Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TBKTSG số 9-2012: Công bố PCI 2011

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TBKTSG số 9-2012: Công bố PCI 2011

Thanh Hương

Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 9-2012 phát hành ngày thứ Năm 23-2 có những nội dung chính:

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2011 vừa được công bố cho thấy điều gì khi những lãnh vực dễ cải cách đã cạn trong lúc những vấn đề lớn chưa xoay chuyển được đòi hỏi cân bằng các nhóm lợi ích của địa phương? Sự kiện & Vấn đề tuần này phản ánh những ý nghĩa của biến động PCI 2011 về xu hướng trong cải cách hành chính các tỉnh, tình trạng tham nhũng đã chuyển biến như thế nào, và PCI có vai trò gì trong việc cạnh tranh thu hút đầu tư FDI trong bối cảnh vốn FDI sụt giảm mạnh hiện nay.

Mục Ghi nhận có bài Eximbank – Sacombank: cơ quan quản lý ở đâu? của phóng viên Hải Lý phản ánh vai trò quản lý mờ nhạt của Ngân hàng Nhà nước trong việc xảy ra bất đồng trong quyền kiểm soát Sacombank và những nguy cơ thiệt hại của những tranh chấp này.

Mục Diễn đàn có bài Nhà nước và người dân của TS. Trần Hữu Quang phản ánh những vấn đề liên quan đến quyền của người dân và cấu hình vận hành của một nhà nước pháp quyền và cơ chế kiểm soát quyền lực cần có, thông qua việc nhìn nhận phân tích vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng.

Mục Tài chính – Chứng khoán có bài Ai mua tài sản thế chấp của phóng viên Hải Lý phản ánh mối liên quan giữa công việc bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ, các ngân hàng hỗ trợ, và công tác thanh tra, giám sát trong tái cơ cấu ngân hàng.

Bài Vì sao tiền đồng có dấu hiện lên giá? của tác giả Việt Nguyễn ghi nhận những tác động của các chính sách chống đô la hóa quyết liệt, giảm nhập siêu, và đóng góp của kiều hối đối với tỷ giá tiền đồng hiện nay.

Bài Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng – Bài học của Thụy Điển của tác giả Lê Hồng Giang phản ánh những bài học của Thụy Điển 20 năm trước rất cần thiết đối với giai đoạn tái cơ cấu ngân hàng của Việt Nam hiện nay.

Mục Doanh nhân – Doanh nghiệp có cụm bài kỷ niệm 10 năm ra đời Quỹ Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Saigontimes Foundation-STF), là một tổ chức phi lợi nhuận được ban lãnh đạo nhóm TBKTSG và các doanh nhân thân hữu thành lập với sứ mạng hỗ trợ công tác giáo dục và đào tạo, góp phần phát triển nguồn nhân lực cho đất nước. Cụm bài ghi nhận những chia sẻ của những cá nhân và cộng đồng nhận hỗ trợ từ STF, và những doanh nhân, doanh nghiệp đã đồng hành cùng STF trong các chương trình hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực.

Bài Khó vì thuế môi trường của phóng viên Văn Nam ghi nhận những bất cập trong việc thực hiện Luật Thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng túi nylon.

Bài Cao ốc văn phòng: Lợi thế khách thuê trên bàn đàm phán của phóng viên Đình Dũng ghi nhận xu hướng cung lớn hơn cầu sẽ còn tiếp tục đem lại lợi thế cho bên thuê cao ốc văn phòng thời gian tới.

Mục Cải cách doanh nghiệp nhà nước có bài Tránh chuyện thay vỏ của phóng viên Ngọc Lan phản ánh sự lúng túng trong việc định hướng tái cấu trúc của nhiều tập đoàn hiện nay.

Bài Giải quyết nợ của EVN bằng trái phiếu, tại sao không? của phóng viên Hải Lý phản ánh một phương án khác để trả nợ của EVN mà vẫn có thể giảm áp lực tăng giá điện, đồng thời làm lành mạnh hóa và nâng cao năng lực tài chính của tập đoàn này.

Mục Pháp luật có bài Vẫn còn “sạn” trong dự thảo Luật Giá của luật gia Vũ Xuân Tiền phản ánh những góp ý của các doanh nghiệp cho bản dự thảo Luật Giá mới nhất chuẩn bị trình Quốc hội.

Mục Phản hồi có bài Đi tìm mô hình phù hợp của tác giả Phan Văn Trường phản hồi loạt bài về xây dựng chính quyền đô thị trên TBKTSG số ra ngày 16-2-2012, giới thiệu một số mô hình tổ chức chính quyền đô thị trên thế giới.

Mục Kinh tế thế giới có bài Playboy và Paul Krugman của tác giả Vân Cầm ghi nhận những quan điểm của nhà kinh tế Paul Krugman về tình hình kinh tế nước Mỹ thông qua những ví dụ, ẩn dụ sinh động và dễ hiểu khi trả lời phỏng vấn của tạp chí Playboy.

Bài Phép thử Olympus của tác giả Huỳnh Hoa ghi nhận vụ bắt giữ bảy nhân vật cao cấp của Công ty Olympus và Ngân hàng Nomura mới đây và những vấn đề trong cung cách quản trị doanh nghiệp trong nền kinh tế Nhật Bản.

Kính mời bạn đọc đón xem.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới