Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TBKTSG số 48-2011: Mô hình khu kinh tế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TBKTSG số 48-2011: Mô hình khu kinh tế

Xuân Trí

TBKTSG số 48-2011: Mô hình khu kinh tếThời báo Kinh tế Sài Gòn số 48-2011 ra ngày thứ Năm 24-11 có những nội dung chính:

Mục tiêu quan trọng nhất của việc xây dựng khu kinh tế ở Việt Nam là để thử nghiệm các mô hình, thể chế và chính sách mới nhằm tạo ra các động lực phát triển có tính đột phá. Đối chiếu những mục tiêu này với thực tế sẽ thấy nhiều bất cập, có nguy cơ biến các khu kinh tế này thành những khu “quy hoạch treo” lớn nhất từ trước đến nay. Sự kiện & Vấn đề tuần này phản ánh thực trạng phát triển cũng như hiệu quả các khu kinh tế, đồng thời đề xuất hướng đi phù hợp cho những khu kinh tế kém hiệu quả.

Trong mục Ghi nhận, bài Minh bạch giá – vẫn còn rối của phóng viên Ngọc Lan phản ánh sự minh bạch trong vấn đề quản lý giá xăng dầu và giá điện. Dù đã 64 ngày tính từ khi Bộ Tài chính thành lập ba đoàn kiểm tra giá đầu vào và tình hình sản xuất kinh doanh của bốn doanh nghiệp hiện đang chi phối hơn 90% thị phần xăng dầu cả nước, việc minh bạch giá xăng dầu vẫn là chuyện ở thì tương lai. Còn giá điện cũng ở trong tình trạng rối rắm tương tự.

Trong mục Tài chính – Chứng khoán, đáng chú ý là bài Nhiều công ty đang ủ bệnh của tác giả Trường Nam, phản ánh tình hình “sức khỏe” của các công ty chứng khoán. Báo cáo tài chính quí 3-2011 của nhiều công ty cho thấy khoản mục tiền và các khoản tương đương tiền gần như bằng không, trong khi đó nợ ngắn hạn lại cao.

Ba tháng trở lại đây, đặc biệt từ đầu tháng 11, bất chấp VN-Index dao động ở vùng điểm thấp nhất kể từ cuối năm 2009, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán tháo chứng khoán. Bài Cơn bĩ cực chưa qua của tác giả Lưu Hảo phản ánh tình hình ngày càng bi đát của thị trường chứng khoán.

Dự thảo Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng vẫn đang là đề tài thời sự của người dân cũng như doanh nghiệp. Bài Vẫn còn những bất an của phóng viên Hồng Phúc ghi nhận ý kiến của những người trong cuộc. Theo đại diện một doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước cần cân nhắc kỹ lưỡng để tránh việc vàng lại tiếp tục làm chủ thị trường tiền tệ.

Bài Tín dụng cuối năm: khan hiếm đầu vào của tác giả Lưu Hảo ghi nhận tình hình tín dụng cuối năm của các ngân hàng. Trước sự khan hiếm nguồn vốn cuối năm, các ngân hàng đã chủ động nâng lãi suất huy động vàng và các ngoại tệ khác ngoài đô la Mỹ, tăng vốn huy động…

Có ít nhất ba nhà máy xi măng đã được các chủ đầu tư rao bán để lấy tiền trả nợ. Trong ngành, cụm từ “phá sản” đang được những người trong cuộc nói đến. Bài Doanh nghiệp xi măng: phá sản gần kề của phóng viên Tấn Đức trong mục Doanh nhân Doanh nghiệp phản ánh nguy cơ phá sản của nhiều doanh nghiệp ngành xi măng.

Trong mục Đầu tư, bài “Cơn nghiện” đầu tư công đã có cách chữa? của phóng viên Tư Giang phản ánh những biện pháp siết lại vấn đề đầu tư công của Chính phủ. Chỉ thị 1792 mới đây của Thủ tướng có thể được xem là “toa thuốc” để giải quyết căn bệnh đầu tư dàn trải hiện nay, nhưng hiệu quả điều trị còn phải chờ xem.

Liên quan đến đầu tư công, bài Một cách nhìn khác về đầu tư công của tác giả Đỗ Mạnh Hồng trong mục Diễn đàn bàn về vấn đề hiệu quả đầu tư công trên hai phương diện hiệu suất đầu tư cao và khả năng sử dụng đầu tư công để kích thích doanh nghiệp tư nhân phát triển, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Bán đảo Thủ Thiêm đã gắn kết hơn với khu trung tâm hiện hữu của TPHCM sau sự kiện thông xe hầm Thủ Thiêm hôm 20-11-2011. Bài Thủ Thiêm, nhìn lại và hướng tới của kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn trong mục Quy hoạch đề xuất những giải pháp giúp phát triển Thủ Thiêm nói riêng và toàn bộ khu trung tâm thành phố nói chung trong thập niên tới.

Trong mục Ghi nhận từ Quốc hội, bài Luật để cho ai? của tác giả Nguyễn Vạn Phú phản ánh vai trò của luật là để người dân bảo vệ các quyền hiến định của mình. Theo tác giả, biểu tình là một trong những quyền của công dân ghi trong Hiến pháp. Chừng nào Hiến pháp còn ghi điều đó thì nhiệm vụ của các đại biểu lập pháp là phải cụ thể hóa quyền đó thành một đạo luật cụ thể.

Trong mục Giáo dục, bài Học phí đại học và vấn đề giải trình trách nhiệm của tác giả Phạm Thị Ly phản ánh tác động của chính sách học phí đối với chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Theo tác giả, nếu cơ chế giải trình trách nhiệm được thực thi nghiêm túc thì nhiều khả năng là nguồn lực của nhà trường sẽ được sử dụng một cách hiệu quả hơn cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu và phát triển.

Kính mời bạn đọc đón xem.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới