Thứ năm, 24/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thách thức từ phát triển thị trường nội địa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thách thức từ phát triển thị trường nội địa

(TBKTSG Online) - Trong bài viết nhân dịp đầu năm mới ngày 2-2-2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định “nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm đúng mức đến việc chiếm lĩnh khu vực thị trường [nội địa]…Thị trường nội địa là điểm tựa để các doanh nghiệp nước ta vươn lên trong cạnh tranh, nơi các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế hơn so với thị trường nước ngoài... Cần có chính sách thích hợp để các doanh nghiệp Việt Nam phát triển nhanh, bền vững trong cả thị trường nội địa và thị trường quốc tế”.

Kinh tế thế giới đang rơi vào suy thoái, chưa xác định được thời điểm phục hồi. Do thị trường tiêu thụ bị sụt giảm, các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước công nghiệp hàng đầu trong EU đã bỏ ra nhiều tỉ đô la Mỹ thực hiện kích cầu nội địa, tăng sức mua của dân. Các nước Đông Nam Á cũng đã bắt đầu áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu.

Mấy năm gần đây, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam liên tiếp giữ ở mức trên 20%, năm 2008 trên 30%, nhưng đến năm 2009 sẽ cực kỳ khó khăn và theo nhiều chuyên gia, tăng trưởng trên 10% chưa chắc đạt được.

Trong bối cảnh đó, bên cạnh chính sách kích cầu đầu tư thì chiếm lĩnh thị trường nội địa là một chiến lược quan trọng kích thích phát triển kinh tế. Thị trường nước ta với 87 triệu dân là một thị trường lớn, tổng doanh thu hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng trong năm 2008 đạt 968.000 tỉ đồng (xấp xỉ 55 tỉ đô la Mỹ).

Thị trường nội địa đang diễn ra sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt. Doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn. Từ ngày 1-1-2009, chúng ta phải mở cửa dịch vụ phân phân phối cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Trung Quốc, “công xưởng của thế giới” đang bị ảnh hưởng nặng bởi suy thoái kinh tế, sẽ đưa một khối lượng lớn hàng giá rẻ vào Việt Nam. Thực tế, việc này đã bắt đầu diễn ra.

Đứng ở góc độ kinh doanh, nhiều doanh nghiệp Việt Nam, kể cả những doanh nghiệp lớn chỉ quan tâm phát triển mạng lưới bán lẻ ở những đô thị lớn, chưa sẵn sàng trải rộng trong cả nước. Đó là chưa nói đến cung cách bán hàng và dịch vụ hậu mãi rất kém. Còn phải kể đến một thực trạng: từ năm 2007, chạy theo cơn lốc của chứng khoán và địa ốc, nhiều doanh nghiệp sản xuất lớn đã không tập trung vào sản xuất, bỏ một lượng vốn rất lớn vào hai lãnh vực này và đã nếm mùi thua lỗ.

Quan trọng nhất vẫn là sức mua. Các doanh nghiệp đang đối mặt với sức mua của thị trường đang suy giảm do người dân hạn chế tiêu dùng và tình trạng thất nghiệp ngày càng lan rộng.Do vậy, việc chiếm lĩnh thị trường nội địa đang đứng trước những thách thức rất lớn, đòi hỏi nỗ lực và sự hợp lực của doanh nghiệp Việt Nam cũng như những chính sách hỗ trợ kịp thời và tích cực của Chính phủ.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới