Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TBKTSG số 44-2019: Góc tối thị trường nước sạch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TBKTSG số 44-2019: Góc tối thị trường nước sạch

Tòa soạn TBKTSG

(TBKTSG Online) – Sự cố ô nhiễm nước sạch trên diện rộng tại Hà Nội vừa qua cho thấy quyền hiến định của người dân quá mong manh. Nói cách khác, nó dễ dàng bị xâm phạm. Chuyên mục Sự kiện & vấn đề trên TBKTSG bản in phát hành vào sáng mai (31-10) sẽ phân tích nguyên nhân dẫn đến những bất cập trong công tác cung cấp nước sạch phục vụ cuộc sống người dân.

Ở bài có tựa đề Những góc tối của thị trường nước sạch, hai tác giả Văn Thịnh và Lê Dung cho rằng thực tế hậu cổ phần hóa tại các công ty nước sạch và xử lý nước thải là sự tham gia của họ vào các ngành kinh doanh khác. Điều này cùng với việc thiếu hệ thống giám sát hiệu quả đã làm phát sinh những nguy cơ đối với việc cung ứng dịch vụ cốt lõi.

Theo LS. Nguyễn Tiến Lập, tác giả bài viết Lỗ hổng trách nhiệm khi tư nhân cung cấp dịch vụ công, không thể đơn giản quy trách nhiệm pháp lý cho các cá nhân gây ô nhiễm hay một công ty cung cấp nước. Nếu tư nhân hóa dịch vụ công thì phải có điều kiện rõ ràng, và Nhà nước sẽ phải chịu trách nhiệm ra sao bởi người dân đã trả thuế để duy trì các dịch vụ công này.

Trong bài phỏng vấn có tựa đề Tư nhân hóa hàng hóa công: Đâu là giới hạn của? do Bảo Uyên thực hiện, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho rằng nhiệm vụ đảm bảo nước sạch cho người dân phải được ràng buộc kỹ trong quyết định (hợp đồng) của Nhà nước khi chuyển việc cung cấp dịch vụ sang cho doanh nghiệp tư nhân. “Chính quyền địa phương phải đại diện cho cộng đồng – người tiêu dùng trong việc thương thảo với nhà cung cấp nước về các điều khoản hợp đồng, giá cả, chất lượng…”, ông nói.

Trong khi đó, ở bài xã luận Gọi đúng tên “tư nhân hóa” (mục Ý kiến), TBKTSG nêu quan điểm: nếu gọi đúng bản chất “tư nhân hóa” thì buộc phải xem lại chủ trương tư nhân hóa một số loại hình doanh nghiệp công ích. Câu hỏi đặt ra là có nên tư nhân hóa các dịch vụ công ích như cung cấp nước sạch cho cả một đô thị hay không?

Các đề tài theo dòng thời sự:

Ảo ảnh thiên đường (Nguyễn Khắc Giang): Ai trong chúng ta cũng quen một vài người đang có ý định di cư, vì lý do kinh tế, giáo dục hay môi trường. Những chuyến vượt biên trên container là dạng thức cực đoan của khát vọng đó nhưng chắc chắn không chỉ đại diện cho thiểu số.

Đằng sau những đồng kiều hối là thân phận lao động Việt (Bùi Trinh): Ước tính lượng kiều hối chuyển về Việt nam năm 2018 khoàng 17 tỉ đô la Mỹ, và 20% trong đó là của người lao động ở nước ngoài.

Lãi suất trái phiếu chính phủ thấp kỷ lục, vì sao? (Hải Lý): Chính nguồn tiền gửi của Kho bạc Nhà nước ở các ngân hàng thương mại là một trong những yếu tố đẩy lãi suất trái phiếu xuống thấp.

Ngân hàng lại mua trái phiếu của ngân hàng (Thụy Lê): Việc các ngân hàng mua trái phiếu của các tổ chức tín dụng dẫn đến khả năng một số ngân hàng đầu tư chéo lẫn nhau.

Lợi nhuận ngân hàng: những cuộc soán ngôi được báo trước (Hồ Lê): Lần đầu tiên trong nhiều năm, BIDV bị lọt ra khỏi tốp 5 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất. Nhưng nhìn lại diễn biến ba năm vừa qua, cuộc đổi ngôi dường như đã được báo trước.

Ngân hàng khó trông chờ nguồn thu từ kinh doanh ngoại hối (Linh Trang): Kinh doanh ngoại hối của hầu hết ngân hàng trong 9 tháng đầu năm hoặc lỗ hoặc lợi nhuận giảm mạnh. Mảng kinh doanh này được dự báo sẽ còn tiếp tục gặp khó khăn…

Doanh nghiệp FDI lên sàn: đừng biến bình thường thành bất thường (Châu Phan): Dù chưa cho ra đời cơ chế niêm yết/đăng ký giao dịch chứng khoán đối với doanh nghiệp FDI, nhưng Bộ Tài chính và Ủy ban chứng khoán đã “lo xa” khi “sẽ có cơ chế phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện giám sát sau khi doanh nghiệp FDI lên sàn”.

Doanh nghiệp  vẫn “ngại” lên sàn (Đăng Linh): Sự dè dặt lên sàn của doanh nghiệp kể từ đầu năm 2019, bên cạnh muôn hình vạn trạng những nguyên nhân chủ quan thì một nguyên nhân khách quan dễ thấy là diễn biến không thuận lợi của thị trường chứng khoán.

Tín dụng từ ngân hàng quốc doanh chuyển sang ngân hàng cổ phần (Hải Lý): Ngân hàng nhà nước đang xem xét tạm thời chuyển tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm từ các ngân hàng như VietinBank, Agribank sang cho những ngân hàng cổ phần đã áp dụng Basel II cũng như kiểm soát tốt việc sử dụng vốn vay.

Nhà đầu tư Đài Loan tiếp tục gõ cửa (Quốc Hùng): Tính đến hết tháng 9-2019, vốn đăng ký từ Đài Loan vào Việt Nam gần mức 32 tỉ đô la Mỹ, đứng thứ tư, sau Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore.

Người trồng tiêu than thở (Nguyễn Quang Bình): Mặt hàng hồ tiêu đang giảm cung nhưng giá vẫn đi xuống. Giá tiêu hiện còn bấp bênh và yếu hơn cả giá cà phê.

Quản lý di sản, chuyện không chỉ của địa phương (Đào Loan): Tuy địa phương có trách nhiệm quản lý di sản nhưng với những di sản là thương hiệu của cả nước thì quy định phải khác và cấp quản lý phải cao hơn…

Mekong Connect 2019: Liên kết chuỗi giá trị, tăng cường hội nhập (Ricky Hồ): Trước thềm Diễn đàn kinh tế Mekong Connect 2019, một số ý kiến góp ý vấn đề nâng giá trị nông sản và hỗ trợ kinh tế nông nghiệp, trong đó, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam cầu lưu ý cải thiện tiêu chuẩn; sản xuất nông nghiệp cần tăng cường đầu tư công nghệ và đẩy mạnh tiếp thị.

Làm bao lâu không bằng làm… bao sâu! (Thanh Phương): Khảo sát thị trường lao động của Anphabe ghi nhận nhóm nhân viên trẻ có những quan điểm nghề nghiệp rất khác biệt. Trong khi đó, tỷ lệ dự định nghỉ việc của nhóm nhân viên mới ở các doanh nghiệp lên tới 23-24% trong hai năm đầu tiên, và có đến 32% những người đang đi làm công ăn lương mong muốn khởi nghiệp trong tương lai.

Vẫn đau đầu với phế liệu (Khánh Như): Hàng phế liệu tồn đọng, việc buộc các hãng tàu phải vận chuyển rác phế liệu trở về nước xuất xứ là không hề đơn giản.

Nút thắt xử lý phế liệu tồn đọng tại cảng (LS. Phùng Thanh Sơn): Trong khi các hãng tàu không có động lực xử lý phế liệu tồn đọng thì các cơ quan hữu trách cũng chưa có giải pháp khi chủ hàng không kê khai trung thực. Quy trình xử lý có thể mất nhiều năm.

Tàu Vietsun Integrity chìm – thiệt hại dây chuyền (Đặng Dương): Dù không có tổn thất về người, những hệ quả từ sự cố chìm tàu Vietsun Integrity vẫn vô cùng lớn.

Pháp luật lao động từ góc độ “lương tri của xã hội” (Tiến sĩ luật Trần Kiên): Ý tưởng về luật như là lương tri của cộng đồng nên là một sự gợi ý cho các nhà làm luật về việc thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, hài hòa lợi ích của các chủ thể xung đột nhau.

Bốn giờ bằng 20 tỉ đô la? (Sơn Tùng): Xét điều kiện hiện nay nên giảm giờ lao động chính thức trong tuần đồng thời mở rộng khung giờ làm việc thay vì giới hạn đến 300 giờ. Như vậy, người lao động nếu làm thêm giờ thì họ sẽ có thêm thu nhập và đề nghị của giới chủ cũng được đáp ứng.

Lắp camera cùng khắp rồi làm gì? (Danh Đức): Trong làn sóng “camera hóa”, việc thay sức người bằng sức máy trong giám sát thực địa cũng có nghĩa cần tiến tới một lực lượng phản ứng nhanh trong mọi sự cố đe dọa an ninh.

Công nghệ không thay được người thầy (Đỗ Lan): Cho dù công nghệ đang hỗ trợ nhiều cho người học, vai trò của người thầy vẫn không thể thay thế.

Bao nhiêu tuổi thì “về vườn”? (Lê Hữu Huy): Nên thay đổi quan điểm và thái độ về cái gọi là tuổi già, tiền công, tiền lương, nghỉ hưu… Chung quy lại cũng là những vấn đề căn cơ của giáo dục và y tế, theo đó, người dân được chăm sóc sức khỏe đúng mức, luôn có cơ hội nâng cao kỹ năng tay nghề với thái độ học tập suốt đời.

Hiểu về “homestay” (Dương Văn Ni): Để lại hình homestay thật sự thu hút khách, phải làm sao cho không có cái “home” nào giống với cái ‘home” nào.

Trang Kinh tế thế giới có các bài:

Cơn ác mộng của doanh nghiệp ở Anh (Minh Đức): Sau hơn ba năm ngóng phương án Brexit, giờ đây, trước những tình huống chính trị phức tạp ở London, giới kinh doanh tiếp tục bị xói mòn lòng tin.

Forever 21: Sớm nở tối tàn (Kỳ Thư): Chuỗi thời trang Forever 21 vừa nộp đơn xin phá sản, chấm dứt giai đoạn phát triển thần kỳ với đỉnh cao doanh thu hàng năm lên đến 4 tỉ đô la. Động thái này là để bảo vệ họ trước các chủ nợ trong thời gian tái cơ cấu doanh nghiệp với một lộ trình trả nợ rõ ràng.

Ứng phó thương chiến, dân Trung Quốc ủng hộ thương hiệu nội địa (Chánh Tài): Các công ty Mỹ đang lo làn sóng ủng hộ hàng nội địa của người Trung Quốc sẽ dần chuyển thành cuộc tẩy chay toàn diện đối với hàng hóa Mỹ.

Google sắp hết miễn phí? (Nguyễn Vũ): Với việc khôn khéo gom nhiều thứ miễn phí tính chung vào dung lượng miễn phí, chẳng mấy chốc sẽ có nhiều khách hàng miễn phí hiện nay của Google trở thành khách hàng trả tiền. Và đó là dịch vụ Google One bán dung lượng lưu trữ mà Google vừa giới thiệu.

Mời bạn đọc đón xem!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới