Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TBKTSG số 24-2018: Xu thế thanh toán di động

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TBKTSG số 24-2018: Xu thế thanh toán di động

Tòa soạn TBKTSG

Trước xu thế thanh toán di động, về mặt chính sách, có lẽ các cơ quan quản lý nhà nước nên tìm hiểu thực tế để có những quyết sách phù hợp chứ không phải là những cảnh báo hay cấm đoán chung chung. Đầu tiên là đặt ra yêu cầu các cơ sở dịch vụ du lịch ở Việt Nam, dù của người Việt hay của dân Trung Quốc đầu tư, đều phải kết nối ví Alipay hay WeChat Pay với một ngân hàng trong nước, không được kết nối ví trực tiếp với ngân hàng Trung Quốc. Chuyên mục Sự kiện và Vấn đề tuần này của TBKTSG sẽ đề cập đến tác động của xu thế thanh toán di động và cách ứng phó của Việt Nam.

Trong chuyên mục này, bài viết “Sẽ không còn quẹt thẻ – phải chuẩn bị từ giờ” của tác giả Nguyễn Vạn Phú cảnh báo rằng nếu Lazada, hiện đã về tay Alibaba, đẻ ra một loại thanh toán di động kiểu Alipay, họ sẽ giành hết người dùng và chế ngự thương trường trên mạng của Việt Nam. Chúng ta làm được gì đây?

Theo bài viết "Tránh nguy cơ “nhân dân tệ hóa” nền kinh tế Việt Nam" của Ngọc Khanh, động thái tiếp theo của WeChat Pay hay AliPay sẽ là xây dựng và kết nối thanh toán với các cửa hàng và đại lý tại Việt Nam. Khi đó, toàn bộ chu trình thanh toán từ người sản xuất, đại lý phân phối và người tiêu dùng cuối cùng sẽ được hoàn tất. Với tiềm lực tài chính hùng hậu, Alibaba có thể sẽ triển khai các chương trình khuyến mãi “khủng” nhằm đánh bật và chiếm thị phần của các doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, phải có ngay một hành lang pháp lý đủ mạnh…

Các bài viết khác trong số báo ra ngày 14-6-2018, xin giới thiệu bạn đọc:

Doanh nghiệp có thể kỳ vọng gì ở Luật Cạnh tranh sửa đổi (Mục Ý kiến): Luật Cạnh tranh sửa đổi vẫn được xây dựng dựa trên các khái niệm cạnh trnah chủ yếu từ phía doanh nghiệp như thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, tập trung kinh tế… nên chưa nhìn từ góc độ quản lý nhà nước, chưa thể can thiệp các hành vi hạn chế cạnh tranh từ phía chính quyền.

Góc khuất tăng trưởng tín dụng (Hải Lý): Năm tháng đầu năm nay, vốn dành cho sản xuất – kinh doanh tụt xuống 75%,  vốn chảy vào bất động sản và cho vay tiêu dùng  chiếm 25%. Trong số 25% đó,  cho vay bất động sản là 10,8%.

Nhà quản lý nói chuyện trên trời, doanh nghiệp sống dưới đất (Minh Tâm): Câu chuyện ồn ào hiện nay xung quanh dự thảo Nghị định Phát triển và quản lý hệ thống ngành phân phối do Bộ Công Thương chịu trách nhiệm soạn thảo cho thấy, cơ quan quản lý cứ thích nói chuyện trên trời, còn doanh nghiệp lại đang sống dưới mặt đất.

DNNN tìm cách dứt "bầu sữa" bảo lãnh (Ngọc Lan): Tại sao EVN bắt đầu công bố rộng rãi kết quả xếp hạng tín nhiệm quốc tế theo đánh giá của Fich Rating? Mục đích công bố của EVN không nằm ngoài việc chuẩn bị phát hành trái phiếu quốc tế, đa dạng hóa nguồn vốn vay.

Cử nhân thất nghiệp: quá lãng phí nguồn lực (Võ Đình Trí): Hiện có khoảng 200 ngàn người thất nghiệp có trình độ đại học. Nếu so với số sinh viên ra trường hàng năm thì con số này không hề nhỏ. Sự lãng phí nguồn lực, do đó, rất đáng lo ngại và giải pháp là cần theo hướng đào tạo nghề.

Giúp nông dân làm… kinh tế nông nghiệp (Trung Chánh): Muốn sản phẩm nông nghiệp vươn xa, thu nhập người nông dân tăng lên, ngoài xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, thì mấu chốt cơ bản cần phải giải quyết là tiêu chuẩn chất lượng và giá thành sản phẩm. Điều này trước hết đòi hỏi các bên liên quan, bao gồm cả người nông dân, phải chấp nhận “buông bỏ” tư duy sản xuất cũ.

Du khách quốc tế tăng mạnh nhưng mang lại ít ngoại tệ (Quốc Minh): Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới thì du khách quốc tế đã mang về cho nền kinh tế Việt Nam khoảng 8,3 tỉ đô la Mỹ trong năm 2016. Tuy nhiên, con số trên đã bao gồm chi phí vận chuyển của các hãng hàng không. Nếu loại bỏ chi phí vận chuyển thì khách quốc tế đang chi tiêu bao nhiêu khi đi du lịch tại Việt Nam, bao gồm chi phí lưu trú và ăn uống?

Chỉ định thầu dự án BOT giao thông, vì sao? (TS. Võ Duy Nghi): “Lạm dụng” quy định của Luật Đấu thầu, nhiều chủ đầu tư đưa vào bài thầu những yêu cầu ngặt nghèo mà chỉ những nhà thầu sân sau, thân hữu với mình mới có lợi thế để cuối cùng các nhà thầu khác không thể tham gia hoặc không đủ điều kiện tham gia.

BOT đường thủy cũng lắm vấn đề (Lê Anh): Trong khi các dự án BOT đường bộ còn tồn tại nhiều bất cập và chưa thể giải quyết triệt để thì các dự án BOT đường thủy lại được thực hiện ở các tuyến sông độc đạo rồi thu phí.

Sự lỗi thời của một quy định chứng khoán (Hải Lý): Quy định công ty chứng khoán nộp 20% tổng phí môi giới cho các sở giao dịch cần phải thay đổi và thay đổi ngay theo hướng giảm mức nộp xuống 10% hoặc chí ít cũng xuống 15%. Hose và Hnx 100% vốn Nhà nước, mọi chi phí hoạt động đều theo quy định Nhà nước, tức có ngân sách lo.

Tắc nghẽn vốn? (Hồ Lê): Có lẽ lần đầu tiên trong nhiều năm qua, hiệu ứng chèn lấn vốn từ khu vực công đã phần nào bị hạn chế. Với việc giải ngân vốn đầu tư công không như mong muốn, Chính phủ không có động lực tăng huy động vốn qua thị trường trái phiếu bằng mọi giá, do đó các ngân hàng càng dồi dào thanh khoản, không chỉ nhờ vào lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN) mà còn từ việc hạn chế đầu tư trên thị trường trái phiếu.

Chi trả cổ tức: cân đối để hài hòa lợi ích! (Linh Trang): Việc quyết định tỷ lệ chi trả cổ tức bao nhiêu là bài toán không hề đơn giản cho doanh nghiệp khi phải đảm bảo hài hòa lợi ích của nhiều bên.

Góc nhìn khác trong phân tích nợ xấu và chi phí dự phòng (Phong Hiếu): Việc nhận biết các thủ thuật để che giấu nợ xấu cũng giúp nhà đầu tư tránh khỏi những cái bẫy khi mua cổ phiếu ngân hàng, hoặc không lỡ cơ hội đầu tư vào một ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhưng minh bạch.

Hiểu thế nào về quản trị, quản lý và lãnh đạo (Nguyễn Hữu Long): Quản lý không đồng nhất với quản trị, quản trị không đồng nhất với lãnh đạo, và lãnh đạo không đồng nhất với quản lý. Ba vai trò này tuy khác nhau nhưng lại liên quan mật thiết với nhau.

Là “công xưởng” giày dép của thế giới: lo nhiều hơn vui (Quốc Hùng): Sự gia tăng dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam của nhiều thương hiệu giày dép trên thế giới đang tạo nỗi lo cho các doanh nghiệp nội địa trong ngành này.

Đầu tư dược, lợi thế nào cho doanh nghiệp ngoài ngành? (Hoàng Nhung): Nhiều doanh nghiệp lớn ngoài ngành đã lên tiếng sẽ tham gia vào thị trường dược phẩm. Nắm trong tay mạng lưới các điểm bán lẻ rộng lớn, các doanh nghiệp ngoài ngành được cho là có nhiều lợi thế về mảng phân phối.

Chật vật chuyển sang nông nghiệp hữu cơ (Trung Chánh): Khung pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp chuyển sang phát triển nông nghiệp hữu cơ đã có, nhưng sự trở mình trên thực tế vẫn rất khó khăn.

Du lịch Đà Nẵng gặp khó khăn về nguồn nhân lực (Nhân Tâm): Tuy nguồn nhân lực từ các cơ sở đào tạo ở Đà Nẵng tạm thời có thể đáp ứng về số lượng nhưng đi kèm với đó là một khoảng cách lớn giữa lý thuyết đào tạo với yêu cầu thực tế của nghề nghiệp.

Phía sau một tỷ lệ bình thường (Lê Thư): Phía sau tỷ lệ thất nghiệp trình độ đại học 4%, được cho là bình thường, là những con số khác. Hàng năm, tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục ở mức xấp xỉ 20% tổng chi ngân sách nhà nước, tương đương 5% GDP, một con số không nhỏ. Bên cạnh đó, còn phải tính đến tổng gộp của bao nhiêu chi phí mà từng gia đình đã góp vào sự nghiệp trồng người này.

Kiếm tiền từ di sản (Minh Duy): Khi đã xác định di sản là sản phẩm cốt lõi thì phải gia tăng đầu tư, làm cho sản phẩm thêm hấp dẫn nhằm gia tăng lượng khách để gia tăng nguồn thu từ các dịch vụ khác, lấy nguồn thu khác để bồi đắp thêm cho di sản chứ không nên chỉ tính đến cách thu tiền trực tiếp bằng bán vé tham quan.

Khi nợ leo lên mạng xã hội (Minh Lê): Hộp tin nhắn Facebook của tôi có hai văn bản lạ. Một là thư thông báo nợ của một công ty chuyên đòi nợ thuê và một của chính doanh nghiệp bạn tôi được cho là đang nợ nần…

BHXH, chờ một sự thay đổi (Thùy Dung): Mỗi năm có khoảng 700.000 người rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH), tương đương với số lượng người tham gia mới, theo cơ quan BHXH. Nhiều bất cập được chỉ ra trong việc đóng – hưởng BHXH, đòi hỏi một sự cải cách toàn diện.

Hè về, chơi thôi! (Nguyễn Quang Bình): Khi mình nhồi cho trẻ học, bắt chúng bận rộn với chữ nghĩa, tri thức, bắt chúng ngồi yên học bài,  thì càng tước đi tính sáng tạo và làm giảm độ thông minh vốn có nơi con người.

Trung Quốc chờ cơ hội thúc đẩy thương mại với Triều Tiên (Minh Đức):  Người dân tại khu vực biên giới giữa Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên đang phấn khích chờ đợi các cơ hội phát triển, sau cuộc họp thượng đỉnh lịch sử diễn ra giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Cuộc khủng hoảng nhà ở của Ảrập Saudi (Minh Đăng): Ảrập Saudi đang tiến hành cải cách kinh tế sâu rộng và kế hoạch này thành công đến đâu sẽ được phản chiếu trong lĩnh vực bất động sản.

Bước khởi đầu tốt đẹp (Chiến Thắng): Lần đầu tiên từ năm 1953, cánh cửa hòa bình đã mở ra cho bán đảo Triều Tiên…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới