Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TBKTSG số 3-2011: Tìm vốn cho năm 2011

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TBKTSG số 3-2011: Tìm vốn cho năm 2011

Xuân Trí

(TBKTSG Online) – Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 3-2011 ra ngày thứ Năm 13-1 có những nội dung chính:

Thiếu vốn tiếp tục là căn bệnh kinh niên của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong năm vừa qua. Theo dự báo của nhiều chuyên gia, những nguồn cung vốn truyền thống của doanh nghiệp sẽ tiếp tục bị hạn chế trong năm 2011. Sự kiện & Vấn đề tuần này phản ánh những khó khăn trong việc tìm vốn của doanh nghiệp trong năm nay, đồng thời đưa ra một số giải pháp huy động vốn, những cách sử dụng đồng vốn hiệu quả của một số doanh nghiệp.

Trong mục Góc nhìn trong tuần, tác giả Vũ Thành Tự Anh có bài “Có phải “đầu tư không dẫn tới lạm phát”?”, phản biện ý kiến của một lãnh đạo Tổng cục Thống kê, khi vị này cho rằng yếu tố tiền tệ chứ không phải là đầu tư là căn nguyên gây ra lạm phát. Theo tác giả, mặc dù nguyên nhân trực tiếp của lạm phát là do chính sách tiền tệ nới lỏng, song nếu nhìn sâu xa hơn, lạm phát ở Việt Nam còn do đầu tư tăng rất nhanh nhưng kém hiệu quả.

Trong mục Ghi nhận, ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng, có bài “Điều gì đang đón đợi trong năm Tân Mão?”, điểm lại những vấn đề kinh tế, chính trị trong nước cũng như thế giới. Theo tác giả, những thách thức nảy sinh trong năm Canh Dần và nhiều năm trước đó sẽ cùng chúng ta đồng hành vào năm Tân Mão.

Bài “Trái phiếu chính phủ: Hiệu quả hay tốc độ giải ngân?” của phóng viên Ngọc Lan ghi nhận hiệu quả các dự án sử dụng trái phiếu chính phủ, mà theo kết quả giám sát của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, khó có thể nói việc giải ngân tỷ lệ thuận với hiệu quả sử dụng đồng vốn.

Liệu ngành ngân hàng có thể cùng lúc vừa giảm mặt bằng lãi suất, vừa góp phần chống lạm phát? Bài ““Liều thuốc” vừa kiềm chế lạm phát, vừa giảm lãi suất” của phóng viên Hải Lý phản ánh những biện pháp thực hiện hai nhiệm vụ trên của Ngân hàng Nhà nước.

Trong mục Tài chính chứng khoán, đáng chú ý là bài “Trông người ngẫm ta” của phóng viên Hải Lý. Thị trường chứng khoán Việt Nam đang sống “cầm hơi” nhờ lượng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, vì những vướng mắc của thị trường vẫn chưa được tháo gỡ. Điều này làm chậm tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, một đòi hỏi bức thiết của nền kinh tế. Theo tác giả, các doanh nghiệp lớn vẫn chưa muốn rời bỏ “bầu sữa” quốc doanh một khi ngân sách vẫn phải lo bao cấp, ưu đãi về thuế, vay vốn, về tài nguyên quốc gia… cho họ.

Liên quan đến thị trường chứng khoán, bài “Trả lại sự minh bạch cho VN-Index” phản ánh sự méo mó của thị trường do tác động của các cổ phiếu có vốn hóa lớn, thanh khoản kém. Để trả lại sự minh bạch, theo tác giả, cần xây dựng chỉ số của riêng năm hoặc 10 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất như nhiều nước đã làm. Đây là việc đơn giản và có thể thực hiện ngay.

Cơ chế hai tỷ giá vẫn là vấn đề khiến doanh nghiệp cũng như người dân đau đầu. Bài “Sự vô lý của tỷ giá” của tác giả Lưu Hảo phân tích sự “lép vế” của đô la Mỹ so với các ngoại tệ mạnh khác khi khi quy đổi ra tiền đồng. Tác giả cho rằng “giải phóng” tỷ giá khỏi những cái “ách” vô lý đang có là ước vọng của người tiêu dùng và giới doanh nghiệp trong năm 2011.

Trong mục Kinh tế thế giới, tác giả Huỳnh Hoa có bài “Trung Quốc lại Tây du”, phân tích những lý do Trung Quốc tập trung mở rộng ảnh hưởng ở châu Âu, khi Phó thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường – người được coi là sẽ kế tục Thủ tướng Ôn Gia Bảo trong năm tới – vừa hoàn tất chuyến công du chín ngày qua Tây Ban Nha, Đức và Anh. Trước đó là chuyến đi của ông Ôn Gia Bảo đến Hy Lạp hồi tháng 10 và của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tới Bồ Đào Nha tháng 11-2010. Theo nhận định của một chuyên gia nghiên cứu, các chuyến đi của các lãnh đạo Trung Quốc thực chất là động thái mưu lợi cho chính mình từ khó khăn của châu Âu chứ không nhằm giúp EU vượt qua khủng hoảng như mong đợi.

Trong mục Bình luận quốc tế, tác giả Thái Bình có bài “Mỹ: khi ngân hàng trung ương trở thành nhà đầu tư”, phân tích việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ – FED thu được những khoản lợi nhuận lớn từ những chính sách đầu tư. Tác giả cho rằng thành tích của FED cho thấy một ngân hàng trung ương mạnh, độc lập và quyết đoán có thể đưa ra những quyết sách giúp ngăn chặn khủng hoảng kinh tế và làm cho đồng tiền đóng thuế của người dân chẳng những không mất đi trong các vụ “cứu nguy”mà còn có thể sinh lợi.

Kính mời bạn đọc đón xem.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới