Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thách thức, triển vọng của sách điện tử và thiết bị đọc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thách thức, triển vọng của sách điện tử và thiết bị đọc

Phi Tuấn

Thách thức, triển vọng của sách điện tử và thiết bị đọc
Ảnh: Thanh Tao.

(TBKTSG) – Tăng trưởng hàng năm ở mức 30%, nhưng thị trường máy đọc sách điện tử vẫn chưa được coi là phát triển, khi chưa có nhiều doanh nghiệp cũng như các nhà xuất bản nhập cuộc.

Máy đọc sách: một thị trường nhỏ!

Amazon hiện là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trên thị trường thiết bị đọc sách điện tử. Thị trường này dù mỗi năm tăng trưởng đến 30%, nhưng vẫn còn rất nhỏ.

Ông Hoàng Giang, Giám đốc điều hành Công ty maydocsach.vn, đơn vị được hãng Amazon.com chọn làm đại lý duy nhất hiện nay ở Việt Nam, cho biết hàng tháng, công ty bán ra thị trường khoảng 300-500 máy. Các khách hàng mua khối lượng lớn là các doanh nghiệp, trường học, cả các cửa hàng bán máy đọc sách khác, và số lượng đơn đặt hàng cho loại Kindle Fire mà Amazon sẽ ra mắt vào giữa tháng 11 tới đã tăng 30% so với phiên bản trước đó.

Theo ông Giang, ở Việt Nam hiện nay chưa có công ty lớn nào được chọn làm nhà phân phối chính thức của Amazon.

Ngoài một số thiết bị điện tử có tính năng đọc sách điện tử như máy tính, máy tính xách tay, iPad và điện thoại di động, các thiết bị đọc sách chuyên dụng hiện có mặt ở thị trường Việt Nam như Amazon Kindle, Sony Reader hay Nook, với nhiều phiên bản khác nhau, giá dao động trong khoảng 3-10 triệu đồng. Trong số đó, Amazon Kindle là nổi trội nhất, chiếm khoảng 70% thị phần máy đọc sách. Nhưng theo ông Giang, chỉ khoảng 10-20% số lượng người sở hữu máy này mua sách của Amazon, còn lại thì đọc sách sưu tầm được từ các thư viện, diễn đàn trên mạng, hay chính những bản sách của công ty bán máy.

Giới xuất bản cũng chỉ mới nhập cuộc một cách e dè, chủ yếu là để thăm dò thị trường, và cho biết sẽ nhảy vào “khi thị trường đủ lớn”. Nhưng nghịch lý là để thị trường “đủ lớn” như mong đợi, cần phải có sự vào cuộc của các nhà xuất bản để phát triển nguồn e-book.

Triển vọng và thách thức của e-book

Đã có một số doanh nghiệp thực hiện sách điện tử có bản quyền. Công ty First News có một hợp đồng mua 50 đầu sách thuộc tủ sách “Hạt giống tâm hồn” với Samsung Vina để tích hợp trong các điện thoại thông minh. Công ty cổ phần Tin học Lạc Việt cũng số hóa được khoảng 3.000 cuốn trong tổng số 5.000 cuốn hợp tác với Hội Nhà văn Việt Nam. Nhưng những con số đó vẫn còn quá nhỏ.

Thoạt tiên, làm sách điện tử được nhìn nhận là “hấp dẫn và kinh tế” so với chi phí từ 80-100 triệu đồng/đầu sách, trong khoảng thời gian sáu tháng cho tất cả các khâu khi làm sách in. Làm sách điện tử chỉ cần một số thao tác kỹ thuật tin học mà không phải tốn tiền mua giấy, chi phí in ấn, cũng như việc không sợ bị tồn kho.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, khi đi vào thực tế, vấn đề kinh doanh sách điện tử cũng lắm nhiêu khê, cần phải tính toán kỹ. Nhà xuất bản Trẻ dự định sẽ tung ra các cuốn e-book trong năm nay, nhưng tất cả “vẫn chưa thể công bố chi tiết”. Ông Hà Thân, Tổng giám đốc Công ty Lạc Việt, cho biết hàng tháng, chỉ riêng tiền đóng cho các nhà mạng về việc thuê băng thông truy cập cũng ngốn mất khoản tiền 200 triệu đồng, mà doanh số thì chưa biết khi nào bù đắp được.

Theo bà Tưởng Trần Mai Vân, Giám đốc kinh doanh của First News, một trong những cách làm e-book hữu hiệu nhất là phối hợp với các đối tác bán thiết bị đọc sách, viễn thông, điện thoại di động. Theo tính toán của bà Vân, thị trường điện thoại thông minh ở Việt Nam hiện đang có khoảng nửa triệu người dùng, và chỉ cần một phần mười trong số đó tải các bản e-book về là đã đủ doanh thu để duy trì hệ thống e-book của mình.

Dự kiến đến cuối tháng 10 này, First News sẽ ra mắt một dự án hợp tác với một nhà phân phối e-book để xây dựng một nhà sách e-book trực tuyến. First News sẽ bán các e-book của mình ở mức giá khoảng chừng 30-40% so với sách in. Hiện First News đã xây dựng được 200 tựa e-book, và kế hoạch đến năm 2012 sẽ đưa lên 1.000 đầu sách do mình xuất bản.

Bà Vân cho biết thêm, những cuốn sách in, sau khi xuất bản khoảng một vài tháng, cũng sẽ được công ty tung ra phiên bản điện tử. Các khảo sát của First News cho thấy việc đọc sách điện tử là một xu hướng đáng quan tâm. Bà nói: “Họ đọc sách điện tử trước, và một khi thích cuốn sách nào đó, họ sẽ ra thị trường mua bản in của cuốn sách ấy đem về nhà cất. Như vậy là có sự tác động qua lại lẫn nhau, tạo hiệu ứng tốt cho cả sách in lẫn sách điện tử”.

Cũng vì thế, đầu tư vào làm e-book, cũng là chiến lược đón đầu làn sóng mới. Khi xu hướng đọc sách điện tử phát triển cùng một thị trường đã đủ lớn, sự chuẩn bị sẵn sàng của doanh nghiệp hẳn sẽ mang lại nhiều thuận lợi và một nguồn doanh thu đáng kể để bù đắp lượng sách in bị giảm sút.

Điều lo ngại là sự đơn độc của các nhà sản xuất trong cuộc chiến chống lại e-book lậu. E-book ở Việt Nam không hiếm, cái hiếm là sách có bản quyền. Giới xuất bản vốn đang rất chật vật trong việc chống vi phạm bản quyền sách in nên chưa mặn mà với sách điện tử. Đa số e-book tiếng Việt hiện nay đều xuất phát từ các diễn đàn trên Internet, trở thành các tài nguyên được chia sẻ miễn phí, dưới dạng thư viện trực tuyến.

Đường đi của e-book hiện nay xuất phát từ một thành viên hay quản trị viên của một diễn đàn hay thư viện trực tuyến phát lời kêu gọi các thành viên tham gia đánh máy một bản sách in nào đó. Sau đó, các đoạn đánh máy được ráp nối với nhau, chuyển định dạng, và được đưa lên miễn phí cho mọi người tải về, cũng không cần xin phép tác giả hay nhà xuất bản!

Song song với cuộc chiến về vi phạm bản quyền đang diễn ra khốc liệt đối với sách in mà cho đến nay, vẫn chưa có vũ khí chống trả hữu hiệu, các nhà xuất bản cũng đang bó tay trước cảnh các bản sách in của mình bị “luộc” thành bản điện tử, tràn lan trên mạng. First News chọn giải pháp cạnh tranh bằng kỹ thuật cùng các tiện ích mà sách có bản quyền mang lại. Đối với các diễn đàn mạng, công ty này chọn cách đối thoại để hai bên cùng có lợi, và “cực chẳng đã, mới phải nhờ đến cơ quan chức năng”.

Nhưng khi nhờ đến cơ quan chức năng, theo ông Hà Thân, “phản ánh chuyện e-book lậu lên Bộ Thông tin Truyền thông thì bộ này chỉ sang Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch. Hỏi chuyện với Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch thì được trả lời rằng đó là chuyện của tin học, bộ này không quản lý”.

Cho đến nay, trách nhiệm xử lý vi phạm bản quyền sách điện tử vẫn cứ lửng lơ như thế, doanh nghiệp vẫn phải đơn độc cam chịu. Xem chừng, cuộc chiến này sẽ vẫn hết sức gian nan.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới