Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thái Lan nâng trần nợ công lên 70% GDP để có thêm kinh phí tái thiết kinh tế

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chính phủ Thái Lan sẽ nâng trần nợ công để vay thêm tiền và chi tiêu nhiều hơn nhằm hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế sau đòn giáng nặng nề của đại dịch Covid-19.

Sau cuộc họp của Ủy ban chính sách tài khóa và tiền tệ quốc gia Thái Lan, do Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha chủ trì, Bộ trưởng Tài chính, Arkhom Termpittayapaisith cho biết giới hạn tỷ lệ nợ công trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan sẽ được nới lên mức 70% từ mức 60%, để cho phép chính phủ vay thêm nếu cần thiết.

Một người bán hàng rong trên đường phố Bangkok. Chính phủ Thái Lan quyết định tăng trần nợ công để có thể vay thêm và chi tiêu cứu trợ doanh nghiệp, người dân trong đại dịch Covid. Ảnh: Xinhua

Mức trần nợ công này sẽ có hiệu lực sau khi được thông báo trên Công báo của Hoàng gia Thái Lan Royal Gazette. Ủy ban chính sách tài khóa và tiền tệ quốc gia Thái Lan, bao gồm các đại diện của Bộ Tài chính, Ngân hàng Trung ương, Hội đồng Phát triển kinh tế xã hội quốc gia và Văn phòng ngân sách trung ương Thái Lan, có quyền xem xét lại mức trần nợ công 3 năm một lần, bao gồm năm nay.

Khi đại dịch Covid-19 kéo dài qua năm thứ 2, với việc phải hứng chịu tác động tàn khốc từ biến thể Delta của virus SARS-CoV-2, ngân sách của chính phủ Thái Lan đang cạn kiệt và các lựa chọn chính sách tiền tệ cũng không còn nhiều. Ông Arkhom nhấn mạnh mức trần nợ công cao hơn “là để mở rộng không gian tài chính cho chính phủ và đảm bảo nó không phải là vấn đề trở ngại nếu chính phủ cần vay tiền để thực hiện chính sách tài khóa trong trung hạn, đồng thời duy trì khả năng trả nợ tốt”.

Ông cho biết tỷ lệ nợ mới phù hợp với đạo luật kỷ luật tài khóa của nhà nước.

Thái Lan đã không nâng trần nợ công trong ít nhất một thập niên qua để xây dựng danh tiếng về kỷ luật tài khóa. Nhưng với mức trần nợ công đã nhích gần đến ngưỡng theo luật định, các nhà quản lý nợ của nước này sẽ khó đáp ứng nhu cầu tài chính cho năm tài khóa tiếp theo, bắt đầu vào tháng 10 tới.

Mức giới hạn nợ công mới cho phép chính phủ Thái Lan tiếp tục thực hiện kế hoạch vay nợ trong năm tới, ước tính khoảng 2,3 ngàn tỉ baht (69 tỉ đô la Mỹ), để bổ sung cho ngân sách đang thâm hụt, giúp chi tiêu cứu trợ doanh nghiệp và người dân trong đại dịch Covid-19 và tái cấp vốn cho các khoản nợ hiện hành.

Ngoài ra, Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha, người vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm lần thứ  hai trong năm nay, đang đứng trước áp lực bổ sung thêm cho kế hoạch vay 1,5 ngàn tỉ baht (45 tỉ đô la) hiện tại của chính phủ khi nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á bầm dập vì làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 3 bắt đầu từ tháng 4.

Tháng trước, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan, Sethaput Suthiwartnarueput kêu gọi chính phủ chi thêm 1 ngàn tỉ baht (30 tỉ đô la) để chống đại dịch, trong khi các phòng thương mại đề xuất các biện pháp kích thích trị giá tới 1,5 ngàn tỉ baht và tăng trần nợ công lên 80% để phục hồi ngành du lịch và nền kinh tế dựa vào thương mại.

Tỷ lệ nợ công trên GDP của Thái Lan dự kiến ​​sẽ đạt 58,9% vào cuối tháng 9 này, theo Bộ Tài chính Thái Lan.

Vào cuối tháng 7, tỷ lệ này là 55,6%, tương đương 8,9 ngàn tỉ baht và dự kiến ​​sẽ tăng lên 63,8% vào cuối năm 2022 vì Thái Lan sẽ cần các biện pháp tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch, các nhà phân tích của Ngân hàng Kasikornbank cho biết trong một báo cáo nghiên cứu công bố hồi tuần trước.

Nước láng giềng Malaysia cũng đang chuẩn bị nâng trần nợ công lần thứ 2 trong vòng hơn một năm, trong khi đó, nợ công của Philippines cũng đã chạm ngưỡng rủi ro.

Tại cuộc điều trần về quản lý nợ công trước Ủy ban Tài chính của Hạ viện Philippines hồi đầu tháng 9, Bộ trưởng Tài chính Carlos Dominguez III đã bác bỏ đề xuất của các nghị sĩ về việc áp trần nợ công vì ông cho rằng Philippines cần duy trì tính linh động về ngân sách trong nỗ lực ứng phó đại dịch. Ông lưu ý Indonesia cũng có luật để áp mức trần nợ công và thâm hụt ngân sách, tuy nhiên, Indonesia đã tạm gạt qua luật này để có thể vay và chi tiêu nhiều hơn, giúp nền kinh tế phục hồi sau tác động của đại dịch.Khi chính phủ Philippines tăng cường vay nợ để củng cố ngân sách chống dịch bệnh, tỷ lệ nợ công trên GDP của nước này nhảy lên mức 54,6% hồi năm ngoái, từ mức thấp kỷ lục 39,6% vào năm 2019. Do nợ tích lũy nhanh hơn tốc độ phục hồi của nền kinh tế, tỷ lệ nợ công của Philippines đã chạm mức 60,4% hồi cuối tháng 6, cao hơn mức 60%, vốn được các hãng xếp hạng tín nhiệm nợ xem là ngưỡng nợ công tối đa có thể quản lý ở các thị trường mới nổi.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới