Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TBKTSG số 34-2020: Câu hỏi cho giá điện

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TBKTSG số 34-2020: Câu hỏi cho giá điện

Tòa soạn TBKTSG

(TBKTSG Online) – Bộ Công Thương vừa công bố các phương án giá bán lẻ điện để lấy ý kiến và lập tức thu hút sự quan tâm của xã hội.

Mở đầu số báo phát hành vào sáng mai (20-8), TBKTSG có bài xã luận tựa đề Mấy câu hỏi về giá điện với các câu hỏi: giá bán lẻ điện bình quân ở đâu ra?, và giá điện sinh hoạt có phải gánh một phần giá điện cho các nhóm khách hàng khác không? Thật ra, điều mà mọi người quan tâm là giá điện liệu có hợp lý và công bằng? Song đáng tiếc là bản dự thảo biểu giá bán lẻ điện mới vẫn không có những thông tin giúp giải tỏa mối bận tâm này.

Cũng theo dòng thời sự về chủ đề giá điện, TS. Võ Đình Trí có bài viết tựa đề Mục đích chính của các phương án bán lẻ điện mới là gì? Qua phân tích các phương án, tác giả cho rằng đề xuất giá điện lần này chỉ có lợi cho những người tiêu thụ nhiều điện.

Trong khi đó, ở bài tựa đề Minh bạch để dân không nghĩ mình bị “móc túi”, tác giả Quỳnh Thư viết: Cho đến nay, các phương án tính giá điện vẫn chỉ là những quyết định này, quyết định nọ, thay vì những con số rõ ràng, thuyết phục. Tập đoàn Điện lực là doanh nghiệp nhà nước, suy cho cùng là phục vụ dân, không có lý do gì để không minh bạch.

Các đề tài thời sự khác trên cùng số báo:

Hoàn tiền 80% khi mua sắm: Mô hình kinh doanh xoáy vào lòng tham (Gia Hưng): Thử tham gia mô hình mua sắm “được hoàn tiền (cashback) 80%” qua ứng dụng thanh toán có tên Myaladdinz thì đây là một ứng dụng thanh toán có tích điểm mua hàng và hình thức trả thưởng kiểu đa cấp. Cái đáng ngờ là cơ chế thanh toán này giúp dễ dàng tăng thu nhập gấp nhiều lần, rất “kích thích”  những người cả tin nhưng hám lời.

Coi chừng “tham sáu đồng lãi mất năm mươi tư đồng vốn” (Trương Trọng Hiểu): Cộng đồng mạng xã hội đang chia sẻ với nhau về các ứng dụng hoàn tiền biến tướng. Quả thật rất khó phân biệt chính – tà khi mọi thứ còn tranh tối tranh sáng. Đầu tư mạo hiểm là đối diện rủi ro, nhưng đầu tư không có nghĩa đặt đồng tiền vào một hoạt động mà có lý giải kiểu gì cũng không ra được mức lãi… hứa hão.

Lữ hành thấy cô đơn! (Ngọc Hà): Covid-19 tái bùng phát, du lịch vừa gượng dậy đã lại trắng tay. Tình hình trầm trọng hơn mọi dự báo.

Nghịch lý đầu tư công (An Nhiên): Trước sự đốc thúc sử dụng nguồn ngân sách được phân bổ, nhiều địa phương càng không ngần ngại sử dụng vốn vào các dự án ít giá trị kinh tế như tượng đài, cổng chào…

Thương mại thặng dư đột biến: Phần nào cho thấy những dấu hiệu đáng ngờ (Đông Hà): Việt Nam đã có bảy tháng xuất siêu cao ngoài sức tưởng tượng. Trong khi hầu hết các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu như giày dép, dệt may, thủy sản, rau quả, cao su, hạt tiêu… đều sụt giảm thì sự đóng góp vào mức tăng trưởng 13,7% giá trị xuất khẩu so với cùng kỳ năm ngoái của khối doanh nghiệp trong nước là những mặt hàng chưa bao giờ là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

Áp giá trần cho sinh phẩm y tế, vật tư xét nghiệm: Có thể nhanh nhưng không hiệu quả! (Nguyễn Thuận – Văn Thịnh): Ứng phó với cuộc khủng hoảng y tế do dịch Covid-19, chính phủ các nước buộc phải can thiệp vào thị trường bằng các biện pháp như cấm đầu cơ vật tư y tế, đơn giản hóa thủ tục mua sắm, rút ngắn thời gian đấu thầu, chỉ định thầu và thậm chí là áp giá trần. Nhưng liệu chính sách áp giá trần có giải quyết được bài toán khan hiếm vật tư y tế hiện nay?

Thiết bị chống dịch: cần khẩn cấp nhưng không ai dám mua (Hoàng Nhung): Ngay cả khi đã có giá trần thiết bị xét nghiệm, nhiều doanh nghiệp không dám tham gia dự thầu vì họ sợ bị thanh tra, phanh phui những thương vụ làm ăn trước đây.

Tín dụng thấp chưa hẳn xấu với chứng khoán (Thành Nam): Chính sách tài khoá và tiền tệ nghiêng hẳn về mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế nên thanh khoản trên thị trường luôn ở trạng thái thừa. Một tỷ lệ nhất định tiền được bơm ra đã chảy vào kênh cổ phiếu.

Tỷ giá có thể giảm thêm (Nhật Minh): Ngoại tệ tiếp tục dồi dào, nhu cầu không cao. Với dự báo dòng vốn ngoại còn tiếp tục chảy vào nhiều hơn, khả năng tỷ giá sẽ có năm thứ hai liên tiếp giảm.

Mảng dịch vụ của không ít ngân hàng cũng gặp khó (Linh Trang): Dịch Covid-19 kéo giảm nhu cầu về vốn. Các dịch vụ tài chính theo đó cũng ảm đạm.

Thị trường vàng nội địa trong sự bất định (Việt Dũng): Mức chênh lệch giá mua – giá bán vàng trong nước đang rất cao, tức rủi ro giảm giá đang do người mua gánh chịu.

“Vòng xoáy” của vàng (Hải Lý): Suốt mấy tuần qua, những người chưa có vàng hẳn cũng suy tính có nên mua lấy 1-2 lượng. Những người đang có vàng thì trù tính bán ra…

Chứng khoán tuần qua: Đà phục hồi của VN-Index chững lại! (Thanh Thủy).

TPHCM: tái tổ chức không gian, phân bổ dân cư để phát triển (TS. Nguyễn Minh Hòa): TPHCM có diện tích gần 2.100 ki lô mét vuông. Nếu biết tái cấu trúc không gian sống và phân bổ dân cư hợp lý thì hoàn toàn có thể tránh được tình trạng “nén đông đặc” ở khu vực nội thành.

Liệu có “xui dại” nông dân? (Nguyễn Đình Bích): Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn động viên nông dân phát triển sản xuất ở mức cố gắng cao nhất, không sợ ế sản phẩm, nhất là lương thực thực phẩm, bởi tình hình quốc tế diễn biến phức tạp. Câu hỏi là nếu thị trường không thuận lợi như dự báo, Nhà nước có tiêu thụ nông sản cho họ hay không?

Đồng đô la yếu liệu có nằm trong kế hoạch của Mỹ? (Triêu Dương): Đồng đô la Mỹ tuột dốc trong 5 tháng qua. Soi lại, hồi tháng 7-2019, Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu tìm cách phá giá đô la nhằm thúc đẩy kinh tế trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, cũng như từng nhiều lần thúc ép Fed giảm lãi suất về 0% để làm suy yếu đồng đô la…

Lo “đẻ” thêm chi phí không cần thiết (Trung Chánh): Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 43/2017 về ghi nhãn hàng hóa có nội dung hàng hóa xuất khẩu phải ghi nhãn bằng tiếng Việt. Có ý kiến cho rằng yêu cầu này không cần thiết và gây tốn kém thêm cho doanh nghiệp.

Niềm đam mê trên đồng lúa ruộng rươi (Đỗ Quang Tuấn Hoàng): Ngày nay, ruộng rươi đã được đa canh, thu quanh năm. Đặc biệt, lúa ruộng rươi vừa thơm vừa sạch…

Sợ rủi ro, ông lớn tín dụng quay lưng (Nguyễn Quang Bình): Có lô hồ tiêu trị giá gần 3 triệu đô la Mỹ đã đến tận nơi nhưng người mua không muốn nhận. Một số hợp đồng cà phê đã giao hoặc đang trung chuyển có khả năng không lấy được tiền. Lại có những rắc rối trong thanh toán tiền một lô cao su, được cho là do thư tín dụng có mưu mẹo…

Đào tạo kỹ năng số cho nguồn nhân lực trẻ (Vũ Tuấn Anh): Việc đào tạo kỹ năng số cho nguồn nhân lực, đặc biệt là thế hệ Z, trở nên quan trọng đến mức cần nâng lên thành một chương trình quốc gia.

Loay hoay giải pháp chống sách giả, sách lậu (Nguyễn Vũ Hoàng Long): Có cả những trường hợp chính đơn vị xuất bản in lậu sách. Họ in nhiều hơn số sách đã đăng ký và phân phối phần chênh lệch mà không trả thêm tiền bản quyền cho tác giả.

Vấn đề của trường chuyên ở Việt Nam (Trần Thị Tuyết): Cho tới giờ, đa phần các trường chuyên vẫn đi theo mô-típ của Liên Xô cũ là chia nhỏ các hệ chuyên theo các môn học. Đây là một “hệ điều hành” đã lỗi thời.

Mong tỉ phú đô la sống vui trăm tuổi (Pha Lập): Người giàu đổ bệnh, lo chữa bệnh, chưa nghĩ tới phục hồi công cuộc làm ăn thì sẽ khiến hàng ngàn, hàng vạn người nghèo không có việc làm, sẽ bệnh nặng hơn, dễ chết hơn…

Các tản văn Phía sau những cơn mưa (Trương Huỳnh Như Trân) và Ngồi nhà đọc báo coi đài (Lưu Thị Lương).

Trang Kinh tế thế giới có các đề tài:

Quyết liệt cuộc đua trở thành “Nasdaq châu Á” (Lạc Diệp): Sàn công nghệ Nasdaq vẫn đang dẫn đầu đường đua gọi vốn công nghệ. Song các đối thủ Hồng Kông và Thượng Hải đang dần tăng tốc ở phía sau.

Kodak – cú chuyển mình trắc trở (Thư Kỳ): Kodak từng phải tuyên bố xin bảo hộ phá sản vào năm 2012. Thế nên vào những ngày cuối tháng 7 vừa qua, khi giá cổ phiếu của Kodak tăng đến 1.500%, mọi người tự hỏi chuyện gì đang xảy ra?

Doanh nghiệp chưa mặn mà với AI (Nguyễn Vũ): Khảo sát của Boston Consulting và Đại học MIT trên 2.500 chủ doanh nghiệp cho biết tỷ lệ ứng dụng AI ở các doanh nghiệp có 250 nhân viên trở lên là 24,8%, cao gấp ba lần các doanh nghiệp có dưới 10 nhân viên.

Khi Apple bị kiện vì độc quyền (Nguyễn Vũ): “Tội” được nhắc đến nhiều nhất của Apple là o ép các doanh nghiệp khác khi họ phải “cống nạp” để được đưa lên cửa hàng ứng dụng App Store của Apple.

Mời bạn đọc đón xem!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới