Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TBKTSG số 45-2014: Được mùa… hàng xa xỉ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TBKTSG số 45-2014: Được mùa… hàng xa xỉ

Tòa soạn TBKTSG

(TBKTSG Online) – Với việc Trung tâm thương mại (TTTM) Tràng Triền Plaza phải đóng cửa hồi tháng 8 cũng như sự ế ẩm của nhiều TTTM khác, nhiều người dễ tưởng hàng hiệu, hàng xa xỉ đang ít đất sống ở Việt Nam. Chuyên mục Sự kiện & vấn đề trên TBKTSG tuần này (phát hành sáng mai, ngày 6-11) có các bài viết cho thấy thực tế không phải vậy.

Căn cứ số liệu thống kê của Bộ Công thương, bài Cú “nhấn ga” của hàng xa xỉ của Ngọc Lan cho thấy lượng nhập khẩu hai mặt hàng điện thoại di động và ô tô nguyên chiếc tăng mạnh, tất nhiên chưa thể tính đủ một lượng hàng điện thoại không nhỏ về nước theo đường… “xách tay”.

Trong bài Tỷ giá: bất ổn đằng sau sự ổn định danh nghĩa, tiến sĩ Nguyễn Đức Thành cho rằng sự ổn định về danh nghĩa của tỷ giá hiện nay đang khiến nền kinh tế có khuynh hướng nhập khẩu nhiều hơn thay vì tự sản xuất trong nước.

Bài viết có tựa đề Nhập siêu trở lại: do đâu? của Linh Trang cũng cho thấy nhập siêu đang có xu hướng tăng cao trở lại. Bên cạnh sự mạnh lên của tiền đồng, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực bị chững lại, thậm chí sụt giảm, trong khi đó, nhập hàng xa xỉ tăng mà nổi bật là mặt hàng ô tô nguyên chiếc.

Số báo tuần này còn đề cập nhiều vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận, từ các vấn đề quản lý vĩ mô như tham nhũng, nợ công, thâm thủng ngân sách, môi trường kinh doanh, cải cách khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN)… đến các vấn đề vi mô ở góc độ làm ăn, quản trị của doanh nghiệp, qua các bài viết:

Doanh nghiệp nhà nước để làm gì? – Mục Ý kiến của TBKTSG: Con đường cải cách DNNN là dùng lợi thế chủ sở hữu làm sao cho DNNN nhanh chóng tự lực cánh sinh, cạnh tranh bình đẳng trên thương trường. Lúc đó, DNNN là vũ khí hữu hiệu để giảm trừ khiếm khuyết của kinh tế thị trường chứ không phải để điều tiết vĩ mô như một số người lầm tưởng.

Trong vòng xoắn ốc tham nhũng – Tư Hoàng: Để tạo ra 1 đồng lợi nhuận, doanh nghiệp phải trả 0,7-1 đồng cho các khoản thanh toán không chính thức. Điều này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam có thể làm ăn hiệu quả như thế nào nếu không có tham nhũng.

Đâu chỉ là ngân sách hay nợ công – Huỳnh Thế Du: Nhiều lãnh đạo muốn làm yên lòng công chúng bằng cách cho rằng các dự án (như sân bay Long Thành hay bắn pháo hoa) là từ vốn tư nhân hay vốn xã hội hóa chứ không phải từ ngân sách nhà nước. Tác giả cho rằng ngân sách hay nợ công chỉ là những công cụ để Nhà nước thực hiện vai trò. Nhà nước cần nhìn bức tranh tổng thể là GDP và khả năng trả nợ của cả nền kinh tế chứ không phải chỉ là các vấn đề cục bộ.

Sức ép từ bảng xếp hạng của WB – Tư Giang: Môi trường kinh doanh của Việt Nam bị xếp hạng 78 trên tổng số 189 quốc gia trên toàn thế giới, theo báo cáo Doing Business 2015 của Ngân hàng Thế giới, tụt hạng so với vị trí 72 (theo cách tính mới) của năm 2014. Điều này đang tạo sức ép không nhỏ đối với các nhà quản lý.

Sắp qua thời kỳ “dân số vàng”? – Nguyễn Chí Hiếu: Tốc độ tăng lao động giảm đáng kể, đặc biệt trong hai năm qua. Đây có phải là minh chứng cho thời kỳ “dân số vàng” của Việt Nam sắp trôi qua? Nếu vậy, lợi thế về nguồn lao động trẻ, dồi dào để thu hút đầu tư và đẩy mạnh tăng trưởng cũng sẽ giảm đi.

Lãnh thổ người ta, người ta có quyền? – Nguyễn Hữu Thiện: Trên dòng chính sông Mêkông ở hạ lưu vực Mêkông, Lào và Campuchia đang có kế hoạch xây dựng 11 đập thủy điện chắn ngang sông. Đập Xayaburi đã khởi công xây dựng từ tháng 11-2012, đến nay đã được khoảng 30% tiến độ và hiện Lào đã thông báo về ý định xây đập thứ hai, Don Sahong, trên dòng chính. Việt Nam sẽ chịu tác động to lớn và vĩnh viễn từ các công trình này. Trong những ngộ nhận về thủy điện Mêkông, có sự ngộ nhận cho rằng mỗi nước có toàn quyền quyết định xây dựng thủy điện trên dòng chính Mêkông trong phạm vi lãnh thổ quốc gia của họ mà không ai có thể can thiệp gì.

Chùa chiền và đô thị mới – Quang Chung: Sự thiếu vắng cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng và dịch vụ bình dân là khiếm khuyết lớn nhất của không ít các đô thị mới, trong đó có cả khu đô thị kiểu mẫu và hiện đại nhất nước là Phú Mỹ Hưng.

Nới trần vay vốn cho địa phương: chỉ làm tăng “cơn khát” vay vốn – Lan Nhi: Tỷ lệ nợ của chính quyền địa phương được công bố là 0,8% GDP, nhưng đây chỉ là bề nổi của vấn đề…

Điều chưa rõ ràng ở hai dự thảo luật – Vũ Xuân Tiền: Có một vấn đề quan trọng nhưng chưa rõ ràng liên quan đến hai dự thảo luật (Luật Doanh nghiệp sửa đổi và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp) sẽ được thảo luận và thông qua tại kỳ hợp thứ 8 của Quốc hội, đó là “ai là đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước?”.

Vietnam Airlines: nhọc nhằn tái cấu trúc – Phương Lam: Với mức giá khởi điểm 22.300 đồng/cổ phiếu và tỷ lệ chào bán khá nhỏ trong lần IPO vào ngày 14-11 tới đây, cổ phiếu VNA của Vietnam Airlines chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Hơn nữa, VNA còn phải nỗ lực nhiều trên con đường tái cấu trúc sau cổ phần hóa.

Rộ phát hành trái phiếu doanh nghiệp – Thành Nam: Vốn đang thừa đối với khối sản xuất, xuất khẩu và kinh doanh dịch vụ nhưng vẫn khan hiếm đối với bất động sản. Phần lớn trái phiếu doanh nghiệp được phát hành bởi các công ty bất động sản mà dư nợ hiện hành thường đã kịch khung hạn mức tín dụng. Bởi vậy, rộ phát hành trái phiếu doanh nghiệp là “một nửa nụ cười có phần chua chát”.

Bức tranh thị trường trái phiếu có đổi màu? – Hồng Phúc: Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Đỗ Ngọc Quỳnh cho rằng tổng lượng trái phiếu các ngân hàng đang nắm giữ chỉ tương đương 7% tổng tài sản các ngân hàng thương mại. Với mục tiêu lạm phát 5% năm 2015 và mức lợi tức trái phiếu như hiện nay, các ngân hàng vẫn còn dư địa đầu tư vào thị trường trái phiếu.

Sóc Trăng sẽ có dự án FDI 1,8 tỉ đô la Mỹ – Trần Hữu Hiệp: Tập đoàn Tata của Ấn Độ đang khẩn trương hoàn tất thủ tục triển khai dự án BOT xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 2 trị giá 1,8 tỉ đô la Mỹ. Với dự án này, tỉnh Sóc Trăng đứng trước cơ hội cải thiện xếp hạng thu hút FDI từ vị trí 13/13 tỉnh, thành trong vùng lên thẳng vị trí thứ ba.

Thương mại điện tử: thị trường các tỉnh tăng nhanh – Chí Thịnh: Sức mua hàng trực tuyến tăng nhanh ở một số tỉnh thành như Thái Nguyên, Lào Cai, Lai Châu, Đà Nẵng, Cần Thơ… Không chỉ tăng về số lượt nhấp “chuột” mua hàng, giá trị giao dịch trung bình ở khu vực này cũng đang tăng nhanh.

Mong được mở thêm lối – Hoàng Nhung: Thời điểm miễn thuế trang thiết bị y tế đã cận kề. Đây quả là tin vui nhưng các doanh nghiệp trong lĩnh vực này vẫn đang ngóng hướng dẫn của cơ quan chức năng với hy vọng được mở lối làm ăn rộng hơn nữa.

Cuộc chiến giống còn dài… – Ngọc Hùng: Vì vướng bản quyền mà doanh nghiệp vẫn phải nhập giống cây trồng về trồng trực tiếp trên đồng ruộng, dù trình độ nhân giống ở trong nước đã có thể đáp ứng nguồn giống chất lượng tương đương và có giá rẻ hơn.

Giá trị nào của Việt Nam trong máy bay Boeing, Airbus? – Quốc Hùng: Ít ai biết những chiếc máy bay hiện đại của Boeing và Airbus đã và đang được hình thành với một phần linh kiện được lắp ráp tại Việt Nam. Nhưng trong chuỗi cung ứng này, Việt Nam vẫn tham gia chủ yếu bằng lực lượng lao động với chi phí thấp.

Giá mà lúc ấy tôi biết… – Đỗ Hòa: Trong các cuộc trò chuyện của giới doanh nhân, nhiều người nhận ra có biết bao sự tiếc nuối mang tên “giá mà…”. Giá mà lúc ấy biết bong bóng bất động sản sẽ sớm vỡ, giá mà lúc ấy đánh giá được rủi ro thay đổi môi trường pháp lý, giá mà lúc ấy nhận ra năng lực cạnh tranh của mình đang ở đâu…, để không bị rơi vào vòng xoáy trút tiền đầu tư và nay thì… sống dở chết dở!

Lãnh đạo và việc tạo dựng niềm tin – TS. Paul Brown: Sẽ có những phần thưởng xứng đáng cho những ông chủ xây dựng được phương thức quản lý dựa trên cơ sở niềm tin và giành được niềm tin trong nhân viên.

Khi ta sống cuộc đời thứ hai – Dương Trọng Huế: Các phát minh công nghệ như những đợt sóng vỗ không ngừng vào bờ đê ranh giới chia đôi thế giới thực và ảo. Con người cũng đang trải qua những pha trộn ý niệm về cuộc đời thứ hai trong mạng xã hội và các không gian công nghệ giải trí khác.

Truyền hình trực tuyến lên ngôi – Ngọc Ý: HBO, kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ, vừa tuyến bố sẽ mở dịch vụ truyền hình trực tuyến vào năm sau. Đây là một bước ngoặt lớn với truyền hình cáp và là điểm khởi đầu mới đối với ngành truyền hình.

Đầu tư của Nhật “xoay trục” – Huỳnh Hoa: Sau khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, Nhật chuyển dịch đầu tư từ một số nước Đông Nam Á sang Trung Quốc khi ấy mới gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. Nay một lần nữa, Nhật “xoay trục” đầu tư trở lại ở khu vực Đông Nam Á mà những động thái gần đây là tại Việt Nam và Campuchia. Sự xoay trục của dòng vốn này sẽ mang lại lợi ích cho cả Nhật và Đông Nam Á nhưng không phải không tiềm ẩn những rủi ro…

Mời bạn đọc đón xem!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới