Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thái Lan cân nhắc tạm cấm xuất khẩu vaccine Covid-19 của AstraZeneca

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thái Lan cân nhắc tạm cấm xuất khẩu vaccine Covid-19 của AstraZeneca

Chánh Tài

(KTSG Online) – Thái Lan đang cân nhắc tạm cấm hoặc hạn chế xuất khẩu vaccine Covid-19 của hãng dược AstraZeneca (Anh) được sản xuất trong nước thông qua đối tác Siam Bioscience, một công ty dược phẩm thuộc Hoàng gia Thái Lan. Động thái này, nếu được thông qua, sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung vaccine của AstraZeneca cho các nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam.

Thái Lan cân nhắc tạm cấm xuất khẩu vaccine Covid-19 của AstraZeneca
Siam Bioscience, công ty dược phẩm thuộc Hoàng gia Thái Lan, là đối tác sản xuất vaccine Covid-19 duy nhất của AstraZeneca ở Đông Nam Á. Ảnh: Reuters/Financial Times

Hôm 14-7, Giám đốc Viện Vaccine quốc gia Thái Lan, Nakorn Premsri, cho biết sẽ thảo luận với tất cả các bên liên quan trước khi ra quyết định tạm cấm hoặc hạn chế xuất khẩu vaccine Covid-19 AstraZeneca. Cuộc thảo luận sẽ tập trung giải quyết nguồn cung vaccine cho Thái Lan giữa lúc làn sóng lây nhiễm Covid thứ 3 đang hoành hành dữ dội tại nước này với số ca nhiễm gần 10.000 mỗi ngày.

Trong năm nay, AstraZeneca lên kế hoạch sản xuất 180 triệu liều vaccine tại Thái Lan thông qua đối tác Siam Bioscience, với mục tiêu xuất khẩu 2/3 số vaccine này sang các nước Đông Nam Á. Thái Lan sẽ nhận 1/3 số vaccine còn lại, tương đương 60 triệu liều. Tuy nhiên, ông Nakorn Premsri cho biết, với tình hình dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng ở Thái Lan, kế hoạch đó có thể cần thay đổi.

Vaccine Covid-19 của AstraZeneca và của hãng công nghệ sinh học Sinovac (Trung Quốc) là trụ cột của chương trình tiêm chủng của Thái Lan, đang triển khai chậm hơn 50% so với mục tiêu kể từ khi chương trình tiêm chủng đại trà được khởi động vào tháng trước do nguồn cung vaccine bị hạn chế. Siam Bioscience là đối tác sản xuất vaccine Covid-19 duy nhất của AstraZeneca ở Đông Nam Á, nơi tỷ lệ tiêm chủng còn thấp so với các nước phát triển.

Reuters cũng dẫn lời ông Nakorn Premsri cho biết Viện Vaccine quốc gia Thái Lan đã nhất trí soạn thảo một sắc lệnh yêu cầu đặt hạn ngạch xuất khẩu vaccine Covid-19 của AstraZeneca. Ông nói sắc lệnh chưa được ban hành vì các cơ quan ban ngành cần đánh giá tác động của nó. Ông cho hay: “Chúng tôi sẽ thảo luận với nhà sản xuất vaccine để họ có thể giao vaccine cho Thái Lan với số lượng phù hợp với tình hình bùng phát dịch bệnh ở trong nước”.

Đại diện của AstraZeneca chưa đưa bình luận nào về các phát biểu của ông Nakorn Premsri.

Hiện nay, mới chỉ có khoảng 5% trong hơn 66 triệu người dân Thái Lan được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine Covid-19.
Siam Bioscience bắt đầu sản xuất vaccine của AstraZeneca kể từ tháng 6. Tháng trước, AstraZeneca đã giao 6 triệu liều vaccine cho Thái Lan. Các thông tin trước đây cho biết AstraZeneca sẽ giao tiếp cho Thái Lan 10 triệu liều vaccine mỗi tháng trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 12.

Tuy nhiên, hồi đầu tháng 7, ông Nakorn Premsri tiết lộ AstraZeneca đã gửi thư thông báo chỉ có giao cho Thái Lan 5-6 triệu liều vaccine mỗi tháng bắt đầu từ tháng này vì một phần sản lượng vaccine của AstraZeneca, do Siam Bioscience sản xuất, sẽ được xuất khẩu cho các nước trong khu vực. Ông thừa nhận hợp đồng với AstraZeneca chỉ quy định rằng công ty này phải giao đủ 61 triệu liều vaccine vào cuối năm nay, chứ không đặt ra sản lượng vaccine tối thiểu phải giao mỗi tháng.

Ông nói Siam Bioscience có thể sản xuất 15 triệu liều vaccine của AstraZeneca mỗi tháng nhưng chỉ 1/3 số vaccine này được phân bổ cho Thái Lan, số vaccine còn lại là để xuất khẩu. Thủ tướng Thái Lan, Prayut Chan-o-cha đặt mục tiêu tiêm 10 triệu liều vaccine Covid-19 mỗi tháng bắt đầu từ tháng này để tái mở cửa đất nước trong vòng 120 ngày tới, Với nguồn cung vaccine của AstraZeneca bị thiếu hụt do với dự định, chính phủ Thái Lan đã đặt mua thêm 11 triệu vaccine Covid-19 của Sinovac.

Hồi đầu tuần này, Bộ Y tế Thái Lan thông báo thay đổi chính sách vaccine để cho phép tiêm kết hợp vaccine của Sinovac và vaccine của AstraZeneca. Theo đó, những người dân đã nhận được mũi tiêm thứ nhất là vaccine của Sinovac sẽ được tiêm vaccine của AstraZeneca ở mũi thứ 2. Bộ Y tế Thái Lan nói rằng có bằng chứng khoa học cho thấy sự kết hợp này tăng tính hiệu quả của vaccine, đặc biệt là trong việc ngăn ngừa biến thể Delta của virus SARS-CoV-2.

Nhà vi rút học, Yong Poovorawan ở Đại học Chulalongkorn, cho biết có khoảng 1.200 người Thái Lan đã nhận được các mũi tiêm kết hợp này, chủ yếu là do họ tự yêu cầu thay đổi vaccine ở mũi tiêm 2. Nghiên cứu của ông cho thấy việc tiêm kết hợp hai mũi vaccine của Sinovac và AstraZeneca tạo ra lượng kháng thể tương đương với 2 mũi vaccine của AstraZeneca.

Một nghiên cứu của khoa y dược thuộc Đại học Thammasat và Trung tâm Công nghệ sinh học và kỹ thuật gen quốc gia Thái Lan cho thấy lượng kháng thể ở những người được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine Covid-19 của Sinovac giảm 50% sau mỗi 40 ngày. Nghiên cứu được thực hiện với 500 người đã nhận được 2 mũi tiêm vaccine của Sinovac. Hầu hết các nhân viên y tế ở Thái Lan đã được tiêm 2 mũi vaccine của Sinovac trong tháng 5 và tháng 6.

Theo các chuyên gia, họ cần tiêm bổ sung 1 mũi vaccine nữa trong vòng 3-4 tháng tới. Bác sĩ Prapaporn Pisitkun ở Bệnh viện Ramathibodi tại Bangkok phát hiện thấy rằng lượng kháng thể trung hòa virus SARS-CoV-2 trong cơ thể bà giảm khoảng 30% chỉ trong 2 tháng sau khi bà tiêm vaccine của Sinovac.

Theo Reuters, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới