Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thách thức cho tăng trưởng kinh tế ĐBSCL

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thách thức cho tăng trưởng kinh tế ĐBSCL

Trung Chánh

Thách thức cho tăng trưởng kinh tế ĐBSCL
Hạ tầng giao thông yếu kém là một trong những thách thức cho phát triển kinh tế của ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm tăng trưởng kinh tế chậm lại, nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông, cảng biển hạn chế.

Tại hội thảo “Những chuyển biến nổi bật kinh tế ĐBSCL 6 tháng đầu năm 2017, xu hướng thay đổi trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” tổ chức tại thành phố Cần Thơ hôm 26-7, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ khẳng định: “Khu vực ĐBSCL đang đối mặt với rất nhiều thách thức”.

Theo đó, bên cạnh những thách thức do biến đổi khí hậu cũng như khai thác cát khiến giá thành trong xây dựng tăng nhanh, đặc biệt là ở ĐBSCL, thì khu vực này cũng đang đối mặt với tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Cụ thể, trong những năm 2001-2005 tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng là trên 10%, thì đến giai đoạn 2011-2015 chỉ còn khoảng trên 8% và năm 2016 giảm xuống dưới 7%. “Đặc biệt, nền tảng tăng trưởng kinh tế của ĐBSCL là nông nghiệp đã suy giảm rất mạnh”, ông Dũng cho biết.

Ông Dũng dẫn chứng, trước năm 2014 tăng trưởng nông nghiệp vùng ĐBSCL vào khoảng 6%, thì mức tăng trong thời gian 2014-2015 còn 3% và năm 2016 chỉ còn 0,6%. “Tôi nghĩ, nếu nông nghiệp được cải thiện, có thể đóng góp một phần nào cho tăng trưởng trở lại, nhưng vượt 3% là rất khó”, ông nói.

Theo ông Dũng, nông nghiệp suy giảm dẫn đến những địa phương có cơ cấu kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp sẽ đạt mức tăng trưởng thấp. Điều này cũng dẫn đến một thách thức khác, đó là tỷ lệ di dân lớn sẽ xảy ra ở những địa phương có cơ cấu nông nghiệp cao. “Thực tế, hiện tượng di dân xảy ra rất nhiều ở các tỉnh như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và An Giang”, ông dẫn chứng.

Ngược lại, những địa phương như Tiền Giang, Long An, nơi thu hút được nhiều vốn đầu tư, thì đang nhận luồng di dân vào. “Điều này cho thấy, kinh tế dựa vào nguồn tài nguyên nông nghiệp, kể cả thủy sản, thì không đủ sức giải quyết được công ăn việc làm và những tỉnh thu hút được đầu tư như Long An, Tiền Giang và một phần của Trà Vinh, thì tốt hơn”, ông cho biết.

Một thách lớn khác đối với ĐBSCL được ông Dũng nêu ra, đó là kế cấu hạ tầng giao thông của vùng yếu kém. “Với 40.000 km2 của vùng ĐBSCL nhưng chỉ có 40 km đường cao tốc đã hình thành cách nay 10 năm và trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến nay chưa có thay đổi đáng kể nào về xây dựng đường cao tốc”, ông dẫn chứng.

Trong khi đó, theo ông Dũng, với những công trình cầu lớn như Vàm Cống, Cao Lãnh có thể đưa vào hoạt động trong năm 2018, nhưng hệ thống đường kết nối lại rất yếu. “Có cầu lớn mà các con đường kết nối kém thì liệu khai thác có hiệu quả hay không?”, ông nêu câu hỏi.

Theo ông Dũng, việc vận chuyển hàng hóa từ ĐBSCL về TPHCM, ra cảng Cát Lái hay cảng ở Bà Rịa – Vũng Tàu là hết sức chật vật và điều này được xác định do ĐBSCL thiếu trung tâm logistics lớn. Do đó, đã làm hạn chế rất lớn việc thúc đẩy phát triển các ngành đang có ở ĐBSCL như nông nghiệp, thủy sản…

“Yếu kém giao thông, không có trung tâm logistics cấp vùng đủ lớn đã làm cho sức cạnh tranh quốc tế đối với sản phẩm của vùng yếu hơn rất nhiều; không hỗ trợ được cho những ngành, dịch vụ mới và chắc chắn cũng gây hạn chế rất nhiều trong phát triển ngành thương mại điện tử, vốn đang là xu thế của quốc tế”, ông Dũng cho biết.

Bên cạnh đó, ông Dũng cho rằng, ĐBSCL cũng thiếu hẳn trung tâm công nghệ và ứng dụng, là nhân tố quan trọng hỗ trợ thúc đẩy các cụm ngành phát triển. “Dù có xuất hiện những cụm ngành như cá, tôm, tuy nhiên, để phát triển đúng chuẩn cụm ngành, thì còn khoảng cách rất xa”, ông cho biết.

Để giải quyết những thách thức được nêu ra ở trên, ở một khía cạnh nào đó, đòi hỏi khu vực này phải có nguồn lực về tài chính đủ mạnh. Tuy nhiên, việc phân bổ nguồn lực cho ĐBSCL trong 20 năm qua luôn ở mức thấp nhất so với 5 vùng kinh tế còn lại của cả nước, gồm Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, Đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc. 

“Chi ngân sách bình quân đầu người của ĐBSCL cách đây 20 năm và hiện nay đều thấp nhất so với các vùng khác của cả nước”, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho biết và nói rằng khi nhìn vào đầu tư cơ sở hạ tầng, tức là cầu đường, cảng biển thì có vẻ “có vấn đề trục trặc rất lớn” về việc phân bổ nguồn lực, kể cả ngân sách và vốn đầu tư.

Thế nhưng, làm sao để Trung ương phân bổ nguồn lực cho ĐBSCL một cách tương xứng hơn?

Qua nghiên cứu về chính sách công, ông Du gợi ý muốn được phân bổ nguồn lực nhiều hơn thì phải có quá trình vận động chính sách, chứ không thể có chuyện “tự động” Trung ương tăng thêm nguồn lực cho một nơi nào cả.

“Muốn có được thì phải có quá trình vận động để thấy rằng ĐBSCL đáng ra được một phần nguồn lực cho phát triển lớn hơn so với cái hiện tại đang có”, ông Du nói.

Mời xem thêm:

VCCI Cần Thơ: Vì sao kinh tế ĐBSCL “ngược chiều cả nước”?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới