Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TBKTSG số 26-2011: Kinh doanh giáo dục

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TBKTSG số 26-2011: Kinh doanh giáo dục

Xuân Trí

Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 26-2011 ra ngày thứ Năm 23-6 có những nội dung chính:

Ở nhiều nước trên thế giới, giáo dục đã trở thành một trong những “mặt hàng” xuất khẩu chủ lực. Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang loay hoay xác định vị thế của cụm từ “kinh doanh giáo dục”, dù trên thực tế tư nhân đã tham gia đầu tư vào lĩnh vực giáo dục ở khắp các cấp học. Sự kiện & Vấn đề tuần này phản ánh vấn đề đầu tư cho giáo dục ở các trường học ngoài công lập hiện nay. Tuy nhiên, dù đầu tư ngày càng nhiều nhưng nhìn chung chất lượng đào tạo của khu vực này vẫn còn kém xa khu vực công lập.

Tuần trước, gần 10.000 tấn than đầu tiên do tập đoàn Than và Khoáng sản nhập khẩu đã cập cảng TPHCM. Bài Bán cái chủ động để mua bị động! của phóng viên Tấn Đức trong mục Ghi nhận phản ánh những bất cập trong chiến lược phát triển cũng như sử dụng năng lượng ở nước ta.

Nhập siêu từ thị trường Trung Quốc ngày càng tăng cả về tốc độ và giá trị. Chỉ riêng chênh lệch giữa giá hàng hóa nhập từ Trung Quốc với giá sản phẩm thô xuất sang thị trường này đã đè nặng lên nhập siêu của Việt Nam. Bài Thất thế trong buôn bán với Trung Quốc của tác giả Nguyễn Duy Nghĩa trong mục Giao thương phản ánh những nét chấm phá trong bức tranh thương mại Việt-Trung hiện nay.

Trong mục Tài chính – Chứng khoán, đáng chú ý là bài Tỷ giá hay lãi suất? của phóng viên Hải Lý, ghi nhận những diễn biến mới nhất trên thị trường tiền tệ. Theo tác giả, tín hiệu giảm lãi suất tiền đồng đang ngày một hiện rõ. Tuy nhiên, nếu lãi suất giảm, người dân có còn giữ tiền đồng thay cho vàng, ngoại tệ hay không là một câu hỏi không dễ trả lời.

Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu trong những tháng tới thị trường trái phiếu sẽ nhộn nhịp kẻ mua người bán và lãi suất trái phiếu có thể chạm ngưỡng 11,5%/năm, từ mức 13,3%/năm trong tháng trước. Bài Vòng quay mới của trái phiếu của phóng viên Hải Lý phân tích nguyên nhân khiến trái phiếu chính phủ nhanh chóng trở thành thứ hàng hóa được ưa chuộng hiện nay.

Những công ty hoạt động theo mô hình công ty gia đình tồn tại ra sao trong bối cảnh kinh tế khó khăn? Bài Công ty gia đình thời kinh tế khó khăn của phóng viên Sơn Nghĩa trong mục Doanh nhân Doanh nghiệp phản ánh việc chuyển giao kinh doanh ở công ty gia đình tại Việt Nam.

Năm 2010 là thời hạn cuối cùng của lệnh cấm xuất khẩu sản phẩm thô titan mà Chính phủ đưa ra. Nay lại tiếp tục được lùi thêm đến hết năm 2011. Bài Titan lại chảy của phóng viên Ngọc Lan trong mục Tài nguyên phản ánh thực trạng lĩnh vực khai thác và xuất khẩu titan hiện nay ở nước ta.

Cách thức tổ chức thi công công trình và kết quả thực hiện hợp đồng của các nhà thầu Trung Quốc tại nhiều gói thầu quan trọng ở nước ta rất đáng lo ngại. Bài Chọn thầu: xin đừng hám rẻ của luật sư Hồ Hoàng Đức trong mục Phản hồi phản ánh những khiếm khuyết của việc chọn thầu trong đấu thầu quốc tế tại Việt Nam.

Sau vài thập kỷ cải cách doanh nghiệp nhà nước, các cơ quan quản lý vẫn chưa giải được bài toán hiệu quả của khối doanh nghiệp này. Bài Đi tìm yếu tố cốt lõi của tác giả Quang Minh trong mục Cải cách doanh nghiệp nhà nước phản ánh nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, đồng thời đề xuất một số giải pháp cho vấn đề này.

Thời gian qua đã có nhiều ý kiến tranh cãi xoay quanh việc quản lý cảnh quan kiến trúc đô thị. Bài Cần hình thành quỹ kiến trúc đô thị của tác giả Thanh Phương trong mục Gặp gỡ phỏng vấn kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Việt Nam, về việc bảo tồn những công trình kiến trúc.

Trong mục Bình luận quốc tế, tác giả Huỳnh Hoa có bài Khi Trung Quốc đe dọa dùng vũ lực, phản ánh những diễn biến mới trong cuộc xung đột trên biển Đông.

Kính mời bạn đọc đón xem.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới