Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tết, sum vầy và hạnh ngộ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tết, sum vầy và hạnh ngộ

Nguyễn Vinh

Tết, sum vầy và hạnh ngộ
Nhiều người tha phương cầu thực nơi phố thị, cái tết sum vầy là một ước mơ lớn, khó trở thành hiện thực. Ảnh chụp chiều 25 tháng chạp vừa qua trên cầu Calmette, Sài Gòn. Ảnh: Nguyễn Vinh

(TBKTSG Online) – Năm 2013, trên truyền hình, nhãn dầu ăn Neptune có mẫu quảng cáo chủ đề Tết đoàn viên, sử dụng bài hát Ước mơ ngọt ngào của nhạc sĩ Hoài An. Sau hai cái Tết, bài hát cảm động được sử dụng từ mẩu quảng cáo đó trở nên phổ biến.

Những ngày giáp Tết của 2015, giữa quạnh vắng phố phường, chợt nghe ra khúc ca đầy tâm trạng chờ mong sum vầy: “Quà nào hơn gia đình mình chung mái nhà chào xuân”, ai tha hương hẳn dễ mềm lòng rơi nước mắt.

Và cũng trong những ngày này, nhãn hàng dầu ăn Neptune lại tiếp túc đánh vào trái tim thổn thức của gia đình hiện đại với clip quảng cáo mới có nội dung kể về đôi vợ chồng già nơi quê nhà vò võ chờ đứa con trai trên phố dẫn cháu về thăm Tết. Năm nọ đến năm kia, bọn trẻ luôn có lý do riêng để ăn Tết xa nhà. Nhưng năm nay, đôi vợ chồng anh con trai chợt thay đổi kế hoạch du xuân bằng một chuyến về quê nhà khi đứa con gái nhỏ của họ đặt câu hỏi: “Lâu lắm rồi mình không mừng tuổi ông bà, vậy sức khỏe ông bà có còn dồi dào nữa không ba? Mình còn được mừng tuổi ông bà bao nhiêu lần nữa ba?”

Tiếp đó, là câu nói nghẹn ngào của người mẹ già nơi quê nhà: “Cái gì cũng có, chỉ thiếu tụi nó” như đẩy tận cùng xúc cảm của người xem, rồi từ đó, là khoảnh khoắc hạnh phúc òa vỡ khi bước chân trẻ thơ lao xao trước sân, bất ngờ hiện thực hóa một cái Tết sum vầy.

Xét về khía cạnh truyền thông, người Việt duy cảm và coi trọng tình cảm thiêng liêng gia đình, hẳn sẽ bị “đánh gục” bởi chiến lược quảng cáo đầy tính nhân văn của nhãn dầu ăn nói trên. Nhưng xa hơn một chiến lược quảng bá sản phẩm, là văn hóa: nội dung những quảng cáo đó đã đưa ra một thông điệp xã hội đầy cảm động về tương quan gia đình trong bối cảnh đời sống hiện đại. Thông điệp ấy nhẹ nhàng đi vào lòng người, nhỏ nhẹ đánh thức những giá trị truyền thống của hạt nhân gia đình trong bối cảnh nhiều giá trị sống đang bị đảo lộn, mai một, đổi thay theo những chiều hướng không mong muốn.

Sức sống của những clip quảng cáo hay rõ ràng đã không chỉ nhất thời. Bài hát mô tả câu chuyện những người đi làm ăn xa trở về với “hạnh phúc đong đầy chứa chan bao lời” trong khung cảnh nhà nhà đều sum họp đã dệt nên một bức tranh có hậu, một cái Tết đoàn viên đúng nghĩa, chạm vào khát khao kiếm tìm sự an hòa của bao con người, bao gia đình còn mải miết ly tán vì mưu sinh.

Vẫn biết, trên thực tế, ước mơ ngọt ngào và giản dị đó đã không đến được với nhiều người khi mà những ngày giáp Tết, vì hoàn cảnh của cuộc mưu sinh, trên đường phố vẫn còn những người đàn bà kham khổ với gánh hàng rong, những nhân viên văn phòng dịch vụ phải vắng mặt trong mâm cơm chiều ba mươi vì công việc, những người cơ nhỡ không còn mái nhà để trở về trú ngụ, nói chi đến thân nhân sum vầy…

Rồi nhiều, rất nhiều nơi thôn quê, biết bao cuộc đoàn tụ chỉ còn mang tính lễ thức hay trách nhiệm hình thức khi những rạn nứt, đứt gãy đã ngày càng âm thầm ăn sâu vào nhân tâm mỗi thành viên, khi hệ thống kháng thể gia đình truyền thống bị tàn phá bởi con virus có tên xã hội thị trường. Những cuộc trở về, đoàn viên trong đổ vỡ đây đó vẫn diễn ra hoặc âm thầm hoặc khốc liệt trong những gia đình hiện đại. Rồi vẫn còn đó biết bao vết thương khác từ khách quan lịch sử, xã hội trải qua mấy mươi năm hòa bình vẫn còn rỉ máu…

Nhưng sâu xa tâm tưởng, chúng ta vẫn mong khi người ta còn mong mỏi nghĩ đến nhau, trở về ngồi lại với nhau dưới một mái nhà, nhìn mặt nhau, để môi miệng lại thốt lên lời anh em rồi thì mọi dị biệt căn tính sẽ được tự nhiên hóa giải bởi hơi thịt da, hơi máu mủ ruột rà. Rồi sự hạnh ngộ đích thực sẽ đến dưới những mái nhà, cách này hay cách khác, trong những cái Tết êm ấm.

Vì vậy, đoàn viên hay sum vầy trong ngày Tết Việt Nam, hơn cả một phong tục hình thức, những thói quen trở về có tính chu niên, mà là một nhu cầu tinh thần hướng đến giá trị văn hóa gia đình bền vững trong một xã hội ổn định; đó là một cơ hội để những người trong một nhà (xa hơn, trong một làng, trong một nước) nghĩ đến nhau nhiều hơn ngày thường, biết chờ nhau và dành cho nhau yêu thương nhiều hơn mọi lúc.

Câu nói ngằn ngặt của bà cụ trong mẩu quảng cáo hẳn sẽ đau đáu tâm trí những đứa con xa quê: “Cái gì cũng có, nhưng thiếu tụi nó”. Thông điệp giản đơn đó như một dấu hỏi mở, đủ sức làm khắc khoải tâm trí, khiến mỗi người tự vấn thế nào là cái đủ, cái thiếu trong đời sống của một gia đình hiện đại.

Xem thêm:

Người lao động nườm nượp bỏ phố về quê đón tết

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới