Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thái Lan: nhà đầu tư thất vọng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thái Lan: nhà đầu tư thất vọng

Huỳnh Hoa

Nhân viên cứu hỏa đang ra sức dập lửa tại trung tâm thương mại Central World bị người biểu tình đốt cháy hôm qua 19-5. Ảnh Reuters

(TBKTSG Online) – Những trận bắn nhau chết người trên đường phố biến nhiều phần của thủ đô Thái Lan thành vùng chiến sự đã làm lạnh gáy các nhà đầu tư nước ngoài, gây khó khăn cho một quốc gia từng nằm trong số các nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực nhưng bây giờ đã mất ưu thế so với các đối thủ cạnh tranh.

Các công ty có thể thay đổi hoạt động dễ dàng – thuộc các ngành như dịch vụ và công nghiệp nhẹ – đã bắt đầu chuyển ra khỏi nước này, còn các nhà đầu tư dài hạn đang suy nghĩ một cách nghiêm túc có nên đưa ra các cam kết mới hay không.

Hôm qua thứ Tư, chính phủ Thái Lan đã trấn áp quyết liệt những người biểu tình đã chiếm giữ trung tâm thành phố Bangkok trong nhiều tuần. Ít nhất bốn người đã thiệt mạng và khoảng 300 người bị thương, đưa số tử vong lên 68 người kể từ khi phe Áo Đỏ bắt đầu cuộc phản đối của họ hồi tháng Ba, nhằm tìm cách lật đổ chính phủ của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva.

Các doanh nghiệp nước ngoài thường nghĩ rằng Thái Lan miễn dịch với bất ổn chính trị, vì hình ảnh các bãi biển ngập nắng và ấm áp, người dân tươi cười… đã che khuất hố ngăn cách sâu rộng giữa người giàu và người nghèo. Nhưng ba năm bất ổn chính trị đã làm hoen ố hình ảnh ấy. Khi số người chết tăng từng ngày và nhiều khu vực ở trung tâm thành phố Bangkok biến thành chỗ không người, sức hấp dẫn của Thái Lan không còn nữa.

Giờ đây, thái độ của giới kinh doanh đối với Thái Lan đang trải qua một sự thay đổi sâu rộng. “Các công ty đang nghiên cứu rất kỹ có nên đầu tư vào Thái Lan hay không. Thái độ của giới kinh doanh đã thay đổi so với trước đây, khi Thái Lan luôn được coi là một điểm đến tốt đẹp và hấp dẫn “, ông Jacob Ramsay, nhà phân tích về Đông Nam Á của Control Risks, một công ty tư vấn về rủi ro chính trị có trụ sở tại Singapore, nhận định. “Họ muốn chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra trong một vài tháng tới. Thái độ này có ở mọi công ty, từ sản xuất hàng tiêu dùng đến công nghiệp nặng”, ông Ramsay nói thêm.

Minh chứng cho điều này, báo Wall Street Journal số ra ngày 18-5 cho biết, trong hai năm qua Thái Lan nhận được ít vốn đầu tư nước ngoài hơn Việt Nam dù quy mô kinh tế của Việt Nam nhỏ hơn.

Ngành du lịch Thái Lan bị tơi tả vì xáo trộn chính trị. Ảnh AP

Ngành du lịch Thái Lan, tơi tả trong ba năm xáo trộn chính trị và bạo lực gia tăng, hiện đã rơi xuống tận đáy khi các khách sạn năm sao và các trung tâm thương mại hào nhoáng nhất châu Á phải đóng cửa từ đầu tháng Tư vì những người biểu tình Áo Đỏ chiếm đóng khu vực rộng 3 km vuông ở trung tâm Bangkok, biến nơi này thành chiến lũy của họ.

Ngành du lịch, đóng góp 6% vào nền kinh tế Thái Lan và cung cấp việc làm trực tiếp cho 1,8 triệu người, có thể nhanh chóng lấy lại phong độ sau khi bạo lực kết thúc – nhưng niềm tin của nhà đầu tư vào sự ổn định của đất nước này đã bị thương tổn tới mức khó mà phục hồi được.

Một số chuyên gia cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay đáng lo ngại hơn nhiều so với các vụ bạo lực trong quá khứ, chẳng hạn như vụ đụng độ giữa sinh viên và quân đội đầu năm 1970 hay cuộc nổi dậy của những người ủng hộ dân chủ tại Bangkok năm 1992. “Những cuộc biểu tình trước đây không có nhiều máu đổ như thế. Lần này, bạo lực đã làm hỏng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài”, ông Chang Preston, một doanh nhân người Đài Loan chuyên xuất khẩu trái cây đóng hộp từ Thái Lan và đã lập nghiệp tại đây nhiều năm trước, nhận xét.

Chưa ai dự đoán rằng các nhà sản xuất lớn từ General Motors (Mỹ) cho đến các tập đoàn công nghiệp Nhật Bản – những công ty đã đầu tư hàng chục tỉ đô la Mỹ xây dựng nhà máy trong các khu công nghiệp ven biển miền Đông Thái Lan – sẽ đột ngột rút đi. Họ có vẻ như đang bị mắc kẹt vì quy mô đầu tư của họ. Nhưng các công ty có thể dễ dàng thu gọn hoạt động thì đang làm như vậy.

Theo các nhà phân tích, nếu không có dấu hiệu rõ ràng rằng tình trạng bất ổn những năm qua đã kết thúc, nhiệt tình đầu tư vào Thái Lan sẽ tiếp tục suy giảm. “Nhìn bề ngoài, tình trạng bất ổn này sẽ kết thúc mà không có giải pháp nào cho các vấn đề cơ bản chia cách hai bên”, ông Roberto Herrera-Lim, nhà phân tích về châu Á của Eurasia Group, nhận định và cho rằng bất ổn kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới các quyết định đầu tư trong 3-5 năm tới.

Còn theo ông Andrew Yates, điều hành công ty chứng khoán Asia Plus Securities – một công ty con tại Thái Lan của Ngân hàng Hoàng gia Scotland RBS – các doanh nghiệp tài chính như ngân hàng, công ty chứng khoán có khả năng sẽ thu hẹp hoạt động. Một số doanh nghiệp đã buộc phải phân tán nhân viên ra nhiều địa điểm trong thành phố để đề phòng tình trạng bạo lực đột ngột leo thang. Thương vong của dân thường trên đường phố – trong đó có cả người nước ngoài – đã khiến nhiều công ty đưa ra các biện pháp mạnh để bảo vệ an toàn cho nhân viên, một số công ty thuê khách sạn gần sân bay cho nhân viên tạm trú để dễ dàng “bay” khỏi Thái Lan khi bạo lực lan rộng.

Chưa có dấu hiệu nào cho thấy những mâu thuẫn cơ bản trong xã hội Thái Lan sẽ được giải quyết. Ảnh AP

“Chúng ta sẽ thấy ngành công nghiệp tài chính chuyển nhân viên từ Bangkok đến những nơi như Singapore”, ông Yates dự báo. Bổ sung cho nhận định này, ông David Simister, chủ tịch tại Thái Lan của công ty dịch vụ bất động sản CB Richard Ellis nói rằng nhu cầu thuê diện tích văn phòng tại Bangkok của các tập đoàn đa quốc gia đã suy giảm từ năm 2005, khi bắt đầu nổ ra các vụ biểu tình trên đường phố, dẫn tới cuộc đảo chính lật đổ thủ tướng Thaksin Shinawatra năm 2006. Giờ đây tình hình đã lên tới một cấp độ nghiêm trọng mới và chính công ty CB Richard Ellis cũng đã phải chuyển trụ sở từ trung tâm Bangkok ra vùng ngoại ô và lập một cơ sở làm việc tạm thời cho khoảng 100 nhân viên.

Ông Chang, nhà xuất khẩu trái cây và là chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thái – Đài Loan, cho biết trong năm qua các doanh nghiệp Đài Loan, từ nhà sản xuất giày đến sản xuất hàng nội thất, đã chuyển hoạt động sang Việt Nam dù lao động Việt Nam dễ đình công hơn so với Thái Lan. Công ty riêng của ông, Thai Bonanza, đã chuyển một phần hoạt động sang Việt Nam và đã bắt đầu xuất khẩu từ Việt Nam nhằm giảm sự phụ thuộc vào một nước Thái Lan ngày càng không ổn định.

Ông Chang nói thêm là trong năm 2009, các nhà sản xuất Đài Loan đã cam kết đầu tư hàng tỷ đô la Mỹ xây dựng nhà máy và các cơ sở khác ở Việt Nam so với chỉ 200.000 đô la cam kết đầu tư vào Thái Lan.

Ông Nandor von der G. Leuhe, chủ tịch liên minh các phòng thương mại nước ngoài tại Thái Lan cho biết, nhiều công ty thành viên của ông đang nghiên cứu thay đổi địa điểm hoạt động sang các thành phố lớn khác trong khu vực. Và ông cảnh báo: “Luật pháp và trật tự phải được phục hồi hoặc Thái Lan sẽ thiệt hại nặng”. “Chúng tôi không thể làm việc trong một tình huống không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra trong một vài tháng tới”, ông nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới