TBKTSG số 28: Trào lưu mở đặc khu kinh tế
Tòa soạn TBKTSG
(TBKTSG Online) - Lãnh đạo Quảng Ninh dự kiến sẽ trình bày với tỉ phú Sheldon, Chủ tịch LasVegas Sands, hai tiếng về tiềm năng của huyện đảo Vân Đồn nhưng cuộc gặp chỉ kéo dài khoảng hai phút.
Tay tỉ phú chỉ hỏi “khi nào thì ông xây xong sân bay, và khi nào thì ông cho người Việt Nam vào chơi casino?”. Khi nghe câu trả lời tất cả còn “đang tính”, vị khách đáp ngay “cám ơn ông, khi nào ông xong hai cái đó thì chúng ta sẽ thảo luận”.
Đó là phần mở đầu bài "Vân Đồn trong con mắt các tỉ phú” (Tư Giang) và cũng là một trong ba bài trong chuyên mục Sự kiện & Vấn đề của TBKTSG số tuần này.
Quảng Ninh đã hoàn thành đề án phát triển đặc khu kinh tế Vân Đồn và cần tới 12 tỉ đô la Mỹ cho giai đoạn 2014-2030. Dù rất quyết tâm với mô hình này, nhưng Vân Đồn vẫn còn rất nhiều việc phải chờ. Một trong những việc đó, như bài viết “Muốn có đặc khu phải có luật” của Tư Hoàng chỉ ra. Bộ Nội vụ đang dự thảo luật về đặc khu kinh tế sau khi bộ Kế hoạch và Đầu tư từ chối, nhưng luật này chưa thấy có trong chương trình làm việc của Quốc hội trong năm tới.
Cho tới nay, trong khi cấp vĩ mô vẫn có nhiều quan niệm khác nhau về chuyện như thế nào là đặc khu kinh tế thì tư duy của các địa phương về nó có dấu hiệu theo phong trào. Bởi vậy, ý kiến của giáo sư-tiến sĩ Nguyễn mại “Chúng ta được gì từ đặc khu?” là một góc nhìn rất tỉnh táo. Điều chúng ta cần hiện nay là cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế.
Ngoài ra, TBKTSG số 28, phát hành sáng mai, ngày 10-7 còn có nhiều bài viết thời sự khác
Nói được, làm được- Mục Ý kiến: Cần trao thực quyền cho các lãnh đạo cơ quan công quyền- trong đó có quyền quyết định về nhân sự- để giúp họ mạnh tay tạo ra sự thay đổi. Có thế mới quy được trách nhiệm cá nhân, tạo tiền đề cho chuyện cách chức, từ chức.
Cánh cửa “hiểm nghèo” tín dụng ngoại tệ- Hải Lý: Vay ngoại tệ chẳng khác nào con dao hai lưỡi. Nếu không chọn đúng đồng tiền, lãi suất hợp lý và kỳ hạn tốt, dễ đứt tay như chơi!
TPP có thể chỉ là cuộc trình diễn- Hồng Phúc: Nếu không có cải cách thực sự để tăng nội lực thì TPP cũng chỉ mang tính chất một cuộc trình diễn.
Tăng trưởng GDP 5,8%: mục tiêu không dễ hoàn thành!- Linh Trang: Muốn đạt chỉ tiêu này, GDP sáu tháng cuối năm phải trên 6%-một thách thức không dễ, nhất là trong bối cảnh căng thẳng từ xung đột trên biển Đông.
Khó như xuất khẩu gạo- Nguyên Lê: Giá cả không chỉ phụ thuộc vào nhu cầu thế giới mà còn phụ thuộc vào khả năng cạnh tranh với các nhà cung ứng khác trong việc phán đoán, đàm phán giá. Hiện tất cả các chỉ dấu đều không lạc quan.
Không chỉ là chuyện bi hài- Nguyễn Tiến Tài: chuyện phạt rồi không phạt người đội nón bảo hiểm “dỏm” cho thấy tính chuyện nghiệp của hoạt động quản lý nhà nước vẫn còn là mục tiêu xa vời.
Mua nhầm hàng “dỏm”-có nên phạt nạn nhân?- Võ Trí Hảo: các cơ quan hành pháp đã có hành động từ chối thực thi và đề nghị xem xét lại các quy định bất hợp lý như phạt người đội nón bảo hiểm ‘dỏm”, điều này không đúng nguyên tắc pháp chế trước kia nhưng lại phù hợp với nguyên tắc pháp quyền mà ta đang xây dựng.
Bớt lúa, thêm bắp: đi tìm lời giải- Nguyễn Đình Bích: Tuần trước, TBKTSG có hồ sơ “tái cơ cấu ngành lúa gạo”, trong đó có bàn đến những bất lợi nếu Việt Nam từ bỏ lợi thế cạnh tranh của cay lúa, chuyển đổi một phần diện tích sang trồng bắp. Bài này phân tích sâu hơn vấn đề này từ những diễn biến thời sự về giá bắp trên thị trường.
Còn lỗ hổng quản lý, đường còn lún- Phạm Sanh: Xử lý lún đường không khó, chỉ khó là các bộ, ngành chưa quyết tâm xác định đúng nguyên nhân mà thôi.
Bệnh viện tư ngắc ngoải - Hoàng Nhung: Thường vì không “trường vốn” nên lãnh đạo bệnh viện tư phải rút lui.
Cần sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật- Vũ Xuân Tiền: Có nhiều nguyên nhân khiến “hệ thống pháp luật Việt Nam phức tạp nhất thế giới”, trong đó có nguyên nhân thuộc về Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Cổ phần hóa Vietnam Airlines: những khác biệt- Hải Lý: Để lại toàn bộ thặng dư hco Vietnam Airlines là hợp lý để tạo điều kiện cho hãng có thể IPO thành công, đồng thời có khả năng tăng vốn những đợt sau.
Những bóng mờ ở ngân hàng-Lưu Hảo: Những vụ án đã và sẽ diễn ra đang làm xói mòn niềm tin của xã hội đối với ngành ngân hàng.
Doanh nghiệp tăng vốn mạnh, cổ đông ‘thủng túi”?- Nguyên Đăng: Đang tồn tại một nghịch lý trên TTCK, doanh nghiệp tăng vốn càng mạnh thì hiệu quả hoạt động càng thấp, cổ đông càng thiệt hại.
Vẫn chưa thoát vòng kim cô - Đình Dũng: Những thay đổi từ Luật Đất đai mới chỉ mới gọt đi một chút “râu ria” của vấn đề chứ chưa chạm tới những khúc mắc bấy lâu nay như khúc mắc liên quan đến tiền sử dụng đất.
Bất động sản chưa vội lạc quan- Mạnh Tùng: Cho dù con số tồn kho thực sự là bao nhiêu thì việc giảm thiểu tồn kho trong tương lai cũng phụ thuộc rất lớn vào khách hàng- những người đang ngày càng cẩn trọng hơn.
Xe tải lên ngôi -Chí Bảo: Từ khi Bộ Giao Thông- Vận tải kiểm soát chặt tình trạng xe quá tải, thị trường xe tải nóng dần lên.
Ơ sếp, ơn trời biển!- Nguyễn Quang Bình: Có người đồn rằng muốn được làm việc ở một số cơ quan phải tốn tiền. Ơn nghĩa trao và nhận của sếp có khác chi… hối lộ.
Kinh doanh “taxi” không biển hiệu- Chí Thịnh: Nhà cung cấp dịch vụ đi thuê xe Uber (Mỹ) vừa mới tham nhập thị trường Việt Nam từ cuối tháng 6-2014. Phí ‘đi nhờ” xe thấp hơn giá taxi?
Nông dân thanh toán di động, tại sao không?- Hiền Nguyễn: Thanh toán di động sẽ là mô hình giúp thúc đẩy thanh toán điện tử, đồng thời giúp rút ngắn khoảng cách tiếp cận dịch vụ tài chính giữa nông thôn và thành thị.
Bán xong hàng, chưa xong chuyện- Nhã Phiên: Để thành công, nhà quản trị doanh nghiệp phải làm cho đội ngũ tiếp thị-bán hàng-hậu mãi của mình nói cùng một giọng, nghĩa là đảm bảo được chất lượng đã cam kết.
Định nghĩa lại…- Nguyễn Tân Kỷ: Kinh doanh cũng như bóng đá, yếu tố mới luôn là nền tảng, là sự sống còn của doanh nghiệp. Khi bạn đưa ra định nghĩa mới về sản phẩm, thị trường, bạn là người đưa ra luật chơi.
Quảng cáo trên xe buýt khó hút khách- Anh Quân: Quan trọng nhất là giá, hai bên cần ngồi lại với nhau để tính toán sao cho hài hòa lợi ích.
Tranh chấp việc làm trong lòng nước Mỹ- Thái Bình: Cuộc tranh giành công ăn việc làm giữa lao động bản xứ và người nhập cư.
Những cái bắt tay thực dụng- Minh Đức: Theo nhận định của hãng tin AP, chủ nghĩa thực dụng đang vượt qua những bất đồng, thậm chí là thù hận, để trở thành xu thế chủ đạo trong quan hệ giữa các nước châu Á hiện nay.
Mỹ- Trung sẽ “chơi trò an toàn”- Hải Đăng: Trong năm cuộc Đối thoại song phương thường niên về kinh tế và chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, các vấn đề chiến lược chưa bao giờ cản trở tiến trình tiến bộ tuy chậm chạp trên kênh hợp tác quốc tế. Cuộc đối thoại lần thứ sáu diễn ra từ ngày 9 đến ngày 10-7.
Chính danh- Đoàn Khắc Xuyên: Chính danh có nghĩa là chủ trương, chính sách đề ra phải rõ ràng vì lợi ích chung, không có chút bóng dáng của lợi ích riêng tư, phe nhóm; phải minh bạch từ mục tiêu đến phương thức và chi phí thực hiện.
Con ong mật ấy không trở về tổ nữa- Nguyễn Quang Thân: Điều quan trọng là ông- nhà văn Tô Hoài, đã có một vài tác phẩm để đời trước khi mất. Mật của con ong thợ ấy vẫn còn ở lại với đời!
“Nhìn cũng như chộ”- Dương Trọng Huế: Nhiều chuyện chứ không riêng gì chuyện hình ảnh kinh khủng về tác hại của thuốc lá trên vỏ bao thuốc, chẳng biết người ta “nhìn cũng như chộ”- như thấy, hay cho rằng mọi thứ vẫn còn xanh, chưa chín muồi?
Chữ có khi là than- Việt Linh: Nghề báo là nghề của câu chữ nhưng trước khi trau rèn kỹ thuật, chữ và tâm của nhà báo phải mang tính văn hóa. Như than, chữ có thể thiêu đốt uy tín/sự nghiệp của con người, kể cả người viết ra chúng.
Mấy cụm khói rời- Nguyễn Ngọc Tư: Cái dáng ngồi bất động của người đàn bà Khmer cũng giống hệt với người đàn bà Êđê bất động trước căn nhà lợp thiếc. làm gì còn bầu trời nào khác cho con chim đã bị lấy đi bầu trời?
Ruột rà cũng cần nắm luật- Hoàng Xuân: Rất nhiều người không chịu đọc sách luật để trước nhất tự bảo vệ quyền lợi của mình.