Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thái Lan thử nghiệm vaccine Covid-19 dạng xịt mũi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thái Lan thử nghiệm vaccine Covid-19 dạng xịt mũi

Khánh Lan

(KTSG Online) – Thái Lan sẽ bắt đầu triển khai thử nghiệm ở người 2 loại vaccine Covid-19 dạng xịt mũi vào cuối năm nay sau khi đạt được kết quả hứa hẹn trong các cuộc thử nghiệm ở chuột. Vaccine xịt mũi giúp truyền vaccine Covid-19 vào niêm mạc mũi, nơi virus SARS-CoV-2 thường xâm nhập đầu tiên.

Thái Lan thử nghiệm vaccine Covid-19 dạng xịt mũi
Vaccine Covid-19 dạng xịt mũi mở ra một hướng đi mới trong chiến dịch phòng ngừa Covid-19. Ảnh: Indian Express

Hôm 11-8, người phát ngôn chính phủ Thái Lan, Ratchada Thanadirek, cho biết 2 loại vaccine trên do Trung tâm Công nghệ sinh học và kỹ thuật di truyền quốc gia Thái Lan (BIOTEC) phát triển dựa trên virus cúm và virus adeno.
Vaccine dạng hít thứ nhất được phát triển dựa vào virus adeno với sự hỗ trợ tài chính của Viện Vaccine quốc gia Thái Lan.

Các cuộc thử nghiệm vaccine này ở chuột cho thấy cả dạng tiêm và dạng xịt mũi đều có hiệu quả phòng ngừa virus SARS-CoV-2. Không có con chuột nào trong cuộc thử nghiệm bị chết hay ốm bệnh. Tuy nhiên những con chuột được tiêm bị giảm cân, trong khi đó, những con chuột được xịt vaccine vào mũi vẫn duy trì cân nặng và ăn uống tốt. Điều này cho thấy vaccine dạng xịt mũi có khả năng bảo vệ sức khỏe tốt hơn.

Tiến sĩ Anan Jongkaewwattana, Giám đốc nhóm nghiên cứu quản lý và đổi mới thú y ở BIOTEC, cho biết các nhà nghiên cứu đang kiểm tra tải lượng virus SARS-CoV-2 ở phổi của những con chuột trong cuộc thử nghiệm.

Vaccine dạng xịt thứ 2 được phát triển dựa vào virus cúm, được làm yếu đi và bổ sung thêm protein RBD, giúp sản xuất kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2. Như vậy, vaccine này tạo ra 2 loại kháng thể để vừa chống Covid-19 vừa chống cúm mùa. Thử nghiêm ở chuột cho thấy vaccine tạo ra được hàm lượng kháng thể cao để ngăn ngừa nhiễm trùng phổi.

Người phát ngôn chính phủ Thái Lan, Ratchada Thanadirek nói sau khi thử nghiệm ở chuột với kết quả hứa hẹn, 2 vaccine Covid-19 dạng xịt mũi trên sẽ được sẽ được tiến hành thử nghiệm giai đoạn 1 ở người vào cuối năm nay nếu được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Thái Lan phê duyệt,

Cuộc thử nghiệm giai đoạn 1 cũng sẽ kiểm tra khả năng phòng ngừa biến thể Delta của virus SARS-CoV-2. Cuộc thử nghiệm giai đoạn 2 dự kiến tiến hành vào tháng 3 năm sau và nếu có kết quả tốt, Thái Lan sẽ sản xuất 2 vaccine này để  sử dụng rộng rãi vào giữa năm 2022.

Nhiều nước trên thế giới cũng đang phát triển vaccine Covid-19 dạng xịt mũi vì tuyến niêm mạc mũi được xem là điểm xâm nhập chủ yếu của virus SARS-CoV-2. Các chuyên gia virus ở BIOTEC tin rằng xịt vaccine Covid-19 vào mũi là giải pháp hợp lý để thay thế cho vaccine dạng tiêm.

Các loại vaccine dạng tiêm hiện nay kích thích sản xuất kháng thể trung hòa virus SARS-CoV-2 trong dòng máu sau khi được đưa vào cơ thể người thông qua mũi tiêm vào bắp tay. Nhưng virus SARS-CoV-2 trong các giọt bắn từ đường hô hấp của người nhiễm Covid-19 thường xâm nhập vào cơ thể người khác thông qua đường miệng hoặc đường mũi.

Vaccine dạng xịt mũi có thể cung cấp sự bảo vệ chính xác ngay đúng nguồn tiếp xúc virus SARS-CoV-2 bằng cách giúp phát triển kháng thể ở hốc mũi. Công nghệ vaccine xịt mũi không mới và đã có một  số vaccine dạng này được sử dụng để phòng ngừa cúm mùa kể từ năm 2003. Cho đến nay,  các vaccine xịt mũi vẫn chưa được sử dụng rộng rãi nhưng việc phát triển công nghệ này để phòng ngừa Covid-19 có thể làm thay đổi điều đó.

Các vaccine Covid-19 khác của Thái Lan, bao gồm vaccine sử dụng công nghệ RNA thông tin của Đại học Chulalongkorn và vaccine bất hoạt của Đại học Mahidol, sẽ được thử nghiệm giai đoạn 2 ở người trong tháng này.
Chiến dịch tiêm chủng ở Thái Lan hiện nay phụ thuộc vào các vaccine của Sinovac,  Sinopharm (Trung Quốc) và AstraZeneca (Anh). Trong khi đó, vaccine của Pfizer (Mỹ) được sử dụng để tiêm tăng cường (mũi thứ 3) cho đội ngũ nhân viên y tế tuyến đầu, những người đã tiêm 2 mũi vaccine của Sinovac.

Hôm 11-8, Bộ trưởng Y tế Thái Lan, Anutin Charnvirakul cho hay 32,5 triệu liều vaccine của Pfizer sẽ được giao trong năm nay, bao gồm 30 triệu liều đặt mua và 2,5 triệu liều được Mỹ tặng. Khoảng 6,8% trong số hơn 66 triệu dân Thái Lan đã được tiêm 2 mũi vaccine Covid-19.

Hồi cuối tháng 7, Công ty CanSino Biologics, nhà sản xuất vaccine của Trung Quốc, công bố kết quả của một thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu cho thấy, một phiên bản dạng hít của vaccine tiêm Covid-19 có tên gọi Ad5-nCoV của hãng này, vốn đã cấp phép sử dụng ở Trung Quốc, Pakistan và Mexico, cho thấy nó kích hoạt các phản ứng miễn dịch và không gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng.

Trong cuộc thử nghiệm, hai liều vaccine Covid-19 dạng hít được sử dụng cách nhau 28 ngày. Hai liều dạng hít này, với mỗi liều có thể tích chỉ bằng 1/5 liều vaccine tiêm vào bắp tay, tạo ra hàm lượng kháng thể trung hòa virus SARS-CoV-2 tương đương với một mũi tiêm. Trong bài viết đăng trên tạp chí y khoa The Lancet hôm 26-7, các nhà nghiên cứu của CanSino Biologics cho biết: “Việc sử dụng vaccine dạng hít Ad5-nCoV đơn giản, không gây đau đớn, dung nạp và tạo phản ứng miễn dịch tốt”.

Theo Bangkok Post, Thai PBS World

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới