Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thách thức không nhỏ cho QR Code

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thách thức không nhỏ cho QR Code

Đào Loan

(TBKTSG Online) – Những giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt như thanh toán di động qua mã QR (QR Code) cần nhiều thời gian hơn nữa để thuyết phục khách hàng sử dụng. Đặc biệt, nhà cung ứng dịch vụ phải tạo niềm tin nơi người tiêu dùng về tính an toàn và bảo mật thông tin cá nhân lẫn "ví tiền" của họ.

Thách thức không nhỏ cho QR Code
Khách hàng thanh toán tiền mua tour tại văn phòng của Công ty Du lịch Vietravel. Ảnh: Đào Loan

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, cho rằng trên lý thuyết, tiềm năng thanh toán qua mã QR tại thị trường Việt Nam rất lớn nhờ dân số trẻ, số người sử dụng điện thoại thông minh nhiều và có khả năng thích ứng nhanh với công nghệ. Tuy nhiên, thực tế chưa hẳn là như vậy, người Việt chủ yếu dùng điện thoại để truy cập thông tin, còn sử dụng cho các hoạt động hàng ngày như thanh toán hóa đơn mua hàng còn khá ít.

Tại công ty này, lượng khách thanh toán trực tuyến trên trang web khá tốt nhưng với những giao dịch trực tiếp tại các văn phòng giao dịch, khách hàng chủ yếu dùng tiền mặt. Tỷ lệ thanh toán bằng thẻ ngân hàng chỉ chiếm chừng 15-17%, chủ yếu đến từ nhóm khách hàng Việt kiều. Để thúc đẩy phương thức thanh toán bằng thẻ, Vietravel đã liên kết với các ngân hàng để đưa ra chương trình dùng thẻ được giảm giá nhưng thường chỉ khi có khuyến mãi thì khách hàng mới dùng.

"Với khách dùng thẻ ghi nợ (debit card) thì không sao nhưng những người dùng thẻ tín dụng (credit card) thì đa phần sợ trả lãi cao phải trả cho ngân hàng, dù là món tiền đó sẽ không phát sinh tiền lãi trong một thời gian cố định nhưng tâm lý này vẫn có. Khách cũng rất lo mất mã pin nên chưa mặn mà với phương thức thanh toán mới", ông Kỳ nói.

Từ thực tế trên, ông cho rằng để phát triển việc thanh toán bằng mã QR trên điện thoại di động, nhà cung cấp dịch vụ cần thời gian để hướng dẫn cho khách làm quen, hiểu rồi đi đến chấp nhận sử dụng. Trong đó, điều quan trọng là phải cho khách hàng yên tâm là thanh toán bằng cách này không mang lại bất cứ nguy cơ gì đến túi tiền của khách.

Người Việt Nam tuy thích ứng với công nghệ rất nhanh nhưng nếu thấy có sự tác động và nguy cơ đối với ví tiền của mình là sẽ trở nên thận trọng và e ngại. Thái độ khách hàng thường đi từ trạng thái lạc quan sang nghiêm trọng, không có giai đoạn ở giữa. Vì thế, khi đưa ra dịch vụ, nhà cung cấp cần thời gian để hướng dẫn cho khách làm quen và hiểu để được chấp nhận.

"Có vẻ như nhiều nhà cung cấp dịch vụ đang rút ngắn giai đoạn, cứ đưa ra dịch vụ mới là muốn tăng lượng khách hàng ngay mà bỏ qua giai đoạn cho làm quen cho nên một số đã thất bại", ông Kỳ nói.

Kế đó, ngân hàng hoặc các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán kiểu này phải có những chính sách để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và đối tác cung ứng.

Ở một số nước, khi người tiêu dùng thanh toán thì công ty bán sản phẩm được báo là có tiền nhưng số tiền ấy chưa được chuyển vào tài khoản. Ngân hàng sẽ neo lại khoản đó trong vòng 7 hay 10 ngày, phòng trường hợp người tiêu dùng phản ảnh chất lượng kém thì sẽ trả lại tiền cho khách. Người tiêu dùng được bảo vệ nên người ta thích dùng.

Hiện nay, cứ mỗi thanh toán của khách hàng qua thẻ, doanh nghiệp bán sản phẩm phải trả cho ngân hàng mức  phí lên đến 2,25%/tổng giao dịch, nếu dùng phương thức mã QR thì mức phí cũng chưa chắc đã thấp hơn. Với những sản phẩm, dịch vụ có tỷ suất lợi nhuận cao, có thể doanh nghiệp sẽ tham gia còn ngược lại thì chưa chắc vì ảnh hưởng đến lợi nhuận. Vì thế, để đẩy mạnh hình thức thanh toán kiểu mới, ngân hàng nên hạ phí xuống để đồng hành cùng những người cung ứng dịch vụ và phải có những cam kết rõ ràng, công khai về việc xử lý những sự cố có thể xảy ra.

"Chỉ khi người tiêu dùng được bảo vệ, người bán sản phẩm an tâm và có thêm cơ hội bán hàng thì chắc chắn phương thức thanh toán mới sẽ có cơ hội phát triển còn làm theo kiểu khách mua, quét mã trả tiền, ngân lấy phần chiết khấu trước rồi chuyển tiền cho người bán hàng là xong, không ai nợ ai nữa thì khó phát triển", ông Kỳ nói và cho biết hiện Vietravel đang làm khảo sát để đánh giá lại tâm lý người tiêu dùng nhằm chuẩn bị cho kế hoạch thanh toán bằng mã QR.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới