Thứ Ba, 3/10/2023, 01:06
26 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Thách thức lớn cho ĐBSCL

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thách thức lớn cho ĐBSCL

Đức Khánh

Tương lai của các đô thị ở ĐBSCL dưới tác động của BĐKH.

(TBKTSG) – “Vùng Mêkông được đánh giá là trung tâm đa dạng sinh học của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và đã được Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (BĐKH) xác định là một trong ba đồng bằng sẽ bị tổn thương nặng nề nhất bởi BĐKH”, ông Huỳnh Tiến Dũng, Trưởng ban Quản lý Chương trình Việt Nam của Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF), đã đưa ra lời cảnh tỉnh trên tại hội thảo Diễn đàn ĐBSCL lần 2 với chủ đề “Đa dạng sinh học và BĐKH ở ĐBSCL” vừa được tổ chức tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, hồi tuần rồi.

Thách thức lớn

ĐBSCL là nơi sinh sống của khoảng 18 triệu người dân trên diện tích 3,9 triệu héc ta và đây cũng là khu vực giàu đa dạng sinh học nhất trên thế giới. Chỉ trong 10 năm gần đây các nhà khoa học đã phát hiện hơn 1.000 loài mới ở trong khu vực này.

Riêng sông Mêkông hàng năm cung cấp khoảng 2,6 triệu tấn cá (trị giá 2,5-3 tỉ đô la Mỹ). Đồng thời, đây là vùng có sản lượng thủy sản thuộc loại lớn nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, ĐBSCL được coi là “vựa lúa” của cả nước, cung cấp 50% sản lượng gạo của cả nước; 90% lượng gạo xuất khẩu; 65% tổng sản lượng sản phẩm thủy sản đánh bắt và nuôi trồng cùng với 70% tổng lượng trái cây.

Sau những con số “ấn tượng” trên, ông Huỳnh Tiến Dũng đã chỉ ra một vài khó khăn, thách thức lớn mà vùng đất này đang phải đối mặt.

Trước hết là vấn đề ô nhiễm môi trường do phát triển đô thị, công nghiệp và sản xuất thâm canh. Hai là đời sống người dân bấp bênh do sản xuất nông nghiệp, thủy sản thiếu ổn định. Ba là ảnh hưởng của BĐKH cùng với các hậu quả của phát triển ở thượng lưu sông Mêkông như xây đập thủy điện, khai thác mỏ, đánh bắt thủy sản quá mức…

“Tất cả những khó khăn trên đã làm cho cuộc sống của người dân ĐBSCL đã và đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Hậu quả là các hệ sinh thái tự nhiên cùng với đa dạng sinh học nơi đây đã bị các cá nhân, tổ chức khai thác một cách triệt để nhằm tăng diện tích sản xuất, tạo thêm nguồn thu mà không quan tâm đến tác động xấu của nó tới các ngành nghề khác cũng như đến các hệ sinh thái tự nhiên của khu vực”, ông Dũng lo lắng.

Trong những khó khăn trên, BĐKH có thể được xem là thách thức lớn mà vùng ĐBSCL khó có thể tránh khỏi bị tác động trong những năm tới.

Tác động ghê gớm

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Trí, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam, cho biết: “Những kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy Việt Nam là một trong những nước bị tác động nghiêm trọng nhất bởi BĐKH, đặc biệt là hai vùng châu thổ sông Cửu Long và sông Hồng”. Nhiệt độ trung bình tăng 2,5 độ C vào năm 2070; nhiệt độ cực tiểu và cực đại cũng tăng, số ngày có nhiệt độ trên 25 độ C cũng tăng lên. Hạn hán, năng suất nông nghiệp giảm sút và dịch bệnh tăng lên là hệ quả của sự tăng nhiệt độ và lượng mưa thay đổi.

Theo Trung tâm Quốc tế quản lý môi trường, khi nước biển dâng cao 1 mét thì 10 tỉnh ở ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất. Trong đó, nặng nhất là tỉnh Bến Tre, nước triều có khả năng ngập 50,1% diện tích; kế đó là Long An 49,4%; Trà Vinh 45,7%; Sóc Trăng 43,7%.

Bên cạnh đó, thông báo của văn phòng Chương trình môi trường quốc gia về ứng phó với BĐKH cho thấy, trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình đã tăng khoảng 0,7 độ C, làm cho mực nước biển dâng lên khoảng 20 cen ti mét.

Qua khảo sát, nghiên cứu vùng ven biển ba tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, ông Trần Văn Tư, Liên hiệp các Hội Khoa học- Kỹ thuật thành phố Cần Thơ, cho biết: “Từ cơ sở thực tế này, tính toán nhiệt độ trung bình ở Việt Nam có thể tăng lên 3 độ C và mực nước có thể dâng lên 1 mét vào năm 2100, thì sẽ có khoảng 40.000 ki lô mét vuông đồng bằng ven biển Việt Nam bị ngập hàng năm, trong đó khoảng 90% diện tích thuộc các tỉnh ĐBSCL bị ngập hoàn toàn”. Theo ông Tư, đó là những dự đoán có cơ sở khoa học.

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Trí nhận định, tác động của BĐKH còn làm tài nguyên nước đặc biệt bị ảnh hưởng, lưu lượng nước chảy ra biển Đông là 505 tỉ mét khối/năm nhưng phân bổ không đều: 80% vào mùa mưa (5-6 tháng), còn 20% vào mùa khô (6-7 tháng). Xâm nhập mặn xảy ra thường xuyên làm cho năng suất lúa gạo sẽ giảm tới 40%, nạn thiếu lương thực sẽ xảy ra.

Ngoài ra, theo thông tin của Trung tâm Bảo tồn và Phát triển tài nguyên nước Việt Nam, Trung Quốc đã và sẽ xây 8 đập nước khổng lồ ở tỉnh Vân Nam. Thái Lan, Lào, Campuchia đã có 23 dự án đắp đập thủy điện và trữ nước tưới nông nghiệp khiến cho lượng nước ngọt ở lưu vực ĐBSCL giảm mạnh.

Gấp rút ứng phó

Trước những diễn biến thời tiết ngày càng tác động nặng nề, theo GS.TS. khoa học Lê Huy Bá, Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường, Đại học Công nghiệp TPHCM, trước mắt cần phải xây dựng hệ thống điều hòa giữ nước ngọt, chống mặn mùa khô, giảm ngập mùa lũ; theo dõi hệ sinh thái một số lưu vực, vùng trọng điểm.

Còn Tiến sĩ Phạm Trọng Thịnh, Phân viện trưởng Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam bộ, thì cho rằng trồng rừng ngập mặn là một giải pháp quan trọng để bảo vệ hệ thống đê biển. “Trong lĩnh vực giảm thiểu và thích ứng với BĐKH, các khu dự trữ sinh quyển đang góp phần quan trọng trong quá trình điều phối cũng như thực thi các chiến lược quốc gia về ứng phó với BĐKH”. PGS.TS. Nguyễn Hoàng Trí nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, ông Jean Henry Laboyrie, Giám đốc dự án của Công ty Tư vấn Hà Lan Royal Haskoning, cho rằng việc bảo vệ, duy trì rừng ngập mặn ở ĐBSCL có thể là một giải pháp tốt. Các hệ sinh thái rộng lớn và đa dạng sinh học tại ĐBSCL làm tăng khả năng chống chịu các tác động do BĐKH và giảm rủi ro liên quan đến khí hậu, cần được bảo đảm an toàn.

Ông Koos Neefjes, cố vấn cao cấp về BĐKH, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc – UNDP tại Việt Nam, khẳng định: “Hiện các tổ chức quốc tế có thể hỗ trợ tài chính cho vấn đề ứng phó BĐKH hàng năm ở Việt Nam từ 0,5-2 tỉ đô la Mỹ. Do vậy phải có chiến lược hoạt động thật cụ thể để ứng phó, thích nghi với BĐKH”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới