Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tencent hứng đòn khi game bị chỉ trích là ‘thuốc phiện tinh thần’

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tencent hứng đòn khi game bị chỉ trích là ‘thuốc phiện tinh thần’

Khánh Lan

(KTSG Online) – Giá cổ phiếu của Tencent, tập đoàn internet khổng lồ của Trung Quốc và cũng là nhà sản xuất video game lớn nhất thế giới xét theo doanh thu, lao dốc sau khi một tờ báo nhà nước Trung Quốc đăng bài chỉ trích các game trực tuyến là “thuốc phiện tinh thần”, “ma túy điện tử”, khiến giới đầu tư lo ngại ngành công nghiệp giải trí trực tuyến sẽ là mục tiêu tiếp theo trong chiến dịch chấn chỉnh ngành công nghệ của Bắc Kinh.

Bị báo chí chỉ trích, Tencent đề xuất cấm trẻ dưới 12 tuổi chơi game

Hôm 3-8, Tencent thông báo các hạn chế mới về thời lượng mà trẻ nhỏ có thể chơi game trực tuyến vì các cơ quan quản lý yêu cầu Tencent tăng giám sát  việc chơi game của trẻ em và thực hiện trách nhiệm xã hội. Các hạn chế mới, ban đầu sẽ áp dụng cho tựa game hàng đầu của tập đoàn này, Honor of Kings, sẽ giảm thời lượng chơi game của trẻ nhỏ từ 1,5 tiếng xuống còn 1 tiếng trong những ngày thường, từ 3 tiếng xuống 2 tiếng trong những ngày nghỉ. Tencent cũng cho biết sẽ cấm bất kỳ trẻ dưới 12 tuổi mua sắm các món đồ ảo trong game và sử dụng tài khoản của người lớn để chơi game.

Tencent cũng nêu ra 3 đề xuất đối với toàn bộ ngành công nghiệp game bao gồm củng cố hệ thống để ngăn chặn tình trạng nghiện game, kêu gọi giới chức trách cấm trẻ em dưới 12 tuổi chơi game.

Tencent hứng đòn khi game bị chỉ trích là ‘thuốc phiện tinh thần’
Trẻ em chơi game của Tencent tại một khu mua sắm ở TP Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Thông báo của Tencent được đưa ra sau khi một bài viết đăng trên tài khoản mạng xã hội WeChat của tờ Thông tin Kinh tế Nhật báo thuộc hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã vào sáng 3-8, chỉ trích ngành công nghiệp video game đã phát triển trở thành một dạng “thuốc phiện tinh thần” trị giá hàng trăm tỉ nhân dân tệ. Bài viết cũng dẫn lời một chuyên gia cảnh báo rằng không một ngành kinh doanh nào có thể được phép phát triển theo cách làm hủy hoại một thế hệ.

Bài viết không nêu đích danh Tencent nhưng bày tỏ lo ngại tình trạng nghiệm game của giới trẻ Trung Quốc. Trong đó trích dẫn lời của một số học sinh nói rằng bạn bè cùng lớp của chúng chơi game Honor of Kings (của Tencent) đến 8 tiếng mỗi ngày và cảnh báo rằng game online là một dạng “ma túy điện tử” đang phát triển rất nhanh, khiến trẻ xao nhãng việc học hành và sống khép kín.

Thị trường video game của Trung Quốc có quy mô 43,1 tỉ đô la Mỹ trong năm 2020, theo hãng nghiên cứu và tư vấn Niko Partners.

Mảng game online của Tencent đạt doanh thu 39,1 tỉ nhân dân tệ (6 tỉ đô la Mỹ) trong quí 1-2021, chiếm 30% tổng doanh thu của tập đoàn này trong cùng quí.

Bài viết nhấn mạnh các nền tảng game trực tuyến phải kinh doanh theo cách có trách nhiệm xã hội hơn thay vì chỉ đơn thuần chạy theo lợi nhuận, bên cạnh đó còn có hàm ý so sánh các nhà phát triển video game Trung Quốc với những thương nhân buôn thuốc phiện nước ngoài từng góp phần khiến triều đình nhà Thanh sụp đổ khi đế quốc Anh phát động các cuộc chiến tranh với nhà Thanh để đòi quyền buôn bán thuốc phiện hợp pháp ở Trung Quốc.

Đến chiều cùng ngày, bài viết bị xóa bỏ.

Một nguồn tin am hiểu tình hình cho biết bài viết có thể đã thể hiện văn phong mạnh mẽ hơn lập trường của các cơ quan quản lý nên bị yêu cầu gỡ bài.

Tuy nhiên, Li Chengdong, Giám đốc Tổ chức tư vấn Công nghệ Haitun, cho biết việc Tencent phản ứng nhanh chóng cho thấy bài báo có thể đã phản ánh quan điểm của một số quan chức quản lý. Ông nói: “Ngành công nghiệp internet đang bị chỉ trích và các công ty trong ngành này đang rất lo lắng”.

Tuần trước, Yang Fang, Phó Cục trưởng Cục Phát hành của Ban tuyên truyền trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói rằng nỗ lực ngăn ngừa thế hệ trẻ nghiện video game là một ưu tiên hàng đầu của giới chức trẻ.

Đối mặt thách thức mới

Giới phân tích nhận định sức ép của các cơ quan quản lý và truyền thông nhà nước Trung Quốc báo hiệu thách thức mới đối với Tencent, công ty sở hữu mạng xã hội WeChat và ứng dụng thanh toán WeChat Pay sau khi tập đoàn này vượt qua chiến dịch chấn chỉnh ngành công nghệ một cách tương đối bình an thời gian gần đây.

Tuần trước, Tencent thông báo dừng đăng ký WeChat đối với người dùng mới để nâng cấp công nghệ bảo mật phù hợp với các quy định và pháp luật liên quan.

Daniel Ahmad, nhà phân tích ở Niko Partners, nói: “Thời điểm đăng bài viết ngầm chỉ trích Tencent chắc chắn gây lo ngại cho giới đầu tư vì gần đây, chúng ta chứng kiến cuộc trấn áp quyết liệt của Trung Quốc đối với ngành công nghệ”.

Bài viết của Thông tin Kinh tế Nhật báo khiến giá cổ phiếu của Tencent giảm sâu đến gần 11% (tương đương 60 tỉ đô la) trước khi thu hẹp đà giảm về mức 6,11% vào thời điểm thị trường chứng khoán Hồng Kông đóng cửa vào hôm 3-8. Giá cổ phiếu của hai công ty game khác NetEase và XD cũng giảm khoảng 8%.

Hôm 4-8, giá cổ phiếu Tencent phục hồi nhẹ với mức tăng 2,42% sau khi tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đăng bài viết nhẹ nhàng hơn, trong đó, nhấn mạnh chính phủ, trường học, gia đình và xã hội phải phối hợp để ngăn chặn trẻ chơi game quá mức.

Cú lao dốc giá cổ phiếu của các công ty game Trung Quốc diễn ra sau khi các cổ phiếu công nghệ của nước này trải qua tháng giảm giá tồi tệ nhất, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2019, trước cuộc vận động siết chặt quản lý chưa từng có tiền lệ của Bắc Kinh đối với ngành công nghệ bao gồm giáo dục trực tuyến, gọi xe, giao đồ ăn, mạng xã hội…

Trước chiến dịch chấn chỉnh của Bắc Kinh vào các ông lớn công nghệ do lo ngại quyền lực quá lớn của họ kìm hãm tính cạnh tranh trên thị trường, vốn hóa của Tencent giảm gần 25% trong tháng qua và giảm 400 tỉ đô la so với mức kỷ lục được thiết lập trong tháng 1.

Mới đây, Ban Tuyên truyền trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và các cơ quan quản lý khác công bố chỉ thị mới nhắm vào Tập đoàn internet ByteDance, có trụ sở ở Bắc Kinh.

Chỉ thị cho biết các cơ quan quản lý sẽ kiểm tra và chỉnh sửa các thuật toán đề xuất xem nội dung trực tuyến để bảo đảm chúng không phát tán các nội dung sai lệch.

Chỉ thị này làm dấy lên suy đoán giới chức trách có thể hành động để thay đổi các thuật toán đã giúp ứng dụng Douyin, một phiên bản TikTok ở thị trường Trung Quốc, vươn lên dẫn dầu lĩnh vực chia sẻ video ngắn đang phát triển bùng nổ

Theo Financial Times, Wall Street Journal

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới