Chủ Nhật, 1/10/2023, 01:57
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


TBKTSG số 44-2012, ngày 25-10-2012

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TBKTSG số 44-2012, ngày 25-10-2012

Chánh Khải

TBKTSG số 44-2012, ngày 25-10-2012
 

(TBKTSG Online) – Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 44-2012 phát hành ngày thứ Năm 25-10 có những nội dung chính:

Dựa theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội về “Tình hình kinh tế – xã hội năm 2012 và nhiệm vụ năm 2013”, Sự kiện & Vấn đề tuần này đã có những phân tích và bình luận ở nhiều góc độ. Trong bài Nền kinh tế đang chuyển biến tích cực, đúng hướng? tác giả Vũ Thành Tự Anh đã cho thấy cứu tinh của tăng trưởng chín tháng đầu năm 2012 chính là xuất khẩu nhưng đằng sau đó lại là góc khuất của ba vấn đề đáng lo ngại là “khu vực kinh tế trong nước không hề đóng góp vào thành tích tăng trưởng xuất khẩu” – “khu vực trong nước tiếp tục nhập siêu nặng nề” – “kim ngạch nhập khẩu của khu vực trong nước giảm rất nhanh và mạnh cho thấy sự suy kiệt thực sự”.

Còn trong bài Thay đổi, tác giả Vân Cầm cho rằng “điều mọi người trông đợi ở báo cáo hay nói đúng ra ở bộ máy điều hành kinh tế là một sự thay đổi căn bản về tư duy điều hành: không bám theo các chỉ tiêu cứng nhắc mà là phân tích và tìm giải pháp cho những vấn đề lớn của kinh tế, xã hội”.

Cuối cùng thì qua vài ví dụ và dẫn chứng số liệu thống kê, tác giả Lê Hoa cho rằng “mỗi một con số cho người ta thấy những bức tranh rất khác nhau về nền kinh tế. Lý giải thế nào đây?”. Có lẽ vì không lý giải được mà bài viết có tựa là Khó hiểu ?   

Liên quan đến nền kinh tế còn là bài viết Chọn hướng nào (Hà Quang Tuyến – Bùi Trinh) đã phân tích thực trạng kinh tế Việt Nam để đưa ra hai khả năng chọn lựa “duy trì tốc độ tăng trưởng cao hay nên duy trì tốc độ tăng trưởng vừa phải” trong chính sách về đầu tư.

Chuyên mục Tài chính – Chứng khoán vẽ lên thực tế đáng lo ngại. Từ năm lý do được nêu trong Thực chất của cuộc đua lãi suất (trò chơi Ponzi – ngừng huy động vàng – nợ xấu – lợi ích nhóm và thâu tóm ngân hàng…) tác giả Lê Duy Khánh đã trả lời câu hỏi vì sao các ngân hàng lại đang đua lãi suất và cho rằng “nếu NHNN làm mạnh tay, ít nhất là từ năm 2008, thì ngày hôm nay nền kinh tế và xã hội không phải gánh chịu những đau đớn kéo dài”.

Rồi thời điểm “đóng trạng thái vàng” 25-11 đã thành cột mốc gây áp lực lên thị trường vàng với chỉ một thương hiệu SJC thì hàng loạt câu hỏi được tác giả Hải Lý đặt ra trong Vàng là chuyện của Nhà nước để thấy rằng “khi đề án huy động vàng chưa sẵn sàng, gót chân Achilles của chính sách vàng đang ngày một lộ rõ”.

Đến Tái cấu trúc các công ty chứng khoán: còn lắm gian nan (Huy Hải) thì “bức tranh” về tài chính – tiền tệ có lẽ đã hoàn thành nét cuối cùng với nhận định “Kỳ vọng sàng lọc số CTCK hoạt động từ 105 công ty xuống còn khoảng 20 công ty có lẽ vẫn còn xa vời”

Liên quan đến chuyện thời sự, đề nghị Quốc hội cho hoãn tăng lương tối thiểu, đã có Những câu hỏi dành cho Bộ trưởng Tài chính (Tư Hoàng) nhìn ở góc độ quản lý nhà nước và Khổ thân đồng lương tối thiểu (Văn Nam – Thu Nguyệt) nhìn từ góc độ doanh nghiệp.

Đáng nói hơn là trong In tiền để tăng lương?!, tác giả Nguyễn Vạn Phú đã không ngần ngại nhận định ý kiến của Bộ trưởng bộ Tài chính Vương Đình Huệ (không thể bố trí ngân sách để thực hiện lộ trình tăng lương, trừ phi Thường vụ Quốc hội đồng ý cho in thêm tiến) “là một tuyên bố không nghiêm túc”.

Trong chuyên mục Kinh tế thế giới, đọc Trào lưu kinh tế châu Á: tại sao không phải Việt Nam (Trần Văn Thọ) để cùng chia sẻ với tác giả những ray rứt, tiếc nuối về nhiều cơ hội mà Việt Nam đã bỏ lỡ để vươn lên thành cường quốc kinh tế. Từ năm “bùng nổ Việt Nam” trên vũ đài thế giới” (1993) nhưng đến năm 1996 thì tại Nhật, “quan tâm về Việt Nam nguội dần”. Rồi thì Việt Nam bỏ lỡ cơ hội trở thành cứ điểm sản xuất xe hơi quan trọng “trong hai thập niên 1990 và 2000” để bây giờ cơ hội đó đang chuyển sang Indonesia. Cơ hội đã qua đi thì thật khó để có lại, bởi thế, nhìn cơ hội đang đến với Myanmar (nhân hội nghị quốc tế về Myanmar) và Indonesia (nhân cuốn sách Indonesia: cường quốc kinh tế –  tác giả Sato Yuri), đang bán rất chạy, tác giả lại càng thêm tiếc nuối “tiềm năng của nước ta rất lớn, nhưng đến bao giờ mới được phát huy?”

Ngoài ra với Bầu cử tổng thống Mỹ: không thay đổi chính sách với Trung Quốc (Huỳnh Hoa), cũng cho người đọc một cái nhìn về quan hệ Mỹ-Trung trong tương lai cho dù ai sẽ là người đắc cử trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.

Tạm bỏ qua những ưu tư nặng nề về kinh tế trong nước, thử đọc Phim ma, đừng sợ (Bùi Dũng) trong chuyên mục Văn hóa – Xã hội để thấy phim ma thời nay đã khác, đó là “ma sợ người, tránh xa con người” hay trong thế giới ma quỷ đó cũng có “những mối quan hệ chan hòa”, thậm chí là “tình cha con của một loài ma quỷ máu lạnh”.

Nhẹ nhàng và thơ mộng hơn nữa là Dầm mưa chơi Huế (Quế Hương) để biết “trong mưa bạn sẽ nhìn “thấu” Huế”. Xa hơn nữa là đặt chân đến Campuchia để thấy ngoài Angkor Thom, Angkor Wat, còn có Angkor Borei – cổ tích giữa biển nước (Phù Sa Lộc) đầy quyến rũ.

Nhưng nếu đọc Chân dung du khách Việt (Kiều Nương) hay Liên hiệp quốc bảo vệ người tố giác như thế nào (Thiên Di), và Tự cứu trước khi trời cứu (Quỳnh Thư) thì những ưu tư, lo toan đời thường hẳn sẽ trở lại bởi những hình ảnh, vấn đề được đề cập vẫn luôn hiển hiện trong xã hội và ngay trước mắt.   

Còn nhiều bài viết đáng đọc khác như Khi công nghiệp hỗ trợ chưa được hỗ trợ (Quốc Hùng), Èo uột ngành chăn nuôi trong nước (Sơn Nghĩa), Khi vốn ngoại tập trung vào thức ăn chăn nuôi (Văn Nam – Thu Nguyệt), Đâu chỉ là chuyện của lữ hành (Đào Loan), Còn “cửa” vào thị trường truyền hình trả tiền (Vân Oanh)… để có thêm góc nhìn về nhiều vấn đề khác

Kính mời bạn đọc đón xem.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới