Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TBKTSG số 32-2015: Ngân sách lại vay tiền

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TBKTSG số 32-2015: Ngân sách lại vay tiền

Tòa soạn TBKTSG

(TBKTSG Online) – Bộ Tài chính đã đề xuất phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn dưới 5 năm (trái với Nghị quyết 78/2014 của Quốc hội) và cũng vừa đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho ngân sách vay 30.000 tỉ đồng để chi tiêu tạm thời. Chuyên mục Sự kiện & vấn đề trên TBKTSG tuần này với chủ đề “Ngân sách lại vay tiền” sẽ đề cập tới tình trạng thiếu hụt ngân sách nhà nước cùng những xoay xở của Chính phủ hiện nay.

Bài viết Vì sao ngân sách thiếu hụt tạm thời? của Ngọc Lan cho thấy những quyết định hành chính, thiếu thực tế đã được ban hành gần một năm trước đang gây ra tác dụng phụ trên thị trường tài chính.

Trong khi đó, những ý kiến của các chuyên gia kinh tế (trong bài có tựa đề Xoay xở ra sao với túi tiền eo hẹp do Mỹ Lệ thực hiện) cho thấy Bộ Tài chính đã xây dựng kịch bản thu ngân sách khá lạc quan so với tình hình thực tế; việc giảm chi ngân sách so với dự toán là cần thiết và ngân sách muốn vay từ NHNN phải thông qua thị trường mở.

Phân tích sâu hơn về hụt thu ngân sách, tác giả bài Nghịch lý bức tranh ngân sách – TS. Lê Hồng Giang, cho rằng hụt thu ngân sách không chỉ ảnh hưởng đến kế hoạch chi tiêu và dòng tiền của ngân sách mà còn đẩy gánh nặng thuế khóa lên cao.

Số báo phát hành sáng ngày 6-8-2015 còn có nhiều bài viết rất đáng được chú ý:

“Đi tới cùng tái cơ cấu ngân hàng” – Hải Lý phỏng vấn Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình: “Chúng ta đang đứng ở giữa hai sức ép: một mặt muốn có tiền tươi thóc thật nhanh để tái cơ cấu các ngân hàng, mặt khác không muốn để hệ thống ngân hàng Việt Nam rơi vào tay nước ngoài. Chúng ta phải cân đối giữa hai điều đó”.

Cũng do “nhà nhà làm ngân hàng”! – Lê Duy Khánh: Niềm tin của các tín đồ môn túc cầu dành cho V-League thế nào thì hệ thống ngân hàng cũng giữ vị trí tương tự trong đời sống kinh tế Việt Nam. V-League có bán độ thì ngân hàng có rút ruột, cố ý làm trái. Nhiều ông bầu ở V-League bước vào bóng đá vì mục tiêu thương mại thì các ông chủ ngân hàng luôn có sân sau của mình.

Kiện con gà Mỹ phải mất nhiều công sức – Thu Nguyệt: Để có thể tiến hành kiện bán phá giá đối với mặt hàng đùi gà đông lạnh nhập khẩu từ Mỹ, các doanh nghiệp trong ngành phải có sự chuẩn bị đòi hỏi đầu tư nhiều công sức, nguồn lực.

Thận trọng với đầu tư từ Trung Quốc – Đăng Nguyễn: Việc phát triển quá nóng ngành dệt may đã khiến Trung Quốc phải trả giá một giá đắt về môi trường. TPP có thể là một cơ hội giúp ngành dệt may Trung Quốc tránh được áp lực bằng cách chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam.

Giá nguyên liệu giảm: thuận lợi và khó khăn – Nguyệt Nam: Giá nhiều mặt hàng nguyên liệu đầu vào như sắt, đồng, nhựa… giảm giúp doanh nghiệp dễ thở hơn. Nhưng mối lợi thu được nhiều hay ít còn tùy thuộc vào đặc thù của từng ngành hàng cũng như tình hình của mỗi doanh nghiệp.

Đừng hở chút là “bêu tên”… – Nguyễn Vinh: Bêu tên là một hình phạt nhằm đến danh dự, phẩm giá nên điều tiên quyết là người quản lý phải hiểu giá trị của danh dự và phẩm giá quan trọng như thế nào.

Cổ đông chiến lược nước ngoài, họ ở đâu? – Thanh Thương: Nhiều cổ đông chiến lược nước ngoài đã phải “mắt chữ A, miệng chữ O” khi tình hình tài chính của công ty mình sở hữu cổ phần tuột dốc không phanh. Vì sao họ lại ngạc nhiên trước một chuyện lẽ ra họ phải biết? Họ đã ở đâu trong chuỗi ngày dài làm cổ đông chiến lược của doanh nghiệp?

Làm sao để gọi vốn thành công? – Đức Tâm: Đối với một công ty khởi nghiệp, dù có một đội ngũ sáng lập xuất sắc, thấy rõ thị trường, nhưng muốn đi nhanh đến đích, họ vẫn rất cần một “siêu xe tài chính”.

Liên hệ giữa bên đặt mua và bên cung cấp – Đặng Đình Cung: Các quy định cụ thể về phương cách liên hệ giữa bên đặt mua và bên cung cấp phải được bên đặt mua thông báo cho đối tác khi thương lượng hợp đồng hợp tác.

Phân tích thiệt hơn việc vay 30.000 tỉ – Phan Minh Ngọc: Khoản vay 30.000 tỉ đồng không phải là quá lớn để gây ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng, nhưng các bên hữu quan cần có những nghiên cứu định lượng để giảm thiểu những tác động tiêu cực lên nền kinh tế nói chung và cân đối ngân sách nói riêng.

Cảnh báo nhập siêu và bội chi – Linh Trang: Kinh tế vĩ mô tiếp tục phát đi những tín hiệu tích cực về đà hồi phục kinh tế, tuy nhiên, nhập siêu và bội chi là hai thách thức không nhỏ cho việc điều hành của Chính phủ trong năm 2015.

Rào cản mang tên quản tài viên – Phan Thị Hằng: Liệu Luật Phá sản 2014 đã thực sự tránh được “vết xe đổ” của Luật Phá sản 2004 hay vẫn khiến doanh nghiệp gặp khó khăn với những thủ tục, chế định lắm nhiêu khê?

Rắc rối nâng phí môi trường – Lan Nhi: Cách tính phí thế nào cho sát với mức độ ô nhiễm môi trường còn chưa ngã ngũ, tương tự như cách sử dụng tiền phí thu được.

Thiếu vaccin vì cơ chế nhập khẩu, phân phối? – Hoàng Nhung: Việc để lệ thuộc vào một, hai nhà cung cấp vaccin dịch vụ là một phương án không thông minh, không phù hợp.

Có tiền thì không phải đi tù? – Quang Chung: Quan hệ giữa quy định chuyển phạt tiền thành phạt tù với quy định về tội không chấp hành án trong dự thảo Bộ Luật Hình sự liệu có mâu thuẫn?

Liên kết vùng nhìn từ xung đột lợi ích địa phương – Trần Hữu Hiệp: Việc liên kết vùng thời gian qua gặp phải nhiều xung đột lợi ích khi các tỉnh chỉ “lo cho mình”.

Cuộc đua bán gạo cho Philippines – Nguyễn Đình Bích: Việt Nam có cơ hội xuất khẩu gạo nhiều hơn vào Philippines.

Sân bay quốc tế hết giờ – Quỳnh Thư: Những vấn đề "thường thường" ở sân bay như bảng thông báo chuyến bay, nơi đón taxi, bãi giữ xe gắn máy… mà còn quản lý chưa tốt thì mơ gì đến chuyện biến sân bay thành trung tâm khu vực, dù sân bay đó tốn tới hàng chục tỉ đô la đi chăng nữa.

Nhắc nhở liêm chính – Danh Đức: Việt Nam đang có những biện pháp chống tham nhũng nhưng không phải cả bộ máy đều toàn tâm.

Bảo vệ hình ảnh cá nhân: quyền hiến định và lòng trắc ẩn – LS. Châu Huy Quang & Lưu Ngọc: Đâu là giới hạn của việc công khai hình ảnh cá nhân?

Hà Nội – trên khúc sông đời – Lê Hải Đăng: Hà Nội những năm tháng bao cấp vẫn duy trì nếp nhà bình yên. Trong năm tháng thiếu thốn khó khăn, người Hà Nội thể hiện sự sung túc về giá trị tinh thần. Thế nhưng khi bước vào giai đoạn “văn minh vật chất”, nhiều người sẵn sàng quay lưng lại với giá trị nhân bản ngàn đời.

Thử nhìn trái đất hình cầu – Lê Phú Cường: Mọi sự phát triển đến đâu cũng sẽ là vô nghĩa nếu trái đất không tồn tại và phát triển theo hướng ngày càng có lợi cho sự sống lâu dài của con người.

Trang Kinh tế thế giới số báo này có các bài:

Đàm phán TPP: về đích khó khăn – Minh Đức: Dù phiên họp về TPP hồi cuối tuần trước ở Hawaii kết thúc trong bế tắc, Bộ trưởng Kinh tế Nhật bản vẫn tỏ ra lạc quan, rằng mọi vấn đề sẽ được giải quyết trong phiên đàm phán tới.

Khí hậu: cuộc chiến cuối cùng của ông Obama? – Thái Bình: Tổng thống Mỹ Barack Obama đang nỗ lực ghi thêm một dấu ấn cho nhiệm kỳ của ông bằng việc công bố Kế hoạch năng lượng sạch (Clean Power Plan) – một chính sách không chỉ có tác động đến công cuộc chống biến đổi khí hậu toàn cầu mà còn gây tranh cãi dữ dội trong nội bộ nước Mỹ và ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc chạy đua tranh chức tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới.

Châu Âu tháng 8 – Quang Dũng: Mùa hè là kỳ nghỉ quan trọng nhất với dân châu Âu và cũng là hàn thử biểu quan trọng cho những nền kinh tế.

Mời bạn đọc đón xem!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới