Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thái Lan vực dậy ngành du lịch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thái Lan vực dậy ngành du lịch

Mỹ Hạnh

Ảnh minh họa: TL.

(TBKTSG) – Đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều năm qua, ngành du lịch Thái Lan đang nỗ lực hết sức để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh gần đây đã tụt giảm do biến động chính trị, suy thoái kinh tế toàn cầu và hiện nay là lo ngại dịch cúm A/H1N1 lan rộng.

Khách giảm, khuyến mãi tăng

Nửa đầu năm nay, lượng khách du lịch nước ngoài đến Thái Lan đã giảm 16%. Công suất sử dụng phòng khách sạn trên cả nước chỉ đạt 44%, giảm từ mức 66% hồi năm ngoái. Các khách sạn cao cấp ở Bangkok thậm chí đạt công suất phòng thấp hơn, chưa tới 40%.

Người đứng đầu Hội đồng Du lịch Thái Lan, ông Kongrit Hiranyakit, cho biết: “Tôi không nhìn thấy yếu tố tích cực nào. Giá dầu đang tăng, dịch cúm lan tràn khắp thế giới. Những vụ bất ổn chính trị làm hoen ố hình ảnh đất nước”.

Ông dự đoán năm nay ngành du lịch sẽ thất thu khoảng 200 tỉ baht (5,5 tỉ đô la Mỹ), giảm hơn một phần ba so với mức doanh thu 540 tỉ baht năm ngoái.

Để bù lại lượng khách du lịch nước ngoài suy giảm, Thái Lan chuyển hướng thúc đẩy du lịch nội địa.

Các khách sạn đưa ra nhiều chương trình giảm giá đến mức thấp nhất dành cho người dân Thái Lan. Chính phủ nước này đã kéo dài kỳ nghỉ trong tuần tới để khuyến khích người dân ra đường. Họ cũng giảm phí dịch vụ đậu máy bay và cho các doanh nghiệp nhỏ hoạt động trong ngành du lịch vay lãi suất thấp.

Hãng hàng không giá rẻ AirAsia bán vé đi từ Bangkok đến các điểm tham quan khác trong khắp nước Thái Lan với giá không tới 10 đô la Mỹ cho mỗi chuyến đi từ sau tháng 10. Hãng Thai Airways dành cho khách du lịch đến từ châu Âu, Bắc Mỹ, Úc và New Zealand một vé khứ hồi miễn phí cho đường bay nội địa từ nay đến hết tháng 10. Các khu mua sắm hào nhoáng nhất ở Bangkok giảm giá từ 20-70% cho nhiều mặt hàng.

Các khách sạn cao cấp thay vì giảm giá phòng lại đưa ra nhiều ưu đãi cho khách lưu trú. Khách sạn Peninsula ở thủ đô Bangkok tặng cho khách một phiếu giảm giá dùng trong quán bar và nhà hàng của khách sạn trị giá 3.500 baht (khoảng 100 đô la Mỹ), ngoài ra còn miễn tiền thuê phòng đêm thứ hai ở bất kỳ khách sạn Peninsula nào trên thế giới. Khu nghỉ mát 5 sao Mandarin Oriental Dhara Dhevi ở miền núi phía bắc Thái Lan đưa ra gói dịch vụ ưu đãi gồm chơi golf, phiếu chăm sóc da trong 80 phút cùng với hai đêm nghỉ chỉ khoảng 1.200 đô la Mỹ cho hai người.

Nhưng triển vọng chưa sáng sủa

Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại rằng còn lâu lắm ngành du lịch mới hồi phục được – ngành này cung cấp việc làm cho 2,5 triệu người và là trụ cột của nền kinh tế.

Mặc dù sự trì trệ chưa dẫn đến tình trạng mất việc làm hàng loạt nhưng nhiều khách sạn đã phải cho nhân viên nghỉ tạm thời không hưởng lương. Trong tháng 3-2009, số lao động thời vụ làm việc trong các khách sạn và nhà hàng ở Thái Lan đã giảm hơn 100.000 người so với tháng 2. Tuy nhiên, theo ông Dale Lawrence, Giám đốc truyền thông của Hiệp hội Du lịch châu Á-Thái Bình Dương (PATA) có trụ sở tại Bangkok: “Đang có nỗ lực giữ người. Từ các cuộc khủng hoảng trước, Thái Lan đã rút ra được bài học là nếu để cho quá nhiều người mất việc thì khi ngành du lịch phục hồi họ sẽ thiếu nghiêm trọng những nhân viên đã qua đào tạo”.

Hình ảnh của Thái Lan như một điểm du lịch miền nhiệt đới rẻ tiền và thuận tiện đã bị xấu đi nghiêm trọng từ những vụ rối loạn chính trị gần đây; nổi bật là vụ người biểu tình phong tỏa sân bay quốc tế Bangkok tháng 11 năm ngoái và phá vỡ hội nghị cấp cao ASEAN ở thành phố nghỉ mát Pattaya hồi tháng 4, sau đó xung đột kéo dài trên đường phố Bangkok làm 2 người thiệt mạng. Tình hình đã dịu đi và trên khắp cả nước sự bình yên đã trở lại, chỉ trừ mấy tỉnh phía nam, nơi các nhóm nổi dậy theo đạo Hồi vẫn xung đột với chính quyền theo đạo Phật.

Dịch cúm A/H1N1 lại gây thêm khó khăn. Thái Lan cho biết hiện đã có ba trường hợp tử vong và 1.300 trường hợp bị nhiễm cúm – một trong những nước có tỷ lệ cao nhất khu vực tuy vẫn còn thấp hơn Úc với 3.500 trường hợp.

“Du khách đến Thái Lan phần lớn từ các nước láng giềng, không quan tâm đến chính trị nhưng sợ dịch cúm. Khách du lịch châu Âu thì ngại đi lại”, ông Kongkrit nói.

Thông thường, kinh doanh du lịch bị sụt giảm trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 10 – mùa mưa ở Thái Lan, nhưng chưa năm nào tệ hại như năm nay.

Tuy nhiên, trong lúc các khách sạn sang trọng bị ảnh hưởng nặng nề nhất thì du lịch bình dân dường như không bị ảnh hưởng nhiều. Các quán bia, quán nhậu rẻ tiền dọc theo đường Khao San của Bangkok và một số địa điểm dành cho du khách ba lô vẫn tấp nập. “Chúng tôi vẫn đầy khách mà không cần phải ưu đãi đặc biệt gì”, ông Bern Poednie, chủ nhà nghỉ Julie’s Guest House ở thành phố Chiang Mai miền bắc Thái Lan, cho biết.

Chính quyền các nơi hy vọng rằng người dân Thái đi nghỉ lễ dịp này sẽ giúp bù lại sự giảm sút trong ngành du lịch. “Dịch cúm khiến nhiều người Thái Lan ngại du lịch ở nước ngoài. Đi nghỉ cũng là cách tốt nhất để thoát khỏi khủng hoảng kinh tế và chính trị”, ông Suraphon Sawetsaranee, Tổng cục phó Tổng cục Du lịch Thái Lan, nhận định.

(Theo AP)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới