Thứ Hai, 25/09/2023, 21:01
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Tết xa quê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tết xa quê

Ông Nguyễn Tân đang sắp xếp lại những tấm vé số trên chiếc xe lăn tại chợ hoa công viên Gia Định sáng ngày 5-2 – Ảnh: MỘNG BÌNH

(TBKTSG Online) – Thời khắc giao thừa đang đến trước hiên mỗi nhà. Nhưng đâu đó tại TPHCM vẫn còn nhiều người nhập cư đang tất tả ngược xuôi kiếm sống. Nhiều người trong số họ sẽ ở lại vì một lý do đơn giản là họ không có tiền về quê.

Và họ ở lại với hy vọng có thể tìm thêm chút thu nhập từ những người đi chơi Tết.

Ông Nguyễn Tân là một trong số những người không có may mắn được hưởng hương vị Tết quê nhà cùng với gia đình và hàng xóm. Ông nói với TBKTSG Online sáng 5-2 (29 Tết) khi đang đẩy chiếc xe lăn giữa chợ hoa tại công viên Gia Định để bán những tấm vé số rằng năm nay là cái Tết đầu tiên ông xa quê. “Tết đến rồi, nhớ nhà lắm chú ơi! Tôi đã nói với bà nhà tôi và con cháu là Tết năm nay tôi không về được vì không có tiền,” ông nói giọng buồn buồn.

Ông Tân giải thích số tiền 1,5 triệu đồng ông đã dành dụm được trong suốt năm qua đã bị bọn lưu manh giật mất mấy ngày trước đây khi ông đang bận đẩy bánh lái chiếc xe lăn. Ông già 73 tuổi này nén nỗi buồn và tự an ủi: “Ráng kiếm tiền lại từ việc bán những tấm vé số đặc biệt được phát hành nhân dịp Tết, để rồi qua Tết có tiền về quê vui Tết muộn cùng với vợ, tám đứa con đã lập gia đình, và cả lũ cháu nữa”.

Ông Tân cũng không thể xin tiền từ vợ và các con bởi họ cũng không có của ăn của để. Trong năm qua bão, lũ, dịch heo gà đã hoành hành Phú Yên và các tỉnh miền Trung nên mùa màng, chăn nuôi đều thất bát.

Cùng chung cảnh nghèo với ông Tân là chị Nhân, quê ở một vùng xa của tỉnh Gò Công. Trong những ngày này, chị đang tất bật gánh thùng đá, những trái dừa tươi, các chai nước suối ướp lạnh để bán cho khách tây và ta đi du xuân tại chợ hoa Tết trên đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, công viên 23/9…

Chị Nhân bán dừa lạnh cho khách du xuân tại vườn hoa trước khách sạn Rex chiều ngày 5-2 – Ảnh: MỘNG BÌNH

Chị Nhân tâm sự cùng TBKTSG Online chiều ngày 5-2 rằng những ngày này khách thì đông nhưng cũng chẳng bán được nhiều hơn so với ngày thường vì giá cao quá (10.000/trái), gấp đôi so với ngày thường. Chị giải thích do phải mua giá cao từ những người bỏ mối nên không thể bán giá thấp hơn vì dừa là một trong năm loại trái cây mà người dân đổ xô đi mua để làm mâm ngũ quả cúng trong mấy ngày Tết. Nước dừa cũng được dùng để chế biến các món ăn ngày Tết.

Tuy nhiên, chị Nhân còn may mắn hơn ông Tân là chị có chồng và đứa con chín tuổi cùng ở lại thành phố với chị để cùng bán dừa và cùng đón giao thừa. Khi được hỏi là chị đã mua gì cho Tết chưa thì chị Nhân trả lời rằng đâu cần phải mua vì ngày mùng một cũng phải đi bán; ngày Tết với chị cũng như ngày thường.

Chị nói Tết là dịp chị có thể kiếm thêm tiền để sau Tết có thể về quê sum họp cùng mấy đứa con đã lập gia đình ở Gò Công và để trả tiền thuê nhà. Hàng tháng chị phải trả 500.000 đồng tiền thuê nhà nhưng có lúc chị cũng không thể dành dụm nổi số tiền mà chẳng đáng vào đâu so với những bữa tiệc Tết của nhiều người. “Khổ lắm chú em ơi… Nhiều lúc bị công an tịch thu hết nên phải vay mượn để trả tiền nhà. Dẫu biết rằng không được bán hàng rong tại khu trung tâm nhưng cũng chẳng biết buôn bán gì để kiếm sống”, chị Nhân vừa nói xong thì hai anh bảo vệ tại khu vườn hoa trước khách sạn Rex huýt còi, phất tay đuổi chị đi.

Thế đấy! Việc kiếm tiền vào mấy ngày giáp Tết cũng chẳng dễ dàng gì đối với nhiều người nghèo. Ông Tân cũng vậy. Cũng chẳng dễ dàng gì cho ông già bán nhiều vé số hơn so với ngày thường vì những tấm vé số đặc biệt có giá cao hơn, từ 10.000 đồng thay vì là 5.000 đồng. Nhưng ông vẫn hy vọng sẽ kiếm được mỗi ngày 50.000 đồng để “có thể cất đi được 20.000 mỗi ngày, số tiền còn lại để trả tiền nhà và bữa ăn hàng ngày.”

Ông Tân cho biết ông cùng với những người đồng hương, cùng cảnh ngộ thuê một căn phòng nhỏ trong hẻm đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 để làm nơi trú ngụ qua đêm. “Mỗi tháng mười người chúng tôi phải trả 2 triệu đồng tiền thuê nhà, và chia ra mỗi người 200.000 đồng một tháng. Số tiền 200.000 này cũng khó kiếm lắm vì mỗi ngày tôi chỉ bán được khoảng 50-70 tấm vé số nhưng những lúc đau yếu bệnh tật thì cũng chẳng đủ tiền thuốc men”, ông nói 

Một người đang gánh chổi đi bán trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh trưa ngày 5-2 – Ảnh: MỘNG BÌNH

Ông Tân nói thêm nhiều lúc đi bán vé số xa cũng chẳng kịp về nhà thuê để ngủ qua đêm. Những lúc như thế, chiếc xe lăn chính là nhà của ông. Nhiều lúc ông ngủ đêm ngay trên chiếc xe lăn tự chế, với mui giống như mui của chiếc xích lô, phần tựa lưng có thể ngả và kéo ra để biến thành chiếc giường, và phần trước xe có hai chiếc hộp sắt để ông cất tiền và quần áo.  

Khi được hỏi về ước mơ cho năm mới, ông Tân bùi ngùi nói: “Nghèo quá chú ơi cũng chẳng dám mơ ước gì nhiều… chỉ hy vọng là có đủ áo mặc, cơm ăn qua ngày và dành dụm được vài triệu để trở về quê nhà sinh sống làm ăn vì không nơi đâu bằng quê nhà.”

Đúng thế, đối với người lớn tuổi thì chẳng nơi đâu bằng quê nhà, nhất là vào dịp Tết cùng con cháu quây quần bên bếp lửa nấu bánh chưng vào những ngày giáp Tết, kể chuyện xưa và nay, nhận lời chúc từ con cháu vào ngày mùng một Tết…

Nhưng vì nhiều lí do khác nhau mà họ phải ở lại thành phố này, hàng ngày rong ruổi trên các đường phố náo nhiệt trong không khí đón Tết để bán từng trái dừa lạnh để khách du xuân giải khát, từng tấm vé số để một vài người mua có thể đổi đời, từng cây chổi để mọi người có được một căn nhà sạch hơn khi Tết đến.   

MỘNG BÌNH

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới