Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TBKTSG số 45-2017: Giải pháp tinh gọn bộ máy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TBKTSG số 45-2017: Giải pháp tinh gọn bộ máy

Tòa soạn TBKTSG

(TBKTSG Online) – Những động thái từ Hội nghị Trung ương 6, các báo cáo từ Chính phủ và thảo luận tại Quốc hội phát đi tín hiệu cải cách bộ máy nhà nước mạnh mẽ nhất trong suốt ba thập niên qua, kể từ sau Đổi mới. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng gốc rễ của vấn đề hiện nay nằm ở chức năng của Nhà nước nói chung, chức năng cụ thể của từng tổ chức nhà nước nói riêng. Xác định đúng chức năng và tổ chức bộ máy hợp lý tự khắc sẽ có vị trí con người, có số lượng biên chế hợp lý, từ đó mới có thể tiến hành cải cách tiền lương hiệu quả. Chuyên mục Sự kiện và Vấn đề tuần này của TBKTSG bàn về giải pháp tinh gọn bộ máy.

Trong chuyên mục này, bài viết “Cải cách bộ máy: ba khu vực, ba cách tiếp cận” của Nguyễn Quang Đồng cho rằng bộ máy Nhà nước hiện tập trung trong ba khu vực lớn: khu vực hành chính, khu vực sự nghiệp và khu vực các tổ chức đoàn thể. Ba khu vực này có chức năng khác nhau nên cần có cách tiếp cận cải cách khác nhau. Từ đó, tác giả thử phác thảo ba cách tiếp cận này…

Trong một góc nhìn cận cảnh hơn, bài viết “Bắt đầu từ các viện nghiên cứu” của Nguyễn Vũ cho rằng ứng cử viên hàng đầu cho việc tinh giản, chuyển từ cơ chế hành chính sự nghiệp thành các công ty cổ phần đa sở hữu  là các viện nghiên cứu trực thuộc các bộ, ngành.

Bài viết “Trả lương theo năng lực: góc nhìn từ Singapore” của Nguyễn Chí Hiếu cho rằng những đô thị đầu tàu kinh tế như TPHCM, Hà Nội, hay các đặc khu kinh tế sắp tới, với quyền tự chủ nhiều hơn, có thể dựa trên kinh nghiệm của Singapore về tổ chức một bộ máy hành chính hiệu quả, cùng với một chế độ lương trả theo năng lực và công việc.

Các bài viết khác trên TBKTSG số ra ngày 9-11-2017, xin giới thiệu bạn đọc:

Máy chủ và đám mây (Mục Ý kiến): Dự thảo Luật An ninh mạng cần được viết lại theo hướng đặt các yêu cầu nghiêm ngặt cho các doanh nghiệp về việc bảo vệ sự toàn vẹn và an toàn của dữ liệu, như cấm trao hay bán cho bên thứ ba khi không có sự đồng ý của người dùng và có biện pháp chế tài kèm theo; chứ vấn đề không phải ở vị trí địa lý của máy chủ chứa các thông tin đó.

Bỏ hộ khẩu đâu bằng bỏ phân biệt đối xử (Nguyễn Vũ): Nỗ lực xóa bỏ sự phân biệt đối xử liên quan đến nơi thường trú cần phải song hành với chuyện bỏ hộ khẩu bởi đó là hai chuyện khác nhau.

Kêu gọi đầu tư BOT cao tốc Bắc-Nam không dễ (Lê Anh): Trong khi các nhà đầu tư trong nước lo ngại về khả năng vay vốn ngân hàng và sự thay đổi của chính sách thì các yêu cầu mà nhà đầu tư nước ngoài đưa ra đều chưa có thông lệ và không được Chính phủ chấp nhận.

Câu chuyện hàng Ta – hàng Tàu (Tâm Dân): Có lẽ ít nơi nào trên thế giới hàng Tàu lại rộng đường tung hoành như ở Việt Nam. Thị trường vì thế rơi vào cảnh hỗn loạn, thật giả lẫn lộn, cơ quan chức năng thì bó tay, người tiêu dùng nhiều khi không biết đường nào mà lần… Nguyên nhân do đâu? Câu trả lời trước hết nằm ở chỗ tiên trách kỷ, hậu trách nhân.

Nói thêm về cách tính GDP (Bùi Trinh): GDP từ phía cầu của quí 1 chỉ tăng trưởng 3,88%, quí 2 tăng 3,21%, quí 3 tăng 4,67% và chín tháng chỉ tăng trưởng 3,93%. Theo ý niệm gốc mà Keynes đưa ra, GDP chính là tổng cầu cuối cùng. Vậy con số tăng trưởng nào là đúng và hợp lý?

Căn hộ diện tích nhỏ, quản lý hay cấm? (TS Phạm Văn Đại): Chiến lược phát triển dài hạn trong việc thu hút các ngành thâm dụng công nghệ, hạn chế các ngành thâm dụng lao động rõ ràng có hiệu quả trong việc định hình quy mô dân số của TPHCM hơn là các biện pháp vi mô về nhà ở.

Lo trước những cơn bão năm 2018 (Toàn Trịnh): Do mức đóng bảo hiểm mới, các doanh nghiệp sẽ không mở rộng sản xuất hoặc đầu tư mới đối với các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, gây bão thất nghiệp. Bên cạnh đó còn những cơn bão mang tên cạnh tranh, tài chính- tiền tệ, tài khóa…

Chuyển mình trong CMCN 4.0 (Thùy Dung ghi): Lợi thế lao động giá rẻ của Việt Nam dường như đang dần phai nhạt. Xu hướng các công ty đa quốc gia dịch chuyển sản xuất về nước của họ (re-shoring era) ngày càng rõ ràng. TBKTSG ghi nhận ý kiến của các chuyên gia liên quan trong lĩnh vực công nghệ và kinh tế về hướng đi mới của nền kinh tế Việt Nam trước làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 đang ập tới.

Lập luận IUU và hệ lụy “thẻ vàng” (Nguyễn Minh Đức): Liên minh châu Âu (EU) vừa cảnh báo “thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác thủy sản khai thác tự nhiên của Việt Nam vì chưa tuân thủ các quy định của EU về IUU. Vậy IUU là gì và thẻ vàng này có ý nghĩa gì?

So sức khỏe DNNN qua ba năm (Phan Minh Ngọc): Tuy vẫn còn hạn chế về phạm vi và tính nhất quán về thông tin được cung cấp, có thể thấy một bức tranh đan xen sáng tối liên quan đến doanh nghiệp nhà nước (DNNN), từ chuyện không tuân thủ quy định về báo cáo của không chỉ DNNN mà còn của cơ quan chủ quản, đến chuyện hiệu quả hoạt động (thể hiện ở mức sinh lợi) có xu hướng suy giảm song song với sự cải thiện nhẹ về chỉ số an toàn hoạt động.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ thêm khó? (Linh Trang): Ngân hàng Nhà nước đang muốn siết lại hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của các tổ chức tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhưng những quy định mới này có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp nói riêng cũng như thị trường TPDN nói chung…

Quỹ BHXH không đơn thuần là đóng và hưởng (Phan Thị Ngọc Thắng): Người lao động cần biết được việc quản lý quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) là hiệu quả, minh bạch, đảm bảo rằng người lao động khi nghỉ hưu chắc sẽ được BHXH chi trả lương. Việc này cần một quá trình thể hiện của cơ quan BHXH chứ không chỉ ngày một ngày hai.

Vốn đầu tư nước ngoài: nhiều con số nhưng thiếu lời giải thích (Ngọc Khanh): Trong thời gian gần đây, có nhiều ý kiến trái chiều khi đánh giá về nguồn vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) nói riêng vào Việt Nam…

Chiếc máy giặt và chuyện quản trị nhân văn (Đức Tâm): Ở công ty sản xuất nhỏ, quy mô chưa đến 100 người này, bạn cho mua máy giặt về để công nhân dùng sau mỗi ngày làm việc dù mình chẳng có nghĩa vụ phải làm điều đó…

Nhà lưu trú cho công nhân: cung vẫn xa cầu (Văn Nam): Ngày nào mà người lao động còn lo lắng về chỗ ở, chỗ gửi con cái học hành thì ngày đó họ chưa thể an tâm dốc sức cho công việc…

Khách sạn đấu với OTA (Đào Loan): Trong mảng thu hút khách hàng trực tuyến, gần như các khách sạn đều phải hợp tác với các đại lý du lịch trực tuyến (OTA) để bán phòng. Tuy vậy, nhiều nơi cũng đang tìm cách bán hàng riêng nhằm tránh lệ thuộc vào OTA.

Tôi không muốn mất bạn (Minh Duy): Xung quanh nó giờ là những người chung chí hướng phải bán hàng nhiều, là những khóa học làm giàu nhanh mà nó hào hứng, là những tấm gương trở thành “đại gia” sau một thời gian ngắn…

Người giàu có đáng ghét? (Lương Hà): Để Việt Nam có sự thay đổi, từ cả hai phía người giàu và người nghèo, chúng ta cần thay đổi cả tư duy làm giàu và thái độ đối với người giàu. Bởi lẽ thực tế đã cho thấy rằng: “Không có quốc gia nào trở nên thịnh vượng bằng cách đem người giàu ra đấu tố cả!”.

Tiền thưởng – trả lại tên cho em (Võ Diệu Ngọc-LS Lê Trọng Thêm): Nhiều doanh nghiệp đã và đang áp dụng chính sách tiền thưởng cho người lao động nhưng số doanh nghiệp thực hiện hiệu quả chính sách này vẫn còn rất ít.

Tài nguyên bản địa và di sản văn hóa (Nguyễn Thị Hậu): Yếu tố “phi vật thể” làm tăng giá trị “vật thể” của sản phẩm.

Xóa hộ khẩu để tạo công bằng (Quỳnh Thư): Chính phủ cần có cơ chế bảo đảm hệ thống mới thay hộ khẩu ngăn ngừa được tác động xấu và kẽ hở tạo ra nhũng nhiễu, phải làm sao để hệ thống mới thực sự xóa được phân biệt đối xử, mang lại công bằng cho mọi công dân.

Lương hưu: làm sao để bà bớt sốc (Thùy Dung): Luật Bảo hiểm xã hội điều chỉnh giảm lương hưu của cả lao động nữ và nam sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2018. Dù là bước đi đầu tiên nhằm cân bằng quỹ hưu trí nhưng đã gặp phải sự phản ứng của dư luận khi có sự điều chỉnh giảm đột ngột về quyền lợi của lao động nữ.

Vì sao mặt nạ? (Diễm Trang): Thời đại hôm nay vốn nhanh nhạy trong việc đào xới các giá trị văn hóa truyền thống và “hòa trộn” chúng với những yếu tố đương đại. Do vậy, có thể một ngày không xa, sân khấu mặt nạ sẽ một lần nữa trỗi dậy, lộng lẫy và ngoạn mục – đương nhiên, theo phong cách của thế kỷ 21.

Đừng bắt người khác giống mình (Nguyễn Văn Mỹ): Nếu ai cũng suy nghĩ và đánh giá cái đẹp giống nhau thì xã hội đại loạn. Khác nhau là chuyện bình thường nhưng xin đừng bắt người khác phải giống mình.

Bài học đặc khu kinh tế của Trung Quốc (Anh Thư): Các đặc khu kinh tế có quyền lập quy, nội dung lập quy có thể khác hoặc chưa có trong các luật về kinh tế hiện hành nhưng phải tuân thủ các nguyên tắc quy định trong hiến pháp và đường lối của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Alibaba và Amazon “chạy đua” chinh phục Đông Nam Á (Minh Đức): Hai ông lớn trên thị trường bán hàng trực tuyến này đã chiếm lĩnh thị trường trên sân nhà của mình. Giờ đây họ đang cạnh tranh nhau để giành vị thế vượt trội ở những mảnh đất mới.

APEC 2017: Đa phương hay song phương? (Thái Bình): Hợp tác vẫn là xu hướng không thể đảo ngược, nhưng hợp tác như thế nào để cùng chia sẻ một tương lai chung, không để ai bị bỏ rơi, bị thiệt thòi – kỳ vọng diễn đàn APEC Đà Nẵng sẽ đưa ra được câu trả lời thỏa đáng nhất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới