số lượng doanh nghiệp lĩnh vực này đã được thành lập từ trước tới nay. Nhiều ý kiến cho rằng để đạt được mục tiêu trên Chính phủ cần sớm ban hành các chính sách phù hợp, bên cạnh việc khích lệ.

Xì-mạt-phôn dùng để mưu sinh (Quỳnh Thư): Vừa muốn khuyến khích người dân dùng điện thoại di động nhiều hơn nữa để thực hiện các mục tiêu như “thúc đẩy nền kinh tế không dùng tiền mặt”, “phát triển kinh tế số”… mà lại vừa đề nghị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt điện thoại di động như đồ xa xỉ, hạn chế sử dụng, thì không biết phải giải thích làm sao!

Than thở: Tồn tại hay không tồn tại? (Danh Đức): Nếu sự tồn tại cho tới nay của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) tóm tắt thành “Tính cả giai đoạn 2013-2018, Việt Nam chỉ xuất khẩu khoảng 27,7 triệu tấn, trong khi đã nhập khẩu tổng cộng khoảng 63 triệu tấn” sau khi đã bóc sạch các mỏ than trời cho đem bán, và nay “Nợ ngập đầu 100.000 tỉ đồng, TKV vẫn xây trụ sở hoành tráng”, e rằng nên cùng đọc lại Hamlet (tồn tại hay không tồn tại?)!

Điểm chạm văn hóa (Việt Linh): Ở Tây càng lâu, tôi càng tin có sợi dây – vô hình nhưng chắc chắn – kết nối giữa ẩm thực quê hương và người xa xứ, giữa địa phương và khách du lịch dù không gọi được tên cảm giác đó.

Dạy con trong hoang mang (Thanh Phương): Nhiều gia đình trẻ đã hồ hởi dạy con theo tư duy… kinh tế tư nhân. Tức khi con cái làm bất cứ việc gì thì cha mẹ cho tiền. Thậm chí có sẵn một thang điểm trả công, theo ông Lê Nguyên Phương, nhà tâm lý giáo dục, xét theo cách nào đó, như thế là dạy trẻ tham nhũng.

Ngọt lành vị bánh quê hương (Phong Dương): Người đi xa xứ bắt gặp hình ảnh chiếc bánh quê hương trong một hàng quán nào đó giữa thị thành bất chợt thấy lòng lắng lại. Nó gợi nhắc người ta về một làng quê yên bình, ở nơi đó có chiếc áo bà ba, chiếc nón lá, chiếc cối xay đá bột…

Trang Kinh tế thế giới có các bài:

Tuần làm bốn ngày, năng suất vẫn cao (Thư Kỳ): Versa, một công ty tiếp thị ở Úc quyết định cho nhân viên nghỉ làm vào ngày thứ Tư hàng tuần và không hề hối tiếc về điều đó. Kể từ khi áp dụng chính sách này từ tháng 7 năm ngoái đến nay, doanh thu của công ty tăng 46% và lợi nhuận tăng gần gấp ba.

Airbnb đang dần không còn là chia sẻ nhà riêng (Nguyễn Vũ): Nhiều doanh nghiệp đã nhảy vào lĩnh vực này như ngày trước nhiều người bỏ tiền mua cả chục chiếc xe cho thuê chạy Uber.

Thương chiến Mỹ – Trung hứa hẹn còn kéo dài và gay gắt (Huỳnh Hoa): Cuộc thương chiến Mỹ – Trung tưởng như đã có thể yên bình vào cuối tuần trước, đã chuyển sang một giai đoạn mới khốc liệt hơn khi cả hai phía đều tung ra những đòn tấn công và phòng thủ mạnh mẽ ngay đầu tuần này, hứa hẹn một cuộc xung đột kéo dài và gay gắt.

Mời bạn đọc đón xem!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới