Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TBKTSG số 20-2020: Dân số và phát triển kinh tế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TBKTSG số 20-2020: Dân số và phát triển kinh tế

Tòa soạn TBKTSG

(TBKTSG Online) – Trước nay, nhiều người vẫn cho rằng Việt Nam là một quốc gia có mật độ dân số cao, lực lượng trẻ chiếm tỷ trọng cao, chứ ít ai biết Việt Nam đã chính thức bước vào thời kỳ già hóa dân số từ năm 2014, theo Liên Hiệp Quốc. Nếu xu hướng này tiếp tục, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động giảm nhanh là điều có thể thấy trước.

Theo tác giả Triêu Dương trong bài tựa đề Lợi thế dân số: nên chất hơn lượng trên TBKTSG phát hành vào sáng mai, 14-5, cứ nhìn vào những quốc gia có dân số già và tăng trưởng kinh tế trì trề như Nhật Bản, hay những nước châu Âu bị quá tải hệ thống y tế và chịu nhiều thiệt hại trong đại dịch Covid-19 sẽ hiểu việc Chính phủ muốn duy trì một cơ cấu dân số trẻ quan trọng như thế nào.

Còn trong bài Liệu Việt Nam có cần tăng thêm dân số?, tác giả Phùng Đức Tùng cho rằng ngưỡng dân số cho phát triển bền vững ở Việt Nam chỉ nên ở mức 60 triệu người. Hiện năng suất lao động của Việt Nam thuộc hàng thấp nhất thế giới và đang làm việc trong công đoạn thấp nhất của chuỗi giá trị. Mặt khác, một trong những yếu tố tác động đến quyết định sinh con của các cặp vợ chồng phụ thuộc vào việc họ có thấy được tương lai tốt đẹp cho bản thân và con cái họ hay không.

TBKTSG số 20-2020: Dân số và phát triển kinh tế

Các đề tài khác trên cùng số báo:

Đột phá đầu tư công, minh bạch để tránh bị xâu xé (mục Ý kiến): Triển khai đầu tư công là một trong những biện pháp trong bối cảnh khởi động lại nền kinh tế bị tác động bởi Covid-19. Việc này chỉ có thể thành công nếu người dân hỗ trợ Chính phủ trong giám sát, doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh và có một đầu mối chỉ huy quyết đoán.

Chi tiêu thời đại dịch (Nguyễn Khắc Giang): Thủ tướng vừa nhấn mạnh việc giải ngân 700.000 tỉ đồng vốn đầu tư công là “vô cùng quan trọng”. Nhưng việc nôn nóng xài tiền lại có thể dẫn đến lợi bất cập hại

Vì sao chứng khoán tăng nhanh? (Lưu Hảo): “Chứng khoán được đánh giá như “sân chơi” ngắn hạn cho dòng tiền cư trú trong thời điểm các kênh đầu tư khác chưa xác định được xu hướng.

Ngân hàng và doanh nghiệp vẫn chưa thể “gặp nhau” (Cao Ban): Các ngân hàng vẫn cho rằng doanh nghiệp chưa chứng minh được họ có đủ điều kiện vay vốn hay không.

Ngân hàng có mạo hiểm đẩy mạnh vốn ra? (Hồ Lê): Nhà điều hành đã định hướng phải cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế. Nhưng cần biết các chương trình hỗ trợ hiện nay lấy từ nguồn lực của các ngân hàng chứ không phải từ tiền ngân sách rót xuống.

Đánh giá bản thân, nhận ra tồn tại (Lê Vĩnh Triển – Nguyễn Quỳnh Huy – Võ Tất Thắng): Covid-19 làm lộ diện rõ hơn những tồn tại trong nền kinh tế như: tăng trưởng nhanh, chất lượng vốn đầu tư nước ngoài thấp, thiếu tính liên kết, sự phụ thuộc vào Trung Quốc, bộ máy hành chính cồng kềnh và câu kết tham nhũng.

Đại dịch Covid-19: Phản ứng chính sách để chặn đà sụp đổ của doanh nghiệp (Vũ Thành Tự Anh): Sự đúng đắn của chính sách và tốc độ can thiệp đóng vai trò then chốt trong việc ngăn chặn đà sụp đổ của doanh nghiệp. Nhưng vì chính sách được hình thành trong môi trường hết sức bất định nên phải chấp nhận những sự khiếm khuyết.

Đâu là tâm điểm cần hỗ trợ để khôi phục kinh tế? (Bùi Trinh): Những ngành có tầm quan trọng tương đối với nền kinh tế là nông nghiệp, thủy sản, dệt may, da giày và những nhóm ngành dịch vụ.

Sự điều chỉnh cần thiết (Phan Minh Ngọc): Mục tiêu tăng trưởng năm 2020 của Việt Nam đã được điều chỉnh từ 6,8% về mức trên 5%.

Xã hội hóa chứng khoán (Thụy Lê): Sau khi tăng đột biến 32.000 tài khoản trong tháng 3, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 4 tiếp tục ghi nhận kỷ lục mới với 36.721 tài khoản tăng thêm.

Cho vay margin: kỳ vọng ổn định nhờ lượng tài khoản mở mới (Đăng Linh): Số tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới trong tháng 4 vừa qua chỉ xếp sau con số kỷ lục 40.651 tài khoản được thiết lập vào tháng 3-2018 khi VN-Index đạt đỉnh lịch sử 1.200 điểm.

Doanh nghiệp thủy sản “ngóng” EVFTA, chờ Mỹ, EU mở cửa lại (Linh Trang): Xuất khẩu quí 1 giảm 9,9%. Doanh nghiệp thủy sản đang kỳ vọng một kịch bản tích cực cho hai quí cuối năm, đó là Mỹ và EU sớm mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế.

Tháng 5 ở châu Âu – kinh tế đang tan chảy (Hải Lý): Khi mà ở đâu đâu cũng bàn luận về sự phục hồi mãnh liệt của chứng khoán thì cũng là lúc thị trường chứng khoán có thể tạo bất ngờ và quay đầu sụt gãy.

Xây dựng thành phố phía Đông: Bước đi chiến lược quốc gia (Huỳnh Thế Du): Việc hình thành thành phố sáng tạo ở phía Đông TPHCM có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển quốc gia, do đó, nên giao cho TPHCM một không gian và quyền tự chủ đủ lớn để có thể triển khai thành công.

Dự thảo luật PPP: Vẫn còn những khái niệm mấu chốt cần xác định lại (LS. Nguyễn Tiến Lập): Đọc dự thảo luật PPP, nhiều khái niệm cơ bản cần được xem xét lại, như các khái niệm nhà đầu tư PPP, hợp đồng dự án, quy trình dự án; và còn có sự lần lẫn giữa tài chính doanh nghiệp và tài chính dự án.

Cơ hội phát triển công nghiệp ô tô hậu Covid-19 (Khương Quang Đồng): Covid-19 đã hủy hoại mạng lưới nối kết ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Thế giới buộc phải suy nghĩ lại trong tái cấu trúc sản xuất ô tô cũng như tái cấu trúc mạng lưới công nghiệp phụ trợ.

Thách thức từ… thế hệ Z (Thanh Phương): Nguồn nhân lực thế hệ Z với những đặc điểm của một thế hệ đa màn hình, cá tính, mê khởi nghiệp, thích tự do… đang đặt ra những thách thức trong tuyển dụng và quản trị nhân sự cho doanh nghiệp.

Cơ hội ở thị trường nội địa (Đào Loan): Không thể trông mong vào nguồn du khách quốc tế ít nhất trong vài tháng tới, ngành du lịch đang tập trung vào thị trường nội địa, nơi có 85 triệu lượt khách đi du lịch trong nước vào năm ngoái.

Bất động sản tìm “ngách” tồn tại qua dịch (Lê Anh): Covid-19 đóng băng thị trường bất động sản. Số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh hoặc giải thể tăng mạnh. Một số khác đang đi tìm các thị trường ngách.

Vực dậy nghề cói Nga Sơn (Đỗ Quang Tuấn Hoàng): Chiếu cói Nga Sơn (Thanh Hóa) một thời làm ra không kịp xuất sang Liên Xô và một số nước Đông Âu. Sau khi Liên Xô sụp đổ, làng nghề mất dần thị trường. Nhưng nghệ nhân Trần Thị Việt đã gặp cơ duyên mở lại lối đi cho nghề này…

Quản trị tài sản trí tuệ (LS. Phạm Thị Thoa): Pháp luật về sở hữu trí tuệ giúp thúc đẩy phát triển các tài sản sở hữu trí tuệ, là nền tảng tạo ra một xã hội đề cao trí tuệ.

Trải nghiệm khách hàng, lợi thế cạnh tranh của ngân hàng (Hoài Thu-Khánh Linh-Công Trường): Theo Digital Banking Report, 62% tổ chức tài chính cho rằng trải nghiệm khách hàng (Customer Experience) là “top 3” ưu tiên đối với họ; 35% cho rằng trải nghiệm khách hàng là trọng tâm chính.

Corona dạy chúng ta biết cách làm ăn (Quỳnh Thư): Dịch Covid góp phần làm thay đổi sâu sắc hành vi tiêu dùng, mang lại cơ hội phát triển cho một số lĩnh vực bao gồm mua sắm qua mạng, bảo hiểm và công nghệ dịch vụ giao hàng tận tay.

Sự vô lý trong nghệ thuật (Diễm Trang): Khi thưởng thức một tác phẩm, khán giả đã tự nguyện “ký tên” vào “khế ước” mang tên Trò Chơi Nghệ Thuật.

Khi “đời tới” (Lê Quang Trạng): Ngày ngày phát khẩu trang hay gửi ít gạo cho những người khốn khó mà thấy cuộc đời vẫn nở hoa, tâm hồn được tưới tắm…

Về nhà thôi! (Nguyễn Văn Mỹ): Sống trong thời Covid, con người bỗng nhận ra có biết bao nét đáng yêu ở nơi chốn gọi là tổ ấm.

Các tạp văn Tập… đi bộ của Yến Trinh, Lan man hậu cách ly của Lưu Thị Lương.

Trang Kinh tế thế giới:

Từ chức để phản đối (Nguyễn Vũ): Tim Bray, phó tổng giám đốc Amazon, đã từ chức để phản đối Amazon sa thải những người phê phán điều kiện làm việc mất an toàn tại các nhà kho.

Nữ bộ trưởng tài chính 35 tuổi (Thư Kỳ): Trong số nhiều bộ trưởng tài chính trẻ ở Nam Mỹ, nổi bật là Maria Antonieta Alva, 35 tuổi, Bộ trưởng Tài chính – Kinh tế của Peru.

Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung liệu có vượt ngoài tầm kiểm soát? (Lạc Diệp): Washington và Bắc Kinh liên tục vướng vào những tranh cãi liên quan dịch Covid-19. Quan hệ kinh tế giữa hai bên tưởng đã tạm lắng dịu lại đang dần căng thẳng trở lại.

Khi một nước xù nợ (Nguyễn Vũ)”: Argentina đang ráo riết thương thảo với chủ những món nợ đáo hạn mà trong tay chỉ có một vũ khí: “nếu không chịu các điều kiện chúng tôi đưa ra thì chúng tôi… xù nợ”.

Mời bạn đọc đón xem!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới