Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TBKTSG số 29-2016: Bất ổn từ huy động vàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TBKTSG số 29-2016: Bất ổn từ huy động vàng

Tòa soạn TBKTSG

(TBKTSG Online) – Trong vài năm trở lại đây, vì nền kinh tế thiếu vốn cho phát triển, người ta nghĩ ra đủ loại cách để “xoay” đủ vốn cho ngân sách, trong đó có đề xuất huy động vàng trong dân. Từ năm 2012 tới nay, đã nhiều lần người ta nghe nhắc đến đề xuất này. Hơn một tháng trước, đề án này đã được nhắc lại. Nay khi giá vàng “nổi sóng”, người ta lại càng chú ý tới nó nhiều hơn. Nhưng đề xuất này có thực hiện được và có thực sự hiệu quả? Đó là nội dung chuyên mục Sự kiện và Vấn đề: Bất ổn từ huy động vàng trên TBKTSG số ra ngày mai 14-7-2016.

Theo tác giả Hồ Quốc Tuấn trong bài Đề xuất huy động vàng – xin đừng làm khổ dân, “các nhà làm chính sách cần hết sức cẩn trọng vì đề xuất này tiềm ẩn quá nhiều rủi ro và dựa trên những căn cứ mơ hồ, thậm chí là ngộ nhận nguy hiểm về cái gọi là huy động vàng trong dân”.

Bài viết Huy động vàng và nguy cơ bất ổn hệ thống tài chính, tác giả Trần Ngọc Thơ cảnh báo nguy cơ bất ổn hệ thống tài chính khi thực hiện đề án này, đi ngược lại với các chính sách vĩ mô cẩn trọng mà Chính phủ đang theo đuổi. Tác giả cho rằng: “Con đường duy nhất để người dân tự động mang vàng đem bán cho Nhà nước chỉ có cách là chính sách kinh tế phải đảm bảo làm cho giá trị của đồng tiền Việt và hệ thống tài chính được ổn định”.

Liên quan đến chuyện huy động vàng, tác giả Tâm Dân (bài Xin hãy để vàng ngủ yên) góp thêm ý kiến: “…Một khi niềm tin vào giá trị đồng nội tệ được củng cố và lên ngôi, ngay lập tức vàng sẽ tự chuyển hóa sang nhiều kênh đầu tư khác mà không gây thêm bất ổn rủi ro đáng kể nào cho an toàn kinh tế vĩ mô”.

Các đề tài thời sự khác:

Lại bàn về quy trình cấp phép xả thải (An Hòa): Thêm nhiều tình tiết mới, “lạ” xuất hiện quanh việc cấp phép xả thải cho dự án của Formosa và Nhà máy Giấy Lee & Man. Trong đó có chi tiết: “Ngày 11-12-2015 (là ngày cấp phép xả thải cho Formosa), Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng thời ký quyết định cấp phép xả thải cho Lee & Man với lưu lượng 50.000 mét khối/ngày ra sông Hậu, và Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng… không biết báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt từ tháng 9-2008 của Lee & Man Việt Nam đã không còn hợp pháp”.

Thay đổi nhận thức về kiểm soát chất thải (Bạch Thị Nhã Nam): Sau vụ Formosa và Lee & Man, dư luận xã hội đã gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh các địa phương ở Việt Nam về việc cần tìm sự cân bằng giữa thu hút đầu tư nước ngoài và bảo vệ môi trường sống trong sạch cho người dân.

Từ những dự án tỉ đô nhìn lại nợ công (Vũ Quang Việt): Đây là thời điểm Chính phủ nên xem xét lại toàn bộ các dự án lớn đã được đầu tư trong năm năm qua, từ đó rút kinh nghiệm cho việc điều hành kinh tế trong những năm tới.

Thể chế đổi mới – tâm lý y nguyên (Nguyễn Ngọc Bích): Từ đầu năm nay, các nhà lãnh đạo nói nhiều về việc thay đổi thể chế, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp phát triển. Sự quyết tâm của Chính phủ đã rõ. Việc làm còn nhiều, nhưng thành công được bao nhiêu và đâu là câu trả lời?

Biến số lớn nhất trong chính sách tiền tệ (Hà Đông): Chính sách tiền tệ đang được Ngân hàng Nhà nước nới lỏng để kích thích kinh tế tăng trưởng. Đâu sẽ là biến số lớn nhất trong điều hành chính sách tiền tệ trong sáu tháng cuối năm?

Rủi ro cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ (Hoàng Quốc Đông): Những diễn biến bất thường trên thị trường tài chính Việt Nam thời gian qua sau sự kiện nước Anh rời EU (Brexit) được dự báo có thể sẽ sớm đảo chiều và đi xuống trong thời gian tới.

Mua bán nợ: lối mở vẫn hẹp (Lưu Hảo): Quy định của khoản 6, điều 3, Nghị định 69/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh mua bán nợ ban hành ngày 1-7-2016. Nghị định này được các chủ thể trên thị trường chờ đợi đã lâu, bởi nó giống như một lối mở pháp lý để tạo dựng thị trường mua bán nợ, trong đó có nợ xấu của doanh nghiệp, của các tổ chức tín dụng.

Thiệt hại do nợ xấu nhìn từ một chi nhánh ngân hàng (Phong Hiếu): Phòng bệnh hơn chữa bệnh, việc nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro để ngăn ngừa, giảm thiểu nợ xấu mới là giải pháp căn cơ cho các ngân hàng.

Cổ phiếu Sông Đà: “thời oanh liệt nay còn đâu?” (Thành Nam): Trong khi thị trường chứng khoán đang có chuỗi ngày hứng khởi, các cổ phiếu “họ” Sông Đà gần như “chìm nghỉm”, “lang thang” ở vùng đáy rộng dài bất chấp một số công ty vẫn làm ăn tốt và chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông ở mức gấp đôi lãi suất tiết kiệm ngân hàng.

Qua sáu tháng, xuất khẩu dè chừng hụt hơi (Nguyễn Duy Nghĩa): Sáu tháng đầu năm, tiếng là xuất siêu 1,5 tỉ đô la Mỹ, nhưng đó vẫn là công của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (xuất siêu 11,2 tỉ đô la), còn khối doanh nghiệp trong nước vẫn nối dài mạch nhập siêu với 9,7 tỉ đô la.

Gạo mất mùa nhưng giá lại giảm (Nguyễn Đình Bích): Thế giới năm nay mất mùa nhưng thị trường gạo thế giới đang ở trong trạng thái khác với logic thông thường. Đó là thay vì tăng khi mất mùa, giá gạo thế giới lại giảm mạnh.

Đau đầu bài toán thương hiệu nông sản (Vũ Thành): Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập mạnh mẽ, nhưng lại không có các thương hiệu và sản phẩm nông sản đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế.

Người chiến thắng được tất cả (Nguyễn Tân Kỷ): Kinh doanh cũng giống bóng đá. Sản phẩm hay, quảng cáo đẹp, giành giải thưởng này nọ cũng có ý nghĩa gì đâu nếu không được người tiêu dùng ủng hộ, doanh nghiệp không chiến thắng…

“Chơi” với công nghệ quảng cáo, cần am hiểu (Ô Lâu): Quảng cáo trực tuyến (Digital Marketing) đang trở nên thịnh hành và là hoạt động quảng bá không thể thiếu trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong cuộc chơi công nghệ này đòi hỏi doanh nghiệp phải thực sự am hiểu, nếu không rất dễ rơi vào bẫy “đốt tiền”.

Nhắm mắt “khởi nghiệp” là tự tử từ từ (Nguyễn Thanh Lâm): Việc khởi nghiệp cần được chuẩn bị chu đáo và rất nên được huấn luyện kỹ. Nếu không, đó có thể là sự tự tử từ từ mà bản thân không nhận ra.

Hiểu người, cơ hội thành công sẽ lớn (Minh Lê): Ông Rick Nguyễn, đồng sáng lập Công ty Spot Trender, một công ty khởi nghiệp thành công tại Mỹ trong lĩnh vực đánh giá và phân tích quảng cáo bằng công nghệ đám mây, chia sẻ những được, mất khi chọn khởi nghiệp kinh doanh.

Rủi ro thẻ – những cảnh báo (Hồng Phúc): Tình trạng mạo danh bạn bè, người thân để đánh cắp thông tin của chủ thẻ với mục đích lừa đảo đang ngày càng gia tăng.

Lại chuyện hợp đồng vô hiệu do vi phạm thẩm quyền (Quách Thúy Quỳnh – Nguyễn Thị Vân Anh): Những câu hỏi quanh việc hợp đồng thương mại liệu có vô hiệu khi người ký vi phạm thẩm quyền theo quy định pháp luật Việt Nam hiện hành.

Quyền của bảo vệ? (Danh Đức): Vụ tai tiếng ở Bệnh viện Nhi Trung ương vì hành vi ngăn không cho gia đình người bệnh tự thuê xe đưa con về lo hậu sự đã làm dấy lên câu hỏi: Ở bệnh viện đó, quyền hạn của ban giám đốc tới đâu và quyền lực quả đơn vị được thuê làm bảo vệ tới đâu?

Có còn người gác cổng của nhân cách (Lê Hải Đăng): Đạo đức giống như người gác cổng trong ngôi nhà nhân cách. Nếu thiếu vai trò giám sát nội tại này, ngôi nhà tâm hồn dễ dàng bị kẻ xấu bên ngoài xâm nhập…

Đô thị sống trong con người (Nguyễn Vĩnh Nguyên): Chuyện về người họa sĩ kể lại một bóng hình Hội An theo cách riêng của mình.

Gió đã cuốn ông đi (Việt Linh): Nghệ thuật trong phim của nhà đạo diễn thiên tài Abbas Kiarostami (Mùi vị anh đào, Gió sẽ cuốn chúng ta đi).

Nón lá ơi! (Nguyễn Ngọc Tuyết): Những chiếc nón lá đội trên đầu các chị, các bà đi chợ khơi lại bao nỗi hoài cảm.

Tản mạn về cái kéo (Nguyễn Thị Hậu): Dao kéo là dụng cụ nhưng có khi là “hung khí”, nhưng nguy hiểm hơn là những “nhát kéo” vô hình của sự vô cảm, nhỏ nhen, toan tính, tham lam và ích kỷ cứ cắt nát lương tâm và nhân tính…

Trang Kinh tế thế giới có bài:

Trung Quốc: “bong bóng khởi nghiệp” đang phình lên! (Chánh Tài): Một làn sóng khởi nghiệp ở đất nước đông dân nhất thế giới đang khiến nhiều người lo ngại cho rằng đây là “bong bóng bất động sản” trá hình, có nguy cơ đổ vỡ trong tương lai.

“Công xưởng thế giới” đang khát nước (Minh Đức): Tình trạng thiếu nước ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của doanh nghiệp cũng như cuộc sống người dân Ấn Đô.

Lẽ phải mạnh hơn gươm súng (Huỳnh Hoa): Phán quyết “cuối cùng và có tính ràng buộc” của Tòa Trọng tài thường trực quốc tế tại Hà Lan (PCA) về việc Philippines kiện Trung Quốc. Phán quyết khẳng định Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử đối với biển Đông…

Mời bạn đọc đón xem!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới