TBKTSG số 40-2012: Kỳ vọng Luật Đất đai
Thanh Hương
Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 40-2012 phát hành ngày thứ Năm 27-9 có những nội dung chính:
Luật Đất đai sửa đổi đang được đưa ra lấy ý kiến người dân và các cơ quan, tổ chức, với việc kéo dài thời hạn giao đất nông nghiệp và nâng hạn mức được chuyển nhượng quyền sử dụng đất, có hàm ý tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ ruộng đất của nông dân. Nhưng quá trình tích tụ ruộng đất còn đòi hỏi những điều kiện gì, người dân còn kỳ vọng gì từ bộ luật sửa đổi này để không còn tình trạng khiếu kiện liên quan đến đất đai triền miên, và để đất đai trở thành nguồn lực hiệu quả cho phát triển đất nước? là những nội dung trong Sự kiện&Vấn đề Kỳ vọng Luật Đất đai tuần này.
Hoạt động bán khống trên thị trường chứng khoán đang tạm lắng xuống do đợt thanh tra của Ủy ban Chứng khoán, tuy nhiên, liệu điều này có lâu dài trong khi lợi nhuận bán khống thì không nhỏ, và bán khống đã trở nên chuyên nghiệp kể cả sử dụng phần mềm tin học, phản ảnh trong bài Bán khống tạm thời lùi bước của phóng viên Hải Lý.
Ngành than đang gặp khó, như trong bài Ngành than gặp khó nhiều bề của tác giả Nguyễn Huy Hải, nhưng vì vậy mà TKV và các bộ Công Thương và Tài chính đề nghị giảm thuế xuất khẩu than liệu có phải là giải pháp hay, trong bài Tại sao phải giảm thuế xuất khẩu than? của tác giả Nguyễn Duy Nghĩa.
CPI tháng 9 tăng vọt như một dấu hiệu của một giai đoạn lạm phát quay trở lại, theo phân tích các dấu hiệu hàng thực phẩm và nông sản trong nước và quốc tế của tác giả Nguyễn Đình Bích trong bài Tháng 9: bước ngoặt cho lạm phát cuối năm. Tuy nhiên, theo bài này, giá lương thực thực phẩm có xu hướng tăng vào cuối năm cũng là một tin vui cho nhiều doanh nghiệp và nông dân đã trải qua nhiều tháng “gồng mình giữ giá” do áp lực sức mua yếu, cũng là phản ảnh trong bài Làm sao tăng giá? của phóng viên Ban Mai.
Trong khi đa số doanh nghiệp phải thắt lưng buộc bụng trong thời kỳ kinh tế suy giảm, nhiều doanh nghiệp lớn cả trong nước lẫn đa quốc gia vẫn đang đổ nhiều tiền vào quảng cáo và nhờ đó tăng doanh số ngoạn mục, trong bài Quảng cáo truyền hình: cuộc chơi của những “ông lớn” của phóng viên Hoàng Phi.
Tuy nhiên, đó chỉ là chuyện của các “ông lớn” ngành hàng tiêu dùng, “giàu càng giàu thêm”, trái ngược với các doanh nghiệp kinh doanh ô tô, với hình ảnh những cửa hàng trưng bày ô tô ế ẩm trong bài Gánh nặng thuế, phí của phóng viên Tư Hoàng; kể cả những doanh nghiệp hàng đầu trong bài Số 1… liêu xiêu của tác gải Nguyễn Đức Duy; hay nhìn rộng hơn về tình trạng sản xuất và kinh doanh chung trong bài Trông chờ “xoay chuyển tình thế” của phóng viên Tư Giang.
Dĩ nhiên, doanh nghiệp không ngồi không chờ đợi, và tại sao không thể hy vọng vào một thế hệ CEO mới, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang ra sức xoay xở trong khó khăn, cũng là lúc “tỏ mặt anh tài”, trong bài Cần một thế hệ CEO đủ sức vượt bão của phóng viên Sơn Nghĩa.
Cũng như Việt Nam nhiều năm trước, quyết định mở cửa thị trường bán lẻ của Ấn Độ cho các tập đoàn siêu thị hiện đại vấp phải sự lo ngại sẽ có thay đổi đột ngột đối với hệ thống chợ và tiệm tạp hóa truyền thống, trong bài Ấn Độ mở cửa thị trường bán lẻ: được hay mất? của tác giả Thái Bình.
“Chuyện các công ty Mỹ đóng thuế 35% chỉ là hoang đường!”, chính nhà đầu tư, tỉ phú Mỹ Warren Buffet vừa phát biểu như thế, khi nói về thuế thu nhập doanh nghiệp Mỹ, trong bài Doanh nghiệp Mỹ đóng thuế nhiều hay ít? của tác giả Thanh Hương, mục Kinh tế thế giới.
Kính mời bạn đọc đón xem.