Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tệ nạn gian dối học thuật ở Trung Quốc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tệ nạn gian dối học thuật ở Trung Quốc

Trần Phi

Nhà báo Phương Thế Dân đã lập ra cả một trang web để tố cáo nạn gian lận trong nghiên cứu khoa học và đã bị côn đồ hành hung dã man.

(TBKTSG) – Những cam kết đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc nghiên cứu về khoa học và công nghệ (KHCN) vào năm 2020 đang bị đe dọa bởi vấn nạn đạo văn và gian dối trong học thuật của giới học giả nước này.

Trương Vũ Bản, nếu xét về khả năng kinh doanh, thì quả là có tài khi thuyết phục được hàng triệu người tin chuyện cà tím và đậu xanh có thể chữa khỏi các chứng bệnh vảy nến, béo phì, trầm cảm và ung thư. Người bệnh phải trả một số tiền khoảng 450 đô la Mỹ cho 10 phút tư vấn và một đơn thuốc từ vị “danh y” này; có điều lịch hẹn của ông đã kín chỗ từ nay đến năm 2012.

Nhưng khi giá đậu xanh tăng vọt hồi đầu năm, giới truyền thông Trung Quốc vào cuộc và phát hiện ra nhiều thứ, từ chuyện ông này chẳng hề xuất thân từ ngành y, cho đến việc ông ta không hề tốt nghiệp Đại học Y dược Bắc Kinh mà chỉ có một giấy chứng nhận tham gia một khóa học ngắn hạn về đưa tin báo chí sau khi bị thất nghiệp.

Gian dối lan tràn

Việc phát hiện trò khai man của Trương chỉ là giọt nước làm tràn ly. Chuyện gian lận đã ăn sâu vào giới học thuật nước này, từ những gian lận trong thi cử, đến chuyện đạo văn, giả mạo dữ liệu của các nghiên cứu sinh, hay cả chuyện công ty sữa bán hàng độc hại… – tất cả tạo thành cái mà giới khoa học gọi là “thói bất lương” (dishonest practices) thỉnh thoảng lại bùng lên trong xã hội.

Hồi tháng 8, sau khi một chiếc máy bay bị rơi ở miền đông bắc Trung Quốc làm chết 42 người, nhà cầm quyền phát hiện có hơn 100 phi công của hãng hàng không này khai gian thành tích bay của mình. Đường Tuấn, một triệu phú và cựu giám đốc hãng Microsoft ở Trung Quốc, bị phát hiện không hề có bằng tiến sĩ của Viện Công nghệ California như ông ta tuyên bố, hay trường hợp của Trần Tiến, lấy một con chip của hãng Motorola, xóa tên và nói rằng của mình và nhận được sự tôn vinh của xã hội, là những ví dụ điển hình.

Chuyện gian lận hầu như không chừa một quốc gia nào, ở Mỹ cũng đầy những vụ tai tiếng về sử dụng doping trong thể thao, hay gian lận tài chính ở phố Wall. Nhưng ở Trung Quốc, nạn gian lận lại phổ biến trong giáo dục và nghiên cứu khoa học khiến cho người ta lo ngại rằng nước này sẽ khó đưa kinh tế lên một tầm cao mới.

Áp lực về học thuật mà giới lãnh đạo đại học công lập đặt ra đối với giới học giả làm dấy lên một phong trào nhà nhà đạo văn người người giả mạo.

Mới đây, một tuyển tập các báo cáo khoa học do Đại học Triết Giang ở Hàng Châu xuất bản đã công khai các kết quả khảo sát của một phần mềm phát hiện nạn đạo văn. Sau đợt thử nghiệm kéo dài 20 tháng, phần mềm CrossCheck đã bác bỏ gần một phần ba các bài nghiên cứu gửi tới vì nghi là “đạo lại” từ các nghiên cứu đã xuất bản, trong đó có những “công trình” có đến hơn 80% nội dung là sao chép.

Trước đó một nghiên cứu của chính phủ đã cho biết một phần ba trong số 6.000 nhà khoa học ở sáu viện nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc thừa nhận rằng có đạo văn hay giả mạo số liệu nghiên cứu. Trong một nghiên cứu khác do Hiệp hội Khoa học Kỹ thuật Trung Quốc thực hiện, hơn 55% trong số 32.000 nhà khoa học nước này thừa nhận rằng họ biết những người giả mạo học thuật.

Phương Thế Dân, một nhà báo trở nên nổi tiếng vì việc ủng hộ tính trung thực trong nghiên cứu khoa học, nói rằng tệ nạn này bắt đầu từ hệ thống đại học công lập, nơi những người lãnh đạo được bổ nhiệm vì thành tích chính trị mà hầu như chẳng có chuyên môn trong lĩnh vực mình phụ trách nên thường đưa ra các quyết định dựa trên số lượng các bài báo được xuất bản. “Ngay cả những bài báo “giả mạo” cũng được tính vì thật sự chẳng ai đọc chúng”, ông Phương nói.

Khi hành vi đạo văn bị phát hiện, lãnh đạo các trường đại học thường rất kín tiếng một phần là nhằm bảo vệ danh dự nhưng phần khác, quan trọng hơn, là hầu như chẳng còn ai trong sạch để chỉ trích người khác. Hậu quả là những kẻ gian lận thường không bị trừng phạt, và điều đó khích lệ những kẻ khác đi vào con đường ấy, theo ông Trần Quốc Bình, Giám đốc Viện Khoa học Công nghệ và Xã hội thuộc Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh.

Tệ nạn gian lận không chỉ có trong nghiên cứu khoa học mà theo nhiều nhà giáo dục nước này, văn hóa gian lận đã bắt rễ từ trường trung học. Sự tranh đua khắc nghiệt để giành vé vào các trường đại học tốt nhất đã khuyến khích học sinh mua và sử dụng các “bài luận mẫu”, các đáp án làm sẵn, thậm chí thuê người thi hộ hoặc sử dụng các công cụ kỹ thuật cao như đồng hồ đeo tay, bút bi có tính năng như máy bộ đàm để truyền đề thi ra ngoài và nhận đáp án từ bên ngoài chuyển vào trong các kỳ thi vào đại học.

Một khảo sát của Đại học Vũ Hán xác nhận năm ngoái học sinh đã chi ra tới 150 triệu đô la Mỹ để mua các bài luận mẫu và các công cụ kỹ thuật đó trên mạng Internet, tăng gấp 5 lần so với năm 2007.

Cần phải thay đổi

Trung Quốc đã dồn các nguồn lực lớn để xây dựng hệ thống giáo dục đẳng cấp quốc tế, tiên phong trong nghiên cứu ở các ngành khoa học và công nghiệp mang tính cạnh tranh cao. Nước này đã có những thành công đáng kể trong nghiên cứu mạng máy tính, năng lượng sạch và công nghệ quân sự. Nhưng việc thiếu trung thực trong giới nghiên cứu Trung Quốc đang ngăn chặn khả năng phát triển và gây phương hại cho sự hợp tác của các học giả Trung Quốc và các đối tác quốc tế.

Trương Minh, Giáo sư khoa Quan hệ quốc tế Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, than thở: “Nếu chúng ta không thay đổi cung cách, chúng ta sẽ bị gạt ra ngoài cộng đồng khoa học toàn cầu. Chúng ta cần tập trung vào việc tìm kiếm chân lý hơn là phục vụ cho kế hoạch của một cơ quan chính quyền nào đó hoặc thỏa mãn lợi ích cá nhân”.

Chính phủ Trung Quốc cũng thường lặp lại cam kết sẽ chấn chỉnh tệ nạn này. Tháng trước bà Lưu Diên Đông, Ủy viên Bộ chính trị, chịu trách nhiệm về công tác xuất bản của Trung Quốc, tuyên bố sẽ đóng cửa khoảng 5.000 tạp chí khoa học, vốn là một kênh đăng các bài báo khoa học của các nghiên cứu sinh và giáo sư. Những tuyên bố này thực chất không mới, vì trước đó, Bộ Giáo dục nước này đã thành lập hai cơ quan chống lại tệ nạn này, những đến nay vẫn chưa có ai bị kỷ luật cả.

Theo The New York Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới