Tham khảo chiến lược xuất khẩu gạo của Thái Lan
TS. Nguyễn Công Thành (*)
![]() |
Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ. |
(TBKTSG) – Thái Lan liên tục dẫn đầu thế giới về lượng gạo xuất khẩu. Song, các nhà xuất khẩu Thái Lan vẫn đang xây dựng nhiều chiến lược cạnh tranh với các nước xuất khẩu gạo khác trong đó có Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan… Cần tham khảo một số vấn đề về tổ chức hệ thống điều hành xuất khẩu gạo và chiến lược xuất khẩu gạo của họ trong thời gian tới.
Vai trò quan trọng của hiệp hội
Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo của Thái Lan (gọi tắt là hiệp hội) là một tổ chức nhằm giúp đỡ và ủng hộ các công ty và nhà xuất khẩu gạo của Thái Lan. Nhiệm vụ chính của hiệp hội là nghiên cứu và thu thập dữ liệu và thông tin liên quan đến xuất khẩu gạo trên thế giới và thường xuyên cung cấp cho các thành viên của hiệp hội. Do tính chất thời sự thay đổi nhanh chóng của thị trường gạo, các nhà kinh doanh gạo Thái Lan rất cần cập nhật thông tin ở mọi thời điểm về thị trường mua bán lúa gạo trong nước và tất cả các nước trên thế giới nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của mình.
Chức năng khác của hiệp hội là trung tâm của cả khối tư nhân và nhà nước về xuất khẩu gạo. Hiệp hội đề xuất những vấn đề có liên quan đến thương mại lúa gạo giúp tăng hiệu quả cạnh tranh xuất khẩu hoặc kiến nghị Chính phủ giải quyết những vấn đề còn tồn tại. Bên cạnh đó, bộ phận quản lý của Nhà nước Thái Lan sẽ cùng thảo luận với hiệp hội trước khi chính phủ đề ra chính sách hoặc quy định về thương mại lúa gạo.
Hiệp hội chủ trương tạo sự hợp tác giữa các nhà xuất khẩu trong nước hơn là tranh đấu vì quyền lợi riêng hoặc cạnh tranh không lành mạnh. Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cũng có sự hợp tác trao đổi dữ liệu và thông tin với các hiệp hội nhà xuất khẩu ở các nước khác, trong đó có Hiệp hội Lương thực Việt Nam.
Chiến lược kích thích xuất khẩu gạo của Thái Lan
Chiến lược áp dụng cho việc kinh doanh xuất khẩu gạo là sự hợp tác giữa Bộ Thương mại với Bộ Nông nghiệp và hợp tác xã. Hai bộ này sẽ hỗ trợ nghiên cứu và tìm giải pháp nhằm hạ chi phí, giảm giá thành sản xuất lúa và tăng năng suất. Ví dụ, một trong những giải pháp để giảm chi phí hậu cần cho lúa gạo xuất khẩu là việc thay thế vận chuyển xe tải bằng tàu thủy.
Việc giảm chi phí nói chung giúp các nhà xuất khẩu gạo của Thái Lan dễ dàng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Thái Lan luôn đổi mới và gia tăng hiệu quả xuất khẩu vì họ ý thức rằng các nước khác cũng phát triển chiến lược để cạnh tranh với gạo Thái Lan trên thị trường thế giới. Trong những năm gần đây, cuộc khủng hoảng lương thực dẫn đến sản xuất lương thực thế giới không ổn định và giá gạo tăng cao hơn trước đây. Kết quả là nhiều nước khác cũng muốn gia tăng gieo trồng lúa gạo cho xuất khẩu. Vì thế Thái Lan nhấn mạnh sự phát triển một cách nghiêm ngặt chiến lược của mình để duy trì vị trí nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Thái Lan tăng cường đa dạng hóa các sản phẩm gạo và mẫu mã bao bì đóng gói. Thái Lan thường xuất khẩu rất đa dạng các mặt hàng gạo sau đây: gạo thơm trắng Thái Lan (Hommali, Jasmine rice), gạo trắng Thái, gạo tấm trắng Thái, gạo nếp trắng Thái, gạo nếp đen Thái, gạo đỏ Thái, gạo đồ Thái (Thai Parboiled Rice), gạo lức Thái, gạo lức thơm Thái.
Trong đó, gạo trắng hạt dài Thái Lan thường có các phẩm cấp gạo sau đây: 100% phẩm cấp B, 5%, 10%, 15%, 25%, 35% tấm, 100% tấm A 1 cực siêu hạng, và 100% tấm A 1 siêu hạng. Loại gạo hạt dài gồm các sản phẩm như: loại 100% gạo không chọn lựa hạt (không dùng máy để tách hạt khác màu), 5%, 10% và loại 15% tấm không chọn lựa hạt…
Mở rộng diện tích trồng lúa và cải thiện chất lượng lúa gạo
Thái Lan thừa nhận, trong quá khứ khủng hoảng lương thực hiếm khi xảy ra. Nhưng trong tương lai rất có thể khủng hoảng lương thực xảy ra thường xuyên hơn. Điều này có thể do nhiều nguyên nhân: chiến tranh, thiên tai, biểu tình/đình công quy mô lớn kéo dài hoặc do giá nhiên liệu tăng ảnh hưởng đến sản xuất lúa gạo. Ngoài ra, nông dân có xu hướng gieo trồng những loại cây khác thay thế lúa để sản xuất năng lượng sinh học, do cho thu nhập cao hơn lúa.
Do đó, ổn định sản xuất lương thực, đặc biệt là sản xuất lúa là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong bối cảnh hiện tại. Phương hướng để kiểm soát khủng hoảng lương thực là đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng nông nghiệp và đầu tư nghiên cứu về lúa gạo một cách nghiêm ngặt hơn, nhằm tìm ra bí quyết cải thiện quá trình sản xuất và mở rộng những vùng trồng lúa trên thế giới. Song, điều này chỉ khả thi khi những vùng có diện tích trồng lúa đó có chính sách an ninh ổn định, cũng như tình trạng kinh tế tốt, kể cả sự ủng hộ của Chính phủ về chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trực tiếp đến với người trồng lúa.
Thị trường lương thực và gạo sẽ gia tăng ở mọi thời đại bởi vì dân số thế giới gia tăng hàng năm, kéo theo sự gia tăng tiêu thụ gạo và lương thực. Song, một số nước nhập khẩu như Malaysia đang cố gắng sản xuất nhiều lúa gạo hơn bằng cách tăng diện tích trồng lúa. Một số nước khác đầu tư tiền bạc để mua nhiều đất trồng lúa hơn. Vì thế Thái Lan duy trì vị trí nước đứng hàng đầu xuất khẩu gạo trên thị trường thế giới bằng cách cải thiện và phát triển chất lượng lúa gạo ngày càng tốt hơn.
Người không chuyên môn có thể không biết sự khác nhau về chất lượng gạo như gạo mềm và gạo cứng do hàm lượng amylose trong gạo khác nhau. Nhưng sự khác nhau này liên quan tới xuất khẩu vì có sự khác nhau về nhu cầu chất lượng gạo theo từng nước. Ví dụ, người châu Phi thích ăn gạo đồ (parboiled rice – loại gạo đã hấp chín nửa chừng) được làm từ gạo cứng trong khi gạo mềm hoặc gạo thơm (jasmine rice) không thể dùng để làm gạo đồ được.
Như vậy, quan tâm đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu chọn tạo giống lúa là cần thiết. Và Thái Lan cũng xác định rõ ràng chiến lược quy hoạch các vùng gieo trồng các loại lúa chất lượng khác nhau nhằm đáp ứng các nhu cầu khác nhau của khách hàng. Từ đó, Thái Lan tăng khả năng cạnh tranh và kích thích khách hàng lựa chọn loại gạo đặc biệt và độc nhất của họ để nhập khẩu cho nhu cầu tiêu thụ của người dân ở nhiều nước trên thế giới.
____________________________
(*) Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam