Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TBKTSG số 21-2020: Việt Nam trong bàn cờ tái cấu trúc chuỗi cung ứng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TBKTSG số 21-2020: Việt Nam trong bàn cờ tái cấu trúc chuỗi cung ứng

Tòa soạn TBKTSG

(TBKTSG Online) – Dòng vốn đầu tư quốc tế đang dịch chuyển cùng với sự sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu kể từ khi thương chiến Mỹ – Trung được kích hoạt và nhất là trước tác động của đại dịch Covid-19. Liệu đây có là cơ hội cho Việt Nam?

Theo tác giả Triêu Dương trên TBKTSG bản in phát hành vào sáng mai, 21-5, đây là Cơ hội có một không hai để thoát khỏi thân phận đang phát triển (tựa bài viết) cho Việt Nam. Bởi Việt Nam đang là điểm đến đầy hứa hẹn cho làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, một phần nguyên do của sự dịch chuyển này là nhiều dự án ở Trung Quốc đã đến giai đoạn thải hồi và chính quyền Trung Quốc không muốn mở rộng thêm. Vì vậy, việc chọn lọc dự án là điều tối quan trọng mà Việt Nam cần lưu tâm.

Cũng trong chủ đề về tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, tiến sĩ Phạm Sỹ Thành có bài viết tựa đề Đa dạng hóa chuỗi cung ứng: Không hoang phí nỗ lực đàm phán. Theo tác giả, trên thực tế, Việt Nam đã thực hiện đa dạng hóa nguồn cung sớm hơn nhiều so với các nước Đông Nam Á với việc ký kết các hiệp định thương mại tự do, nên việc tham gia vào chuỗi cung ứng mở rộng tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang đứng trước rất nhiều thuận lợi.

Song, với cái nhìn thận trọng, nhóm tác giả Lê Hoài Ân – Nguyễn Duy Khánh cho rằng sẽ không bất ngờ nếu Việt Nam lại để cơ hội trôi qua một lần nữa, bởi những nút thắt cố hữu trong nền kinh tế. Theo các tác giả trong bài Covid-19 mang tới cơ hội, nhưng liệu Việt Nam có lại bỏ lỡ?, để gia tăng năng lực hấp thu vốn đầu tư, Việt Nam cần chú trọng giải quyết hai vấn đề lớn nhất: hạ tầng giao thông và công nghiệp hỗ trợ.

TBKTSG số 21-2020: Việt Nam trong bàn cờ tái cấu trúc chuỗi cung ứng

Các đề tài khác trên cùng số báo:

Bình thường mới cho chính sách (mục Ý kiến): Không phải cơ quan quản lý không nhìn ra những thách thức đang tồn tại nhưng những nỗ lực thay đổi vẫn quá ít, chậm trễ và thiếu tính hệ thống. Dịch Covid là cơ hội thay áo mới cho hệ thống hỗ trợ an sinh xã hội.

Nếu cả xã hội chấp nhận gù? (Đoàn Khắc Xuyên): Nếu không có những nhà giáo biết đứng thẳng, những phụ huynh và con em chấp nhận thất bại để tự lực vươn lên thì sẽ không thể có một xã hội lành mạnh và một đất nước phát triển, văn minh.

Kinh tế chia sẻ nhìn từ Wefit: Sai lầm ngay từ cách tiếp cận (Trương Trọng Hiểu): Wefit đã thông báo đóng app. Có thể Wefit đã bỏ qua các giá trị ưu trội của một platform kinh tế chia sẻ, thứ mang lại thành công cho không ít platform khác.

Thương mại thâm hụt, tạm thời hay xu hướng? (Mai Khanh): Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 4 của cả nước bị thâm hụt tới 940 triệu đô la Mỹ. Liệu đây có phải chỉ là diễn biến tạm thời?

Lãi suất cho vay khó giảm sâu thêm! (Linh Trang): Việc giảm lãi suất điều hành được nhìn nhận thiên về hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho các ngân hàng hơn là thúc đẩy giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Luật PPP: cần cả rượu mới và bình mới! (Phan Vinh Quang): Việt Nam không có một công ty tay hòm chìa khóa quản lý rủi ro tài khóa các dự án PPP và theo dõi, phân loại rủi ro các dự án để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh và thanh toán.

Tôi là “cư dân điện tử” của… Estonia (Bùi Lê Thủy Anh): Estonia, một đất nước nhỏ bé ven biển Baltic với công nghệ đổi mới vượt bậc, đang hình thành một xã hội kỹ thuật số tiên tiến nhất thế giới.

Từ Covid-19: Cơ hội đã mở ra và Việt Nam có thể làm gì? (Lê Vĩnh Triển – Nguyễn Quỳnh Huy – Võ Tất Thắng): Ý thức hệ về sinh mạng và hạnh phúc con người xứng đáng được các quốc gia theo đuổi. Sự tự trọng, khiêm tốn quốc gia và thái độ sẵn sàng gánh vác các trách nhiệm quốc tế nên được xem xét cẩn trọng như nền tảng để vươn lên, chinh phục nhân tâm và thoát nghèo.

Ẩn số tăng trưởng tín dụng (Lưu Hảo): Đến giữa tháng 5-2020, tín dụng toàn hệ thống tăng trưởng 1,2% so với cuối năm ngoái. Tín dụng tháng 1 tăng 0,1%, tháng 2 tăng 0,07%, tháng 3 tăng 1,1%, tháng 4 tăng 1,42%. Tháng 3 và 4, tín dụng tăng trưởng khá, sang tháng 5 lại có dấu hiệu suy giảm. Thực chất tín dụng đang ở tình trạng nào?

Giao dịch trực tuyến – cuộc cạnh tranh quyết liệt của các ngân hàng (Thụy Lê): Dịch bệnh buộc khách hàng thay đổi hành vi. Những ngân hàng nào có nền tảng công nghệ mạnh, kênh phân phối hiện đại sẽ có cơ hội giành thị phần từ những khách hàng ở kênh giao dịch truyền thống chuyển qua.

Doanh nghiệp dầu khí: lỗ lớn vì dự phòng! (Đăng Linh): Giá dầu lao dốc thời gian qua là cơn ác mộng! Kết thúc quí 1-2020, nhiều công ty “họ” dầu lỗ lớn do phải trích lập giảm giá hàng tồn kho. Khi giá dầu bứt lên, tác động của nó đến các doanh nghiệp lại không đồng đều…

Chứng khoán tuần qua: VN-Index kỳ vọng ở các quỹ ETF “nội” mới! (Bình An).

Khi công văn hướng dẫn quá… chặt (TS. Bùi Đức Giang): Về việc các tổ chức tín dụng nhận tài sản bảo đảm là bất động sản thay thế cho việc hoàn trả khoản vay, trong khi quy định của luật mập mờ thì công văn hướng dẫn gần đây chỉ cho phép nhận tài sản gán nợ làm… trụ sở kinh doanh.

Tiến lên nền kinh tế sáng tạo bằng cách nào? (TS. Đinh Trường Hinh): Trong ba giai đoạn của chu kỳ sản phẩm, giai đoạn chế tạo (fabrication) là giai đoạn có giá trị gia tăng thấp nhất. Để leo lên thang giá trị gia tăng cao hơn, Việt Nam phải di chuyển vào giai đoạn thượng nguồn (concept) hoặc giai đoạn hạ nguồn (logistics).

Du lịch tái khởi động trong thận trọng (Đào Loan): Ngành du lịch đang kích cầu mảng du lịch nội địa, song khó khăn, thách thức vẫn còn kéo dài…

Phí chồng thuế, khó chồng khó (Nguyên My): Bộ Tài chính đang đốc thúc việc đề xuất phương án thu phí bảo vệ môi trường. Nếu doanh nghiệp cứ khó chồng khó, ngân sách có nguy cơ mất cả chì lẫn chài.

Hàng không: nội địa hồi phục, quốc tế… chờ (Lê Anh): Hãng hàng không trước nay ít tung ra các chương trình vé giá rẻ như Vietnam Airline giờ đây cũng chạy đua giảm giá vé để kéo khách.

Philippines “xoay trục”, gạo Việt vẫn chiếm ưu thế (Trung Chánh): Sau hơn một năm giao cho tư nhân nhập khẩu gạo theo cơ chế “thuế hóa” thay vì hạn ngạch, Philippines đang tính chuyện quay lại nhập khẩu 300.000 tấn gạo theo cơ chế liên chính phủ (G2G) như trước đây. Điều này không khiến Việt Nam gặp khó khăn gì, thậm chí còn chiếm ưu thế trúng thầu so với các đối thủ cạnh tranh.

Cảnh báo không thừa khi tham gia sàn phái sinh (Nguyễn Quang Bình): Diễn biến giá trên các sàn tài chính phái sinh đang chịu lực xô đẩy mạnh bởi các dòng vốn, thường đi theo chiều có lợi cho các quỹ đầu tư lớn và gây thiệt hại cho người hám lợi, thiếu cảnh giác.

Hỗ trợ người nghèo: ai cần vận động ai? (Danh Đức): Nếu ai đó nghĩ cần vận động giúp Nhà nước đang khó khăn, e rằng cần vận động nơi đang “thừa mứa” chớ không phải người nghèo và cận nghèo.

Vượt đại dịch, khó nhất đâu chỉ là… tiền đâu (Minh Duy): Các nhà quản trị đang lo thiếu người để cùng nhau gầy dựng lại sau đại dịch. Nếu người lao động thấy công ty là nhà thì họ sẽ quay lại chăm sóc ngôi nhà đó.

Phút giây này luôn là tốt nhất (Diễm Trang): Khi nào còn tồn tại quan niệm người già là những kẻ lỗi mốt thì không thể có những sản phẩm điện ảnh có cái nhìn trực diện và nhân bản về “thế hệ vàng” của xã hội như phim The Best Exotic Marigold Hotel.

Kẻ xâm lăng tâm hồn (Trương Huỳnh Như Trân): Điện thoại chắc chắn là thông minh, nhưng người dùng càng phải thông minh hơn để giữ cân bằng cho đời sống.

Chùa nhỏ, tâm an… (Nguyễn Vũ Mộc Thiêng): Chùa Quan Âm cạnh quốc lộ 55 (thuộc xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận), nơi có thể bắt gặp nhiều kỳ hoa dị thảo, cảnh quan hư ảo, hồn người thấy mơ màng như lạc trôi nơi đất Phật giữa vô thường.

Trang Kinh tế thế giới:

Chứng khoán trên trời, sản xuất dưới đất (Nguyễn Vũ): Đừng để ý đến chỉ số Dow Jones nữa, hãy nhìn số lượng người thất nghiệp (mà đoán định tương lai), như Paul Krugman nói.

Kinh tế chia sẻ và những thách thách từ đại dịch Covid-19 (Lạc Diệp): Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh tế chia sẻ bị thua lỗ nặng. Liệu nền kinh tế chia sẻ có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này?

Hết dịch vẫn làm việc từ nhà (Thư Kỳ): Xu hướng làm việc từ xa đã rõ, nhưng làm thế nào để hệ sinh thái từng đi kèm khung cảnh mọi người đi làm từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều vẫn được duy trì thì chưa rõ.

Mời bạn đọc đón xem!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới