Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TBKTSG số 48-2010: Những thách thức từ thực tế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TBKTSG số 48-2010: Những thách thức từ thực tế

(TBKTSG Online) – Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 48-2010 ra ngày thứ Năm 25-11 có những nội dung chính:

Nhiều năm qua, Việt Nam đã trở thành cường quốc trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, cà phê, thủy hải sản… nhưng người làm nông vẫn đối mặt với nhiều khó khăn vất vả, vẫn thuộc nhóm người nghèo nhất của xã hội. Một bộ phận nông dân đang nảy sinh tâm lý chán ruộng vì thu nhập quá thấp. Sự kiện & Vấn đề tuần này phản ánh thực trạng trên qua góc nhìn của các đại biểu Quốc hội; qua đó đề xuất một số giải pháp như tiến hành đô thị hóa và công nghiệp hóa nông thôn để thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, thành lập công ty cổ phần nông nghiệp để chuyên canh nông sản theo chuỗi giá trị gia tăng.

Về chỉ tiêu phát triển kinh tế trong năm 2011, bài “Giằng co giữa tăng trưởng và lạm phát” của tác giả Vũ Thành Tự Anh phản ánh sự mâu thuẫn giữa các mục tiêu vĩ mô, khi Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 7-7,5%, CPI dưới 7%. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11-2010 của TPHCM lên tới 1,7% và của Hà Nội là 1,9%. Do vậy CPI cả năm của cả nước có thể xấp xỉ 10% hoặc cao hơn trong khi mục tiêu trong năm 2010 là tăng trưởng GDP 6,5%, CPI dưới 7%.

Đầu tuần này, Vinashin đã trở thành tâm điểm của các phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội. Bài “Ai đứng ra tái cơ cấu Vinashin?” của tác giả Nguyễn Vạn Phú và bài “Trả nợ chậm và cổ phiếu Vinashin” của phóng viên Hải Lý trong mục Ghi nhận cho thấy đề án tái cơ cấu tập đoàn công nghiệp tàu thủy này vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.

Đầu tuần tới, Giáo sư Michael Porter, người được mệnh danh là cha đẻ của chiến lược cạnh tranh, sẽ trở lại Việt Nam chủ trì hội thảo “Cạnh tranh và chiến lược doanh nghiệp ngày nay” tại Hà Nội. Ngày 30-11, ông sẽ đồng chủ trì buổi công bố báo cáo năng lực cạnh tranh Việt Nam 2010 cùng Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải. Trước khi sang Việt Nam, ông đã dành cho TBKTSG cuộc phỏng vấn về vấn đề lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong bài “Phải tự mình thiết kế chiến lược” của tác giả Nguyễn Vạn Phú.

Trong mục Diễn đàn, PGS.TS.Nguyễn Ngọc Điện có bài “Quan niệm thế nào về vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước?” bàn về nguyên tắc bình đẳng giữa các chủ thể trước pháp luật, một nguyên tắc tạo thành nền tảng của một hệ thống pháp lý lành mạnh, vốn được coi là điều kiện cần cho sự bảo đảm công bằng, trật tự trong xã hội.

Trong mục Tài chính – Chứng khoán, đáng chú ý là bài “Chống đầu cơ vàng: độc trị độc” của phóng viên Hải Lý. Khi giá vàng tăng, giá đô la trên thị trường tự do trở nên rẻ hơn so với vàng và hệ quả tất yếu là người ta “chạy” sang mua đô la. Vì thế, theo tác giả, việc chống đầu cơ vàng sẽ góp phần vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là tỷ giá và lạm phát. Bài “Sửa luật có “kích” được thị trường bảo hiểm?” của phóng viên Nguyên Tấn ghi nhận về việc Dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm đang được Quốc hội cho ý kiến. Điều đặc biệt là dự luật này mở cửa gần như hết cỡ đối với thị trường kinh doanh bảo hiểm.

Trong mục Kinh tế thế giới, bài “Khối Eurozone: tồn tại hay không tồn tại?” của tác giả Huỳnh Hoa cho thấy cuộc khủng hoảng nợ công của khối Eurozone đang lan rộng và chưa có dấu hiệu dừng lại khi cuối tuần qua Ireland đã phải xin cứu nguy tài chính từ EU và IMF (trước đó là Hy Lạp). Và dư luận cho rằng sau Ireland, quốc gia tiếp theo cần cứu nguy tài chính là Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Ngoài khủng hoảng nợ công ở châu Âu, thế giới cũng đang lo lắng cho hai miền Triều Tiên sau khi Bắc Triều Tiên đã bất ngờ bắn hơn 200 quả đạn pháo vào đảo Yeopyeong của Hàn Quốc chiều 23-11. Bài “Đông Á nóng bỏng” của tác giả Ngô Minh Trí phân tích quan hệ của những xung đột giữa các quốc gia trong khu vực này.

Kính mời bạn đọc đón xem.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới