Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thách thức cho chiến lược việc làm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thách thức cho chiến lược việc làm

Thùy Dung

Thách thức cho chiến lược việc làm
Lao động thiếu kỹ năng và làm việc trong khu vực phi chính thức còn nhiều – Ảnh: Thùy Dung

(TBKTSG Online) – Nước ta đang bước vào thời kỳ dân số vàng. Nhưng số lượng lao động tăng trong khi chất lượng lao động rất thấp lại tạo ra nhiều thách thức hơn là cơ hội. Đó là nhận định chung của các chuyên gia tham dự hội thảo quốc gia về Dự thảo về Chiến lược việc làm Việt Nam 2011-2020 vừa tổ chức tại Hà Nội.

Sức ép việc làm

Bà Phan Ngọc Mai Phương, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nói rằng với mức gia tăng lớn của lực lượng lao động, khoảng 1 triệu người/năm và hơn 500.000 người/năm ra khỏi khu vực nông thôn sẽ tạo sức ép lớn cho việc tạo công ăn việc làm trong thời gian tới.

“Như vậy, với khoảng 1,5 đến 1,6 triệu người bước vào tuổi lao động hàng năm cùng với lực lượng thất nghiệp lớn, chủ yếu là thanh niên, thì sức ép này sẽ lớn hơn rất nhiều”, bà Phương nói.

Tình trạng thiếu việc làm diễn ra trên diện rộng, nhất là ở khu vực nông thôn, nơi có tới 75% dân số đang sinh sống. Theo số liệu thống kê năm 2010, cứ có 100 người đang làm việc thì có 5 người thiếu việc làm, trong đó ở khu vực nông thôn là 6 người.

Chất lượng, năng suất lao động thấp

Chất lượng việc làm vẫn rất thấp và không được cải thiện nhiều sau Chiến lược việc làm 10 năm trước (2001-2010). Hiện nay, việc làm giản đơn, không cần kỹ năng chiếm gần 40% tổng việc làm của cả nước. Ở khu vực thành thị tỉ lệ này là 18,1% nhưng khu vực nông thôn thì cao hơn rất nhiều, chiếm gần 50% tổng việc làm.

Ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng, Cục Việc làm, Bộ LĐTBXH cho hay, cho biết việc làm năng suất thấp còn lớn và chiếm tỉ trọng cao trong nền kinh tế.

Trong năm 2010, có gần 24 triệu người làm việc trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp, chiếm 49% tổng việc làm trong nền kinh tế. Năng suất lao động bình quân của khu vực nông lâm ngư chỉ bằng 42,5% mức bình quân của toàn nền kinh tế và chưa bằng 25% năng suất lao động của khu vực công nghiệp, dịch vụ.

Ngoài ra, theo bà Phương, một thách thức nữa là thị trường lao động của Việt Nam còn kém phát triển. Năm 2009 chỉ có 30% được xếp vào lao động làm công ăn lương, trong khi ở các nước có nền kinh tế phát triển tỉ lệ này rất cao, trên 80%. “Ngay ở các nước trong khu vực thì tỉ lệ lao động làm công ăn lương cũng chiếm hơn 60%, cao gần gấp đôi nước ta”.

Cần hỗ trợ khu vực tư nhân

Bà Vie Veji Kierdgaard từ Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, Việt Nam đang bước vào thời kỳ dân số vàng, tức thời kỳ có lực lượng lao động dồi dào. Tuy nhiên, đây vừa là cơ hội cũng như là thách thức đối với Việt Nam do số lượng lao động lớn nhưng chất lượng lao động còn rất thấp.

Theo bà Kierdgaard, chiến lược việc làm 2011-2020 nên chú trọng hỗ trợ khu vực tư nhân vì theo kinh nghiệm của các nước thì đây chính là khu vực tạo ra việc làm nhiều nhất trong nền kinh tế. Ngoài ra, chiến lược việc làm này nên nhấn mạnh tới việc công nghiệp hóa nông nghiệp.

“Chúng ta cần phải làm rõ những người lao động đó là ai? Những công việc họ cần là gì? Và nền kinh tế cần những gì từ họ? để đưa ra những chính sách hỗ trợ tạo việc làm phù hợp”, bà Kierdgaard nói.

Theo bản dự thảo Chiến lược việc làm 2011-2020, dựa theo mức tăng trưởng dân số trung bình, lực lượng lao động năm 2015 và 2020 được dự báo theo phương án cao nhất lần lượt đạt 56,8 triệu người và 63,2 triệu người. Nhu cầu lao động sẽ đạt xấp xỉ 62,2 triệu người trong năm 2020.

Mục tiêu cụ thể của bản dự thảo đưa ra tới năm 2020 là tăng tỉ lệ lao động qua đào tạo lên 70%, trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt trên 55%; tạo thêm việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động mỗi năm; tỷ lệ tăng trưởng việc làm 2%/năm; tốc độ tăng số lượng việc làm trong khu vực phi nông nghiệp từ 4-5%.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới