Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thách thức của doanh nghiệp sản xuất bao bì nhỏ và vừa

Duy Ái

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Cũng am hiểu và nhạy bén với thị trường, cũng nắm được những kiến thức về công nghệ và kỹ thuật sản xuất, nhưng các doanh nghiệp sản xuất bao bì quy mô nhỏ và vừa ở trong nước vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.

Sản xuất bao bì tại nhà máy của Tập đoàn An Phát Holdings. Ảnh: DNCC

Theo báo cáo hồi tháng 11-2021 của FiinGroup, bao bì là một trong những ngành phát triển nhanh nhất tại Việt Nam với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm 13,4% trong giai đoạn 2015-2020, và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức hai con số trong những năm tới. Riêng phân khúc bao bì nhựa, bao bì giấy và bao bì carton gợn sóng (corrugated carton – sau đây gọi là bao bì sóng) chiếm khoảng 81,6% thị phần (về doanh thu bán hàng) vào năm 2020.

Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, yêu cầu giãn cách xã hội kéo theo sự hạn chế giao thương đã làm ảnh hưởng đến số lượng bao bì được tiêu thụ trong ngắn hạn. Ở giai đoạn phục hồi sau đại dịch, nhu cầu về bao bì thực phẩm và bao bì sóng (dùng nhiều trong đóng hàng thực phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe và hàng hóa thương mại điện tử) giúp các phân khúc này dần dần hồi phục. Nhưng nhìn chung, các doanh nghiệp chưa thể ngay lập tức trở lại ngay mức như trước đại dịch. Song song đó là những khó khăn mà khối này đã phải đối mặt từ nhiều năm trước.

Trong đại dịch: sản xuất bao bì nhựa dẻo ít bị tổn thương

Phần lớn của hơn 900 doanh nghiệp sản xuất bao bì ở trong nước là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vẫn đang chấp nhận phần thất thế so với các doanh nghiệp lớn hoặc có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo ông Ngô Đức Nhật, người đồng sáng lập Công ty Bao bì Hoàng Phát (TPHCM) chuyên sản xuất bao bì carton, mảng thị trường này bị chững lại trong thời kỳ giãn cách xã hội vì đại dịch, do sự hạn chế vận chuyển hàng hóa và xuất nhập khẩu. Tương tự, phân khúc bao bì thủy tinh bị tổn thương khi các sản phẩm mỹ phẩm và nước uống cao cấp đóng chai thủy tinh cũng tiêu thụ chậm lại, một phần do nước uống đóng chai ngày nay chuộng sử dụng bao bì chất liệu nhựa.

Nhưng khác với bao bì carton và bao bì thủy tinh, bao bì nhựa dẻo dùng đóng gói thực phẩm là mảng chiếm tỷ trọng lớn và ít bị ảnh hưởng hơn cả, do thực phẩm đóng gói là mặt hàng luôn được lưu thông, thậm chí nhu cầu sử dụng còn tăng cao trong lúc giãn cách xã hội, bên cạnh các loại bao bì khác như xốp, nhựa cứng… dùng đựng thức ăn, đồ uống mang đi.

Theo Liên đoàn nhựa Anh (BPF), hơn 70% nước giải khát trên thị trường toàn cầu được đóng trong chai nhựa PET, chỉ có 30% được đóng trong các vật liệu khác như thủy tinh, lon kim loại, hộp/thùng giấy. Bao bì thực phẩm đóng gói (thức ăn đông lạnh, nước sốt, gia vị, sản phẩm sữa, rau và trái cây chế biến…) cũng là loại sản phẩm dùng nhựa nhiều nhất.

Hậu đại dịch: khó khăn về nguyên liệu, công nghệ

Đến giai đoạn hậu đại dịch, các thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam lại đối mặt nhiều khó khăn và nguy cơ suy thoái kinh tế, nên họ cắt giảm nhập khẩu hàng hóa cũng như các đơn hàng gia công, kéo giảm lượng bao bì tiêu thụ, đặc biệt là nhóm bao bì đóng hàng cỡ lớn để xuất khẩu. Riêng trong lĩnh vực bao bì từ bột giấy, theo ông Nhật, các doanh nghiệp gặp những khó khăn trong hoạt động sản xuất.

Trước hết là việc phải nhập khẩu bột giấy từ nhiều nguồn (Trung Quốc, Ấn Độ…) do công nghệ và sản lượng trong nước hiện chưa thể cung cấp bột giấy đủ về số lượng và đúng chuẩn về chất lượng. Tính đến tháng 6-2022, ngành sản xuất bột giấy trong nước chỉ đáp ứng khoảng 21,8% nhu cầu của các doanh nghiệp bao bì. Giá nguyên liệu tăng do thị trường bột giấy thế giới gặp khó khăn từ nửa cuối năm 2021 kéo dài sang năm 2022.

Đại dịch bùng phát gây ra tình trạng thiếu lao động sản xuất và ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động vận chuyển. Bên cạnh đó, thời gian “ngừng hoạt động ngoài dự kiến” (downtime) của các nhà máy bột giấy diễn ra ở nhiều nơi, bao gồm những tình huống không biết trước như đình công, máy móc hỏng, hỏa hoạn, lũ lụt hoặc hạn hán, kéo giảm sản lượng nguyên liệu cung cấp cho nhà máy bột giấy.

Tất cả những điều này gây ảnh hưởng dây chuyền tới nguồn nguyên liệu nhập khẩu của Việt Nam. Song song đó, việc nhập khẩu nguyên liệu còn phải chịu tác động của nhiều yếu tố liên quan như giá xăng dầu, giá dịch vụ logistics… Giá cả các mặt hàng và dịch vụ đều ở tình trạng không ổn định và có xu hướng tăng làm ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp.

Tiếp đến là khó khăn về máy móc, công nghệ sản xuất. Theo chia sẻ của ông Nhật thì đây là một thách thức đường dài của các doanh nghiệp bao bì nhỏ và vừa. Bản thân Hoàng Phát cũng như nhiều doanh nghiệp khác, do vốn không đủ mạnh, vẫn đang phải nhập khẩu và sử dụng các loại máy móc, thiết bị thế hệ cũ vì giá thành rẻ. Một dây chuyền sản xuất thế hệ mới với những máy móc có giá hàng triệu đô la Mỹ là vượt quá khả năng của doanh nghiệp.

Hơn nữa, để có thể sử dụng máy móc hiện đại thì phải có chuyên gia của hãng đến tận nơi giám sát vận hành và đào tạo nhân viên, thời gian có thể từ 2-6 tháng. Trong trường hợp máy hỏng hóc, chuyên gia của hãng phải đích thân đến sửa chữa, bảo hành. Các khâu này đòi hỏi chi phí cao, cũng là một trở ngại đối với các doanh nghiệp không có số vốn lớn.

Nhiều doanh nghiệp ở lĩnh vực bao bì nhựa còn gặp trở ngại trong mở rộng hoạt động và đầu tư công nghệ theo xu hướng đẩy mạnh tái chế vật liệu nhựa để tái sử dụng. Một mặt, các doanh nghiệp không đủ vốn nâng cấp công nghệ sản xuất hoặc đầu tư nhà máy tái chế nhựa công suất lớn.

Mặt khác, lượng rác thải nhựa cung cấp cho các nhà máy tái chế còn ít, một phần do việc phân loại, thu gom rác thải nhựa tại nguồn chưa được thực hiện triệt để. Đây cũng là tình hình chung khi trên thế giới chỉ có 9% rác thải nhựa được tái chế, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) báo cáo hồi 2-2022.

Ngoài ra, cũng theo ông Đức Nhật, bao bì sản xuất, in ấn trên dây chuyền máy móc công nghệ cũ thường xảy ra lỗi, như dập không kín, mép cắt không sắc nét, mực in bị lem…, đặc biệt là đối với các sản phẩm có kích thước nhỏ, trọng lượng nhẹ.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa có ngành đào tạo chuyên sâu về nghiên cứu, sản xuất bao bì. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tuyển dụng nhân sự có nền tảng kỹ thuật từ các ngành khác nhau để đào tạo về kỹ thuật vận hành máy móc dùng trong sản xuất bao bì…

Để cải thiện tốt hơn cho tương lai

Thị trường bao bì giấy nói riêng tại Việt Nam được định giá 2,06 tỉ đô la Mỹ vào năm 2021, dự kiến đạt 3,11 tỉ đô la vào năm 2027 và đạt tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) 7,5% trong giai đoạn 2022-2027. Sự phát triển mạnh của lĩnh vực mua sắm trực tuyến, triển vọng hồi phục của xuất nhập khẩu trong tương lai và vật liệu thân thiện với môi trường là những yếu tố được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành bao bì nói chung.

Nhiều ý kiến cho rằng ngành này vẫn còn dư địa tăng trưởng. Tuy nhiên, doanh nghiệp trong nước cần phải nắm bắt xu hướng thị trường, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất và phải biết phối hợp với nhau để phát triển, theo ông Nhật.

Ông Nhật cho biết mục tiêu của Hoàng Phát cũng như của nhiều doanh nghiệp khác là đi từ bán tự động đến tự động hóa, cải thiện chất lượng quản lý, tìm cách nâng cao chất lượng bao bì sao cho bắt mắt, sắc sảo hơn, đáp ứng yêu cầu của các đối tác khắt khe nhất. Bên cạnh đó là việc lên kế hoạch mở rộng danh mục, như các chủng loại bao bì dùng cho thực phẩm; bao bì theo yêu cầu của thương mại điện tử…

Để làm được điều này, các doanh nghiệp cần thiện chí hợp tác với nhau thay vì cứ mạnh ai nấy làm. Ông Nhật cho biết hiện tại, mỗi doanh nghiệp thường “bao trọn” các khâu hoặc nhiều khâu trong quá trình sản xuất. Số vốn đầu tư bị chia nhỏ cho nhiều loại máy móc và buộc phải mua các dòng máy thế hệ cũ. Nếu hợp tác với nhau, mỗi doanh nghiệp chuyên sâu một khâu thì có thể đầu tư vào một loại máy hiện đại, chất lượng cao cho riêng khâu đó.

Như vậy, thành phẩm của từng khâu đều có chất lượng cao và tất cả các thành viên trong chuỗi sản xuất đều có lợi. Ngày nay, chất lượng là ngôn ngữ hiệu quả nhất để quảng bá. Tư duy cởi mở, hợp tác cũng đồng thời giúp mở rộng tập khách hàng cho các doanh nghiệp.

Nhìn vào những mặt lợi thế của doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Nhật cho hay với quy mô không lớn thì khâu quản lý cũng ít phức tạp hơn; các văn bản, kế hoạch được xử lý nhanh gọn hơn, nhờ đó, doanh nghiệp có ưu thế về tốc độ xử lý và phản hồi cho khách hàng, đối tác. Doanh nghiệp nhỏ cũng lại dễ linh động đáp ứng các đơn hàng quy mô nhỏ cho khách hàng.

Ở góc độ đối nội, quy mô nhỏ tạo điều kiện cho chủ doanh nghiệp có sự gần gũi hơn với dây chuyền sản xuất và nhân viên của mình, dễ dàng giám sát, không cần qua nhiều tầng báo cáo.

Ông Nhật cũng lưu ý thêm việc các doanh nghiệp cần thiết tiếp cận và áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý, giúp loại bỏ những sai sót do con người, tối ưu hóa thời gian…

Tóm lại, mô hình hợp tác để cùng nâng cấp công nghệ sản xuất, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý là hai mảng quan trọng mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần quan tâm xem xét, bắt tay thực hiện để có sức bật mạnh mẽ hơn và kịp nắm bắt những cơ hội vẫn đang mở ra cho ngành công nghiệp bao bì.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới