Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thách thức đối với doanh nghiệp may mặc khi thị trường thế giới tăng trở lại

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thị trường may mặc thế giới trong năm 2022 được dự báo sẽ phục hồi và tăng nhẹ so với thời điểm trước dịch của năm 2019. Đây được xem cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tăng tốc. Tuy nhiên, không ít thách thức phía trước với doanh nghiệp may mặc trong nước cần phải khắc phục.

Nhiều thách thức với doanh nghiệp Việt Nam trước bối cảnh thị trường may mặc thế giới phục hồi. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Cú ngược dòng ngoạn mục

McKinsey của Mỹ gần đây đưa ra dự báo doanh thu thời trang toàn cầu năm 2022 đạt khoảng 103-108% so với mức của năm 2019. Doanh thu tổng thể dự kiến sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm tới, với động lực tăng trưởng có thể từ Mỹ và Trung Quốc – khi châu Âu chững lại. Thời trang giá rẻ và cao cấp sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt hơn, vì sự phục hồi dự kiến sẽ không đồng đều giữa các phân khúc giá trị trong khi thị trường trung cấp siết chặt lại.

Trên thực tế sau gần hai năm gián đoạn, ngành dệt may toàn cầu đã dần hồi phục được thúc đẩy bởi sự gia tăng mạnh mẽ của thương mại điện tử. Tại Mỹ, một số thương hiệu đạt kết quả khả quan hơn hơn so với thị trường bị chi phối bởi quần áo thể thao và hàng cao cấp. McKinsey ước tính doanh thu thời trang toàn cầu năm 2021 đạt 96% so với mức năm 2019.

Đối với doanh nghiệp Việt Nam, từ chỗ “gần như tuyệt vọng” do những đợt giãn cách kéo dài tại TPHCM và các tỉnh phía Nam, dệt may đã nhanh chóng phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng vào 3 tháng cuối năm. Nhờ đó mà khép lại năm 2021 xuất khẩu hàng dệt may đạt 39 tỉ đô la, tăng 11,2% so với năm 2020.

Đánh giá về hoạt động năm 2021, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), cho rằng kết quả này khẳng định sự nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, nhanh chóng thích nghi của các doanh nghiệp ngành dệt may trong tình hình mới, kịp thời chuyển đổi cơ cấu mặt hàng.

Nhiều thách thức phía trước

Dù ghi nhận thành công nhưng các chuyên gia dự báo, vẫn còn nhiều thách thức đang chờ đợi ngành cả trong ngắn và dài hạn.

Dự báo trong năm 2022, VITAS đưa ra ba kịch bản cho tăng trưởng của ngành dệt may. Cụ thể, kịch bản tích cực nhất, nếu tình hình dịch bệnh được cơ bản kiểm soát trong quí 1, kim ngạch xuất khẩu kim ngạch xuất khẩu có thể sẽ đạt 41,5 – 42,5 tỉ đô la; kịch bản trung bình, nếu tình hình dịch bệnh còn phức tạp đến giữa năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 40 – 41 tỉ đô la; kịch bản kém tích cực nhất là tình hình dịch bệnh còn phức tạp kéo dài đến cuối năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của ngành dự kiến chỉ đạt 38-39 tỉ đô la.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nhận định mặc dù năm 2022 dự báo tổng cầu dệt may thế giới sẽ tăng trở lại mức tương đương năm 2019, nhưng xuất khẩu dệt may Việt Nam có thể phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức.

Trong đó đáng chú ý là chi phí vận tải vẫn ở mức cao. Thứ hai là bất lợi về tỷ giá so với các đối thủ cạnh tranh, gián tiếp ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng Việt Nam so với các đối thủ. Một thách thức nữa, là do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4 đã làm phát sinh làn sóng chuyển dịch lao động dẫn đến thị trường lao động mất cân đối nghiêm trọng.

Tương tự, theo phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, các đối thủ cạnh tranh với may mặc Việt Nam lại có kết quả tăng trưởng tốt hơn như Trung Quốc (+12% so với cùng kỳ), Ấn Độ (+52% so với cùng kỳ) và Bangladesh (+13% so với cùng kỳ).

Để khẳng định trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp may mặc Việt Nam còn nhiều việc cần phải cải thiện. Ảnh minh họa: TL

Không chỉ trong ngắn hạn, dệt may Việt Nam còn phải đối mặt với những thách thức lớn trong dài hạn đến từ xu hướng phát triển xanh và từ các đối thủ cạnh tranh của ngành.

Cụ thể, theo phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, tính bền vững của chuỗi giá trị tiếp tục có ý nghĩa ngày càng quan trọng đối với các thương hiệu và người tiêu dùng, không chỉ về việc sử dụng nguyên liệu tái chế (open-loop recycling) mà còn với việc tái chế hàng may mặc (tái chế khép kín – closed-loop recycling, giúp giảm thiểu chất thải). Điều này theo các chuyên gia trong ngành sẽ là thách thức lớn buộc dệt may Việt Nam phải bắt nhịp nếu không muốn bị loại bỏ.

Tại tọa đàm chuyên ngành dệt may do Kinh tế Sài Gòn tổ chức vào tuần rồi, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp nêu ra vấn đề này.

Các ý kiến cho rằng cơ hội xuất khẩu đối với sản phẩm dệt may rất lớn, nhất là trong bối cảnh hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam ký kết đang mở ra nhiều lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, yêu cầu về chất lượng sản phẩm và nhà cung cấp ngày càng khắt khe hơn. Ngoài việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa để được ưu đãi thuế từ các FTA, các nhãn hàng còn yêu cầu sản xuất xanh, giảm thiểu sử dụng năng lượng hóa thạch, tăng cường tái chế chất thải, có trách xã hội, và thân thiện môi trường, …

Trước khó khăn do dịch bệnh và cạnh tranh khốc liệt của thị trường, các doanh nghiệp cần phải thích ứng rất nhanh; đồng thời cần phải đổi mới, nhất là đầu tư công nghệ hiện đại thì mới có thể cạnh tranh. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng nhận thấy được xu thế này và rất muốn cải tiến, nhưng lại không có tiềm lực về tài chính.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS, các doanh nghiệp cần áp dụng linh hoạt Chỉ thị 128 của Chính phủ phòng chống dịch tốt để duy trì sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, mỗi doanh nghiệp phải đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi, hỗ trợ lẫn nhau trong thực hiện các đơn hàng. Đây sẽ là cơ hội giúp các doanh nghiệp phát huy được thế mạnh riêng và tận dụng được thế mạnh của tập thể, đồng thời học hỏi được các mô hình quản trị, công nghệ tiên tiến.

Mỗi doanh nghiệp cần xây dựng giải pháp phát triển bền vững. Đây là xu thế trong hội nhập, không ai có thể đứng ngoài cuộc chơi. Ông Giang cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam phải xây dựng tầm nhìn mới, có khát vọng khẳng định vị thế của mình. Ngành dệt may Việt Nam không cạnh tranh lao động giá rẻ mà cạnh tranh về sự minh bạch, chất lượng sản phẩm, công nghệ, năng suất lao động, thời gian giao hàng, tiết giảm tối đa năng lượng, tài nguyên.

Tuy nhiên trước mắt, cộng đồng doanh nghiệp dệt may kiến nghị Nhà nước tiếp tục triển khai chiến lược vaccine là giải pháp căn cơ để các doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong điều kiện “bình thường mới”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới