TBKTSG số 33-2011: Cột chống nông nghiệp
Xuân Trí
![]() |
Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 33-2011 ra ngày thứ Năm 11-8 có những nội dung chính:
Năm năm liền, kinh tế nông nghiệp đã “đứng mũi chịu sào”, giúp Việt Nam phát triển ổn định và vùng thoát khỏi khủng hoảng, trong khi đầu tư vào lĩnh vực này lại thấp hơn các khu vực khác. Sự kiện & Vấn đề tuần này phản ánh vai trò của nông nghiệp trong nền kinh tế và sự đầu tư cho lĩnh vực này trong thời gian qua; đồng thời phỏng vấn ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, về những thách thức trong việc phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Trong mục Gặp gỡ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã dành cho TBKTSG cuộc trả lời phỏng vấn riêng vào đầu tuần này (bài Giá vàng, tỷ giá đi về đâu? của phóng viên Hải Lý). Ông nhấn mạnh: ổn định giá trị tiền đồng là mục tiêu của chính sách tiền tệ trước mắt cũng như lâu dài.
Sự tăng như vũ bão của giá vàng đã tạo ra những đột biến trong tâm lý người dân và yếu tố mới này đã làm ảnh hưởng đến tỷ giá. Bài Đầu cơ vàng đẩy tỷ giá của phóng viên Hải Lý trong mục Ghi nhận phản ánh diễn biến giá vàng hồi đầu tuần và sự đầu cơ tỷ giá trên thị trường.
Cũng trong mục Ghi nhận, bài Lại bàn về đầu tư công của tác giả Vũ Khoan, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, phản ánh vấn đề đầu tư công ở Việt Nam thời gian qua. Theo tác giả, những công trình không đem lại hiệu quả kinh tế sẽ làm cho nguồn lực quốc gia suy kiệt, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của cả nước nói chung, đó là chưa kể tới những tác hại về môi trường, lòng tin của người dân.
Bài Sân bay Thanh Hóa: thách thức của tân bộ trưởng của phóng viên Ngọc Lan ghi nhận ý kiến của ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về việc Thanh Hóa, nơi ông là đại biểu Quốc hội, mới đây đã phê duyệt dự án xây dựng sân bay.
Bài Đại biểu là doanh nhân đại diện cho ai? của tác giả Nguyễn Vạn Phú phản ánh vấn đề lâu nay vẫn được xem là bình thường: mỗi khi nhắc đến các đại biểu Quốc hội là doanh nhân, người ta thường xem các đại biểu này đại diện cho quyền lợi, tiếng nói của giới doanh nhân cả nước. Theo tác giả, việc phân định rạch ròi đại biểu đại diện cho ai là bước đầu tiên để đem lại sự chuyên nghiệp cho Quốc hội.
Trong mục Tài chính – Chứng khoán, đáng chú ý là bài Khi chứng khoán gây ám ảnh của phóng viên Tư Giang, phản ánh tình trạng thua lỗ của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán thời gian qua, khi thị trường gần như “rơi tự do”.
Thời gian gần đây có nhiều bài báo lên tiếng về tình trạng sức khỏe không mấy tốt của thị trường chứng khoán Việt Nam và người ta lại đặt câu hỏi có nên cứu thị trường chứng khoán hay không. Bài Vòng xoáy thanh khoản và những thách thức cơ bản của tác giả Hồ Quốc Tuấn đặt lại vấn đề về con đường phát triển của chứng khoán Việt Nam.
Bài Từ Việt Hoa đến ngân hàng “sạch” của phóng viên Hải Lý phản ánh xu hướng đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng hiện nay. Theo tác giả, bây giờ đầu tư ngân hàng lại được chú ý, nhưng nó đã ở một tầm cao nhận thức mới.
Trong mục Trên đường phát triển, bài Chết theo địa ốc! của phóng viên Tấn Đức phản ánh tình trạng điêu đứng của ngành sản xuất vật liệu xây dựng và trang trí nội thất, khi thị trường bất động sản vẫn ảm đạm.
Thị trường cá da trơn ở ĐBSCL đang có nhiều dấu hiệu xấu. Bài Khủng hoảng… cá! của tác giả Bá Phú trong mục Nông thôn – Nông nghiệp phản ánh những hệ lụy trong việc phát triển quá nóng của ngành chăn nuôi, chế biến cá da trơn thời gian qua.
Trong mục Kinh tế thế giới, bài Kinh tế thế giới lại khủng hoảng của tác giả Huỳnh Hoa phản ánh nguy cơ “khủng hoảng kép” của kinh tế thế giới.
Trong mục Bình luận quốc tế, bài ASEAN: nhanh và chậm của tác giả Huỳnh Hoa phản ánh tiến trình hình thành cộng đồng chung ASEAN vào năm 2015, nhân kỷ niệm 44 năm thành lập tổ chức này.
Kính mời bạn đọc đón xem.