Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thái Lan chuyển sang chiến lược sống chung với Covid-19

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thái Lan đang chuẩn bị chuyển sang chiến lược sống chung với dịch bệnh Covid-19 với các kế hoạch ban đầu là nới lỏng một số hạn chế đi lại và kinh doanh cũng như tái mở cửa biên giới để đón du khách nước ngoài đã tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ. Động thái này diễn ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới hàng ngày ở xứ sở chùa Vàng đang dao động quanh mức 20.000 ca mỗi ngày.

Khu phố mua sắm Ratchaprasong ở Bangkok vắng vẻ trong thời kỳ phong tỏa để kiểm soát Covid-19. Chính phủ Thái Lan đang lên kế hoạch nới lỏng một số biện pháp hạn chế đi lại và kinh doanh. Ảnh: AFP

Nới lỏng phong tỏa và nhân rộng mô hình “Hộp cát Phuket”

Hôm 23-8, Ủy ban Bệnh truyền nhiễm quốc gia Thái Lan tán thành kế hoạch chuyển sang chiến lược “học cách sống chung với Covid-19” sau khi ghi nhận tính chất bệnh dịch dai dẳng của virus SARS-CoV-2, theo Tiến sĩ Opas Karnkawinpong, Cục trưởng Cục Kiểm soát dịch bệnh của Bộ Y tế Thái Lan.

Ông cho biết từ nay trở đi, Thái Lan sẽ tập trung khống chế số ca nhiễm xuống mức không làm quá tải công suất của hệ thống y tế bằng các biện pháp quan trọng như tiêm vaccine Covid-19 cho toàn bộ các nhóm dễ tổn thương và truy vết tiếp xúc nhanh chóng hơn với giả định ai cũng có thể bị lây nhiễm và lan truyền virus SARS-CoV-2.

Một trong những đề xuất ban đầu của Ủy ban Bệnh truyền nhiễm quốc gia Thái Lan là nới lỏng một số lệnh phong tỏa bắt đầu từ tháng tới và nhân rộng mô hình “Hộp cát Phuket”, sang các địa danh du lịch khác ở Thái Lan. Sáng kiến “Hộp cát Phuket”, được triển khai hồi đầu tháng 7, cho phép du khách nước ngoài đã tiêm phòng đầy đủ và có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 đến thăm đảo Phuket mà không bị cách ly.

Thái Lan được xem là một câu chuyện chống dịch thành công trong suốt năm ngoái với số ca nhiễm và tử vong tương đối thấp dù đây là nước đầu tiên bên ngoài Trung Quốc phát hiện ca nhiễm Covid-19.

Sự tự tin nhờ sớm kiểm soát dịch bệnh là một trong những lý do khiến chính phủ Bangkok chậm đàm phán và ký kết các thỏa thuận vaccine Covid-19 cũng như chậm triển khai tiêm chủng. Một loạt trục trặc trong chương trình tiêm chủng quốc gia đã dẫn đến tỷ lệ tiêm vaccine vẫn còn thấp khi biến thể Delta ập tới, khiến số ca nhiễm mới tăng gần như không ngừng nghỉ kể từ làn sóng lây nhiễm thứ 3 bùng lên hồi đầu tháng 4 mà cho đến nay khiến hơn 1 triệu người nhiễm bệnh.

Dịch đã đạt đỉnh?

Các quan chức y tế Thái Lan cho biết dữ liệu mới nhất về số ca nhiễm, kết quả dương tính trong tổng mẫu xét nghiễm hàng ngày, số bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt và các mẫu hình lây lan của dịch bệnh cho thấy đợt bùng phát dịch Covid-19 hiện tại đã đạt đỉnh. Tiến sĩ Opas Karnkawinpong cho rằng điều này cho phép giới chức trách nới lỏng một số biện pháp hạn chế đi lại và kinh doanh.

Hôm 23-8, Thái Lan báo cáo có 17.491 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, mức thấp nhất trong 1 ngày kể từ ngày 30-8. Trong phần lớn tháng này, số ca nhiễm ở Thái Lan luôn duy trì ở mức hơn 20.000.

Thái Lan phải chấp nhận thiệt hại kinh tế rất lớn mới có được mức giảm số ca nhiễm tương đối nhỏ đó. Hiện tại, các tỉnh thành nơi có hơn 40% dân số Thái Lan sinh sống và đóng góp đến ¾ sản lượng kinh tế của đất nước vẫn đang bị đặt dưới lệnh phong tỏa, bao gồm các biện pháp như đóng cửa tất cả các cơ sở kinh doanh không thiết yếu, hạn chế đi lại liên tỉnh và lệnh giới nhiêm từ 9 giờ tối đến 4 giờ sáng.

Thira Woratanarat, Phó Giáo sư ở khoa y của Đại học Chulalongkorn, nói rằng số ca nhiễm mới giảm không phản ánh tình hình thực tế của dịch bệnh vì nhiều ca nhiễm bị bỏ sót do sử dụng các bộ kit tự xét nghiệm và số lượng xét nghiệm cũng giảm xuống.

Ông Woratanarat cho rằng trong khi giới chức trách kêu gọi thay đổi chiến lược phòng chống Covid-19, thông điệp của họ đưa ra hôm 23-8 cũng chẳng khác gì tuyên bố của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, hồi tháng 6 nói rằng phần lớn đất nước sẽ tái mở cửa vào tháng 10 để giảm tổn thương khổng lồ cho những người dân đang bị mất kế sinh nhai. Ông Woratanarat gọi việc Thái Lan chuyển sang chiến lược sống chung với Covid-19 là “một rủi ro có tính toán” và kêu gọi người dân sẵn sàng sống chung với rủi ro này.

Cho đến nay, khoảng 8% dân số Thái Lan đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine Covid-19. Tỷ lệ tiêm vaccine ở các điểm nóng lây nhiễm Covid-19 như Bangok và các khu vực tái mở cửa hoặc chuẩn bị tái mở cửa đón du khách quốc tế như Phuket, đang ở mức cao hơn so với phần còn lại của Thái Lan.

Tiến sĩ Opas Karnkawinpong nói việc Phuket tái mở cửa vào đầu tháng 7 để đón du khách nước ngoài được tiêm vaccine đầy đủ cho thấy nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động kinh tế có thể cải thiện và mọi người có thể trở lại cuộc sống thường ngày.

Tuần trước, chính phủ Thái Lan cho biết sẽ cấp hộ chiếu Covid-19 cho những người dân đã được tiêm vaccine đầy đủ, cho phép họ sử dụng nó để đến một số nơi nhất định như nhà hàng.

Bác sĩ chuyên khoa niệu Kampanat Porn- yotkrai, người theo dõi chặt chẽ tình hình dịch ở Thái Lan và các nước, cho rằng làn sóng lây nhiễm Covid-19 hiện tại ở Thái Lan đã qua mức đỉnh với hơn 23.000 ca nhiễm được ghi nhận vào ngày 13-8. Dù vậy, ông cảnh báo dịch sẽ chưa kết thúc mà sẽ từ từ lắng xuống sau khi đạt đỉnh. Ông nói đường cong lây nhiễm của đợt bùng phát dịch lần thứ 3 này mất 2-3 tháng để đạt đỉnh, do vậy, cũng sẽ mất từ 2-3 tháng nữa để đi xuống hẳn. Điều này có nghĩa là Thái Lan có thể ghi nhận thêm 300.000-400.000 ca nhiễm và khoảng 2.000-3.000 ca tử vong nữa trước khi làn sóng lây nhiễm lần này kết thúc.

Theo Bloomberg, Bangkok Post

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới