TBKTSG số 39-2018: Từ kinh tế số đến CMCN 4.0
Tòa soạn TBKTSG
(TBKTSG Online) – Giữa làn sóng hội thảo, hội nghị bàn luận ồn ào về cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 hiện nay, ta lại thiếu vắng những thảo luận cụ thể, chi tiết về những vấn đề sát sườn, gắn với chuyện “cơm áo, gạo tiền”, với sự sống còn và tương lai của hàng chục triệu người dân, hàng triệu doanh nghiệp – kinh tế số.
Chuyên mục Sự kiện và Vấn đề trên TBKTSG số ra ngày 27-9-2018 bàn về quá trình "Từ kinh tế số đến CMCN 4.0".
Trong chuyên mục này, bài viết “Thay vì nói chuyện 4.0, hãy bàn về kinh tế số” của Sa Nam cho rằng 4.0 vẫn là chuyện trên “trời”. Dưới mặt đất, sau mâu thuẫn lợi ích giữa taxi truyền thống và Grab chưa được giải quyết, đang nổi lên chuyện Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VnPayTV) đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông không cấp phép cho Facebook phát sóng giải ngoại hạng Anh vào Việt Nam…
Theo bài “Từ cáp viễn thông bùng nhùng tới CMCN 4.0” của Hiệu Minh, về định hướng phát triển mạng xã hội “Made in Vietnam” như một phần của hệ sinh thái số, nếu nghiên cứu kỹ thị phần thế giới sẽ có bức tranh tốt hơn cho việc này. Nếu chỉ bó gọn sau lũy tre làng thì làm cũng được, nhưng câu hỏi tiếp theo là nếu ứng dụng tuyệt vời thì liệu có bán sang Mỹ hay Trung Quốc được không.
Các bài viết khác trong số báo này, xin giới thiệu bạn đọc:
Thanh tra, kiểm tra để làm gì? (Mục Ý kiến): Có 52% doanh nghiệp xác nhận phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra, kiểm tra…
Thực tiễn chờ… chính sách (Nguyên Lê): Ủy ban Cạnh tranh và Tiêu dùng Singapore (CCCS) tuyên bố đã hoàn tất nhiều biện pháp nhằm giảm ảnh hưởng bất lợi của thương vụ Uber sáp nhập Grab tại ASEAN đến “thị trường ứng dụng gọi xe”, trong khi Việt Nam còn đang trầy trật định danh mô hình kinh doanh của Grab.
Thêm một lát cắt về FDI (Bùi Trinh): Trong vài năm gần đây, thành tích xuất khẩu nói chung thì khá nhưng thực chất không mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam mà còn gây ô nhiễm môi trường.
Ngăn ngừa khuất tất trong cổ phần hóa: Đơn giản là hãy làm đúng luật (Phan Minh Ngọc): Để ngăn ngừa sự khuất tất, trục lợi trong cổ phần hóa và để tránh phải xử lý hậu quả của nó, điều cần làm là phải truy đến cùng trách nhiệm như quy định trong luật lệ hiện hành với các cá nhân và tập thể có liên quan để xử lý hành chính và hình sự (nếu có).
Tranh chấp nội bộ doanh nghiệp: Pháp luật tố tụng và quyền tự chủ kinh doanh (LS. Trần Hồng Phong): Vụ án "đình đám" trong nội bộ công ty Trung Nguyên giữa hai vợ chồng, hai cổ đông Đặng Lê Nguyên Vũ và Lê Hoàng Diệp Thảo là một minh chứng cho thấy những rắc rối pháp lý và con đường khổ ải mà những người chủ doanh nghiệp phải trải qua khi giữa các bên có sự tranh giành về quyền lực, hay sự khác biệt trong quan điểm điều hành và mục tiêu, mục đích kinh doanh.
Người ở, người đi thời toàn cầu hóa (Nguyễn Khắc Giang): Những người dứt áo ra đi, nhìn dưới góc độ khác, là cảnh báo cho chính vấn đề nội tại của đất nước.
Khi phần lớn quỹ BHXH đổ vào trái phiếu (Vũ Dung): Điều đó sẽ giúp tăng tính an toàn của quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH), góp phần huy động vốn cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, nếu hoạt động đầu tư chỉ dựa vào hình thức này sẽ dẫn tới lãi suất thấp, khó đáp ứng được khả năng chi trả trong tương lai.
Xuất khẩu cá tra: nhiều cơ hội để khởi sắc! (Linh Trang): Nếu chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc tiếp tục leo thang, xuất khẩu cá tra của Việt Nam có nhiều cơ hội để đẩy mạnh sang cả hai thị trường này.
Nhọc nhằn xuất khẩu gạo những tháng cuối năm (Nguyễn Đình Bích): Phía sau những kết quả xuất khẩu gạo đáng mừng trong tám tháng đầu năm tiềm ẩn những điều đáng ngại. Do vậy, rất có thể bốn tháng cuối năm xuất khẩu mặt hàng này sẽ khó khăn hơn.
Không lớn được vì tư duy tiểu nông (Võ Duy Nghi): Thị trường vận tải, đặc biệt là vận tải biển, nằm trong tay các ông lớn nước ngoài. Ngoài nguyên nhân các doanh nghiệp vận tải Việt Nam yếu kém còn có nguyên nhân nào khác?
Trần lãi suất cho vay tiêu dùng: nên hay không? (Phạm Văn Đại): Nếu được tính toán hợp lý, mức trần lãi suất sẽ có thể không làm méo mó mặt bằng lãi suất và cung – cầu vốn vay trên thị trường, trong khi có tác dụng định hướng thị trường cho vay tiêu dùng phát triển bền vững.
Cuộc đua tư duy của các ngân hàng (Hải Lý): Sự phân hóa sẽ ngày một rộng ra khi các tổ chức tín dụng nhỏ vẫn tập trung vào mảng tín dụng, còn các ngân hàng lớn đã chuẩn bị kỹ càng cho cuộc chơi công nghệ trong kinh doanh tiền tệ.
DATC vẫn chỉ nên như trước đây (Ngọc Phan): Việt Nam đã quyết tâm cổ phần hóa, thoái vốn, thu nhỏ khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN), giảm thiểu thành lập mới DNNN thì việc bổ sung chức năng và nhiệm vụ, tăng quy mô hoạt động (và theo đó là Nhà nước phải rót thêm vốn điều lệ) cho DATC để “lấn sân” và ‘giẫm chân” lên VAMC cũng như các tổ chức và cá nhân khác là điều cần tránh.
Thu giữ tài sản bảo đảm theo Nghị quyết 42/2017: còn không ít vướng mắc (Nguyễn Văn Minh): Bản thân nghị quyết mới này cũng đã phát sinh một vài vướng mắc cần được xem xét làm rõ hơn.
Những bước chậm của ngành hội chợ triển lãm (Quốc Hùng): Ngoài vai trò tiếp thị, quảng bá sản phẩm, hoạt động hội chợ triển lãm còn thúc đẩy phát triển du lịch, thu hút đầu tư cũng như phát triển nhiều dịch vụ khác. Thế nhưng, chuyển động của ngành này còn quá chậm chạp…
Thủy sản Hùng Vương: ánh sáng cuối đường hầm? (Hải Lý): Việc đưa hàng xuất khẩu trở lại Mỹ với mức thuế 0% Hùng Vương đủ sức làm và chắc chắn có lời với mức thuế đó.
Cách trí tuệ nhân tạo giúp doanh nghiệp tăng doanh số (Huỳnh Kim Tôn): Không chỉ những công ty lớn và có thế mạnh về công nghệ mới áp dụng trí tuệ nhân tạo vào trong công việc kinh doanh, mà những công ty nhỏ hơn, ít tên tuổi hơn, không chuyên về công nghệ cũng có thể áp dụng dễ dàng.
Doanh nhân thường gặp những stress gì? (BS Lê Hùng): Dù kinh doanh đang có lãi cũng vẫn stress rất nặng. Nếu kinh doanh thua lỗ mà phải trả nợ nữa thì thành thảm họa.
Cân nhắc khi nhà còn nghèo (Lê Triết): Một xã hội tiêu thụ lớn dần cũng là một chỉ dấu cho thấy đời sống kinh tế-xã hội đang đi lên. Nhưng một khi nó không được cân đối trên bình diện vĩ mô thì cũng không ổn, bởi có thể có những tác động đến cán cân thương mại (nhập khẩu càng nhiều)…
Giữ hồn gốm, giữ lửa làng nghề (Nhân Tâm): Các nghệ nhân làng gốm Thanh Hà ở Hội An, Quảng Nam đang cố gắng giữ “tài sản vô giá” mà ông cha để lại 500 năm qua.
Cát Tiên – một báu vật xanh (Đặng Hoàng Thám): Cát Tiên hiện nay là nơi duy nhất ở Việt Nam có tour xem thú rừng ban đêm…
Xin cảm ơn thành phố có công viên (Trương Huỳnh Như Trân): Thay vì mải đuổi theo những ước muốn ảo ảnh, những kỳ vọng mơ hồ, những tuyệt vọng sụp đổ, hãy dành dụm cảm tình yêu mến cho một khóm hoa, một bụi cây, một tiếng chim hót…
Doanh nghiệp Anh lo lắng “ngày tận thế” (Minh Đức): Thủ tướng Anh cảnh báo nước này có thể rời khỏi EU mà không đạt được thỏa thuận nào, viễn cảnh nhiều doanh nghiệp Anh ví von như là “ngày tận thế”.
Hiệp định thương mại Mỹ – Hàn Quốc (sửa đổi): một tiền lệ tốt cho Mỹ? (Huỳnh Hoa): Theo giới phân tích, thành công trong đàm phán hiệp định này và hiệp định NAFTA sau này sẽ tạo tiền đề để Mỹ tiếp tục tiến tới thương lượng lại các hiệp định thương mại tự do với Nhật Bản, EU và có thể cả với Trung Quốc.
55% hay 4% đại dương? (Nguyễn Phan): Một nghiên cứu cho rằng con người đang khai thác cá trên 55% diện tích đại dương. Cùng dữ liệu đó, một nghiên cứu khác phản bác rằng việc đánh cá chỉ diễn ra trên 4% diện tích đại dương. Vì sao có mâu thuẫn này?
Xăm hình logo đổi pizza (Nguyễn Phan): Hãng pizza Domino có một chiêu thức tiếp thị độc đáo: Họ rao ai đồng ý xăm hình logo của hãng này lên người rồi chia sẻ hình ảnh lên mạng xã hội sẽ được “100 pizza/năm trong vòng 100 năm”…