Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TBKTSG số 38-2017: Thực – ảo… “tiền ảo”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TBKTSG số 38-2017: Thực – ảo… “tiền ảo”

Tòa soạn TBKTSG

(TBKTSG Online) – Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý các loại tài sản ảo, tiền ảo và tiền điện tử. Động thái tích cực này thể hiện rằng Việt Nam đã bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của việc có một bộ quy tắc ứng xử chính thức đối với các loại tài sản và tiền tệ công nghệ cao. Chuyên mục Sự kiện và Vấn đề tuần này của TBKTSG bàn về chuyện Thực- ảo… “tiền ảo”.

Bài viết “Ứng xử với tiền điện tử” của tác giả Việt Bách trong chuyên đề này cho rằng Nhà nước cần hướng dẫn để người dân hiểu rằng trước làn sóng quá nóng của tiền điện tử, việc cần làm ngay là phải tự trang bị cho mình kiến thức để không bị tụt hậu so với thế giới. Bảo vệ để người dân và doanh nghiệp cảnh giác trước những chiêu trò lừa đảo công nghệ cao đang hoành hành. Và sau cùng, quản lý khi cá nhân và doanh nghiệp bắt đầu đón nhận những cơ hội kinh doanh và đầu tư mới.

Trong khi đó, bài viết “Blockchain có gì đặc biệt?” của Hồ Quốc Tuấn cung cấp góc nhìn rộng hơn về công nghệ nền tảng tương lai: blockchain. Theo đó, sự nổi tiếng của blockchain hay công nghệ sổ cái đại chúng dường như có ý nghĩa “ăn theo” bitcoin trên các phương tiện truyền thông, mặc dù ứng dụng của nó đối với đời sống có thể lớn hơn và thu hút đầu tư của các tổ chức lớn và nghiêm túc hơn nhiều.

Các bài viết khác trên TBKTSG số ra ngày 21-9-2017, xin giới thiệu bạn đọc:

Giúp dân không còn phải “tự xử” (Mục Ý kiến): Tuy không loại trừ hoàn toàn mưu đồ xấu, đa phần người dân vượt rào pháp luật phản đối theo kiểu “tự xử” chỉ xảy ra sau một thời gian dài kiến nghị thiết thân của họ bị chính quyền địa phương phớt lờ hay không được giải quyết rốt ráo. Người dân “tự xử” nạn trộm chó hay ô nhiễm môi trường là các hậu quả điển hình.

Để kiểm soát BOT tốt hơn: Ba vấn đề quan sát được (Nguyễn Quang Đồng): Việc chỉ rõ những “nhóm lợi ích”, những cá nhân sai phạm trong các dự án BOT như gần đây là nỗ lực đáng hoan nghênh, là điều kiện cần. Nhưng những nỗ lực này sẽ không thành công nếu thiếu điều kiện đủ: hình thành được khung pháp lý và thực thi được nó.

Đằng sau thanh tra huy động ngoại tệ (Hải Lý): Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã và đang dần thu hẹp đối tượng được vay ngoại tệ, nhưng tâm lý chung của doanh nghiệp vẫn thích vay đô la Mỹ hơn tiền đồng vì lãi suất thấp hơn. Tăng trưởng tín dụng ngoại tệ gần đây trở nên “nóng”.

Xếp hạng tổ chức tín dụng để làm gì? (Phan Minh Ngọc): Việc đánh giá, xếp hạng các TCTD chính là để đáp ứng yêu cầu xác đáng của tất cả các bên có liên quan về thông tin minh bạch tình hình của các TCTD mà chỉ có thể có được (một cách tương đối chính xác) từ các cơ quan chức năng như Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, kết quả xếp hạng cần được công bố.

Ngân hàng Thế giới, Bộ Tài chính và thuế giá trị gia tăng (Trần Ngọc Thơ): Nay nếu tăng thuế giá trị gia tăng cũng có nghĩa chúng ta đang tiến dần đến những vấn đề nhạy cảm nhất về chính trị và đạo đức của chính sách thuế, phí.

Nông nghiệp thông minh – hãy cùng hành động (Lê Minh Hoan): Làm nông nghiệp không chỉ suốt ngày “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, mà người ta còn dư dả thời gian để hưởng thụ cuộc sống tươi đẹp nhờ vào máy móc thế hệ mới và cả robot.

Từ chức và trách nhiệm (Lê Học Lãnh Vân): Nói tới mối liên quan giữa từ chức và trách nhiệm nghĩa là nói rằng việc tại chức hay từ chức tùy vào việc đương sự có làm tròn trách nhiệm hay không, chứ không tùy vào lý lịch, nhân thân, cũng không tùy vào đạo đức hay bằng cấp của đương sự.

Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước tiếp nhận đầu tư (ISDS): Vì sao bỡ ngỡ? (Võ Trí Hảo): Do bản chất pha trộn (mixed) giữa công pháp quốc tế và tư pháp quốc tế, nên các phán quyết của trọng tài theo cơ chế ISDS có hiệu lực thi hành trên thực tế cao hơn phán quyết của trọng tài thương mại truyền thống, bởi bên cạnh nhà đầu tư thì quốc gia xuất xứ của nhà đầu tư cũng tham gia giám sát, bảo đảm phán quyết được thi hành.

Để tránh việc Nhà nước bị nhà đầu tư nước ngoài kiện (NL ghi): Cần giải quyết các vấn đề liên quan đến việc đàm phán và ký kết những hợp đồng giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Hiện nay, ta chưa có chuẩn về các loại hợp đồng này. Trên thực tế, một số nước như Peru đã xây dựng được chuẩn đó và ta có thể tham khảo.

Liệu có một làn sóng đầu tư Hàn Quốc trên TTCK Việt Nam? (Hoàng Ngọc Khanh): Sẽ không có nhiều nội dung để bình luận nếu như SamSung Securities chỉ mua tài sản thuộc một quỹ do Dragon Capital quản lý, bởi đó sẽ chỉ là một thương vụ mua, bán thông thường giữa các nhà đầu tư với nhau. Nhưng động thái của Samsung Securities vừa qua rất có thể sẽ là khởi đầu cho một làn sóng mới từ các nhà đầu tư Hàn Quốc: đầu tư gián tiếp thông qua thị trường chứng khoán.

Không dễ mua DNNN (Ngọc Lan): Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN)  thường xuyên được thúc đẩy bởi các chương trình tái cơ cấu DNNN trong suốt sáu năm qua, với mục tiêu và chi phí không nhỏ, song kết quả đạt được không tương xứng. Nhà đầu tư vẫn khẳng định: không dễ mua DNNN.

Giải ngân cho dự án trọng điểm: lắm cha con khó lấy chồng (Võ Đình Trí): Đối với những dự án trọng điểm sử dụng vốn vay ODA, việc giải ngân chậm cần xem lại bộ phận nguồn vốn, mà ở đây là Kho bạc Nhà nước trong việc sắp xếp vốn. Vai trò kiểm soát có thể chuyển giao cho Kiểm toán Nhà nước và Kho bạc Nhà nước chỉ có trách nhiệm thực thi việc giải ngân.

Hậu trường việc sửa năm luật thuế (Lan Nhi): Chuẩn bị sơ sài như thế mà mong muốn trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngay trong tháng 10 này, dễ đoán kết cục của việc sửa năm luật thuế có thể lại đi vào “vết xe đổ” của dự thảo sửa đổi Luật Thuế bảo vệ môi trường vừa rồi- tức bị trả về để soạn lại.

Kỹ năng thiết lập mục tiêu (Nguyễn Thanh Lâm): Thử tìm hiểu về phương pháp SMART do George Doran đề xuất từ năm 1981 và được bậc thầy về quản trị là giáo sư Peter Drucker hoàn thiện. Đó là kỹ năng thiết lập mục tiêu.

Lo lắng chuyện chuyển đổi hóa đơn (Bùi Tâm An): Liên quan đến đề xuất chuyển đổi từ hóa đơn giấy (đặt in, tự in, mua từ cơ quan thuế) sang hóa đơn điện tử- có và không có mã xác thực của cơ quan thuế- mà Tổng cục thuế, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ, TBKTSG ghi nhận ý kiến từ các doanh nghiệp, chuyên gia.

Kỳ vọng ở cơ chế tự quản quảng cáo (Minh Tâm): Áp dụng cơ chế tự quản tốt sẽ giúp minh bạch các hình thực quảng cáo trong thời đại mạng xã hội và truyền hình số bùng nổ như hiện nay.

Tìm thêm nguồn du khách Trung Quốc (Đào Loan):  Với hơn 135 triệu lượt người đi du lịch nước ngoài vào năm ngoái, Trung Quốc là thị trường được rất nhiều điểm đến trên thế giới săn đón và TPHCM cũng bắt đầu tham gia mạnh mẽ vào cuộc cạnh tranh này.

Đại học chia sẻ: kết nối doanh nghiệp và chuyên gia (Vũ Tuấn Anh): Khi sinh viên tốt nghiệp ra trường phải làm những công việc thấp hơn trình độ, và khi doanh nghiệp vẫn liên tục thiết kế những chương trình đào tạo lại nhân viên mới đáp ứng được công việc theo yêu cầu mới, thì đào tạo đại học cần phải chuyển hóa sang mô hình khác.

Chuyên ngành Cơ Điện Tử (Nguyễn Xuân Xanh): Chuyên ngành Cơ Điện Tử- quyển sách thứ tư trong bộ “Bách khoa” giáo dục nghề trình độ cao của Tủ sách Nhất Nghệ Tinh- vừa mới ra đời…

Nữ quyền cho quyền làm việc (Lê Minh Tiến): Một nghiên cứu việc làm của lao động nữ cho thấy tình trạng thất nghiệp ở lao động nữ từ sau 35-45 tuổi tăng cao. Có đến 59,6% nguyên nhân là do lương thấp không đủ sống, áp lực công việc chiếm 39,1% và bị thôi việc, bị đuổi việc là 22,65%.

Gọi tên tiếng Việt có làm học sinh nói tiếng Anh tốt hơn? (Bảo Uyên ghi): Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM quy định giáo viên bản ngữ phải gọi học sinh bằng tên tiếng Việt, tuyệt đối không đặt tên tiếng Anh cho học sinh; đồng thời cũng không được sử dụng các thiết bị nghe nhìn để nghe nhạc, xem video trong giờ dạy với mục đích giúp học sinh có cơ hội tương tác, thực hành tiếng với giáo viên bản ngữ.

Chợ nhớ (Diễm Trang): Đến mức để thương để nhớ trong tôi thì phải kể đến chợ Grand Bazaar Kapalicarsi ở Istanbul.

Phải biết vượt qua nỗi sợ… (Trúc Giang): Người phương Tây có câu chuyện về một con quái vật sống bằng nỗi sợ của kẻ khác. Nếu đối thủ càng sợ thì con quái vật đó ăn nỗi sợ và càng lớn thêm lên và ngược lại…

Honda: thăng trầm của một ông lớn (Thái Bình): Hãng Reuters đã phỏng vấn hơn 20 nhà quản lý, kỹ sư – đương nhiệm hoặc đã nghỉ, của Honda tại Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ để rút ra bài học quản trị từ thăng trầm của một ông lớn trong lĩnh vực công nghệ xe hơi.

Tự do thương mại nhìn từ cuộc chiến rượu vang (Trúc Diễm): Các nhà sản xuất rượu vang của Pháp cho rằng họ bị cạnh tranh không công bằng với rượu vang của Tây Ban Nha và Ý. Trong khi chính quyền chưa có giải pháp thỏa đáng thì nông dân Pháp đã tự hành động: chặn các đoàn xe chở rượu vang nhập khẩu và đổ rượu ra đường!

“Bài kiểm tra” quan hệ thương mại Mỹ-Trung (Minh Đức): Tuần trước Tổng thống Mỹ đã thẳng thừng ngăn chặn thương vụ thâu tóm của nhà đầu tư Trung Quốc với một công ty sản xuất bán dẫn Mỹ…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới