Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TBKTSG số 23-2019: Trả lại đặc tính “công” cho BOT

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TBKTSG số 23-2019: Trả lại đặc tính “công” cho BOT

Tòa soạn TBKTSG

(TBKTSG Online) – Trái với “tinh thần công” ở 10 chương trước đó, chương cuối cùng của dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP) vẫn quay trở lại kết luận bản chất của mô hình này mang tính kinh doanh thương mại và cho phép các bên của hợp đồng chọn trọng tài thương mại làm một phương thức giải quyết tranh chấp.

Trên TBKTSG bản in phát hành vào sáng mai, ngày 6-6, ở bài viết tựa đề Trả lại đặc tính “công” cho phương thức đối tác công tư, tác giả Võ Trí Hảo cho rằng có những hoạt động cung cấp dịch vụ công thông qua mô hình đối tác công-tư, “Nhà nước vẫn phải chịu trách nhiệm về cơ hội bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ công, cũng như về chất lượng của dịch vụ công”.

Chuyên mục Sự kiện & vấn đề tuần này tập trung vào tình trạng “Nhiễu loạn” ví điện tử trong bối cảnh thị trường thanh toán điện tử ở Việt Nam còn trong giai đoạn sơ khai, cát cứ và phân tán thông tin. Ở bài Trăm… ví đua nở, tác giả Bạch Đông ghi nhận tình trạng các doanh nghiệp luôn có nhu cầu phát hành ví điện tử mang thương hiệu của mình để giữ chân khách hàng, song “mỗi ví một lối đi riêng”.

Trong khi đó, phóng viên Vân Oanh ghi nhận một diễn biến cụ thể của lệnh cấm các ví điện tử Alipay và WeChat Pay của Trung Quốc giao dịch ở Nepal nhằm đối phó tình trạng thất thoát ngoại tệ từ du khách Trung Quốc. Tại Việt Nam, du khách Trung Quốc cũng là một nguồn khách lớn; Alipay và WeChat Pay cũng đã có mặt và Nguy cơ thất thoát ngoại tệ (tựa bài viết) cũng đang hiện hữu.

Và theo tác giả Châu Phan, để xử lý hữu hiệu nạn chuyển tiền kinh doanh qua máy POS trái phép cần đến những biện pháp “vi mô” cứng rắn, như yêu cầu các chủ sở hữu ví điện tử chấm dứt mọi hành vi chuyển tiền bất hợp pháp và việc này cần được kiểm tra thường xuyên, đồng thời xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. (Bài Tình trạng “hai mặt” của ví điện tử nước ngoài).

Các đề tài theo dòng thời sự khác:

Phải trả giá quá đắt để sửa sai (mục Ý kiến): Cái giá phải trả của những bất cập trong quy hoạch hạ tầng là mạng lưới hạ tầng kỹ thuật đô thị bị quá tải, ngập úng, ô nhiễm môi trường…, cùng với đó là quá tải trong hệ thống trường học, bệnh viện và các dịch vụ xã hội khác.

Đổ hết lỗi cho giáo dục liệu có giải quyết được vấn đề? (Võ Trí Hảo): Quan hệ cung – cầu trong các vụ chạy trường chỉ là một mắt xích, chỉ phát sinh khi có bên “bao tiêu sản phẩm”. Tuyển dụng, sử dụng ở khu vực công là vấn đề vượt ra ngoài thẩm quyền của ngành giáo dục.

Công cụ thuế bị lãng quên? (Lưu Hảo): Tỷ giá đang chịu áp lực rất lớn từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Để giải tỏa thì cần cân nhắc sử dụng công cụ thuế, phí giúp cải thiện sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Vĩ mô tháng 5: biến động mạnh ở tỷ giá (Đăng Linh): Các chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy công nghiệp cải thiện, bán lẻ tăng tốt, xuất khẩu dần hồi phục, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng biến động mạnh.

Xu hướng đảo chiều chính sách tiền tệ trên toàn cầu (Đông Hà): Trong hai tháng 4 và 5 vừa qua, tình trạng cắt giảm mặt bằng lãi suất để chặn đà suy giảm tăng trưởng diễn ra ở hàng loạt quốc gia trên thế giới. Chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ như thế nào?

Hãy để doanh nghiệp thành “người khổng lồ” một cách… tự nhiên (Đinh Tuấn Minh): Số doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn của Việt nam còn quá ít không có nghĩa là Việt Nam phải cố gắng hình thành bằng được các tập đoàn doanh nghiệp tư nhân lớn thông qua sự can thiệp của Nhà nước vào cơ chế thị trường.

Hướng dẫn xử lý rửa tiền còn sơ khai (Phan Minh Ngọc): Để phòng chống rửa tiền một cách hữu hiệu cần nghiên cứu xây dựng một khuôn khổ pháp luật đầy đủ và cập nhật các thông lệ, xu hướng liên quan trên thế giới.

Quốc hội chủ động miễn nhiệm, bãi nhiệm hay… chờ một bộ trưởng từ chức? (Lê Nguyễn Duy Hậu): Chưa bao giờ Quốc hội Việt Nam thực hiện quyền chủ động bãi nhiệm, miễn nhiệm bất kỳ thành viên nào của Chính phủ vì sai lầm của họ.

Tín hiệu tích cực qua diễn biến lãi suất của ngân hàng (Thụy Lê): Mặt bằng lãi suất có dấu hiệu hạ nhiệt, đặc biệt ở các kỳ hạn ngắn. Điều gì giúp hóa giải những áp lực lên lãi suất trong thời gian qua và xu hướng sắp tới sẽ ra sao?

Bảo đảm bằng thẻ tiết kiệm: Khi ngân hàng phải… tự quyết (TS. Bùi Đức Giang): Thông tư số 48/2018/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 5-7-2019, ngoài chính thức công nhận việc nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm bằng phương tiện điện tử, còn có các thay đổi rất đáng chú ý liên quan đến việc sử dụng tiền gửi tiết kiệm làm tài sản bảo đảm.

TTCK “ngóng” sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (Linh Trang): Khi chính thức được triển khai trong tháng 6-2019, sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant – CW) được kỳ vọng sẽ góp phần gia tăng thanh khoản cho thị trường chứng khoán. Đi kèm đó là sự gia tăng phân hóa các công ty chứng khoán.

Khó cưỡng lại xu thế toàn cầu! (Bình An): Có vẻ như ông Trump đang tích cực sử dụng công cụ thuế quan nhắm tới các nước có thặng dư thương mại với Mỹ. Liệu Việt Nam có khả năng lọt vào tầm ngắm áp thuế tiếp theo của chính quyền D.Trump?

Mua bán nhà, đất trái luật qua “vi bằng”: Thừa phát lại không vô can (LS. Trần Hồng Phong): Pháp luật quy định thừa phát lại không có thẩm quyền lập vi bằng đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của ủy ban nhân dân các cấp – như hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Bất ổn từ “cơn sốt” homestay (Đào Loan): Sự phát triển quá nhanh của dịch vụ homestay trong thời gian qua đang cho thấy những dấu hiệu bất ổn.

Việt Nam liệu có là một “công xưởng” mới? (Vũ Dung): Dưới tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, Việt Nam có khả năng trở thành công xưởng sản xuất của thế giới. Nhưng vấn đề đáng bàn là chất lượng của công xưởng ấy sẽ ra sao?

Doanh nghiệp chật vật ứng phó với suy giảm xuất khẩu nông sản (Trung Chánh): Xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực của vùng ĐBSCL đã đồng loạt suy giảm trong những tháng đầu năm 2019. Doanh nghiệp đang phải chật vật tìm cách ứng phó.

Những rủi ro và trách nhiệm pháp lý (LS. Kiều Anh Vũ): Có rất nhiều lý do dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài mượn danh người Việt thành lập doanh nghiệp. Sự “mờ ám” luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro…

Đến Quảng Nam để làm gì? (Lê Hữu Huy): Doanh nghiệp du lịch thường chỉ quan tâm quyền lợi của riêng mình trong khi ngành du lịch là một hệ sinh thái rộng rãi và đa dạng, đòi hỏi sự liên kết của tất cả thành viên hoạt động trong ngành.

Ép dầu ép mỡ, ai nỡ “ép uống” (Nguyễn Bảo Quỳnh): Rượu bia không phải là chất độc nhưng sẽ trở thành chất độc nếu sử dụng sai. “Một chén thì người uống rượu, ba chén thì rượu uống người” (Fukuzawa Yukichi).

Người lớn hãy soi gương để nhận lỗi! (Quỳnh Thư): Phải đủ dũng khí thừa nhận bệnh thành tích không chỉ ở ngành giáo dục mà là căn bệnh chung trong xã hội. Giáo dục không thể trở thành quốc sách hàng đầu nếu tất cả những vấn nạn lâu nay được quy hết cho bệnh thành tích và lỗi hệ thống.

Mải mê chim bay mà quên chim đậu! (Lê Minh Hoan): Đến với Đồng Tháp, nhiều du khách ngỡ ngàng với khung cảnh làng quê thành bình, với con người đôn hậu; với những rung động trong chiều sâu văn hóa của một miền sông nước. Dường như chúng ta đang bỏ quên những tài nguyên bản địa do mải mê “nhìn trời để đón bắt những con chim bay”.

Một cái nhìn về “Người vợ ba (Diễm Trang): Trong thời buổi dư thừa sản phẩm thị giác, hiếm có tác phẩm điện ảnh nào tạo được không khí hai chiều giữa người làm phim và người xem phim bỏng gắt như "Người vợ ba".

Mất mùa quả ngọt (Vũ Thị Huyền Trang): Năm nay cây trong vườn nhà mẹ mất mùa. Chỉ qua vài ngày mưa là mùa vụ cũng không còn nữa…

Miên man từ một ngày lễ thiếu nhi (Danh Đức): 8 giờ rưỡi sáng nghe tiếng đốc thức từ phía nhà văn hóa phường: “Các em có quà xếp hàng, còn các em không có quà thỉ khỏi…”(?) Sau 9 giờ đã thấy thinh lặng trở lại: hết Ngày Quốc tế thiếu nhi rồi!

Sau công nghệ đến mặt trận tài chính (Nguyễn Vạn Phú): Cuộc xung đột Mỹ – Trung bắt đầu từ thương mại với vũ khí thuế quan, đã chuyển sang lĩnh vực công nghệ, và theo nhiều chuyên gia kinh tế, sẽ đến lượt thị trường tài chính – chứng khoán.

“Mặt trận” mới của ông Trump (Minh Đức): Khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bùng phát vào năm ngoái, nhiều công ty đã tìm nơi ẩn náu ở Mexico – đất nước có mối quan hệ ổn định với Mỹ. Nhưng giờ đây, Mexico cũng không còn là địa điểm “an toàn”.

Mỹ: Các “ông lớn” công nghệ sắp lên thớt! (Thái Bình): Sau thời kỳ làm mưa làm gió trên mạng Internet, bốn “đại gia” Apple, Amazon, Facebook và Google sắp phải thay đổi cung cách hoạt động khi đối mặt với những cuộc điều tra của Chính phủ Mỹ.

Liên minh Renault-Nissan sẽ đi về đâu? (Khương Quang Đồng): “Mâm lễ cưới” của FCA (Fiat Chrysler Automotive) và Renault quá hấp dẫn với 8,7 triệu ô tô/năm. “Lời cầu hôn” của Fiat đến đúng lúc cặp đôi Nissan-Renault đang trong giai đoạn căng thẳng. Liệu tình hình có tiến tới một cuộc tình tay ba?

Đông Nam Á đòi trả rác cho phương Tây (Thư Kỳ): Sau hơn 25 năm tiếp nhận rác thải từ phương Tây, nay, các nước Đông Nam Á không những từ chối mà còn đòi gửi trả rác về cho… cố nhân!

Mời các bạn đón xem!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới