(KTSG Online) - Bộ Thương mại Thái Lan cho biết sẽ đàm phán với Ấn Độ và Việt Nam về các chiến lược giải quyết tình trạng giá gạo giảm mạnh do nguồn cung dư thừa.
Chính phủ Thái Lan đang chịu áp lực lớn sau khi giá lúa trong nước lao dốc, dẫn đến các cuộc biểu tình của nông dân yêu cầu nhà nước hỗ trợ tài chính.
- Thái Lan -Việt Nam bắt tay đưa ra chiến lược giá gạo
- Nông dân Thái Lan đổ xô trồng lúa jasmine 85 của Việt Nam

Kiểm soát cạnh tranh để ngăn giá gạo giảm thêm
Phát biểu trước Quốc hội Thái Lan hôm 6-3, Bộ trưởng Thương mại Pichai Naripthaphan công bố kế hoạch hợp tác với Ấn Độ và Việt Nam để chặn đà giảm của giá gạo trên thị trường quốc tế.
Ông cho biết, các cuộc đàm phán với Ấn Độ và Việt Nam, hai nước xuất khẩu gạo lớn nhất và lớn thứ ba thế giới vào năm ngoái, sẽ tập trung vào việc phối hợp các chiến lược thị trường để kiểm soát cạnh tranh nhằm ngăn giá gạo giảm thêm. Mục tiêu tiêu cuối cùng là hỗ trợ người nông dân trồng lúa ở cả ba nước.
“Chúng tôi đã thảo luận vấn đề này nhưng chúng tôi cần thêm một cuộc họp khác để trao đổi thêm”, ông Pichai Naripthaphan nói về các cuộc đàm phán với phía Ấn Độ và Việt Nam.
Ông trình bày kế hoạch trên để phản hồi chất vấn của nghị sĩ Narongdet Urankul của đảng Nhân dân về tương lai của 2,2 triệu tấn gạo được cho là vẫn chưa bán được của Thái Lan.
Ngoài ra, Bộ Thương mại Thái Lan đã tiếp cận các nước châu Phi, một thị trường tiềm năng cho gạo Thái Lan, và cho đến nay đã thương lượng được hợp đồng bán 370.000 tấn gạo. Bộ trưởng Pichai Naripthaphan dự định đến châu Phi vào tháng này để hoàn tất hợp đồng.
Ông nhấn mạnh, Bộ Thương mại đang ưu tiên cải thiện sinh kế của nông dân thông qua nhiều sáng kiến, bao gồm thúc đẩy các loại cây trồng thay thế có thu nhập cao. Ông tiết lộ, trong chuyến thăm Nhật Bản gần đây, ông được biết nước này nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn chuối mỗi năm. Trong khi đó, Thái Lan chỉ sản xuất được 8.000 tấn mỗi năm, với mức xuất khẩu là 2.000 tấn.
“Nếu nông dân chuyển sang trồng chuối để xuất khẩu sang Nhật Bản, họ có thể kiếm được khoảng 100.000 baht (2.970 đô la Mỹ) /rai (0,16 hecta), so với mức 1.000 baht/rai mà họ hiện kiếm được từ việc trồng lúa”, ông nói.
Để hỗ trợ sự thay đổi này, Bộ Thương mại Thái Lan đã mời đại diện thương mại và nhà nhập khẩu Nhật Bản đến kiểm tra một đồn điền chuối thử nghiệm ở tỉnh Nakhon Ratchasima.
Tuy nhiên, nghị sĩ Narongdet Urankul tỏ ra hoài nghi và yêu cầu ông Pichai tham khảo ý kiến của Bộ Nông nghiệp và các chuyên gia trước khi đề xuất một thay đổi mạnh mẽ như vậy. Vị nghị sĩ này không tin các chuyên gia sẽ khuyến khích nông dân Thái Lan từ bỏ trồng lúa để chuyển sang trồng chuối.
Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề sau khi Ấn Độ nối lại hoạt động xuất khẩu gạo . Bộ Thương mại Thái Lan dự kiến, lượng gạo xuất khẩu trong năm nay giảm 24%, xuống còn 7,5 triệu tấn.
Hiện tại, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam đều giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.
Vào năm 2022, chính phủ Thái Lan từng thông báo đạt được thỏa thuận với Việt Nam để cùng phối hợp tăng giá gạo xuất khẩu. Mục tiêu là sử dụng vị thế xuất khẩu gạo của hai nước để đàm phán giá cả hợp lý hơn, dựa trên cơ chế thị trường.
Tuy nhiên, phía Việt Nam, thông qua các phát ngôn từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng như Bộ Ngoại giao nhấn mạnh rằng, Việt Nam tôn trọng quy luật thị trường và tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cùng các hiệp định thương mại quốc tế.

Tăng cường hỗ trợ tài chính cho nông dân
Giá lúa trong nước ở Thái Lan giảm 30 % so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức trung bình khoảng 8.600 baht (6,5 triệu đồng VN) /tấn vào tháng trước.
Lo lắng khi giá lúa liên tục giảm, nông dân Thái Lan đã nhiều lần kêu gọi chính phủ hỗ trợ trong tháng qua.
Hôm 4-3, khoảng 1.000 nông dân từ các tỉnh trồng lúa ở miền trung và miền đông Thái Lan biểu tình trước trụ sở của Bộ Nông nghiệp ở Bankok để kêu gọi hỗ trợ tài chính. Các đại diện của nông dân yêu cầu nhà nước bảo đảm giá mua lúa độ ẩm 15% ở mức 11.000 baht (8,35 triệu đồng VN)/tấn, so với mức giá thị trường hiện tại là 8/200-8.600 baht/tấn.
Tháng trước, chính phủ Thái Lan công bố các biện pháp hỗ trợ trị giá 1,89 tỉ baht, bao gồm cung cấp khoản vay cho nông dân trì hoãn bán lúa, hỗ trợ chi phí lưu trữ lúa. Đầu tháng này, chính phủ thông báo hỗ trợ cho nông dân trồng lúa trái vụ ở mức 1.000 baht/ rai và tối đa 10 rai cho mỗi hộ nông dân.
Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội hôm 6-3, Bộ trưởng Thương mại Pichai Naripthaphan cho biết đang soạn thảo đề xuất hỗ trợ cho nông dân thêm 1.000 baht cho mỗi tấn lúa trồng trái vụ.
Theo Charoen Laothammatas, Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan, giá gạo giảm mạnh vì Ấn Độ nối lại xuất khẩu gạo trắng, trong khi đó, Indonesia và Philippines trì hoãn nhập khẩu gạo trong quí đầu tiên của năm nay. Đồng thời, nông dân Thái Lan mở rộng diện tích trồng lúa và đạt năng suất cao.
Ông đề xuất chính phủ nên giúp nông dân giảm chi phí sản xuất lúa thay vì trợ cấp để giữ giá lúa, điều có thể làm méo mó cơ chế thị trường.
Trong khi đó, Bộ trưởng Pichai Naripthaphan tái khẳng định cam kết của chính phủ trong việc đảm bảo nông dân có thu nhập bền vững lâu dài thông qua việc cải thiện giống lúa và mở rộng xuất khẩu, thay vì chỉ dựa vào hợ trợ tài chính ngắn hạn.
Ngành lúa gạo Thái Lan đang chịu áp lực nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, nợ nông nghiệp không bền vững và thiếu sự đổi mới, dù đã nhận được hàng chục tỉ đô la trợ cấp trong thập niên qua.
Năng suất lúa của Thái Lan chỉ đạt 400 kg/rai, mức thấp nhất thế giới, so với 800 kg/rai của Việt Nam.
Theo Reuters, Bangkok Post, The Nation