Thứ Hai, 29/05/2023, 06:04
27 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Thách thức tuổi ba mươi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thách thức tuổi ba mươi

Lê Hữu Huy (*)

(TBKTSG) – Đã ba thập niên trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ mãi cái thuở “ban đầu lưu luyến” với TBKTSG qua “tác phẩm” đầu tay, mà thật ra là một bài dịch từ tờ báo tiếng Pháp Le Figaro.

Thách thức tuổi ba mươi
Anh Lê Hữu Huy.

Một ngày đẹp trời giữa năm 1991, tôi được tòa soạn mời đến dự buổi họp mặt cộng tác viên (CTV) cho trang Kinh tế Thế giới (KTTG) do đích thân tổng biên tập lúc đó là anh Võ Như Lanh chủ trì. Dù chỉ là một cậu sinh viên 21 tuổi mới ra trường làm việc cho ngành ngân hàng và chưa được đào tạo gì về nghiệp vụ báo chí nhưng tôi vẫn được anh Lanh và các anh chị trong ban biên tập (BBT) khuyến khích phát biểu. Tôi không thể quên nụ cười hiền hậu và ánh mắt thân thiện của anh Lanh khi chăm chú nghe tôi và các CTV khác đóng góp ý kiến cho trang KTTG và nội dung tổng thể của TBKTSG.

Ba mươi năm đã trôi qua cùng nhiều nhân duyên khiến tôi gắn bó với TBKTSG nhưng có lẽ chính nụ cười của anh Lanh cùng sự quan tâm của các anh chị trong BBT là những nguồn động viên lớn lao cho tôi tiếp tục cầm viết để đóng góp một phần nhỏ vào công cuộc xây dựng phát triển ở quê nhà.

Không sống bằng nghề báo nhưng không biết tự lúc nào tôi đã đeo đẳng cái nghiệp cầm viết cùng với nghề dạy học và kinh doanh. Với ai đó, đây có thể là một thú vui nhưng với tôi, viết là một quá trình lao động trí óc đầy vất vả. Không khác những bài viết nghiên cứu khoa học hay mang tính học thuật, một bài báo trên một “tuần báo của giới kinh doanh, nhà quản lý và những người quan tâm đến kinh tế” như TBKTSG cũng phải đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng thông tin và cách diễn đạt. Nhưng với tôi thì viết báo cáo khoa học theo khuôn mẫu và cấu trúc có sẵn dù công phu và tiêu tốn nhiều thời gian lại không khó bằng viết một bài báo khi trái tim của mình nằm trong đó. Lắm lúc ngồi cả buổi trời mới viết được một đoạn mở đầu rồi lại xóa đi, điều chỉnh lại dàn ý. Nhưng cũng có khi chỉ ngồi xuống trước màn hình máy tính thì ý tưởng tuôn trào và tôi có thể viết một mạch từ đầu chí cuối.

Chia sẻ kiến thức kinh tế, kinh doanh cho độc giả trẻ, nhất là đối tượng sinh viên là một trong những hoạt động mà TBKTSG luôn quan tâm trong suốt 30 năm qua.

Trong nhiều năm qua, yêu cầu đối với một bài báo được đăng trên các tạp chí/tuần báo kinh doanh nói chung và TBKTSG nói riêng ngày càng cao hơn bởi sự cạnh tranh khốc liệt giữa báo giấy và truyền thông kỹ thuật số, nhất là sự xuất hiện đa dạng của mạng xã hội. Những tạp chí nguyệt san hay tuần báo như TBKTSG lại có những hạn chế nhất định so với nhật báo luôn cập nhật tin tức nóng hổi cho độc giả (bảng 1). Nhưng thách thức cũng là cơ hội giúp cho tạp chí, tuần báo phát huy thế mạnh của mình và nhờ vậy các nhà báo hay CTV phải điều chỉnh và nâng tầm của mình lên qua việc học hỏi và tiếp thu liên tục kiến thức, thông tin và đổi mới phong cách viết. Với CTV là doanh nhân trong lĩnh vực tư vấn luôn theo sát thực tiễn kinh doanh thì điều này không quá khó nhưng có lẽ tôi sẽ không trưởng thành nếu không có sự quan tâm hỗ trợ của tòa soạn qua những đầu mối “giao liên” như biên tập viên (BTV) hay trợ lý/thư ký.

Khiêm tốn phải là đức tính vốn có của trí thức, doanh nhân và người cầm viết nhưng nhìn lại quãng đường đã qua, tôi không giấu nổi niềm vinh hạnh và tự hào được đồng hành với TBKTSG từ những năm tháng đầu tiên, với tình cảm gắn bó qua công việc với các anh chị BTV, với những nỗi buồn của người con xa xứ và những buổi gặp gỡ, chuyện trò thân tình khi có dịp về thăm nhà.

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa chắc hẳn là những nhân tố giúp TBKTSG tồn tại và phát triển vững mạnh trong suốt 30 năm qua. Nhưng ở góc độ chuyên môn, tôi xin phép đánh giá thành công của TBKTSG qua bảng dưới đây (bảng 2).

Khi mới bắt đầu viết cho TBKTSG, tôi hiểu khẩu hiệu “Tuần báo của giới kinh doanh, nhà quản lý và những người quan tâm đến kinh tế” là thông điệp dành cho độc giả. Thế nhưng trên thực tế, hầu như tất cả các phương tiện truyền thông đều sống bằng quảng cáo nên tôi tin rằng TBKTSG sẽ luôn tìm sự cân đối trong cách tiếp cận hướng đến người đọc (reader-driven approach) và phục vụ doanh nghiệp quảng cáo (advertiser-driven approach). Cụ thể như trang “Thông tin doanh nghiệp” có thể điều chỉnh với co chữ to hơn và dễ đọc hơn. Theo lẽ tự nhiên, doanh nghiệp quảng cáo nào cũng muốn đưa thật nhiều thông tin để chào bán sản phẩm và dịch vụ của mình nhưng nếu thiếu bàn tay chăm chút của BTV hay tư vấn đồ họa hình ảnh, những trang thông tin này sẽ chẳng có mấy ai quan tâm hay có tác dụng ngược.

Về Sản phẩm (Package), TBKTSG đã có những cải tiến đột phá với sự phân định nhưng kết hợp chặt chẽ giữa nội dung báo giấy và báo mạng và truyền thông kỹ thuật số bản tin video cùng với các hoạt động hội thảo hay giao lưu trực tuyến mang tính tương tác khá cao. Tuy nhiên, về mặt tiếp thị thì hình như chưa có sản phẩm trọn gói, theo đó độc giả có thể tiếp cận đầy đủ nội dung của tất cả các ấn phẩm trên mọi nền tảng. Đơn cử như tại Singapore, những độc giả của nhật báo The Straits Times trả tiền cho báo in được cung cấp mã số truy cập phiên bản điện tử và cũng có thể đăng ký mua/xem các ấn phẩm khác của tập đoàn báo chí SPH với giá ưu đãi và trọn gói. Đáng lưu ý là hầu hết người Singapore đều sử dụng thiết bị công nghệ nhưng báo giấy vẫn là sự lựa chọn của nhiều người và các trang quảng cáo ngoài yếu tố thương mại cũng có một số hấp dẫn về nội dung.

Trên phương diện xúc tiến cổ động (Promotion), TBKTSG đã có nhiều chương trình hoạt động có ý nghĩa và bổ ích nhưng cần đi vào chiều sâu hơn và mang tính giáo dục hơn. Ví dụ như những buổi thuyết trình chuyên đề về văn hóa và kỹ năng đọc, chia sẻ kiến thức kinh tế, kinh doanh cho độc giả trẻ, nhất là đối tượng sinh viên.

Bảng so sánh (bảng 3) cho thấy tạp chí kinh doanh là một sự dung hòa khoảng cách giữa tạp chí học thuật và tạp chí phổ thông nhờ hướng đến những đối tượng chuyên biệt, nhưng người bình thường không có chuyên môn cũng cảm thấy thích thú. Thật vậy, TBKTSG không chỉ là một tạp chí kinh tế-kinh doanh đơn thuần vì ngoài những bài báo nghiên cứu khá sâu của các chuyên gia kinh tế hay những doanh nhân kinh nghiệm lâu năm, TBKTSG còn có trang Văn hóa-Xã hội cũng là nối dài cánh tay với độc giả “chưa” quan tâm lắm về kinh doanh hay kinh tế.

Ba mươi năm có thể là một quãng thời gian khá dài trong đời người nhưng nếu với một cá nhân ở độ tuổi tam thập nhi lập thì thành công chỉ mới là khởi đầu cho những thách thức. Thật vậy, TBKTSG là một tờ báo có tuổi đời còn trẻ với nhiều tiềm năng nội lực chưa khai thác và phát huy hay những miền đất mới chưa khám phá. Trên tinh thần đó, tôi cũng cảm thấy mình còn sung sức như thời thanh niên và mong sẽ có điều kiện tiếp tục đi chung một con đường với TBKTSG để đáp ứng những yêu cầu và đòi hỏi ngày càng cao hơn của độc giả, doanh nghiệp quảng cáo và làm những điều ý nghĩa cho thành phố Sài Gòn nơi tôi sinh ra và Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Singapore, 29-10-2020

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới