Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thách thức thừa cung

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thách thức thừa cung

Ngành sản xuất xi măng từ thiếu nguồn cung đầu năm 2008 sẽ chuyển sang tình trạng thừa hơn 10 triệu tấn năm 2009 – Ảnh:TL

(TBKTSG Online) – Hiện doanh nghiệp khó khăn nhất khâu nào? Câu hỏi đó được Ủy ban Kinh tế Quốc hội đặt ra thì các doanh nghiệp có câu trả lời ngay: thừa cung.

Với tư cách là cơ quan tham mưu, thẩm định và đề xuất với Quốc hội những vấn đề liên quan trực tiếp đến chuyện điều hành kinh tế của Chính phủ, Ủy ban kinh tế Quốc hội đã tổ chức một cuộc hội thảo mang tên: “Vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội” vào ngày 30-12 nhằm ghi nhận các đề xuất và tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Hà Văn Hiền khẳng định các cơ quan điều hành vĩ mô đều thống nhất với việc hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn hiện tại. Tuy nhiên, mức độ hỗ trợ ra sao, ở khâu nào, tới ai cần phải được làm rõ để đúng địa chỉ, đúng giải pháp.

Tiếp ngay sau đề xuất của ông Hiền, hầu hết ý kiến của các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp dân doanh đều thống nhất rằng, vấn đề e ngại nhất hiện nay là chuyện thừa cung và đình đốn sản xuất.

Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam Đậu Văn Hùng cho rằng, đời làm doanh nghiệp, chắc không có ai hai lần trong năm phải đối đầu với những thách thức luôn luôn xoay chuyển như hiện tại. Như ngành thép năm nay lượng tiêu thụ trong nước giảm 7-9% so với năm trước.

Do tiêu thụ đình trệ nên hầu hết các nhà máy trong và ngoài tổng công ty đều phải tạm dừng hoạt động hoặc chỉ duy trì sản xuất cầm chừng. Giá thép cuối năm giảm hơn 50% trong khi tồn kho thành phẩm và nguyên liệu cao dẫn đến nhiều doanh nghiệp khó khăn và thua lỗ.

Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Lê Văn Chung cũng ngại nhất vấn đề cầu tiêu thụ sản phẩm đang ngày một suy giảm nhưng nguồn cung tiếp tục tăng lên với sự tham gia của hơn 10 nhà máy vào thị trường năm tới trong khi việc xuất khẩu xi măng hiện rất khó khăn.

Ông Chung dẫn ra con số dự báo nhu cầu xi măng toàn xã hội năm 2009 chỉ khoảng 41,5 triệu tấn, năng lực sản xuất hiện có là 42 triệu tấn. Nếu thêm 10 nhà máy đi vào hoạt động sẽ tăng sản lượng thêm 10 triệu tấn và giá thành ngày một giảm đi nên việc cạnh tranh trên thị trường để cắt lỗ ngày càng trở nên quyết liệt.

“Chúng tôi đã tính đến chuyện xuất khẩu, qua việc thuê một công ty tư vấn thị trường xuất khẩu của Mỹ. Họ chỉ chúng tôi xuất sang Lào, Macao, Hồng Kông, Thái Lan. Nhưng thực tế ở Thái Lan tôi mới qua gần đây thì họ đã đóng cửa một số nhà máy công suất lớn do không bán được hàng”, ông Chung nói.

Bà Phạm Thị Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Việt Á cho hay rằng bà cũng đóng cửa 3/14 công ty trong tập đoàn, trong đó có công ty xây dựng từ mấy tháng trước do không có khách hàng, không vay được vốn hoặc vẫn sản xuất, kinh doanh thì gặp cảnh nợ khó đòi do các doanh nghiệp bạn hàng khác cũng khó khăn. Bà Lan than thở về việc thị trường ngày càng co hẹp do sức cạnh tranh của các doanh nghiệp để vượt qua cơn nguy khốn ngày càng lớn. Nhiều mặt hàng cạnh tranh nhau giảm giá 30-50% nên nhiều doanh nghiệp nợ nần, phá sản là điều không tránh khỏi.

Cũng do thừa cung, các doanh nghiệp không thể tiếp tục đầu tư vào sản xuất nữa vì đầu tư, sản xuất sẽ dẫn đến tình trạng thâm hụt nặng nề vào đồng vốn mà lại không thấy hiệu quả. Họ cũng không thiết tha với chuyện thừa vốn mà các ngân hàng mời mọc bởi vay vốn phải tính đến bài toán kinh doanh ngay.

Tuy nhiên, trong cơn khốn khó lúc này, các doanh nghiệp nhà nước và dân doanh đều có chung mong muốn là các chính sách tài chính, tiền tệ, kích cầu và tháo gỡ đình trệ sản xuất của Chính phủ phải thật nhanh, linh hoạt thông qua cải cách các thủ tục hành chính, hạ lãi suất, điều hành tỷ giá, dùng các công cụ thuế để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.

NGỌC LAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới