TBKTSG số 42: Để giảm nhiệt tranh chấp chung cư
Tòa soạn TBKTSG
(TBKTSG Online) – Chung cư là loại hình nhà ở văn minh và phù hợp với xu thế phát triển của các đô thị hiện đại có quy mô và mật độ dân số cao như ở TPHCM và Hà Nội. Sự non trẻ của thị trường là nguyên nhân chính yếu đằng sau các tranh chấp liên quan đến việc mua bán, vận hành chung cư xảy ra với tần suất cao hiện nay. Làm sao để thị trường này phát triển bền vững? Mời bạn đọc đón xem chuyên đề “Để giảm nhiệt tranh chấp chung cư” trên TBKTSG số ra ngày 18-10-2018.
Trong chuyên đề này, bài viết “Bùng phát tranh chấp chung cư” của tác giả Phạm Văn Đại phân tích bức tranh tranh chấp giữa người mua với chủ đầu tư tại các dự án chung cư hiện nay, nó gồm những loại hình tranh chấp gì, nguyên nhân vì sao và đâu là giải pháp tháo gỡ từ phía Nhà nước, doanh nghiệp và từ chính người mua.
Bài viết “Tranh chấp mua bán chung cư: Pháp luật cần bảo vệ hơn nữa người mua yếu thế” của luật sư Trần Hồng Phong tập trung phân tích tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán chung cư trong giai đoạn… chưa giao nhà. Theo đó, pháp luật quy định khi ký hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, bên bán phải được ngân hàng bảo lãnh việc thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên nếu ngân hàng vừa là bên bảo lãnh, lại vừa là bên cho vay, thì sẽ rất khó cho người mua nếu dự án gặp khó khăn, chủ đầu tư ngập trong nợ nần.
Liên quan đến vấn đề này, ở một góc độ khác, bài “Bảo lãnh sẽ hóa giải rủi ro… thế chấp” của luật sư Trương Thanh Đức cho rằng vấn đề cốt yếu để tránh rủi ro là phải có bảo lãnh hợp pháp của ngân hàng, chứ không phải là nhà có bị hay không bị thế chấp trước hoặc sau khi bán.
Các bài viết khác trong số báo này, xin giới thiệu bạn đọc:
Một loại đầu tư cần nghiên cứu (Mục Ý kiến): Trong khi chúng ta có những nghiên cứu công phu về FDI theo nghĩa truyền thống thì hầu như chưa có các công trình nào về hình thức đầu tư dưới dạng góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài – cái lợi, cái hại của nó đối với nền kinh tế nội địa là như thế nào.
Ngày mai thần Chết gọi tên ai… (Nguyễn Khắc Giang): Cách “bảo hiểm” tốt nhất cho sự an toàn của chính mình là lên tiếng với những mối nguy của cộng đồng – dù là hiện hữu hay tiềm ẩn.
Lãi suất không lỗi nhịp (Hải Lý): Sự đi lên của lãi suất đang diễn ra trên nhiều góc độ, từ cho vay đến huy động, từ liên ngân hàng đến độ mở của tổng phương tiện thanh toán.
Nợ nước ngoài của doanh nghiệp: Không chỉ là chuyện riêng của doanh nghiệp ( Ngọc Phan): Sẽ là…nguy cơ khi có nhiều doanh nghiệp cùng đi vay ngoại tệ và vay với tổng số lên tới nhiều tỉ đô la trong một nền kinh tế quy mô khiêm tốn và quỹ dự trữ ngoại hối cũng khiêm tốn như của Việt Nam, và đặc biệt là khi có một cú sốc nội tại hay ngoại lai.
Mở rộng hay tạo chiều sâu cho đô thị (PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục): Trong khi TPHCM đang tìm cách hướng quy hoạch tổng thể phát triển đến liên kết vùng hợp lý để giảm tải cho thành phố, không mở rộng quỹ đất đô thị, thì Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam lại bàn mở rộng thành phố đến Long An.
Khát vọng 4.0 và thực tế muốn “quản” (Nguyễn Vạn Phú): Khát vọng thì có, dẫn tới sự hò reo và cổ vũ đoàn tàu 4.0 lướt sóng ra khơi, nhưng hành động thì tréo ngoe như những bước chân rụt rè, thối lui, không chịu lên tàu.
Vinfast, một hướng phát triển mới của công nghiệp ô tô Việt Nam (Khương Quang Đồng): Sau giai đoạn các xưởng lắp ráp mọc lên khắp nơi, công nghiệp ô tô Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển hợp lý và quy mô hơn với ba mô hình chính…
Để thoát khỏi vòng luẩn quẩn giá thịt heo (Hoàng Thực – Văn Thịnh): Để thoát khỏi vòng lẩn quẩn, Nhà nước cần tập trung xóa bỏ các rào cản kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào tất cả các khâu trong chuỗi giá trị ngành thịt heo.
Nên bỏ chỉ tiêu GDP bình quân đầu người theo đô la Mỹ (Huỳnh Thế Du): Khi lạm phát tăng ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và chính sách điều hành tỷ giá không thay đổi (đương nhiên năng lực cạnh tranh của nền kinh tế bị giảm) thì sẽ “góp phần” làm tăng chỉ tiêu GDP bình quân đầu người tính theo đô la Mỹ. Điều này đi ngược lại với quy luật khách quan.
Lận đận xăng sinh học (Lan Nhi): Giá nguyên liệu để sản xuất ethanol – nguyên liệu để pha chế xăng E5 – cao, cộng với những hạn chế đối với ethanol nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước đang khiến cho lợi thế về giá của xăng E5 mất dần.
Giúp con thế nào? (Giáp Văn Dương): Suy cho cùng, điều cơ bản nhất con cần để có thể tự tin bước vào đời, và để thành công trong cuộc đời, cũng chỉ nằm ở mấy chữ: trung thực và thạo việc.
Ứng phó với “thăng trầm” của VN-Index (Linh Trang): Những phiên biến động mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm 2018 đến nay đang cho thấy đặc điểm rất rõ nét của một thị trường cận biên: dễ chịu tác động bởi các yếu tố bên ngoài và rủi ro lao dốc luôn rình rập. Nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhà quản lý nên ứng phó như thế nào?
Rủi ro lạm phát ép chính sách tiền tệ (Đông Hà): Trước nguy cơ lạm phát, chưa biết liệu Ngân hàng Nhà nước có phải tăng lãi suất hay không nhưng gần như chắc chắn rằng chính sách tiền tệ sẽ được điều hành theo hướng thắt chặt hơn trong thời gian tới.
Giá xăng có thể khiến lạm phát bùng phát (Bùi Trinh): Tới quí 2- 2019, tổng ảnh hưởng của việc tăng giá và thuế đối với xăng dầu sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) xấp xỉ 1% và giảm GDP 0,55%. Cộng với tác động của tỷ giá thì CPI có thể sẽ bùng phát từ quí 2 – 2019.
Kiểm soát tín dụng là cơ hội? (Nam Quyên): Tăng trưởng tín dụng bị hạn chế là động lực cho hoạt động xử lý nợ quá hạn, nợ xấu. Một khoản nợ quá hạn được xử lý giờ đây không chỉ làm tăng thu nhập do hoàn nhập dự phòng hay lãi đã thoái thu mà còn giúp mở “room” tín dụng, tạo cơ hội cho một khoản vay mới tốt hơn.
Thị trường ASEAN: Rộng cửa nhưng không dễ (Quốc Hùng): Vì sao con đường đưa hàng Việt vào thị trường chung ASEAN thời gian qua vẫn khá chật vật? Hội thảo chủ đề “ Thị trường ASEAN: Lối đi nào cho doanh nghiệp Việt?” do Thời báo Kinh tế Sài Gòn phối hợp Câu lạc bộ Doanh nhân 2030 (thuộc Saigon Times Club) tổ chức hồi tuần trước đã cố gắng đi tìm những câu trả lời…
Đi lên từ thất bại, kết nối để phát triển (Nhân Tâm): Trao đổi với ông Phạm Đức Nam Trung, tân Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng về những cơ hội và thách thức của hoạt động khởi nghiệp tại Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung.
Startup trầy trật tiếp cận thị trường (Mỹ Huyền): Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho người tiêu dùng rằng họ có tâm lý chê hàng nội, sính hàng ngoại.
Cần khung pháp lý đầy đủ đối với cho vay ngang hàng (Vân Oanh): Vay tiền qua mạng trên nền tảng cho vay ngang hàng đang ngày càng mở rộng hơn ở Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động này.
Xây dựng quan hệ doanh nghiệp – khách hàng qua blockchain (Huỳnh Kim Tôn): Doanh nghiệp có thể áp dụng công nghệ blockchain để có những cách tiếp cận mới, từ đó xây dựng mối quan hệ với khách hàng tốt hơn, hiệu quả hơn.
Trách nhiệm với ngân sách (Đặng Quỳnh Giang): Quản lý ngân sách luôn là tiêu chí rất quan trọng để đánh giá, thẩm định của những người có trách nhiệm, đặc biệt là những vị trí đứng đầu.
Chút dân sinh còn nợ (Thiên Di): Cả triệu dân bốn quận, huyện ra, vào khu trung tâm thành phố qua cầu Kênh Tẻ và Tân Thuận. Chừng đó người chỉ nhờ vào hai cây cầu quá tải e rằng bất cân đối nghiêm trọng nếu so với những dư thừa ở nơi khác.
Nhân chi sơ tính bản… gian (Việt Linh): Cục đá thay đồng hồ, lon bia thay ống kính… của hôm nay; cục đất sét thay linh vật của ngàn năm trước, cho thấy con người cổ, kim đều có sẵn mầm gian…
Nhà cha mẹ, ta sẽ về lợp lại (Thanh Thảo): Được về Hà Nội là sướng rồi. Bất kể đang chiến tranh…
Ai người cùng ta qua vùng nước cạn? (Diễm Trang): Nếu có ai đó cùng ta đi qua những vùng nước cạn trong đời – để thôi tổn thương và không ngừng khát khao – thì đó là một phúc phận.
Khu vườn tuổi nhỏ (Trân Mai): Thật thiệt thòi cho ai đó không có một khu vườn tuổi nhỏ…
Nghiên cứu… giả (Nguyễn Phan): Ba nhà nghiên cứu đã viết 20 bài nghiên cứu… giả. Cho đến khi họ công bố trò nghịch ngợm này, đã có bảy bài được chấp nhận đăng trên các tạp chí có bình duyệt, trong đó có bốn bài đã được xuất bản. Bảy bài khác đang được xem xét, chỉ có sáu bài bị từ chối đăng…
Cuộc đua xuống đáy (Minh Đức): Mỹ và Trung Quốc sẽ còn tung ra những chiêu bài gì nữa trước khi dừng lại để tìm điểm cân bằng mới?
Cú lừa 2 tỉ đô la (Nguyễn Vũ): Tòa nhà cơ quan thuế Đan Mạch là nơi diễn ra một cú lừa đảo hoàn thuế ngoạn mục lên đến 2 tỉ đô la Mỹ tại một đất nước nhỏ chỉ có 5,7 triệu dân.
Fed dưới áp lực chính trị (Nguyễn Phan): Có một rủi ro nằm ở tâm lý xã hội…