Thứ Tư, 17/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TBKTSG số 42-2019: Thái độ trước ô nhiễm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TBKTSG số 42-2019: Thái độ trước ô nhiễm

Tòa soạn TBKTSG

(TBKTSG Online) – Ngày 11-10 vừa qua, TS. Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, đã phát biểu với báo giới về vấn đề ô nhiễm không khí với những con số cho thấy chất lượng không khí ở Hà Nội và TPHCM đã kém đi rất nhiều so với những năm trước. TBKTSG bản in phát hành sáng mai (17-10) có các bài viết liên quan vấn đề này.

Ở bài xã luận tựa đề Ô nhiễm không khí và thành phố thông minh tại chuyên mục Ý kiến, TBKTSG cho rằng việc quản lý đô thị hay quản lý địa phương đi vào thực chất ngày nay là phải gắn liền với những thay đổi nhanh chóng trong môi trường sống, từ xử lý rác thải, chống ngập úng đến giảm các tác nhân gây ô nhiễm môi trường.

Do vậy, chuyện Bộ Tư pháp sử dụng số liệu môi trường Hà Nội từ năm 2005 đưa vào báo cáo gửi Quốc hội, theo tác giả Thư Kỳ trong bài viết Mắt xích bị thiếu, là "đã để lại dư âm đắng chát về sự cẩu thả, vô trách nhiệm của một số cán bộ liên quan". Nó cũng cho thấy khoảng trống về mối liên hệ giữa hệ thống nghiên cứu và những người hoạch định chính sách.

Trong khi đó, nhà báo Đoàn Khắc Xuyên cho rằng những chỉ trích, phê phán kể cả chửi bới AirVisual vì những cảnh báo về chất lượng không khí tại Hà Nội là những “ứng xử kỳ lạ” (bài Ô nhiễm không khí: Đừng như đà điểu chui đầu xuống cát). Tác giả viết: “Vì sao trong khi hoạt động của các trạm quan trắc chất lượng không khí của các cơ quan nhà nước là cực kỳ yếu kém, có thêm được một công cụ theo dõi, giám sát cảnh báo chất lượng không khí, cho dù không phải lúc nào cũng chính xác tuyệt đối đi nữa, thì người ta lại tìm mọi cách phủ nhận, tấn công nó?”.

Chuyên mục Sự kiện & vấn đề tuần này giới thiệu hồ sơ về điện hạt nhân của tác giả Nguyễn Khắc Nhẫn. Ở bài tựa đề Những hiểm họa và sự suy tàn không tránh khỏi của điện hạt nhân, tác giả cho rằng: điện hạt nhân rất tốn kém và nguy hiểm, điện hạt nhân không thể cứu thế giới khỏi biến đổi khí hậu, và sự suy tàn của hạt nhân trên thế giới đã bắt đầu từ nhiều năm qua. Còn trong bài Vấn đề hậu nhà máy điện hạt nhân, tác giả lưu ý về việc mỗi khi bàn về dự án điện hạt nhân, người ta ít khi nói đến sự tốn kém và nan giải của việc phải xử lý thế nào khi tuổi thọ của nhà máy chấm dứt và phải làm gì với chất thải của nó!

Các đề tài khác:

Nhìn lại việc đánh giá cán bộ (Nguyễn Khắc Giang): Nhìn vào thực tế quản lý cán bộ hiện tại song song với quy hoạch nhân sự, việc thiết lập một cơ chế đánh giá chặt chẽ hơn, xử lý nghiêm và công khai hơn, là yêu cầu cấp bách.

Động thái mới của Moody`s với Việt Nam: Hiểu đúng để hành động đúng (Phan Minh Ngọc): Moody’s đã ra thông báo xem xét hạ mức tín nhiệm đối với lĩnh vực phát hành nợ của Chính phủ Việt Nam. Giải pháp để tránh hậu quả lớn là cần hạn chế tối đa bảo lãnh Chính phủ đối với các khoản vay của DNNN; nghiêm túc trích lập và sử dụng các quỹ dự phòng, lên kế hoạch trả nợ đột xuất khi nợ dự phòng thành nợ thật…

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều bất cập (Trọng Nghĩa): Cho tới nay, quy mô thị trường TPDN chỉ đạt 10,22% GDP so với mức trung bình 22% của các nước trong khu vực. Những giải pháp nào giúp cải thiện con số còn rất khiêm tốn này?

Phát hành trái phiếu: Doanh nghiệp vẫn có thể “lờ đi” những thông tin bất lợi (LS. Lê Thị Tuyết Dung): Để giúp nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro, doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải tuân thủ quy trình công bố thông tin và phát hành theo quy định tại Nghị định 163/2018 của Chính phủ về phát hành TPDN.

Chọn kênh đầu tư trong bối cảnh chiến tranh thương mại (Lê Hoài Ân): Trong bối cảnh thị trường biến động, khó dự báo, lựa chọn những kênh đầu tư thu nhập cố định có thể là quyết định khôn ngoan cho các nhà đầu tư.

Quy định về tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi có kỳ hạn: Còn nhiều điểm cần hoàn thiện (Nguyễn Văn Minh): Thông tư 48/2018 của NHNN về tiền gửi tiết kiệm và Thông tư 49/2018 về tiền gửi có kỳ hạn vẫn còn nhiều vấn đề pháp lý cần được bàn luận liên quan thực tiễn xử lý hình sự đối với vi phạm trong hoạt động nhận tiền gửi, hay vẫn thiếu sự đồng nhất trong thủ tục ủy quyền gửi và nhận tiền gửi, và liệu yêu cầu về địa điểm gửi/nhận tiền gửi tiết kiệm có hợp lý?

Hệ số CAR đang gây áp lực cho nhiều ngân hàng (Đông Hà): Để hoàn thành mục tiêu tuân thủ các tiêu chuẩn của Basel 2 kể từ đầu năm 2020 theo quy định tại Thông tư 41 của NHNN, nhiều ngân hàng sẽ phải đánh đổi bằng hiệu quả kinh doanh, ít nhất là trong năm 2020.

Khối ngoại bán ròng qua quỹ ETF (Đăng Linh): Động thái bán ròng mạnh của khối ngoại trong quí 3-2019 diễn ra cùng chiều với xu hướng dòng tiền thế giới rút ra khỏi thị trường các nước mới nổi.

Trade war” tạm hạ nhiệt, VN-Index liệu có bay cao? (Bình An): Chiến tranh thương mại hạ nhiệt, mùa báo cáo kinh doanh quí 3 đã bắt đầu cùng những kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ tiếp tục cắt giảm lãi suất được xem là những yếu tố nâng đỡ VN-Index.

Những “nút thắt cổ chai” của năng suất lao động (Thời Gian): Chỉ khi có nhiều người coi trọng giá trị của việc rút ngắn thời gian và tạo sự thuận tiện cho người khác thì chúng ta mới có được nguồn lực thực hiện các đột phá liên tục về năng suất lao động.

Người nông dân ở đâu trong bức tranh GDP 9 tháng? (Nguyễn Đình Bích): Trong bức tranh tăng trưởng kinh tế sáng sủa, bộ phận dân cư đông đảo nhất trong xã hội lại có thể rơi vào tình trạng khó khăn nhất.

Doanh nghiệp khốn khổ thời thiếu vắng "trách nhiệm online” (Bùi Tâm An): Vụ ứng dụng AirVisual bị đồng loạt đánh giá một sao đến mức phải “biến mất’ rồi trở lại sau đó vài ngày cho thấy kinh doanh ở Việt Nam giữa thời người người dùng mạng xã hội thật nguy hiểm!

Để doanh nghiệp nhỏ và vừa không còn “buồn”! (Mỹ Huyền): Số liệu của VCCI cho biết chỉ có 3% doanh nghiệp siêu nhỏ, 4% doanh nghiệp nhỏ và chưa tới 9% doanh nghiệp vừa có khách hàng là các cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài; chỉ 40% doanh nghiệp siêu nhỏ tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng; chưa tới 11% doanh nghiệp nhỏ có đất làm nhà xưởng trong khu công nghiệp…

Tìm “cửa” cho công nghiệp hỗ trợ (Vũ Dung): Những cơ hội mới đang mở ra cho ngành công nghiệp hỗ trợ khi luồng vốn cũng như đơn hàng từ các nước có xu hướng chảy vào Việt Nam. Nhưng phải tận dụng dòng vốn đang dịch chuyển này như thế nào?

Nan giải bài toán cắt giảm phát thải cacbon (Trung Chánh): Việt Nam cam kết cắt giảm 8% phát thải nhà kính vào năm 2030, thậm chí có thể đạt tới 25% nếu được sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế. Song cam kết này không dễ thực hiện trong bối cảnh ngân sách hạn chế và chưa có chính sách điều tiết phát thải cụ thể.

Tăng tốc cuộc đua 5G (Nhân Tâm): Dịch vụ 5G đang ở mức thử nghiệm nhưng các chuyên gia nhận định sẽ tăng tốc trong thời gian tới.

Lý giải hiện tượng ngập đô thị ĐBSCL (Nguyễn Hữu Thiện): Tình trạng ngập ở ĐBSCL được dự báo sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Vấn đề cần giải quyết là tìm cách giảm sụt lún và tạo không gian cho nước trên bình diện đồng bằng.

Vướng mắc thù lao, nhuận bút cho ca sĩ, nhạc sĩ: Giải quyết cách nào? (LS. Phạm Thị Thoa): Luật pháp chưa quy định, chưa có án lệ về việc xác định nhuận bút, thù lao cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng. Cho đến nay, các giải pháp dường như vẫn “theo thỏa thuận”, không ở giai đoạn sử dụng thì ở… giai đoạn tố tụng.

Nghĩ về quan hệ “dân – quan” (Lê Triết): Hoạt động của các cơ quan công quyền rất cần sự phản biện, giám sát từ người dân. Cơ chế ấy như một thuộc tính của nhà nước pháp quyền.

Quyền tưởng tượng (Hải Linh): Tưởng tượng, tư duy độc lập là lạc thú, quyền lợi của con người – những thứ đang ngày ngày bị tước đoạt êm ái thông qua những định chế giáo dục duy lý, khuôn thước.

Ký sự Tà Lài Longhouse – Một nơi buồn… đáng tới (Yến Trinh).

Các bài về đời sống công nhân: Giấc ngủ trưa dưới sàn nhà (Thanh Tâm) và Ở xóm trọ công nhân (Vũ Thị Huyền Trang).

Trang Kinh tế thế giới có các bài:

Giải Nobel có sòng phẳng? (Nguyễn Vũ): Đằng sau các nhà khoa học được vinh danh, còn hàng chục, hàng trăm cộng sự của họ bị lãng quên một cách bất công.

Giảm nghèo đoạt giải Nobel kinh tế (Nguyễn Vũ): Giải Nobel Kinh tế năm nay được trao cho các nhà kinh tế có cách tiếp cận mới trong nghiên cứu giảm nghèo: chẻ bài toán xóa nghèo thành các vấn đề nhỏ hơn để dễ nghiên cứu, tìm giải pháp, thí nghiệm, tổng kết và khái quát hóa thành chính sách có thể áp dụng rộng rãi.

Châu Á – Biến đổi khí hậu đe dọa ngành nông nghiệp (Minh Đăng): Chính phủ nhiều quốc gia châu Á ngày càng lo ngại viễn cảnh biến đổi khí hậu làm suy yếu an ninh lương thực của họ.

Mời bạn đọc đón xem!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới