Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thách thức khó thể chịu đựng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thách thức khó thể chịu đựng

(TBKTSG) – Để tăng trưởng 1-1,5% GDP/năm, nhân dân cả nước phải căng kéo, phấn đấu cật lực trong khi sự lãng phí, tham nhũng, thiếu hiệu quả của bộ máy dễ dàng tước đi của nhân dân 1-2% tăng trưởng. Đó quả là một thách thức khó có thể chịu đựng được.

Lạm phát cao đã buộc Chính phủ phải đề nghị Quốc hội cho giảm chỉ tiêu tăng trưởng năm nay từ 8,5% xuống 7%, một tỷ lệ giảm đáng kể mặc dù cần thiết. Trong khi đó, theo một số đại biểu Quốc hội, nếu công cuộc chống tham nhũng, lãng phí, thất thoát được tiến hành có hiệu quả thì nguồn lực không bị mất đi ấy đã có thể được đưa vào đầu tư phát triển và làm tăng thêm 1-2% GDP, thậm chí nhiều hơn – theo một số người.

Ngay tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 22-4, những con số mà Kiểm toán nhà nước đưa ra đã cho thấy, qua các cuộc kiểm toán tiến hành năm 2007, tổng số khoản lẽ ra phải thu, nộp đầy đủ vào ngân sách lên tới 2.763 tỉ đồng; các khoản ngân sách cần phải giảm chi lên tới 1.617 tỉ đồng. Còn các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua ngân sách nhà nước cũng rất lớn, lên tới 6.060 tỉ đồng…

“Nỗ lực tăng trưởng 1-2% GDP sẽ chẳng còn mấy ý nghĩa khi cùng lúc nền kinh tế lại bị mất đi 1-2% tăng trưởng bởi chính bộ máy điều hành”. 

 Mà đó mới chỉ là kết quả kiểm toán ở một số đơn vị, một số địa phương có chọn lọc. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, qua kiểm toán 29 tỉnh, thành phố, đã phát hiện 16 địa phương chi hỗ trợ không đúng chế độ, không thuộc nhiệm vụ phải chi số tiền 183 tỉ đồng, 16 tỉnh, thành phố đem tiền ngân sách cho vay, tạm ứng chưa thu hồi được về cho ngân sách số tiền 3.216 tỉ đồng (cho đến ngày 31-12-2006).

Tình trạng mua sắm, sử dụng tài sản công sai định mức, chế độ vẫn còn nặng nề. Ví dụ, hàng loạt tỉnh, thành phố vẫn mua sắm, sử dụng xe ô tô sai tiêu chuẩn, sai định mức (Sài Gòn Tiếp Thị 24-4-2008). Đó là về chi, còn trong đầu tư công, trong xây dựng, sự lãng phí, không hiệu quả là một thực trạng bày ra nhan nhản và kéo dài từ năm này qua năm khác.

Để tăng trưởng 1-1,5% GDP/năm, nhân dân cả nước phải căng kéo, phấn đấu cật lực trong khi sự lãng phí, tham nhũng, thiếu hiệu quả của bộ máy dễ dàng tước đi của nhân dân 1-2% tăng trưởng. Đó quả là một thách thức khó có thể chịu đựng được.

Phải làm gì để giải quyết tình trạng này? Phải làm gì để đẩy lùi thách thức này? Nhà nước cũng đã nói nhiều, đã kêu gọi nhiều, đã thực hiện nhiều biện pháp nhưng chưa hiệu quả. Ngoài những nguyên nhân về thiết chế bộ máy rất cần được soi xét, cái gốc của vấn đề phải chăng còn chưa mổ xẻ đến nơi đến chốn và chưa có những biện pháp căn cơ nhằm giải quyết những yếu kém, những khiếm khuyết của nền tài chính công, của thiết chế và luật pháp về chi tiêu và đầu tư công?

Lúc này hơn bao giờ hết, cần siết chặt kỷ luật tài chính và hơn thế, cần mạnh dạn phân tích, mổ xẻ những yếu kém của nền tài chính công để không chỉ chữa cơn bệnh trước mắt là nạn lạm phát mà còn vì sự phát triển lành mạnh và hiệu quả lâu dài của nền kinh tế. Nỗ lực tăng trưởng 1-2% GDP sẽ chẳng còn mấy ý nghĩa khi cùng lúc nền kinh tế lại bị mất đi 1-2% tăng trưởng bởi chính bộ máy điều hành.  

THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới